Thẩm phán cấp quận James Robart ra phán quyết ngược lại với các lập luận của nhóm luật sư chính phủ theo đó nói các bang của Hoa Kỳ không có căn cứ để thách thức sắc lệnh của Tổng thống Mỹ.
Việc ông Trump ký sắc lệnh cấm công dân bảy nước có đông dân là người Hồi giáo vào Hoa Kỳ hồi tuần trước đã làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình và gây những xáo trộn ở một số sân bay Mỹ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần đây thông báo rằng có khoảng 60.000 visa đã bị hủy bỏ kể từ đó tới nay.
Quyết định của thẩm phán Seattle có hiệu lực ngay lập tức trên toàn quốc.
Trước đó, hôm 28/1, một thẩm phán liên bang ở New York đã ban hành lệnh khẩn cấp tạm thời ngăn chặn chính phủ Mỹ trục xuất những người đến từ những quốc gia nằm trong sắc lệnh cấm nhập cảnh vừa ban hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thẩm phán Khu vực tư pháp liên bang ở New York - Ann Donnelly ban hành lệnh này vào tối 28/1 theo giờ địa phương sau khi các luật sư đại diện Liên minh Những Quyền Tự do Dân sự Mỹ đệ đơn kiến nghị lên tòa án thay mặt cho những người đến từ bảy quốc gia đại đa số theo Hồi giáo bị câu lưu tại sân bay trên khắp cả nước khi lệnh cấm của ông Trump bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, lệnh của tòa án cấm nhân viên hải quan Mỹ trục xuất bất cứ ai đặt chân đến Mỹ với thị thực hợp lệ từ Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen.
Lệnh cũng áp dụng cho bất cứ ai có hồ sơ tị nạn đã được chính quyền Mỹ chấp thuận.
Tiếp sau đó 1 ngày, hôm 29/1, Tổng chưởng lý (Attorneys general) tại 16 bang trên toàn nước Mỹ đã có tuyên bố chung phản đối lệnh cấm nhập cư vào Mỹ của công dân tổng cộng 7 nước trên toàn thế giới.
Tuyên bố chung của các Tổng chưởng lý từ 16 bang của Hoa Kỳ có đoạn ghi rõ:
"Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc để đảm bảo rằng có ít người nhất có thể bị lệnh cấm gây ảnh hưởng (bởi lệnh cấm do ông Trump ký và ban bố mới đây)".