Đầu năm 2023, Premier League đã hợp tác với K+ để khởi động chiến dịch "Boot Out Piracy" (Đẩy lùi vi phạm bản quyền) trên các kênh truyền hình và kỹ thuật số tại Việt Nam |
LTS: Nhân ngày Sở hữu Trí tuệ thế giới (26/4), VietTimes xin đăng tải bài viết của ông Kevin Plumb – Cố vấn cấp cao về pháp lý và quản trị liên quan đến bản quyền của Giải bóng đá ngoại hạng Anh (Premier League). Kevin Plumb gia nhập Premier League từ 2007 và hiện là Giám đốc Bộ phận Pháp lý của giải Ngoại Hạng Anh. Ông là chuyên gia hàng đầu với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ. Ông cũng đóng vai trò quan trọng xúc tiến sự hợp tác và phát triển của Premier League tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Premier League là giải bóng đá được đón xem nhiều nhất trên thế giới. Khoảng một nửa lượng người hâm mộ và một phần tư khán giả xem truyền hình của giải đấu này đến từ khu vực châu Á. Sự ủng hộ của người hâm mộ là yếu tố quan trọng giúp giải đấu thành công, chính vì vậy BTC Premier League muốn đảm bảo người hâm mộ có trải nghiệm xem tốt nhất và tránh khỏi các rủi ro thường gặp khi truy cập các chương trình trực tuyến vi phạm bản quyền.
Trên tinh thần đó, Premier League đã mở văn phòng quốc tế đầu tiên tại Singapore vào năm 2019. Tại đây, chúng tôi hợp tác với chính quyền địa phương và các nhà lập pháp trong toàn khu vực, bao gồm Việt Nam, để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền.
Chúng tôi triển khai nhiều hoạt động để đối phó với vấn nạn vi phạm bản quyền, bao gồm việc chặn các trang web và ứng dụng bất hợp pháp, khởi kiện dân sự và hình sự đối với những nhà cung cấp nội dung vi phạm bản quyền, đồng thời phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức với quy mô lớn đến người hâm mộ. Yếu tố trọng tâm trong các hoạt động của chúng tôi là quan hệ đối tác chặt chẽ để hợp tác hiệu quả với cơ quan chính quyền và các đài truyền hình địa phương, chẳng hạn như K+.
Hợp tác với cơ quan chức năng để trừng phạt nạn vi phạm bản quyền theo pháp luật
Vào đầu năm nay, Luật Sở hữu Trí tuệ (sửa đổi) của Việt Nam đã có hiệu lực; theo đó Luật đã đồng bộ với tiêu chuẩn Sở hữu trí tuệ quốc tế đặt ra trong các thỏa thuận thương mại như CPTPP, EVFTA, RCEP và Hiệp định TRIPS của WTO. Điều này thể hiện cam kết của chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo luật pháp có thể tiếp tục bảo vệ quyền lợi của người dân và lợi ích ngành trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của môi trường kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng giữ vai trò rất quan trọng trong nỗ lực chống vi phạm bản quyền. Thông qua việc tự phát hiện và theo dõi các trường hợp vi phạm bản quyền, doanh nghiệp có thể cung cấp bằng chứng quan trọng để hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện hành động pháp lý chống lại nạn vi phạm bản quyền. Ngoài ra, bằng cách kết hợp kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn với cơ quan chức năng, khối tư nhân có thể phát triển các phương pháp mới và hiệu quả hơn để chống lại việc phát hành nội dung trái phép.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Giải bóng đá Ngoại hạng Anh và Truyền hình K+, việc chặn trang web đã được triển khai ngay đúng thời điểm trước khi trận đấu bắt đầu, từ đó ngăn chặn những kẻ vi phạm bản quyền phát lại nội dung trực tiếp bất hợp pháp trong thời gian diễn ra các trận đấu. Tương tự, sự hợp tác giữa Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, K+ và Cục PTTH &TTĐT đã đã gặt hái được kết quả tích cực khi đã thành công triển khai việc chặn ứng dụng lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2 năm nay.
Hợp tác với đài truyền hình để nâng cao nhận thức về rủi ro an ninh mạng
Ngoài việc đẩy lùi vấn nạn lan truyền các nội dung vi phạm bản quyền, Giải bóng đá Ngoại hạng Anh cũng đang phối hợp với các đối tác để bảo vệ người hâm mộ khỏi rủi ro an ninh mạng khi truy cập nội dung bất hợp pháp. Phần lớn người hâm mộ sẽ không vi phạm bản quyền, nhưng nếu vi phạm, họ sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ và rủi ro hơn những gì họ hình dung.
Dựa trên nghiên cứu của công ty phân tích dữ liệu và sở hữu trí tuệ White Bullet Solutions, 75% trang web vi phạm bản quyền Giải bóng đá Ngoại hạng Anh phổ biến nhất tại Việt Nam đều có chứa các nội dung đầy rủi ro cho người hâm mộ như lừa đảo, phần mềm độc hại, quảng cáo dịch vụ người lớn hoặc cờ bạc. Không chỉ vậy, Giáo sư Paul Watters, chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng tại Đại học La Trobe, Úc, còn cho biết thêm rằng, chỉ mất chưa đến một phút để các phần mềm độc hại từ một trang web vi phạm bản quyền tấn công và gây hại đến thiết bị của người dùng.
Giải bóng đá Ngoại hạng Anh đang tiếp tục làm việc với các đối tác để đảm bảo an toàn cho người hâm mộ. Đầu năm nay, chúng tôi đã hợp tác với K+ để khởi động chiến dịch "Boot Out Piracy" (Đẩy lùi vi phạm bản quyền) trên các kênh truyền hình và kỹ thuật số tại Việt Nam. Chiến dịch có sự tham gia của các cầu thủ bóng đá hàng đầu thuộc Giải bóng đá Ngoại hạng Anh như hậu vệ Trent Alexander-Arnold của Liverpool, Ilkay Gundogan của Manchester City, tiền đạo Jamie Vardy của Leicester City và Jack Harrison của Leeds United. Các ngôi sao nhấn mạnh về rủi ro bảo mật khi xem Giải bóng đá Ngoại hạng Anh trên các trang web và thiết bị vi phạm bản quyền, cũng như khác biệt trong trải nghiệm so với các dịch vụ chính thức.
Công cuộc chống nạn vi phạm bản quyền vẫn tiếp diễn
Nhân ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới, chúng ta cần nhận thức rằng, mặc dù đã có nhiều bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống lại vi phạm bản quyền, nhưng chúng ta không nên thiếu cảnh giác. Những kẻ vi phạm bản quyền sẽ liên tục tìm ra những cách thức mới để luồn lách và né tránh cơ quan thực thi pháp luật.
Cùng với các đối tác, chúng ta phải đối mặt với thách thức này. Các đội bóng giỏi nhất linh hoạt áp dụng các chiến lược phòng thủ khác nhau cho từng đối thủ, nên chúng ta cũng cần phải linh động hơn trong cách thức đối phó với nạn vi phạm bản quyền, cũng như chia sẻ các phương pháp hiệu quả nhất, phối hợp cùng nhau và ứng dụng công nghệ mới nhất để đảm bảo thành công lâu dài.