Chính phủ giao thêm
Ngày 19/6, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu tập đoàn phải quan tâm xử lý các sản phẩm tồn đọng, rõ hơn là “phải có giải pháp xử lý hơn 9 triệu tấn than tồn kho”.
Theo báo cáo của ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, lượng than tồn thực tế vào khoảng 1,5 – 2 triệu tấn, số còn lại là than lưu trữ theo chỉ đạo của Chính phủ, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và dự trữ chiến lược cho nền kinh tế.
Nhưng người đứng đầu TKV phân trần, rằng tập đoàn là đơn vị bỏ tiền khai thác, dự trữ với lượng than dự trữ bắt buộc. Cộng với giá trị lượng than tồn kho đang là 1,5 – 2 triệu tấn thì đã tới ngưỡng chịu đựng về tài chính của TKV. Vì vậy, nếu than tồn kho tiếp tục tăng cao thì TKV chỉ còn giải pháp buộc phải thắt lưng buộc bụng để đảm bảo tài chính - ông Chuẩn nêu cho biết.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, TKV hiện có khoảng 113.000 người lao động, sản xuất 18,3 triệu tấn than, đạt 54% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng than tiêu thụ là 18,03 triệu tấn, đạt 50% kế hoạch năm và tăng 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng tồn kho than thương phẩm lên tới 9,3 triệu tấn.
Doanh thu toàn Tập đoàn ước khoảng 53.300 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách Nhà nước 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự kiến cả năm, lợi nhuận của Tập đoàn đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2016.
Tuy nhiên, mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng, TKV phải sản xuất tăng thêm 2 triệu tấn than so với dự kiến, để đáp ứng chỉ tiêu tăng GDP đạt mức 6,7%. Điều này sẽ khiến lượng than tồn kho của TKV trong thời gian tới có thể sẽ tăng lên – tuy không phản đối chỉ đạo của Chính phủ, nhưng lãnh đạo TKV cũng không dấu sự lo ngại trước nguy cơ tăng tồn kho than có nguyên nhân từ mệnh lệnh hành chính.
Theo Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, TKV phải quán triệt nghiêm túc Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, đồng bộ triển khai các giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực.
Cụ thể, TKV phải khai thác đạt 35 triệu tấn than, đẩy nhanh tiến độ các dự án alumin và có các phương án, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra và từ đó đạt mức đóng góp vào tăng trưởng GDP là 0,8 điểm %.
“Thủ tướng giao TKV phải đề xuất với Chính phủ các phương án đảm bảo tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Đoàn công tác sẽ báo cáo Thủ tướng các phương án này tại phiên họp Chính phủ vào ngày 3/7 tới” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gợi ý TKV tự đề xuất các giải pháp để “gỡ bí” để đạt yêu cầu của Chính phủ.
“Điều kiện” của TKV
Hiện cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, nhu cầu tiêu thụ than của chỉ riêng nhóm các nhà máy nhiệt điện đã vào khoảng 45 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 3 tỷ USD, và rõ ràng đã vượt quá khả năng khai thác 35 triệu tấn theo kế hoạch của TKV.
Nhưng khá ngạc nhiên, việc TKV lo ngại không đạt được nhiệm vụ Chính phủ giao lại bắt nguồn từ khả năng tiêu thụ than không chắc chắn. Trong khi đây lại là là mảng hoạt động tập đoàn có nhiều lợi thế về cơ chế nhất.
Theo TKV, đến nay tập đoàn mới ký được 9 hợp đồng dài hạn với các nhà máy điện, còn lại chưa “chốt” được giá mua than năm 2017 với các nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Lý do EVN không “khoái” mua than của TKV, thực ra, không hề mới mẻ. Từ nhiều năm qua, giá than do TKV khai thác trong nước luôn cao hơn giá than nhập khẩu. Năm 2017, chênh lệch ấy vào khoảng 5 – 10 USD/tấn.
Như vậy, nếu EVN được phép tự chủ nhập hàng chục triệu tấn than cho các nhà máy của tập đoàn này – thay vì mua của TKV - số tiền tiết kiệm được sẽ là hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đương nhiên, giảm chi phí mua than sẽ góp phần giảm áp lực tăng giá bán điện, đây là điều mà người dân và doanh nghiệp mong đợi.
Thế nên sẽ không lạ, khi EVN luôn tìm cách giảm lượng mua than của TKV xuống mức thấp nhấp có thể. Chẳng hạn như ngày 26/5, EVN báo cáo Bộ Công Thương, dự tính giảm mua khoảng 2 triệu tấn than của TKV trong năm 2017, từ 19,92 triệu tấn xuống còn 17,92 triệu tấn, do sẽ tăng mua than với giá rẻ hơn của 2 đơn vị mới.
Như vậy, EVN giảm 2 triệu tấn than, khai thác thêm 2 triệu tấn sẽ khiến ngành than tồn 4 triệu tấn, nâng tổng tồn kho lên đến 13 - 14 tiệu tấn, điều này sẽ khiến tài chính ngành mất cân đối và phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Tất nhiên, TKV khẳng định việc EVN giảm sản lượng mua sẽ gây thiệt hại cho tập đoàn này. Lý do, TKV đã ký hợp đồng với các đối tác để triển khai kế hoạch khai thác đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than dự tính từ đầu năm 2017.
Đó là các hợp đồng như: hợp đồng thuê máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua sắm vật tư… Do đó, khi EVN muốn giảm mua 2 triệu tấn than, thì TKV đã có nguy cơ phải giảm khoảng 4.000 lao động, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa.
Trong khi đó thì Chính phủ lại giao TKV khai thác thêm 2 triệu tấn than, tức là đã đặt tập đoàn trước nguy cơ sẽ tồn khoảng 4 triệu tấn than thương mại, và tổng cộng khoảng 11 – 12 triệu tấn nếu tính cả lượng dự trữ bắt buộc. Số lượng tồn này vượt quá khả năng tài chính và cũng vượt quá khả năng xử lý của tập đoàn.
Đó đúng là bài toán khó mà TKV muốn Chính phủ phải xử lý. Mà lời giải bài toán này dường như chỉ còn duy nhất biện pháp phải chỉ đạo EVN mua than của TKV với giá cao. Và nếu đây là biện pháp được thực hiện, cũng có nghĩa giá điện có nguy cơ sẽ tăng, ngay trong năm 2017.