Hơn 4 ngàn động cơ của IHI bị gian lận dữ liệu đã được tiêu thụ
Những bê bối gian lận của các công ty Nhật Bản đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Sau những tiết lộ trước đó rằng một công ty con của Toyota và DAIHATSU đã làm giả dữ liệu thử nghiệm trong nhiều năm, mới đây IHI Power Systems - công ty con của gã khổng lồ công nghiệp nặng Nhật Bản IHI - cũng bị phát hiện đã giả mạo dữ liệu nhiên liệu hơn 4.000 động cơ trong hơn 20 năm.
IHI (trước đây gọi là Ishikawa Harima Heavy Industries, chuyên sản xuất động cơ cho tàu thủy và các thiết bị công nghiệp nặng khác) đã xác nhận và xin lỗi ngày 24/4.
Theo truyền thông Nhật Bản "Asahi Shimbun", ông Hideo Morita Phó chủ tịch IHI đã xác nhận trong cuộc họp báo ngày 24/4 rằng vụ gian lận xảy ra ở 2 nhà máy ở thành phố Niigata và thành phố Ota, tỉnh Gunma. Ông đã xin lỗi và thẳng thắn nói: "Đây là sự phản bội nghiêm trọng lòng tin của khách hàng. Nền tảng sản xuất của công ty đã bị lung lay và tình hình rất nghiêm trọng".
Công ty IHI cho biết để làm đẹp cho dữ liệu thử nghiệm, kể từ năm 2003, có 4.361 trong số 5.537 động cơ đã bị gian lận dữ liệu. Trong thông tin bằng văn bản cung cấp cho người mua, dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu đo được không phù hợp với tình hình thực tế, tỷ lệ gian lận cao tới 79% và thời gian làm giả kéo dài tới 20 năm.
Trong số các động cơ có dữ liệu bị giả mạo, có 2.058 động cơ thực sự không đáp ứng các thông số kỹ thuật đã thỏa thuận với khách hàng. Danh mục sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm động cơ được sử dụng trên tàu thủy, tàu hỏa và thiết bị phát điện, một số được bán ra nước ngoài.
Động cơ có khí thải vượt quá tiêu chuẩn cũng đã được sử dụng trong lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản và Công ty đường sắt chở khách Hokkaido. Thậm chí một số động cơ này còn được sử dụng trong máy phát điện khẩn cấp của các nhà máy điện hạt nhân.
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã mở cuộc điều tra về động cơ của IHI và yêu cầu công ty này nộp báo cáo tự thanh tra và chấn chỉnh trước cuối tháng 5. Nhà chức trách cho biết nếu khí thải từ các sản phẩm động cơ của IHI không đạt tiêu chuẩn, các chứng chỉ liên quan sẽ không được cấp, dẫn đến việc ngừng hoạt động hoàn toàn các động cơ của công ty.
Sau khi bê bối bị vạch trần, giá cổ phiếu IHI đã giảm 2 ngày liên tiếp.
Trang tin Singtao ngày 28/5 dẫn nguồn Tân Hoa Xã cho biết, trong những năm gần đây, nhiều công ty sản xuất Nhật Bản gặp phải bê bối gian lận. Vào tháng 1 năm nay, Toyota Automotive Machinery, nhà sản xuất phụ tùng quan trọng của Tập đoàn Toyota, vướng vào một vụ bê bối gian lận dữ liệu khác sau khi Daihatsu Industrial Co., Ltd. bị phát hiện gian lận dữ liệu trên 3 loại động cơ ô tô của Toyota. Một số nhà máy của Toyota Motor và Hino Motors buộc phải đóng cửa vì gián đoạn chuỗi cung ứng.
Liên tiếp nhiều công ty dính líu đến gian lận dữ liệu
Là một trong những công ty đại diện cho ngành sản xuất Nhật Bản, Tập đoàn Mitsubishi Electric vào năm 2021 đã phải đối mặt với việc làm sai lệch dữ liệu kiểm định trong thời gian dài, dẫn đến việc Chủ tịch Takeshi Sugiyama phải từ chức.
Các báo cáo vào thời điểm đó cho biết, kể từ năm 1985, Công ty TNHH Nagasaki của Mitsubishi Electric đã không tiến hành kiểm định sản phẩm theo quy định trong hợp đồng trước khi máy điều hòa không khí trên tàu được sản xuất hàng loạt hoặc vận chuyển từ nhà máy, thay vào đó, họ đã làm sai lệch dữ liệu kiểm định và vụ gian lận đã kéo dài liên tục hơn 30 năm.
Vào tháng 2 năm ngoái, Shimadzu, nhà sản xuất dụng cụ chính xác có lịch sử hàng thế kỷ, đã công bố kết quả điều tra xác nhận công ty con Shimadzu Medical Systems chi nhánh Kyushu khi thực hiện kiểm tra và bảo trì thiết bị X-quang đã lắp đặt một thiết bị bí mật để định giờ cắt điện. Phương pháp này là cố tình làm cho thiết bị tự động xuất hiện sự cố sau khi bảo trì, sau đó bán linh kiện sửa chữa cho người dùng. Hành vi xấu xa này kéo dài hơn mười năm và có sự tham gia của 7 kỹ thuật viên, trong đó có người quản lý cửa hàng.
Tân Hoa Xã dẫn kết quả một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện vào tháng 10 năm ngoái bởi công ty phân tích dữ liệu Nhật Bản FRONTEO, cho biết trong 5 năm qua có tới 25% công ty Nhật Bản có hành vi biển thủ công quỹ, gian lận, vi phạm và các hành vi không phù hợp khác, trong đó tỷ lệ vi phạm liên quan đến chất lượng sản phẩm chiếm 32,7%.
Tại sao các công ty sản xuất nêu trên lại xuất hiện vấn đề gian lận dữ liệu? Trước hết, chất lượng phải nhường chỗ cho chi phí quản lý, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận thường xuyên xảy ra trong ngành sản xuất. Thứ hai, hệ thống hàng dọc của chuỗi cung ứng khiến nhà cung cấp phải phụ thuộc vào người mua ở hạ nguồn cũng là yếu tố quan trọng gây ra vấn nạn làm giả. Thứ ba, có sự mất kết nối nghiêm trọng giữa cấp quản lý kinh doanh và tuyến sản xuất.
Ngoài ra, nội bộ các tập đoàn doanh nghiệp Nhật Bản chia cắt manh mún, cơ chế tổ chức khá bảo thủ. Tổng bộ và các cơ cấu cơ sở rất tách biệt nhau; các đơn vị cơ sở quan tâm nhiều hơn đến lợi ích cục bộ cũng là một nguyên nhân gây nên nạn gian lận.
Theo Storm, Singtao