NSƯT Việt Hoàn - “chàng Trương Chi “ của làng nhạc đỏ hồi ấy, bây giờ…?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những năm cuối của thập niên 90, ca sĩ Việt Hoàn được giới âm nhạc mệnh danh là "chàng Trương Chi của làng nhạc đỏ"… Bây giờ anh vẫn vậy, có khác chăng chỉ là sự thành đạt và giàu có…
Tam ca nhạc đỏ hàng đầu Việt Nam
Tam ca nhạc đỏ hàng đầu Việt Nam

Cũng như Trọng Tấn Anh Thơ, tôi biết Việt Hoàn từ năm 1997. Hồi đó, Hoàn vừa mới đỗ vào hệ đại học khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội (giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Trong một lần đến trạm xá của trường, tôi thấy một cậu sinh viên dáng người nhỏ bé, da ngăm đen, đang ngồi chờ khám bệnh. Bác sĩ Tiến - Trưởng trạm xá - giới thiệu với tôi đây là ca sĩ Việt Hoàn, mới ở Đoàn ca múa nhạc Hải Phòng vừa thi đỗ vào Nhạc viện. Tôi mỉm cười, lại gần bắt tay Hoàn và nói:

NSƯT Việt Hoàn

NSƯT Việt Hoàn

- Thầy biết danh tiếng của em khá lâu rồi vậy mà bây giờ mới gặp. Hôm trước nghe NSND Lê Dung nói em từng đoạt giải Nhất cuộc thi hát đơn ca của tỉnh Thái Bình cùng giành nhiều Huy chương vàng, bạc tại các kỳ hội diễn văn nghệ của Đội văn nghệ Công an Thành phố Hải Phòng.

(Việt Hoàn chính là học trò cưng của NSND Lê Dung - niềm tự hào của nền âm nhạc Việt Nam. "Người đàn bà hát" Lê Dung không chỉ là người trực tiếp giảng dạy Việt Hoàn, mà còn là người có công "đưa" Việt Hoàn lên Hà Nội, dẫn dắt và rèn cặp để tài năng của anh tỏa sáng, trở thành một giọng ca quý hiếm của dòng nhạc thính phòng).

Nghe tôi nói, Hoàn khiêm tốn đáp:- Cũng chỉ mấy giải mang tính nghiệp dư thôi thầy ạ. Em mới nhập học được hơn tháng nay, không hiểu do thay đổi thời tiết hay vì em hút nhiều thuốc lá mà mấy hôm nay em bị đau họng quá. Tối mai em đã nhận lời biểu diễn trong Trường Đại học sư phạm Hà Nội I rồi mà họng thế này không biết có diễn nổi không, em xin bác sĩ Tiến cho em ít thuốc kháng sinh đặc hiệu ạ.

Bác sĩ Tiến vui vẻ nhận lời và khuyên Hoàn nên hạn chế hút thuốc lá. Việt Hoàn mời tôi và bác sĩ Tiến tối hôm sau vào Đại học Sư phạm xem em biểu diễn. Vì chưa được nghe em diễn bao giờ nên hôm đấy tôi háo hức đến Trường Đại học sư phạm Hà Nội I xem em biểu diễn.

Khi Việt Hoàn bước ra sân khấu biểu diễn, cả rừng người dưới sân vận động vỗ tay chào đón, rồi khán giả lặng đi khi Việt Hoàn "nhả" từng ca từ “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai” trong ca khúc “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Đến ca khúc “Phượng Hồng” (lời thơ của Đỗ Trung Quân, nhạc của Vũ Hoàng) thì khán giả như đứng cả dậy vỗ tay không ngớt, khi Việt Hoàn vừa kết thúc tiết mục. Nhiều tiếng hô "hát lại đi, hát lại đi" ngân mãi trong những hàng người xem.

Lần đầu tiên được xem Việt Hoàn biểu diễn, tôi quá xúc động và càng khâm phục giọng ca đẹp, rất kỹ thuật của em. Dường như không phải riêng tôi, mà gần như những khán giả tham dự đêm nhạc hôm ấy đều cùng chung một cảm xúc…

Sau đêm biểu diễn lần ấy, tôi càng thêm cảm tình với Việt Hoàn và thường xuyên trao đổi gặp gỡ em hơn. Rất nhiều lần tôi mời Việt Hoàn đi biểu diễn phục vụ các trường cũng như cơ quan có quan hệ với Nhạc viện Hà Nội. Mặc dù hồi đó mới lên nhập học, kinh tế gia đình khó khăn, do bố mẹ đều là những diễn viên cải lương, nhưng Việt Hoàn hầu như không bao giờ đặt vấn đề cat sê khi nhận lời.

Mặc dù khi ấy đã bắt đầu được nhiều người biết đến, nhưng cuộc sống của Việt Hoàn vẫn giản dị. Đến khi ra trường Việt Hoàn thường được mời đi diễn với lịch khá kín, có tiền, nhưng Hoàn vẫn đi thuê một căn phòng nhỏ chật hẹp ở Ngõ Chợ Khâm Thiên và đi chiếc xe máy cà tàng, hàng ngày đến Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam ở phố Kim Mã để luyện tập và biểu diễn và sau đó là Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam cho đến bây giờ.

Sự nghiệp ca hát của “chàng Trương Chi” cũng bắt đầu nổi lên từ đây và có lẽ đình đám nhất là khi Việt Hoàn đề xuất sáng kiến cùng với Trọng Tấn, Đăng Dương dàn dựng tiết mục tam ca: “Đường Chúng ta đi” (nhạc Huy Du, lời thơ của Xuân Sách).

Tam ca của ba ca sĩ nhạc đỏ hàng đầu Việt Nam lúc đó đã trở thành một hiện tượng âm nhạc trên các sân khấu trong cả nước, thậm chí, đến các thầy cũng bị ảnh hưởng và sáng lập tam ca “ba cụ”: NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương và NSND Trần Hiếu với bài “Chiều Hải cảng”.

Có thể nói những năm đầu của thiên niên kỷ mới, nhóm Việt Hoàn, Trọng Tấn , Đăng Dương đã gây tiếng vang lớn trong công chúng, đặc biệt là những người yêu thích nhạc đỏ.

Buổi biểu diễn đầu tiên tiết mục này ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Việt Hoàn đã mời tôi tham dự. Quả thật khi nghe ba giọng hát trẻ của dòng nhạc thính phòng biểu diễn một cách hoành tráng, tôi cũng như bao người nghe như bị hút hồn vào âm hưởng của cuộc chiến hào hùng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Không chỉ nổi tiếng với các tam ca mà các cặp song ca của Việt Hoàn với Anh Thơ, Lan Anh luôn là lựa chọn của người nghe trên sóng truyền hình cũng như trên hệ thống băng, đĩa.

NSUT Việt Hoàn và ca sĩ Anh Thơ

NSUT Việt Hoàn và ca sĩ Anh Thơ

Việt Hoàn không chỉ nổi tiếng trong sự nghiệp ca hát mà anh còn nổi tiếng về sự khiêm tốn, hài hòa trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè và ngoài xã hội, cũng như trong tình yêu đôi lứa. Ở Việt Hoàn luôn toát lên sự đàng hoàng, chững chạc, để mọi người phải nể trọng. Mặc dù anh không có lợi thế về dáng vẻ bề ngoài như những ca sĩ cùng trang lứa, nhưng ở Việt Hoàn luôn toát lên vẻ cuốn hút, sự ấm áp, tạo sự tin cậy của mọi người.

Việt Hoàn tâm sự: “Em thật hạnh phúc khi được trời ban tặng cho ba cô con gái là cháu Trà Linh, Việt Thi và Song Thư. Cả ba cháu đều theo nghề của bố, cháu Trà Linh học môn đàn bầu của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cháu Việt Thi học đàn tranh và cả thanh nhạc, thường xuyền đi biểu diễn cùng bố trong các sô diễn. Cả ba cháu đều ngoan ngoãn, học giỏi và đó là món quà quý giá nhất mà cuộc đời em có được!”

Từ sự lao động nghệ thuật cần cù, sáng tạo không ngừng nghỉ, Việt Hoàn đã cống hiến cho âm nhạc nước nhà những thành quả đáng tự hào. Trái ngọt cũng mang đến cho anh từ sự dâng hiến cho âm nhạc ấy, khi giờ đây, anh đã có cơ ngơi khá lý tưởng với một trang trại gần 10.000m2 đất tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách Hà Nội khoảng 35 km.

Gia đình người nghệ sĩ sinh sống ở đây, nơi có những con suối chảy róc rách và những thảm xanh thực vật, những bể tắm trong nhà, ngoài trời lý tưởng. Hàng ngày, ngoài việc đi biểu diễn, làm băng đĩa, viết sách, Việt Hoàn còn dành thời gian trồng rau, chăn nuôi, để có những bữa ăn “sạch” cho gia đình và chiêu đãi bạn bè.

Ca sĩ Trọng Tấn trong một lần gặp mới đây nói với tôi: “Việt Hoàn có trang trại lý tưởng lắm thầy ạ, hôm nọ em lên thăm mê luôn”.

NSƯT Việt Hoàn chăm sóc trang trại

NSƯT Việt Hoàn chăm sóc trang trại

Tôi thật mừng cho giọng ca vàng Việt Hoàn khi sau những năm tháng cống hiến hết mình cho âm nhạc, anh đã có một cuộc sống như mong ước cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tôi hẹn Việt Hoàn có một lần sẽ lên trang trại của em, để được tận mắt chứng kiến những phút thảnh thơi, thư giãn của em ngoài nghệ thuật. Mong "chàng Trương Chi” của làng nhạc đỏ Việt Nam luôn tỏa sáng trong sự nghiệp, không phụ lòng hâm mộ của khán giả yêu âm nhạc Việt Nam.