Bộ Công thương ủng hộ doanh nghiệp nhập khẩu than không qua TKV

VietTimes -- Sau Formosa Đồng Nai, Nhiệt điện Duyên Hải III (Trà Vinh) cũng đã được Bộ Công thương đồng ý cho tự chủ nguồn than sử dụng trong hoạt động sản xuất, dù quy định của nhà nước yêu cầu việc nhập khẩu than phản qua đầu mối TKV.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, trong Văn bản số 10077 tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã có ý kiến ủng hộ cho Nhà máy nhiệt điện Duyên hải III nhập khẩu than để phát điện.

Như vậy, sau Formosa Đồng Nai và Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài - FDI), lại có thêm một doanh nghiệp vốn nước ngoài được Bộ Công thương đồng ý cho tự chủ nguồn than.

Lý do được Bộ Công Thương đưa ra cho việc Dự án Nhiệt điện Duyên hải III được phép nhập khẩu than là vì trước đó, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 đã được phê duyệt, các nhà máy như Nhà máy nhiệt điện Duyên hải III được sử dụng than nhập khẩu.

Bộ Công Thương dẫn chứng, từ tháng 7/2013, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc cho phép nhà đầu tư Nhiệt điện Duyên hải III được đàm phán nhập khẩu than nước ngoài phục vụ cho phát điện.

Thực tế nhập khẩu than hiện đang chịu điều chỉnh của Thông báo 346/TB-VPCP ngày 26/8/2014, quy định ưu tiên sử dụng than trong nước để phát điện, và các doanh nghiệp phải mua hoặc nhập khẩu than phải thông qua hai đầu mối chính là Tập đoàn than - Khoáng sản Việt Nam TKV và Than Đông Bắc.

Với Thông báo này, nhà nước hi vọng sẽ đảm bảo nguồn nhập theo đúng khối lượng, đồng thời bảo đảm các doanh nghiệp đầu mối tìm được nguồn cung cấp than ổn định, với chất lượng và giá cả phù hợp.

Nhưng việc quy về hai đầu mối này lại đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lựa chọn và sử dụng than.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV, doanh nghiệp này đang nhập than để trộn với than khai thác trong nước bán cho các hộ tiêu thụ lớn (Xem chi tiết tại đây).

Hiện phần lớn các nhà máy nhiệt điện than trong nước đều được thiết kế để sử dụng than chất lượng thấp, giá bán thấp, chủ yếu là than cám 7. Đây là loại than có giá thấp gần nhất trên thị trường thế giới, thích hợp sử dụng cho các nhà máy có lượng tiêu thụ lớn để giảm chi phí 

Tuy nhiên, than do TKV bán cho các nhà máy nhiệt điện đang bị đánh giá có giá cao hơn so với giá than chào trên thị trường thế giới. 

Với một nhà máy nhiệt điện có nhu cầu sử dụng hàng triệu tấn than mỗi năm, chênh lệch giá than mua trong nước và tự nhập khẩu có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp than trong nước, đặc biệt là chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện đang muốn bỏ cơ chế độc quyền của TKV và Than Đông Bắc để được tự chủ về nguồn than.

Thực tế, tại tọa đàm trực tuyến “Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” ngày 24/10, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Việt Nam (Bộ Công Thương) thừa nhận TKV đã không còn giữ được độc quyền xuất nhập khẩu than. Cụ thể, theo ông Thọ, đã có "7 triệu tấn than nhập về không thông qua đầu mối nhập khẩu than TKV".