Tiến sĩ Terry F. Buss: Cuộc khủng hoảng Afghanistan ảnh hưởng tới vị thế siêu cường của Mỹ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chỉ sau 3 tháng tại vị, Tổng thống Joe Biden quyết định rút lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan, kết thúc 20 năm chiếm đóng tại đất nước này.

“Việc này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín chính trị và đạo đức của phương Tây” – Uỷ ban Đối ngoại, Quốc Hội Đức.

“Sự sụp đổ của Afghanistan khiến các đồng minh phải đặt câu hỏi về cách xử lý của Mỹ ở các mặt trận khác” – The Washintong Post

“Chúng ta cần suy nghĩ lại về cách chúng ta ứng xử với các nước bạn bè, xem ai là quan trọng và cách chúng ta bảo vệ lợi ích của mình” – Nghị viện Anh.

“Cuộc chiến ở Afghanistan diễn ra trong giai đoạn ngắn khi Mỹ vẫn đang giữ vị thế bá chủ trên trường quốc tế … thời kỳ đó có thể đã qua rồi” - The Economist.

Chỉ sau 3 tháng tại vị, Tổng thống Joe Biden quyết định rút lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan, kết thúc 20 năm chiếm đóng tại đất nước này với nhiệm vụ đảm bảo Afghanistan sẽ không trở thành bệ phóng cho những kẻ khủng bố do Taliban tài trợ, những kẻ đã lấy đi 3.000 sinh mệnh tại Trung tâm Thương mại New York ngày 11/9/2001.

Tại thời điểm này, việc rút quân đã gây ra một thảm họa quân sự, nhân đạo và ngoại giao, có lẽ là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Các phiến quân Taliban đã đánh bật quân đội quốc gia Afghanistan; tiếp quản toàn bộ 7 căn cứ quân sự của Mỹ; làm sụp đổ chính phủ quốc gia, buộc các nhà lãnh đạo Afghanistan phải chạy trốn khỏi đất nước; khiến 11.000 thường dân Mỹ mắc kẹt.

Ước tính khoảng 40.000 đến 50.000 người Afghanistan từng làm việc cho các lực lượng Mỹ chưa được sơ tán và hiện đang vô cùng lo sợ cho tính mạng của mình; và lá cờ của những kẻ khủng bố đang chuẩn bị được kéo lên trên toà đại sứ quán Mỹ bị bỏ lại đúng dịp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11/9 vào Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc.

Mỹ đã tiến hành rút quân mà hầu như không có hoặc có rất ít sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hoặc kể cả đã có kế hoạch thì kế hoạch đó đã được xây dựng và thực thi rất kém.

Phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan đang đối diện với tương lai đen tối khi Taliban tiếp quản đất nước. Ảnh: Reuters

Phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan đang đối diện với tương lai đen tối khi Taliban tiếp quản đất nước. Ảnh: Reuters

Theo nhiều nguồn tin, ông Biden đã bác bỏ ý kiến, báo cáo của các chỉ huy quân sự, các cơ quan tình báo và các nhà ngoại giao cấp cao của mình, tất cả họ đều đề xuất chống lại việc rút quân toàn diện.

Ông Biden, người chịu trách nhiệm cho cuộc rút quân thất bại, đang phải hứng chịu búa rìu dư luận từ tất cả các bên vốn công khai ủng hộ ông lâu nay, bao gồm các tờ báo trung thành, các đảng viên Dân chủ từ chính đảng cầm quyền của ông, các đảng viên Cộng hoà, các nước đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Âu và người dân Afghanistan.

Tệ hơn nữa, cộng đồng tình báo cùng với nhiều nhà cựu ngoại giao và các tướng lĩnh quân đội, thậm chí cả những cựu quan chức của chính quyền Tổng thống Obama cũng đang đưa ra các thông tin phản bác lại những phát biểu của ông Biden về việc rút quân.

Cuộc rút quân thất bại và hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ, mà theo như ông Biden tuyên bố trước đó thì vai trò này đã bị người tiền nhiệm Donald Trump từ bỏ?

Cuộc khủng hoảng vắng bóng những nhà lãnh đạo

Ngay khi sự hỗn loạn nổ ra ở Afghanistan, ông Biden quyết định rời thủ đô để bắt đầu kỳ nghỉ 6 ngày, tránh đưa ra bất kỳ bình luận nào trong suốt mấy ngày.

Sau những lời chỉ trích dữ dội, ông ấy trở lại Nhà Trắng bằng trực thăng, thực hiện bài phát biểu 20 phút, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của báo giới, lập tức lên trực thăng và quay trở lại kỳ nghỉ của mình.

Sau nhiều lời chỉ trích tiếp tục, ông Biden đã trở lại thủ đô vào thứ Tư ngày 18/08, có bài phát biểu về tiêm chủng COVID, và lại rời phòng họp mà không trả lời bất kỳ câu hỏi nào về tình hình Afghanistan.

Đồng thời, các quan chức cấp cao, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao, và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đều ở tình trạng im hơi lặng tiếng. Các bộ phận giúp việc được giao ở lại sau các cuộc họp báo để trả lời các câu hỏi.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden tuyên bố cuộc rút quân thất bại là lỗi của người tiền nhiệm Donald Trump, quân đội Afghanistan, chính quyền trung ương Afghanistan, và trách nhiệm gián tiếp thuộc về các cơ quan tình báo Mỹ.

Ông Biden đang hứng chịu búa rìu dư luận vì cuộc rút quân thất bại tại Afghanistan. Ảnh: Huffington Post

Ông Biden đang hứng chịu búa rìu dư luận vì cuộc rút quân thất bại tại Afghanistan. Ảnh: Huffington Post

Màn đổ lỗi nhanh chóng bị lật tẩy bởi những thông tin thực tế. Ví dụ: ông Biden tuyên bố rằng ông ấy không được thông báo rằng Taliban có thể nhanh chóng có mặt để tiếp quản Afghanistan, nhưng các cơ quan tình báo và các nhà ngoại giao của đại sứ quán Mỹ tại Kabul đã có báo cáo cảnh báo việc này.

Tin nóng: ông Biden đã có bài phát biểu thứ hai vào ngày thứ Sáu, sau đó ông ấy chỉ trả lời năm câu hỏi của năm cơ quan truyền thông được chỉ định sẵn.

Việc ông Biden tuyên bố rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Âu hoàn toàn ủng hộ Mỹ trong quyết định lần này; rằng việc sơ tán dân thường, bao gồm công dân Mỹ và người dân Afghanistan diễn ra tốt đẹp; rằng Al Qaeda không có ở Afghanistan; và rằng các quốc gia khác đặt ra mối đe doạ khủng bố lớn hơn Taliban đều không đúng là như vậy.

Quan điểm của ông Biden về Lãnh đạo toàn cầu

Phong cách lãnh đạo của ông Biden tương tự như của cựu Tổng thống Barack Obama là sử dụng phương thức tiếp cận “lãnh đạo từ phía sau” và can dự bằng “quyền lực mềm”. Chính quyền mới của ông Biden bao gồm thành viên là các cựu quan chức của chính quyền Obama, đặc biệt là các vị trí đưa ra các quyết định quan trọng.

Lãnh đạo từ phía sau có nội hàm là quá trình đưa ra quyết định được chia sẻ, phối hợp với các tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Diễn đàn Kinh tế thế giới), các tổ chức đa phương (NATO, G7, G20) và các tổ chức khu vực (Liên minh châu Âu, APEC, ASEAN).

Xây dựng sự đồng thuận, thỏa hiệp, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ mục tiêu và các phương pháp tiếp cận “chung” khác được áp dụng để định hướng cho việc ra quyết định.

Ngoại giao mềm có nghĩa là sử dụng phương thức thuyết phục mềm mỏng, đối thoại, khuyến khích (bằng các hình thức như viện trợ nước ngoài, đầu tư, ưu đãi thương mại, hỗ trợ) và đóng vai trò làm hình mẫu phản ánh các giá trị, thẩm quyền đạo đức và tính hợp pháp của Mỹ.

Các hành động hoặc đe dọa quân sự, thậm chí là cưỡng ép, được coi là biện pháp cuối cùng.

Ông Biden, cũng như ông Obama trước đó, dường như đang né tránh vai trò lãnh đạo chính trong các vấn đề toàn cầu mà nhường vai trò đó cho các nước khác, trong khi tập trung nhiều hơn vào chính sách đối nội.

Ông Biden tin rằng một chính sách đối ngoại mạnh mẽ bắt đầu bằng việc giải quyết các vấn đề trong nước. Lãnh đạo của các nước lớn hài lòng với điều này: họ tin rằng như vậy sẽ khiến họ có thể dễ dàng thuyết phục Mỹ ủng hộ lập trường của mình.

Kabul nhanh chóng thất thủ ngay sau khi Mỹ rút quân toàn diện. Ảnh: AP

Kabul nhanh chóng thất thủ ngay sau khi Mỹ rút quân toàn diện. Ảnh: AP

Ví dụ, trước sự kiên quyết của Đức, ông Biden đã gỡ bỏ lệnh phong toả mà trước đó ông Trump đã áp đặt đối với hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc II nhằm ngăn cản Nga độc quyền phân phối khí đốt cho Đức và các nước khác.

Giờ đây, Nga sẽ chuyển hướng dòng khí đốt đi qua Ukraine sang châu Âu. Mỹ cũng đã cắt giảm các lô hàng vũ khí sát thương tới Ukraine.

Đồng thời, ông Biden đã chặn các hệ thống đường ống dẫn dầu giữa Mỹ và Canada, dừng các hoạt động khai thác dầu khí tại các vùng đất liên bang, khiến Mỹ một lần nữa mất đi vị thế độc lập về năng lượng. Mới đây, ông Biden đã phải kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu để bán cho Mỹ.

Mỹ đang cân nhắc lại chính sách Hàn Quốc với băn khoăn: Liệu Mỹ có nên trao cho Hàn Quốc nhiều quyền kiểm soát hơn đối với quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên hay không ?

Tại cuộc họp gần đây của các quốc gia G7 ở Geneva, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một tuyên bố nổi tiếng là ông rất vui được chào đón ông Biden và Mỹ “trở lại câu lạc bộ!” Lúc này, chắc hẳn ông Macron đang thất vọng.

Sự thất bại ở Afghanistan thật là một sự trớ trêu bởi các đồng minh trung thành của Mỹ ở châu Âu đều phản đối việc rút quân. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công khai bày tỏ quan điểm bất đồng mạnh mẽ.

Bà Merkel cho biết việc rút quân là "cay đắng, kịch tính và đáng sợ" và rằng việc đó đi ngược lại chính sách của NATO: giải phóng phụ nữ và trẻ em gái để họ được đi học, được đi làm, được làm việc tại các cơ quan nhà nước và được tự lái xe.

Báo Washington Post viết: “Các đối tác của NATO ở châu Âu đã đầu tư nhân lực và tài nguyên đáng kể cho cuộc chiến và công cuộc xây dựng đất nước do Mỹ dẫn đầu… Người châu Âu bị sốc khi thấy thành quả lao động của họ tan thành mây khói chỉ trong vài ngày”.

Cựu Thủ tướng Anh Theresa May nói: “Việc này nói lên điều gì về NATO, nói rằng chúng ta đã để mình hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định đơn phương của Mỹ.”

Hoa Kỳ cầu viện sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga

Những gì diễn ra ở Afghanistan đã cho thấy quyền lực mềm của Mỹ trong thực tế.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Ngoại trưởng Anthony Blinken đã kêu gọi Bắc Kinh và Matxcơva giúp đỡ để có được một kết cục nhẹ nhàng cho Afghanistan.

Tổng thống Nga Putin cho biết ông sẽ phản đối bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Mỹ ở Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan. Tuyên bố này đã khiến ông Blinken căng thẳng.

Hiện tại, năng lực giám sát tình báo hoặc máy bay không người lái của Mỹ ở khu vực này là rất hạn chế. Tóm lại: các hoạt động chống khủng bố của Mỹ đã bị suy yếu nghiêm trọng.

Cuộc rút quân thất bại đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò siêu cường lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Ảnh: David Hutt, Asia Times, 19/08/2021.
Cuộc rút quân thất bại đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò siêu cường lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Ảnh: David Hutt, Asia Times, 19/08/2021.

Mỹ cũng đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc không chỉ ở vấn đề Afghanistan mà cả Triều Tiên, Iran và Biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn Mỹ nhượng bộ trước các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan và Tây Tạng để đổi lấy sự giúp đỡ này.

Dường như ngay từ đầu ông Biden đã có mối quan tâm đặc biệt đến Trung Quốc khi ông đưa ra đề xuất rằng Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Với cuộc rút quân thất bại của Mỹ, Trung Quốc dường như đang giữ một lập trường không mấy hợp tác. Tạp chí An ninh Quốc gia Texas đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc phải giúp Mỹ ở một khu vực đang chịu ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc?

Có lẽ, chính quyền Bắc Kinh tin rằng bằng cách rút quân khỏi đây, Mỹ đang cắt giảm gánh nặng chính trị, tài chính và uy tín, trong khi vẫn cố gắng duy trì sự hiện diện trong khu vực.

Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm mọi cách để khiến Mỹ tăng gánh nặng và giảm ảnh hưởng tại quốc gia sân sau của họ.

(còn tiếp)

(Chuyển ngữ: Đào Thuý)