Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2016, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) gặp nhiều khó khăn hơn so với cùng kỳ năm 2015 trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật đề ra từ đầu năm. Trong đó, hết tháng 9/2016, than tồn kho của TKV lên tới 10,8 triệu tấn, với 8,9 triệu tấn than sạch.
Theo TKV, hiện giá thành than sản xuất trong nước cao hơn than nhập khẩu. Được biết, mỗi tấn than nhập khẩu khi về tới Việt Nam luôn thấp hơn từ 5-10USD so với than sản xuất trong nước, điều này khiến TKV phải nhập khẩu than để phối trộn với than trong nước bán cho các hộ tiêu thụ, quá đó ổn định giá thành than và đảm bảo lợi nhuận hoạt động.
Trước đó, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 5964/QĐ-BCT ngày 09/10/2012 phê duyệt Đề án cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu là xác định nhu cầu và nguồn cung cấp than cho sản xuất điện đến năm 2030, tối ưu các phương án cấp than cho các nhà máy điện trong Quy hoạch điện VII.
Trước và sau khi có quy hoạch này, phần lớn các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ than đều mua than của TKV, trong đó có than do doanh nghiệp này nhập khẩu.
Do chênh lệch giá thành giữa than trong nước và than nhập khẩu khá lớn, mà cụ thể giá bán than của TKV cao hơn giá than nhập khẩu, nên nhiều hộ tiêu thụ than như nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất xi măng đã đề xuất với Bộ Công thương, xin được tự chủ tìm kiếm nguồn than, bao gồm cả tự nhập khẩu than, để đảm bảo nguồn và giá thành than phục vụ sản xuất.
Theo lý giải của các đơn vị trên, nếu được phép tự chủ nguồn than, các đơn vị này sẽ có thể hạ giá thành sản phẩm của mình.
Giải thích về vấn đề giá thành than trong nước cao hơn giá nhập khẩu, nhưng TKV không thể hạ giá, lãnh đạo của TKV cho biết, sở dĩ giá than trong nước bị đội lên vì Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu than từ 10% lên 13%, đồng thời chi phí sản xuất than của TKV mỗi năm tăng từ 4% đến 5% do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn.
Ngoài ra, đến cuối tháng 4/2016, Chính phủ mới cho phép xuất khẩu than nên các khách hàng lớn đã chuyển sang ký hợp đồng mua than của các nước khác khiến ngành than xuất khẩu khó khăn.
Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng, nếu nhập khẩu than cho giá thành tốt hơn, thì nên cho phép TKV tăng lượng nhập khẩu để giảm khai thác than trong nước. Lý do vì khai thác than bao giờ cũng là tàn phá môi trường, trong khi nhập khẩu than với giá rẻ, chủ yếu là cung cấp cho các hộ sản xuất điện, xi măng thì cũng là làm lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Thực tế, hiện TKV nhập than về và sau đó phối trộn với than khai thác trong nước để bán với lý do ổn định giá thành là không thuyết phục. Vì về bản chất đây vẫn là việc bắt than nhập khẩu gánh thêm một phần giá thành cao của than trong nước và việc cho phép TKV áp dụng phương án này là đi ngược nguyên tắc thị trường. Làm cho người tiêu dùng thiệt hại.
Tuy nhiên, điều nhìn thấy rõ là cho dù là doanh nghiệp nhập than lớn nhất, đồng thời lại là nhà khai thác kinh doanh than lớn nhất, nhưng hoạt động của TKV vẫn bị đánh giá là khó khăn, tồn đọng nhiều thì quả là khó hiểu. TKV nên tập trung vào nhiệm vụ nào, khai thác - kinh doanh, hay nhập khẩu - kinh doanh, để đạt lợi nhuận tối ưu, lại vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.