TKV không còn độc quyền nhập khẩu than

VietTimes -- Lý giải việc Bộ Công thương dự tính trong năm nay sẽ nhập 3,1 triệu tấn than nhưng hiện đã nhập trên 10,1 triệu tấn, lãng đạo Bộ cho rằng số dư trên là do chưa tính đến các hộ khác như sản xuất xi măng, hoá chất, phân bón, luyện kim…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin trên được ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Việt Nam (Bộ Công Thương) giải thích tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào sáng nay (24/10).

Với việc 7 triệu tấn than nhập về không thông qua đầu mối nhập khẩu than TKV, có thể hiểu TKV đã không còn giữ được độc quyền nhập khẩu than như Chính phủ quy định tại Thông báo số 346/TB-VPCP ngày 26/8/2014.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, việc nhập khẩu than tăng nhanh là do nguồn than trong nước không đáp ứng và giá than nhập khẩu rẻ hơn giá than khai thác trong nước.

Ngoài ra, muốn bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia thì cần phải đáp ứng đủ, ổn định và có tính lâu dài về nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện cũng như các hộ tiêu dùng khác. Nên nếu nhập khẩu được than giá rẻ tức là đã tăng nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho đất nước, chưa kể nếu đó là nguồn cung dài hạn sẽ là tín hiệu tốt. 

Như vậy, xu hướng nhập khẩu than thay thế dần nguồn than trong nước là cần thiết để vừa bảo đảm nhu cầu năng lượng, vừa hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên quốc gia, vừa giảm bớt thế độc quyền của TKV bấy lâu nay.

Lãnh đạo Bộ Công thương còn cho biết, than là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, than xuất khẩu thời gian vừa qua chủ yếu là than trong nước chưa sử dụng hết hoặc chưa sử dụng. Hằng năm, Bộ Công Thương trên cơ sở tính toán cung cầu, đáp ứng tối đa sử dụng trong nước, còn lại báo cáo Chính phủ xuất khẩu.

Điều này sẽ đặt ra câu hỏi về phương hướng phát triển trong tương lai của TKV: nên khai thác - kinh doanh, hay nhập khẩu - kinh doanh để vừa bảo tồn được tài nguyên quốc gia vừa sớm thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay.