Thanh Hóa: "Tứ Sơn" tản mạn chuyện Bài cuối: 4 Trung tâm động lực phát triển kinh tế!

VietTimes – Trong chiến lược phát triển trở thành cực tăng trưởng mới của phía Bắc và đất nước, tỉnh Thanh Hóa tập trung xây dựng 4 trung tâm động lực làm "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 
Cảng hàng không Thọ Xuân (trung tâm động lực Lam Sơn - Sao Vàng

4 Trung tâm động lực bao gồm: Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn), trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) và trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng).

Hiện các trung tâm động lực này đang là đòn bẩy giúp phát triển đồng đều, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng để lan tỏa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn nữa tạo đà, để Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước.

Một góc Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty mía đường LASUCO Lam Sơn (trung tâm động lực Lam Sơn - Sao Vàng)

Tôi muốn dành phần lớn bài viết này nói về Trung tâm động lực phía Tây tỉnh Thanh Hóa (Lam Sơn - Sao Vàng), bởi đây là vùng trung du, cầu nối giữa miền xuôi và miền núi xứ Thanh. Tập trung phát triển vùng này có tác động mạnh mẽ giúp cho 11 huyện miền núi cùng phát triển.
Trung tâm động lực Lam Sơn - Sao Vàng được định hướng phát triển thành vùng công - nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển ngành chế biến thực phẩm, bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành máy bay, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử, sản xuất đồ gia dụng, phụ tùng ô tô và thiết bị vận tải.

Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (trung tâm động lực Nghi Sơn)

Vùng đất Lam Sơn - Sao Vàng nằm ngay trên trục đường Hồ Chí Minh, nơi những năm 80 của thế kỷ trước đến tận bây giờ rất phù hợp, đủ điều kiện để để hình thành và phát triển một "xa lộ nông nghiệp công nghệ cao" mà Công ty mía đường Lam Sơn (LASUCO) Thanh Hóa là một ví dụ. Không chỉ rất thành công xây dựng vùng nguyên liệu mía đường rộng lớn, LASUCO đã nắm bắt thời cơ chuyển hướng phát triển giống mía có năng suất cao để "co" vùng nguyên liệu dành quĩ đất tập trung nhân rộng những kết quả bước đầu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nay là Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (thành lập năm 2016).

Đây là tổ chức "hạt nhân" đầu tiên có nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai các thành tựu về công nghệ canh nông. Bước đầu với 20 ha nhà kính công nghệ Israel là nơi trồng dưa vàng, nhân giống các loại hoa lan, cam V2, mía giống chất lượng cao, khu nhà nuôi cấy mô rộng hơn 5.000 m2 hiện là một trong những trung tâm lớn nhất nước về nuôi cấy mô, hàng năm cung ứng giống mía sạch cho vùng nguyên liệu mía của tỉnh Thanh Hóa.

Nhà máy xi măng Long Sơn (trung tâm động lực Thạch Thành - Bỉm Sơn)

Ngoài ra, trung tâm cũng đã đánh giá, tuyển chọn thu thập được 28 giống, tuyển chọn 10 giống mía ưu việt phục vụ tuyển chọn các giống có hàm lượng đường cao, năng suất 100 - 120 tấn/ha cho vùng nguyên liệu. Lai tạo sản xuất 4 giống chất lượng cao LS1, LS2, LS3, LS4 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận. Đồng thời thiết kế và xây dựng vườn tập đoàn giống mía; Quy hoạch vùng sản xuất mía công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tưới nhỏ nhọt theo quy mô công nghiệp trên 500 ha tại Công ty MTV Lam Sơn - Sao Vàng và các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân...

Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại Lam Sơn- Sao Vàng

Sau 6 năm Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn đi vào hoạt động, bước đầu đã có kết quả khả quan và là "hạt nhân" để lan tỏa trên vùng đất lam Sơn - Sao Vàng và các huyện trung du miền núi Thanh Hóa. Điều này chứng minh tính đúng đắn khi nhận định (hơn 10 năm trước) của GS-TS Đỗ Năng Định lúc đương chức Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam: vùng đất nằm dọc đường Hồ Chí Minh, trải dài từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh (vùng Lam Sơn - Sao Vàng nằm giữa - TG) hội tụ đầy đủ các điều kiện để hình thành và phát triển một "xa lộ nông nghiệp công nghệ cao dọc đường Hồ Chí Minh"

Cảng hàng không Thọ Xuân với chức năng dự bị cho Sân bay Nội Bài

Một trong những thế mạnh của Trung tâm động lực Lam Sơn - Sao Vàng được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hết sức quan tâm và tập trung chỉ đạo là bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành máy bay, đây là hướng đi hết sức đúng đắn. Bởi, nơi đây trong chiến tranh, năm 1965 thế kỷ 20, một vạn Thanh Niên lên "công trường thủy lợi Thanh Hóa" - mật danh được dặt cho công trường xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng, còn Bộ GT- VT đặt "mật danh" là công trường 101.
Cùng một lúc nhiệm vụ xây dựng Sân bay quân sự Sao vàng có 2 mật danh! Sau 1 năm có sự giúp đỡ của Liên Xô, Sân bay quân sự Sao Vàng hoàn thành và là nơi máy bay MiG 17 xuất kích không chiến với máy bay địch. Vào những năm 78, 79, trước sự bành trướng của ngoại bang trên biên giới phía Bắc, Sân bay quân sự Sao Vàng được nâng cấp trở thành căn cứ không quân chiến lược cho đến ngày nay.

Luyện tập bảo vệ tổ quốc tại Căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng - Cảng hàng không Thọ Xuân

Năm 2013, được Chính phủ đồng ý và sự quan tâm của Bộ GT- VT và Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Sư đoàn không quân 371 (quân chủng PK-KQ), Trung đoàn không quân 923, tỉnh Thanh Hóa được phép sử dụng một phần căn cứ không quân này để hoạt động thương mại. Và, Cảng hàng không Thọ Xuân ra đời, khai trương đường bay đầu tiên từ TP Hồ Chí Minh về Thanh Hóa ngày 5.2.2013.

Có may mắn được tiếp cận và theo dõi hoạt động của Cảng hàng không Thọ Xuân ngay từ ngày đầu đến hôm nay, tác giả bài viết này thấy rằng, rất ít, thậm chí không có cảng hàng không nào của nước ta bắt đầu hoạt động bay kể từ sau năm 1975 đến nay có tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng như Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Xin dẫn: Ngày 5.2.2013 bắt đầu bay thương mại, Bộ GT - VT giao nhiệm vụ cho Cảng hàng không Thọ Xuân đến năm 2020 phải đạt được 330.000 lượt hành khách qua cảng. Mới bay hơn 2 năm, từ ngày 5.2.2013 đến ngày 6.8.2015, Cảng hàng không Thọ Xuân đã cán đích (330.000 lượt hành khác) về trước kế hoạch trên giao 5 năm. Và, sau gần 7 năm, ngày 10.12.2019, hành khách thứ 1.000.000 đã qua cảng hàng không Thọ Xuân. Con số biết nói trên phản ánh mức tăng trưởng qua hàng năm của cảng hàng không này cực kỳ ấn tượng! Năm 2020 đến nay mặc dù bị dịch Covid - 19 "tàn phá", ngành hàng không bị ảnh hưởng hết sức nặng nề, nhưng Cảng hàng không Thọ Xuân đã vượt qua và có mức tăng trưởng xếp trong nhóm 10 của 22 cảng hàng không cả nước.

Đón hành khách thứ 330.000 ngày 6.8.2015 về trước kế hoạch trên giao 5 năm

Đón hành khách thứ 1.000.000 ngày 10.12.2019

Mới ra đời và bay thương mại được 9 năm, Cảng hàng không Thọ Xuân (Sân bay Sao Vàng) đã được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế và có thêm chức năng dự bị cho sân bay Nội Bài. Và ngày 16.10.2020 Bộ GT-VT và UBND tỉnh Thanh Hóa đã công Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Với diện tích 1.092,53 ha sẽ được xây dựng đồng bộ có thêm đường hạ, cất cánh dài 3,8 km, tổng vị trí đỗ tàu bay là 16 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code E), công suất 5 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm...

4 trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Thanh Hóa có thể hình dung như thế này; phía Bắc (giáp Ninh Bình) là trung tâm Thạch Thành - Bỉm Sơn, phía Nam (giáp Nghệ An) là Khu kinh tế Nghi Sơn, phía biển Đông là trung tâm TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn và phía Tây là Trung tâm Lam Sơn - Sao Vàng. Tất cả các trung tâm động lực đều có các tuyến giao thông huyết mạch chạy qua (QL 1A, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển và cao tốc Bắc - Nam kết nối với các QL 217, QL 45, QL 47 cùng các tỉnh lộ tạo thành mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh và rất thuận lợi.

Hy vọng, từ 4 trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội, ở Thanh Hóa, trong tương lai gần, 27 huyện, thị, thành của địa phương này sẽ có bước phát triển đột phá để sớm hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu".