Cách phố núi Pleiku khoảng 110 km, trong 8.570 người dân toàn xã Pờ Tó bây giờ, hơn 2/3 là đồng bào các dân tộc thiểu số. Hầu hết là người Ba Na, số ít còn lại là người J’rai, và người Tày di cư vào từ các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sắc màu làng tái định cư |
Ba năm trước đây, Pờ Tó còn chuyển cả 2 làng Bi Da, Bi Dông sang nơi ở mới theo kiểu "Thần Đèn": hàng trăm người ghé vai khuân cả ngôi nhà sàn dịch chuyển hơn nửa cây số. Trẻ em nơi này thích theo cha mẹ lên nương rẫy hơn đi học. Nên thầy cô thường phải tìm đủ mọi cách “dỗ” để trò chịu đến lớp.
Bộ đội cùng khiêng nhà với dân |
Dời làng kiểu "Thần Đèn" ở Pờ Tó |
Ngày 1/10/2018, bếp “Cơm Có Thịt” đầu tiên trên Tây Nguyên được mở tại trường Tiểu học Kim Đồng ở xã Ia Tul, trung tâm huyện Ia Pa. Trước đó, Hiệu trưởng trường là thầy Trần Đăng Khoa đã hiến khoản tiền tiết kiệm 100 triệu đồng của gia đình, với mong muốn giúp học trò khối lớp Một toàn người J’rai mỗi ngày được ăn một bữa cơm nóng tại trường, nhưng không đủ. Có Quỹ Trò nghèo vùng cao tiếp sức, thầy Khoa cùng cán bộ nhân viên toàn trường đã lo cho hàng trăm trò nhỏ được ăn một bữa đủ dinh dưỡng rồi nghỉ trưa tại lớp, để chiều học tiếp, nắm vững dần cách viết và đọc tiếng phổ thông, mới lên được lớp 2.
Ngày mở bếp "Cơm có thịt" đầu tiên trên Tây Nguyên tại trường TH Kim Đồng |
Hơn 2 tháng sau, ngày 7/1/2019, lễ trao học bổng Đọt Chuối Non lần thứ 12 cùng bếp “Cơm Có Thịt” thứ hai trên Tây Nguyên được tổ chức tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp xã Pờ Tó, là xã vừa nghèo vừa xa nhất của huyện Ia Pa. Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng trường TH-THCS Đinh Núp nhà ở thị xã Ayun Pa, ngày nào cũng cần mẫn đi-về, cắt cử chu đáo mọi việc.
"Cơm có thịt" bữa đầu tiên tại trường TH&THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó |
Bếp “Cơm có thịt” tại trường Tiểu học Kim Đồng hoạt động hết một năm học thì ngưng, còn bếp tại trường TH-THCS Đinh Núp vẫn duy trì tốt tới nay. Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao tiếp tục tài trợ “cơm thịt” với định mức 9.000đ /suất cho 47 trò nhỏ lớp Một. Để bữa ăn các con đầy đủ hơn, trường huy động cha mẹ học sinh thường xuyên vào trường trồng rau sạch góp cho bếp.
Nhà báo Nguyễn Anh Tú-Giám đốc Quỹ Trò nghèo vùng cao tại Pờ Tó |
Cha mẹ học sinh lớp 1 cũng tự giác đều đặn góp gạo, trung bình một trò 3 bát gạo mỗi tuần. Thỉnh thoảng lãnh đạo huyện, xã ghé thăm trường cũng ủng hộ khi tiền, khi gạo. Phần lương khoán trả hằng tháng cho cô đầu bếp thì thầy Hiệu trưởng vận động doanh nghiệp, bạn bè tài trợ.
Cha mẹ học sinh đến trường vỡ đất trồng rau ... |
.... và góp gạo hàng tuần cho cô giáo chủ nhiệm lớp Một |
Cô Trần Thị Mai đầu bếp luôn chú ý thay đổi thực đơn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường trả công cô mỗi ngày 130 nghìn đồng. Cô Mai chia sẻ: “Nhiều khi đi chợ em chi thêm tiền túi, nhưng cứ nhìn các cháu ăn bữa nào cũng ngon lành, vét sạch khay không thừa tí gì là em thấy hạnh phúc, vì được góp phần mình vào chương trình “Cơm có thịt” rất ý nghĩa cho học sinh nghèo”.
Cô Mai vừa làm bếp vừa chia sẻ với đoàn tham quan của Hội Từ Tâm Đắk Lắk |
Ngoài bếp “Cơm có thịt”, trường có sáng kiến “Tủ bánh mì 0 đồng” do thầy giáo Vũ Văn Tùng tạo dựng, duy trì suốt 1 năm qua. Phát hiện nhiều trò cứ học nửa buổi là biến mất, thầy theo dõi mới biết các cháu bị đói, lẻn về nhà tìm thứ dằn bụng, thường chỉ là vài muỗng cơm thiu hay mảnh khoai nguội lạnh, do ngày mùa cha mẹ các cháu phải canh rẫy để con nhỏ ở nhà tự xoay xở. “Thương rớt nước mắt”- Thầy bùi ngùi kể.
Thầy Tùng phát xôi cho trò nghèo lót dạ |
Từ buổi đầu vận động bạn bè được 60 ổ bánh mì mỗi tuần, tiếng lành đồn xa, nhiều người góp tiền ủng hộ để thầy Tùng đặt mua thêm. Mỗi tuần 3-4 buổi, thầy phải dậy từ 4h30, chạy xe máy chở chiếc sọt to phủ lớp bao dày chống bụi đi nhận 200 suất ăn. Hôm thì bánh mì sữa, hôm bánh bao hoặc xôi chở vào trường, phát nhanh để học trò kịp ăn rồi vào lớp. Khi thầy Tùng xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia với mô hình xe bánh mì 0 đồng, nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ, không chỉ thầy trò nhà trường mà cả xã, cả huyện, cả tỉnh đều tự hào.
Nhờ có hộp xôi của thầy mà các con đủ no để học |
Trường TH&THCS Đinh Núp còn có chương trình “Vật nuôi sinh sản cho học sinh mồ côi” từ sáng kiến của thầy Nguyễn Duy Ry- Tổng phụ trách Đội. Ba năm trước, thấy nhiều trò nhỏ mồ côi nghèo khổ quá, thầy Ry nghĩ ra cách vận động các nhà hảo tâm mua bò, mua dê tặng các cháu. Tới nay, 3 con bò và 4 con dê trao tặng đã sinh sản ra nhiều lứa, trở thành tài sản giúp những học sinh này ổn định dần cuộc sống, an tâm đến trường, giảm bớt khó khăn cho người nuôi dưỡng các cháu. Phòng thầy Ry thường “toàn mùi cá khô”. Vì thầy hay vận động nhu yếu phẩm chất vào đấy để phát cho trò nghèo hằng tháng.
Thầy Ry phát thêm thức ăn cho bữa "Cơm có thịt" |
Trường TH-THCS Đinh Núp có nhiều thầy cô giáo mỗi ngày phải đi-về cả trăm cây số. Thầy Lê Công Tấn, thầy Vũ Văn Tùng nhà cách trường gần 40km. Người đi dạy xa nhất là cô Ksor H'Yin, nhà ở làng Pa Ama H’Lăk xã Chư Mố cách trường tới 50km.
cô Ksor H'Yin (đứng) và cô Nguyễn Thị Phú cho học trò ngủ trưa sau khi ăn |
Cô Ksor H'Yin kể: Mỗi sáng cô đều phải dậy từ 4h, chăm lo việc nhà xong là chạy xe máy, mùa khô có thể băng tắt qua rừng để rút ngắn được vài cây số. Còn mùa mưa cứ đường chính mà phóng thì cả đi lẫn về tròn 100 km. Nhiều lần té xe. Tuấn trước đường mới ủi trơn trượt, chưa tới trường thì cô bị ngã xuống bùn lấm lem, phải chạy thẳng vào nhà anh Ba bảo vệ tắm gội, mượn quần áo con gái anh mặc để kịp giờ lên lớp.
Đường hai chiều vào trường xây trên đất nhà anh Ba hiến tặng |
Đã hơn 10 năm cô Ksor H'Yin đi dạy học xa như thế. Giữa trưa, các cháu ăn xong, cô còn lo cho các cháu ngủ. Cuối buổi học chiều, cô Ksor H'Yin chủ nhiệm lớp 1.2 và cô Nguyễn Thị Phú chủ nhiệm lớp 1.1 đều cẩn thận dắt 2 đoàn trò nhỏ về 2 thôn Bi Da, Bi Dông, rồi mới yên tâm quay xe chạy về nhà. Cực nhọc quen rồi, cô cũng như các đồng nghiệp khác trong trường hầu như quanh năm không vắng buổi nào, sợ nghỉ thì trường chẳng có giáo viên dạy thay.
Quang cảnh, khuôn viên trường đẹp đẽ, khang trang |
Ai lần đầu đến trường TH-THCS Đinh Núp cũng trầm trồ vì quang cảnh khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, lối vào trường là một đoạn đường hai chiều rộng rãi, xây trên dải đất rộng hơn 1.100m2 do anh Ba bảo vệ trường hiến tặng. Phần đất hiến này theo giá thị trường bây giờ cũng khoảng 300 triệu đồng, nhưng gia đình anh không tiếc. Anh Ba chia sẻ: Nhờ có nguồn thu nhập từ quán ăn đối diện trường, nên khoản lương bảo vệ được ba triệu đồng mỗi tháng anh cũng hay trích ủng hộ vào bếp cơm thịt cho các cháu.
Phòng học của các cháu vẫn giữ nguyên tấm backdrop gần 4 năm trước |
Cùng Hội Từ Tâm Đắk Lắk trở lại thăm trường sau gần 4 năm mở bếp “Cơm có thịt” thứ hai trên Tây Nguyên, tôi lặng người xúc động khi nhìn thấy tấm backdrop giới thiệu chương trình ngày ấy vẫn còn gắn nguyên vẹn trên tường. Đây chính là cách giáo dục con trẻ về lòng biết ơn, rèn luyện tâm đức, nhắc các cháu không quên từng được bao nhà tài trợ nhân ái cùng thương yêu, nâng đỡ.
Thầy Lê Công Tấn chở tôi đi xem đủ cách "dỗ trò đến lớp" của nhà trường |
Một ngôi trường vùng sâu, mà từ Hiệu trưởng tới các thầy cô giáo, tới chú bảo vệ, cô đầu bếp, tất thảy đều yêu nghề, vượt mọi khó khăn gian khổ, vừa dạy vừa dỗ, chăm lo chu toàn tới từng giấc ngủ bữa ăn cho trò nghèo như thế. Tấm lòng nhà giáo nơi này thật sáng trong, nồng ấm tình người, quý hóa biết bao.
Hoàng Thiên Nga