TKV lên tiếng về khoản lỗ 3.700 tỷ đồng tại dự án boxit Tân Rai

VietTimes -- Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, các khoản thua lỗ đều nằm trong dự kiến và trong năm nay dự án này sẽ có lãi, đúng theo kế hoạch đề ra.

Tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng (Nhân Rai và Tân Cơ) lỗ gần 3.700 tỷ đồng tính đến tháng 9/2016.
Tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng (Nhân Rai và Tân Cơ) lỗ gần 3.700 tỷ đồng tính đến tháng 9/2016.

Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đưa tin, sau 3 năm đi vào hoạt động (từ 10/2013 đến hết tháng 9/2016), dự án Alumin Nhân Cơ (cụ thể là dự án boxit Tân Rai) đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng.

Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng. Con số lỗ này đã vượt xa so với số lỗ lũy tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá)

Giải thích việc này, ông Biên cho biết, dự án được xác định sẽ thua lỗ trong 4 năm đầu hoạt động, Tuy nhiên, hiện mức lỗ của dự án bôxit Tân Rai có tăng hơn so với dự kiến ban đầu, lên tới 3.696 tỉ đồng so với mức 860 tỷ đồng tại kế hoạch.

Theo ông Biên, đây là dự án lớn của ngành công nghiệp, với công nghệ mới, rất phức tạp, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, một số chi phí trong vận hành chưa chủ động được. Do đó có nhiều yếu tố khách quan làm tiến độ dự án kéo dài, làm tăng chi phí so với dự kiến ban đầu.

Tuy nhiên, yếu tố tác động lớn nhất là giá thị trường. Trước đây theo tính toán dự án, mức giá bán cho mỗi tấn alumin là 326 USD/tấn tính cho năm 2014, sau đó dự kiến tăng dần 1,21%/năm, trung bình 30 năm là 350 USD/tấn. Tuy nhiên, thực tế giá thị trường thế giới có thời điểm đã xuống tới 200 USD.

Cơ chế chính sách cũng làm cho dự án bị thay đổi hiệu quả. Đơn cử trước đây Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án thí điểm nên Chính phủ có chỉ đạo chưa thu thuế xuất khẩu. Tuy nhiên gần đây mức thuế này đã được điều chỉnh tăng thêm 2%.

Bên cạnh đó, đơn giá tính thuế tài nguyên cũng tăng lên từ 140.000 đồng/tấn lên 170.000 đồng/tấn quặng nguyên khai, các khoản như tiền cấp quyền khai thác, phí sử dụng tài liệu địa chất... cũng đều tăng.

Tuy nhiên, ông Biên cũng đính chính, sau 3 năm vận hành, đến nay dự án đã làm chủ được công nghệ và các chỉ tiêu cũng tốt hơn, chất lượng sản phẩm tăng lên. Vì vậy, giá thành sản phẩm alumin đã giảm xuống, năm 2014 ở mức 5,1 triệu đồng/tấn, năm 2015 còn 4,6 triệu đồng/tấn; năm 2016 giảm còn 4,1 triệu đồng/tấn (giá thành phân xưởng).

Với giá xuất khẩu alumin hiện nay là trên 350 USD/tấn (gần 8 triệu đồng) thì ngay trong năm nay dự án sẽ có lãi. Thực tế, từ cuối năm 2016 dự án đã bắt đầu tự cân bằng thu chi.

Về mức lãi, dự kiến mức lãi năm 2017 sẽ khoảng 100 tỷ đồng. Các năm sau mức lãi sẽ tăng. Thời gian thu hồi vốn dự tính từ 10-12 năm (tính từ khi dự án đi vào sản xuất năm 2013).