Nội chiến ở Afghanistan bùng phát sau khi Taliban lập quốc: Ai có thể đánh bại được Taliban?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các tổ chức dân quân địa phương ở tỉnh Baghlan phía bắc đã chiếm lại 3 khu vực từ tay Taliban và tổ chức này tuyên bố không có ý định thành lập chính phủ lâm thời quá độ là những diễn biến mới nhất ở Afghanistan
Lực lượng nổi dậy chống Taliban đã chiếm giữ 3 huyện ở tỉnh Baghlan (Ảnh: Jsxw).
Lực lượng nổi dậy chống Taliban đã chiếm giữ 3 huyện ở tỉnh Baghlan (Ảnh: Jsxw).

Theo hãng tin Asvaka News của Afghanistan, lực lượng kháng chiến chống Taliban dưới sự lãnh đạo của Khair Muhammad Andarabi đã chiếm lại được các huyện Pol-e-Hesar, Deh Salah và Banu ở tỉnh Baghlan, miền Bắc Afghanistan từ tay Taliban vào ngày 20/8, nhiều chiến binh Taliban đã bị thương hoặc thiệt mạng.

Theo các nguồn tin được India Today ngày 21/8 trích dẫn, có tới 60 chiến binh Taliban đã thiệt mạng và bị thương trong cuộc giao tranh.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Taliban chiếm giữ 33 trong số 34 tỉnh ở Afghanistan, một tổ chức vũ trang đã chiếm lại được đất đai từ tay Taliban. Taliban chưa đưa ra bình luận về điều này.

Ngoài ra, ông Abdulla Vasik, thành viên ban lãnh đạo cấp cao của Taliban, hôm thứ Bảy (21/8) tuyên bố rằng Taliban không có kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời hoặc chính phủ quá độ mà sẽ trực tiếp thành lập một chính phủ có tính hòa nhập có thể được tất cả các bên ở Afghanistan chấp nhận.

Ông Vasik thành viên ban lãnh đạo Taliban tuyên bố không có kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời hoặc quá độ (Ảnh: guancha).

Ông Vasik thành viên ban lãnh đạo Taliban tuyên bố không có kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời hoặc quá độ (Ảnh: guancha).

Trong cuộc phỏng vấn, ông Vasik nói rằng Taliban hiện đang đẩy nhanh các cuộc đàm phán với tất cả các bên về việc thành lập chính phủ. Hiện Afghanistan vẫn chưa có nguyên thủ quốc gia, Taliban mới chỉ bổ nhiệm một số tỉnh trưởng và thị trưởng. Theo Đài truyền hình First News của Afghanistan, một thành viên cấp cao của Taliban là Haqqani hôm 21/8 đã hội đàm với người lãnh đạo Đảng Hồi giáo Afghanistan và là cựu Thủ tướng Hekmatyar, nhưng nội dung cụ thể của cuộc hội đàm không được công bố.

Vào ngày 19/8, Taliban Afghanistan đã tuyên bố thành lập nhà nước Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan ở Kabul. Môi trường chính trị ở Afghanistan đã thay đổi mạnh mẽ chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, các thủ lĩnh Taliban hiện vẫn phân tán và ẩn mình cho thấy sự bất ổn của môi trường hiện tại: thủ lĩnh cao nhất của Taliban là Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh nắm thực quyền Sirajuddin Haqqani, chỉ huy quân sự Mulah Yaqoob và thủ lĩnh thứ 2 phụ trách ngoại giao Abdul Ghani Baradar vẫn tiếp tục làm việc ở thành phố căn cứ địa Kandahar.

Cũng có thông tin cho rằng Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu Ủy ban Chính trị Taliban, đã từ thành phố Kandahar ở miền nam đến thủ đô Kabul để đàm phán về việc thành lập chính phủ với các bên liên quan. Taliban hiện chưa xác nhận tin.

Vị trí ba huyện thuộc tỉnh Baghlan và Thung lũng Panjghir hiện đang do lực lượng chống Taliban kiểm soát (Ảnh: India Today).

Vị trí ba huyện thuộc tỉnh Baghlan và Thung lũng Panjghir hiện đang do lực lượng chống Taliban kiểm soát (Ảnh: India Today).

Cục diện này cho thấy một vấn đề, Kabul, nơi dễ dàng bị Taliban chiếm giữ hiện rất không ổn định, họ bắt đầu bị thách thức ở thành phố thủ đô “dễ công và khó phòng thủ” này. Với tổng binh lực không đầy 70 ngàn quân và một số lượng nhỏ "lực lượng đặc biệt", Taliban sẽ phải nhanh chóng đối mặt với những vấn đề hóc búa giống như chính phủ đã bị sụp đổ trước đó. Afghanistan, tưởng như đã ổn định, vẫn còn nhiều nhân tố có thể đánh bại Taliban.

Hiện tại, chiếm giữ tám huyện trong Thung lũng Panjshir và thu nạp tàn dư của lực lượng đặc biệt của chính phủ cũ, thủ lĩnh quân phiệt Ahmad Massoud, người đang có khoảng 10.000 quân, có lẽ là lãnh chúa mạnh nhất ở Afghanistan cùng với Taliban.

Ahmad Massoud là con trai của Tướng Ahmad Shah Massoud, nhà lãnh đạo huyền thoại trong cuộc nội chiến Afghanistan. Sau khi hoàn thành các khóa học tại Học viện Quân sự Sandhurst và Đại học King's College London, Ahmad Massoud trở về quê hương để điều hành quân đội, thừa kế lãnh địa của gia đình ở khu vực Thung lũng Panjshir, và kiếm đủ chi phí quân sự để duy trì lực lượng vũ trang của mình bằng cách vận hành mỏ lithium địa phương.

Vào ngày 17/8, lực lượng ở Panjshir lợi dụng hỗn loạn giành được quyền kiểm soát thành phố Charikar, cách Kabul 50 km về phía bắc. Điều này làm cho Thung lũng Panjshir, nơi từ lâu đã độc lập với các chính phủ kế tiếp ở Afghanistan, lần đầu tiên cho thấy họ là một mối đe dọa đối với chính quyền. Mặc dù Ahmad Massoud đã cử các nhà đàm phán để nhấn mạnh rằng miễn là Taliban không bước vào Panjshir, hai bên có thể quên đi thù cũ. Tuy nhiên, xét thấy gia tộc Massoud đã cát cứ một vùng sau khi chính quyền Ashraf Ghani sụp đổ, Taliban không dám coi nhẹ và tích cực tìm kiếm hòa đàm.

Ông Ahmad Massoud (giữa) tiếp Đại sứ Pháp David Martinon tại dinh thự ở Thung lũng Panjshir (Ảnh: Getty).

Ông Ahmad Massoud (giữa) tiếp Đại sứ Pháp David Martinon tại dinh thự ở Thung lũng Panjshir (Ảnh: Getty).

Ngoài tám huyện của tỉnh Panjshir, Phó Tổng thống Amrullah Saleh, người đã hoạt động tích cực trên Twitter và các mạng xã hội khác, cũng nắm một lực lượng. Ông vốn là cựu giám đốc tình báo từ lâu đã kiểm soát hệ thống an ninh của chính quyền Afghanistan, đã ở Moscow hồi những năm 1990, và sau sự cố "11/9", ông đã thay mặt cho Tướng Masood thiết lập liên lạc với các cơ quan tình báo Mỹ. Mối liên hệ Amrullah Saleh ông với thế giới phương Tây khiến ông có thể tạo lập một đội quân bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, Amrullah Saleh và Ahmad Massoud đã không hợp nhất và Ahmad Massoud không công nhận tư cách tổng thống lâm thời của ông Amrullah Saleh.

Dưới thời "tổng thống tạm quyền" Amrullah Saleh, các lãnh chúa ở nhiều vùng khác nhau của Afghanistan trước đây đã tạm thời ngưng chiến nay cũng có khả năng lợi dụng tình hình hỗn loạn để dấy binh. Trong đó, những người có khả năng gây rối tình hình cao nhất là cự phú Atta Muhammad Nur và lãnh chúa Abdul Rashid Dostum cát cứ tại Mazar-i-Sharif. Mặc dù cả hai đều mất chỗ dựa và đất đai, mang theo tùy tùng và tiền bạc đến ẩn cư ở Tashkent, nhưng tờ "Quan điểm" của Nga chỉ ra rằng vào cuối tháng 8, các nhóm của lực lượng vũ trang tự xưng dưới quyền Abdul Rashid Dostum đã xâm nhập vào Charikar và dự kiến ​​sẽ hợp tác với những lực lượng ở Panjshir.

Nguyên Phó Tổng thống Amrullah Saleh, người hiện tự xưng là "Tổng thống tạm quyền" của Afghanistan đang tập hợp lực lượng chống Taliban (Ảnh: Twitter@Amrullah Saleh).

Nguyên Phó Tổng thống Amrullah Saleh, người hiện tự xưng là "Tổng thống tạm quyền" của Afghanistan đang tập hợp lực lượng chống Taliban (Ảnh: Twitter@Amrullah Saleh).

Ngoài ra, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và các lãnh chúa miền trung người Hazara cũng quyết định an ninh của chế độ của họ. Những người Hazara theo Hồi giáo dòng Shiite không tương thích với các nhóm chính thống ở Afghanistan theo Hồi giáo dòng Sunni. Taliban chỉ lợi dụng các lãnh chúa Hazara chống lại tất cả các chế độ dòng Sunni truyền thống ở Kabul và hứa đối xử bình đẳng với người Shiite. Điều này đảm bảo sự hợp tác đầy đủ của người Hazara ở các tỉnh miền trung của Afghanistan trong quá trình họ tiến công. Việc Taliban có thể thực hiện cam kết của họ trong một thời gian dài hay không sẽ quyết định liệu tình hình bên trong nội địa có ổn định hay không.

Cuối cùng, sau khi chiếm được quyền thống trị, Taliban còn phải đối mặt với nạn đói sắp xảy ra. Trước khi sụp đổ, chính phủ Ashraf Ghani đã phát hiện toàn bộ đất nước đang phải đối mặt với hạn hán từ trung bình đến nghiêm trọng và ngân sách quản lý thảm họa quốc gia của họ không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng. Đến tháng 8, sản lượng lúa mì của Afghanistan sẽ giảm gần 2 triệu tấn và khoảng hơn 3 triệu gia súc sẽ chết đói.

Đạo quân du kích của lãnh chúa Abdul Rashid Dostum cát cứ tại Mazar-i-Sharif khi đông nhất có 60 ngàn người (Ảnh: Getty).

Đạo quân du kích của lãnh chúa Abdul Rashid Dostum cát cứ tại Mazar-i-Sharif khi đông nhất có 60 ngàn người (Ảnh: Getty).

Theo một nghĩa nào đó, hạn hán, nạn đói và đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh sự sụp đổ của chính phủ cũ, và chính phủ mới của Taliban cũng phải nếm trải điều này. Cũng trong ngày 19/8, Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng tình trạng hạn hán kéo dài và đại dịch COVID-19 sẽ khiến 12 triệu trong tổng số 36 triệu người Afghanistan bị ảnh hưởng.

Khi nền kinh tế đang trên đà sụp đổ và giá lương thực đã tăng hơn 50% do chiến tranh, các thế lực khác nhau thách thức Taliban ở Afghanistan cũng có thể chờ đợi sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng mới và lật đổ chính phủ mới của Taliban còn đang rối bận để giành được quyền lực mà họ cần.