Sau khi chiếm được Kabul, Taliban ngày 17/8 đã tổ chức một cuộc họp báo quốc tế, tuyên bố rằng họ hy vọng duy trì quan hệ hòa bình với các nước khác, tôn trọng quyền của phụ nữ dưới khuôn khổ luật Sharia và sẽ không có các hành động trả thù đối với những kẻ thù cũ. Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid chỉ rõ: "Chúng tôi không muốn bất kỳ xung đột hoặc chiến tranh nào tái diễn. Chúng tôi muốn loại bỏ các yếu tố xung đột. Chúng tôi không muốn có bất kỳ kẻ thù bên trong và bên ngoài nào".
Tài liệu mật Liên Hợp Quốc cáo buộc Taliban truy lùng đàn áp các đối tượng
Tuy nhiên thực tế đang diễn ra có vẻ trái ngược với những lời tuyên bố đó. Hãng tin Pháp AFP đã có được một bản báo cáo do cơ quan Tư vấn đánh giá các mối đe doạ của Liên Hợp Quốc cung cấp, trong đó chỉ rõ Taliban đã lập "danh sách ưu tiên" những đối tượng họ muốn bắt giữ.
Theo tài liệu này, đối tượng có nguy cơ cao nhất là những người đóng vai trò quan trọng trong lực lượng quân đội, cảnh sát và các cơ quan tình báo Afghanistan. Taliban đã bắt đầu các cuộc “gõ cửa thăm hỏi tận nhà" đối với những người trong danh sách định bắt giữ và gia đình của họ.
Lính Taliban đe dọa những người tụ tập bên ngoài sân bay Kabul (Ảnh: AP). |
Ngoài ra, Taliban cũng kiểm tra kĩ lưỡng những người trên đường đến sân bay của thủ đô Kabul, đồng thời thiết lập các trạm kiểm soát ở các thành phố quan trọng như Kabul và thành phố Jalalabad ở phía đông.
Bản báo cáo đề ngày 18/8 này do Trung tâm Phân tích Toàn cầu của Na Uy (Norwegian Centre for Global Analyzes) soạn thảo. Đây là một tổ chức thường hợp tác với các cơ quan của Liên Hợp Quốc để cung cấp và phân tích thông tin tình báo.
Christian Nellemann, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phân tích Toàn cầu Na Uy, cho biết: "Taliban nhắm vào gia đình của những người không chịu đầu hàng, đồng thời tố cáo và trừng phạt gia đình họ theo luật Sharia".
"Chúng tôi dự đoán rằng những người đã từng cộng tác với các lực lượng NATO, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ, bao gồm cả gia đình của họ, đều có thể bị tra tấn và hành quyết".
Ông cũng nói: "Điều này sẽ gây nguy hiểm hơn nữa cho công việc tình báo của phương Tây trong tương lai để chống lại Taliban, Nhà nước Hồi giáo (ISIS) và các mối đe dọa khủng bố khác, bao gồm cả mạng lưới, phương pháp và khả năng".
Trung tâm Phân tích Toàn cầu Na Uy cũng cảnh báo, nếu người phương Tây hoặc những người nước ngoài khác chẳng hạn như các nhân viên y tế vẫn ở lại Afghanistan nhưng chỉ trích Taliban, thì Taliban có khả năng sẽ theo dõi hoặc bắt giữ họ.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 20/8, truyền thông Mỹ hôm thứ Năm (19/8) cũng trích dẫn tài liệu mật của Liên Hợp Quốc nói các tay súng Taliban đã tăng cường tìm kiếm các thường dân Afghanistan được cho là đã làm việc cho lực lượng Mỹ và NATO; mục tiêu bao gồm những người đã tới sân bay Kabul để tìm đường ra nước ngoài. Taliban cũng đe dọa nếu không tìm thấy những người liên quan, sẽ bắt hoặc giết hại các thành viên trong gia đình họ.
Haji Mullah Achakzai, cảnh sát trưởng tỉnh Badghis bị Taliban hành quyết (Ảnh: Newsweek). |
Tờ New York Times đưa tin, tài liệu này đề ngày thứ Tư (18/8) được viết bởi một nhóm chuyên gia tư vấn đánh giá mối đe dọa của Liên Hợp Quốc, nội dung khác hẳn với tuyên bố của Taliban rằng sẽ không trả thù các cựu thành viên chính phủ và những người ủng hộ. Tài liệu đề cập rằng Taliban đã lên danh sách các đối tượng mà họ định thẩm vấn và trừng phạt, cùng với địa chỉ nơi cư trú, Tài liệu cũng chỉ rõ các thành viên Taliban đang đến từng nhà tìm kiếm và yêu cầu các đối tượng đầu hàng, nếu không sẽ bắt giữ hoặc giết chết các thành viên trong gia đình của họ.
Tài liệu liệt kê những cá nhân có nguy cơ cao là các thành viên của quân đội chính phủ Afghanistan, lực lượng cảnh sát và nhóm điều tra của chính phủ. Một bức thư của Taliban gửi một quan chức Ủy ban chống khủng bố của chính phủ Afghanistan trước đây cho thấy, Taliban yêu cầu quan chức này đến trình diện Ủy ban Quân sự và Tình báo Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan ở Kabul; nếu không đến, gia đình sẽ bị đối xử theo Luật Sharia.
Taliban bắt đầu lùng bắt, hành quyết trả thù những đối thủ cũ
Theo báo Anh Daily Mail (Bưu điện Hàng ngày), cựu phóng viên BBC người Afghanistan Nasrin Nawa đã đưa một đoạn video lên Twitter về một vụ hành quyết công khai của Taliban. Người đàn ông bị hành quyết trong đoạn phim là Haji Mullah Achakzai, cảnh sát trưởng tỉnh Badghis ở phía tây bắc, đã bị bịt mắt rồi xả đạn.
Video cảnh ông Haji Mullah Achakzai, cảnh sát trưởng tỉnh Badghis bị hành quyết (Nguồn: Dailymail). |
Nasser Waziri, một cố vấn an ninh Afghanistan, nói với Newsweek rằng các cảnh sát và quan chức chính phủ khác đã xác nhận tính chân thực của đoạn phim này. Waziri nói Taliban luôn lùng sục ông Haji Mullah Achakzai vì ông đã hợp tác với chính phủ chống lại chúng. Waziri nói rằng họ hiện đã thành lập một nhóm trực tuyến với hơn 100 quan chức và chính trị gia địa phương, những người từng hợp tác với chính phủ Afghanistan trước đây để nắm bắt, thông báo về nơi ở và sự an toàn của nhau.
Giết hại người nhà phóng viên nước ngoài
Cơ quan truyền thông Đức Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 19/8 cũng đưa tin một thân nhân một phóng viên của họ ở Afghanistan đã bị Taliban bắn chết, và một người khác trong gia đình bị thương nặng; nhà báonày hiện đang ở Đức.
Ngoài ra, một quan chức Taliban nói với truyền thông Anh rằng ban lãnh đạo Taliban đã bắt đầu thảo luận về tương lai của lực lượng an ninh Afghanistan. Ông ta cũng nói rằng các chỉ huy Taliban và các thành viên cấp cao cũng đã bắt đầu đăng ký tất cả vũ khí và trang thiết bị mà Mỹ và lực lượng NATO để lại ở Afghanistan.
Về việc gây ra làn sóng tháo chạy sau khi Taliban lên nắm quyền, quan chức này cho rằng sự hỗn loạn và chết chóc gần đây tại sân bay Kabul không thể đổ lỗi cho Taliban.
Shabnam Dawran, nữ phát thanh viên nổi tiếng của Đài phát thanh Mili của nhà nước Afghanistan tố cáo bị kì thị (Ảnh: Đông Phương). |
Không cho phụ nữ làm việc
Cũng theo Đông Phương ngày 20/8. Mặc dù sau khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan, Taliban hứa sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo. Tuy nhiên, một nữ phóng viên nổi tiếng của Afghanistan hôm 18/8 đã công khai tố cáo cô đã không thể trở lại làm việc và được thông báo rằng: "Mày là phụ nữ, hãy cút về nhà, chính quyền đã thay đổi".
Đông Phương cho biết, Shabnam Dawran là một nữ phát thanh viên nổi tiếng của Đài phát thanh Mili của nhà nước Afghanistan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua video call: “Tôi nghe nói rằng (Taliban) đã thay đổi các quy tắc. Tôi lấy hết can đảm để quay trở lại văn phòng làm việc, nhưng lính Taliban đã chỉ thẳng vào mặt nói rằng tôi không được phép làm việc và yêu cầu tôi đi về".
Dawran tiếp tục rằng nếu mọi người trên thế giới và các tổ chức từ thiện nghe thấy tiếng nói của cô, xin hãy chìa ta giúp đỡ, vì cuộc sống của họ đang phải đối mặt với những mối đe dọa lớn. Trong giai đoạn Taliban nắm quyền từ năm 1996 đến năm 2001, mọi phụ nữ Afghanistan bị tước đoạt quyền giáo dục và việc làm, khi ra ngoài phải mặc áo burqa (áo choàng trùm kín người) và phải có người thân là nam giới đi cùng, ai vi phạm sẽ bị cảnh sát tôn giáo làm nhục và công khai đánh đập.