Chính Khăm Phết Lào cũng rất ngại khi bị ai gọi là doanh nhân. “Tôi chỉ là thầy thuốc Đông y gia truyền, kế thừa và nâng cao các bài thuốc quý do Bố tôi truyền lại thôi”- Anh hay nhũn nhặn nhắc các phóng viên.
Ngày Doanh nhân, Khăm Phết vẫn chăm sóc vườn cây thuốc |
Nhưng tên của Bố con Khăm Phết từ lâu đã mặc nhiên trở thành hiện tượng. Sổ ghi chép tại nhà anh có danh sách vài chục khách hàng là bác sĩ Tây y, cán bộ lãnh đạo, doanh nhân tên tuổi.
Rất nhiều con dấu trong hồ sơ thừa kế các bài thuốc của Khăm Phết Lào |
Công an tỉnh Đắk Lắk từng vào cuộc thu hồi, xử lý hàng tấn "thuốc" mạo danh Vua Voi Ama Kông |
Từ phố chợ tới tiệm tạp hóa, khu du lịch, quầy hàng các sân bay thì chi chít hàng trăm loại nhãn hàng mạo danh “Ama Kông-Khăm Phết Lào” bày bán, vi phạm nghiêm trọng luật sở hữu trí tuệ. Các cơ quan chức năng từng vào cuộc truy quét, xử phạt mấy lần, rồi đành chịu thua, không dẹp nổi.
Thật giả lẫn lộn ở quầy hàng sân bay |
Có tới 400 túi "thuốc Ama Kông-Khăm Phết Lào" giả mạo tặng quan khách tại một hội nghị lớn tháng 3/2019 |
Bị làm giả, bị mạo danh, tất nhiên phải là loại sản phẩm nổi tiếng, được nhiều người yêu thích. Đó chính là bài thuốc cường dương bổ thận của Vua Voi Ama Kông (tên ông đôi khi sách báo viết nhầm thành Amakong), người mà suốt cuộc đời dài 103 năm của mình đã minh chứng bằng vô số chuyện tình bi hài, ngộ nghĩnh.
Sinh nhật trăm tuổi Vua Voi Ama Kông. Từ trái qua: Tác giả bài này, chị H'Oen vợ anh Khăm Phết , vợ chồng Vua Voi Ama Kông, Khăm Phết Lào, BS Phồi |
Tôi là nhà báo duy nhất, mà vào năm 2009, Vua Voi Ama Kông bảo con trai Khăm Phết Lào tìm gặp, để trình bày lý do phải viết… đơn tuyên bố ly hôn bà Tư. Năm đó ông 99 tuổi, còn cô vợ tóc xoăn, mắt ướt mang hai dòng máu Marốc-Êđê mới có 41 cái xuân xanh, nghĩa là họ chênh nhau 58 tuổi. Vua Voi chào đời trước mẹ vợ 30 năm. Tôi cùng bác sĩ Nguyễn Đức Phồi – Chủ tịch Hội Đông y Đắk Lắk khi đó, về tận nhà Vua Voi ở xã Krông Na, xem có cách nào hòa giải, mà hiểu đôi uyên ương đang lục đục đã thật "đứt dây đàn".
Khăm Phết báo với di ảnh Vua Voi: Bố ơi, Cục SHTT đã có công văn trả lời sau 8 năm bố điểm chỉ gửi đơn |
Sự cường tráng dài lâu của Vua Voi được Ama Kông giải thích bằng những bài thuốc quý mà ông đã thu thập được suốt hành trình săn voi, buôn bán voi xuyên các nước Đông Dương. Toàn bộ khối kinh nghiệm này ông truyền lại cho Khăm Phết Lào, đứa con hiếu thảo ông ưng ý nhất trong 21 người con mà Vua Voi đã có với 3 bà vợ trước.
Những túi thuốc chính hiệu được Khăm Phết Lào dán tem chống hàng giả |
Vợ chồng anh Khăm Phết Lào sau khi tốt nghiệp trung cấp Đông y, đã dày công tìm hiểu cách hoàn thiện những bài thuốc quý được kế thừa, nâng cấp mẫu mã, bao bì thành mặt hàng gọn đẹp, hợp vệ sinh, được công nhận quyền sở hữu trí tuệ, được cấp đủ các giấy phép lưu hành, kinh doanh.
Anh đặt tên ngôi nhà khánh thành trước đại dịch là Nhà Sàn Gia Tộc |
Có kết quả phân tích, công nhận giá trị cường dương bổ thận và nhiều công dụng khác về mẫu thuốc Ama Kông của khoa Dược 2 trường Đại học ở Huế và Tp. Hồ Chí Minh, danh tiếng của bài thuốc ngày càng lan xa. Hàng trăm doanh nghiệp, Viện, Trường đã tìm đến đề nghị hợp tác góp vốn, biến những gói thuốc thô sơ cây lá hoa rễ thành rượu ngâm, viên nén cho tiện dụng, Khăm Phết dứt khoát chối từ.
Đã có kết quả phân tích những vị thuốc này của khoa Dược 2 trường Đại học |
Khăm Phết càng cương quyết “chỉ bán thuốc tại 1 địa chỉ duy nhất là nhà tôi”, sau vài lần nhận lời hợp tác, vì cả nể, cả tin “thấy họ cũng là người đàng hoàng, uy tín”. Nhưng cuộc “kết duyên” nào cũng sớm nở tối tàn, chỉ vì anh không thỏa hiệp với bất cứ hành vi nào mà anh cho là gian dối.
Anh thích loay hoay cả ngày trong những khu vườn xanh rì cây thuốc |
Ầm ĩ nhất là cuộc đại náo gần 10 năm trước tại Hà Nội, nơi Khăm Phết nổi điên khi nếm thử loại rượu nhạt thếch gắn tên Ama Kông mà đơn vị nọ đã xin hợp tác sản xuất. Bà vợ hiền của Khăm Phết thất sắc, thấy ông chồng lột ném phăng bộ đồ vét, còn mỗi cái quần đùi quơ gậy vụt tan nát cả dãy hũ rượu bày trước mặt đông đảo khách và báo chí đến dự lễ ra mắt. “Chúng mày dám làm ẩu? Chúng mày muốn giàu với Ama Kông bằng cách lừa đảo hả? Thà tao chết còn hơn!” Rượu tràn lênh láng đầy sân. Quan khách thất kinh, chạy mất dép.
Khăm Phết nhắc nhở con cháu phải biết trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc |
Nhưng bàn tới chuyện làm từ thiện thì mắt anh lại sáng lên. Khăm Phết nghiện giúp đỡ người nghèo. “Hồi xưa mình nghèo quá, con ốm cũng không có tiền mua thuốc, để nó chết oan. Bây giờ mình có phải giúp người khác chứ!”. Anh làm từ thiện cả trong và ngoài nước. Cả trăm giấy chứng nhận dán kín các vách nhà, ai đến cũng thấy.
Ngày H'Hen Nie về thăm buôn làng sau khi vào top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ, Khăm Phết lập tức đến tặng cô 100 triệu đồng "để cháu làm từ thiện". |
Không ngừng nghĩ ra những cách cho độc đáo. Năm 2013, Khăm Phết Lào gọi tôi, bàn chuyện lâu nay toàn thấy người Kinh tặng nhà tình thương cho người dân tộc thiểu số. Bây giờ Khăm Phết muốn làm ngược lại, là Khăm Phết đi tặng nhà cho người Kinh. “Chị coi nhà ai rách nát, không có tiền sửa, thì bảo Khăm Phết nhé!” . Tặng xong mấy căn nhà, năm 2014 Khăm Phết lại hỏi tôi có cách nào giúp anh tặng bộ đồ nghề săn voi, di vật của bố, cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không? “Tôi muốn cả thế giới cùng được nhìn thấy, và hiểu biết về văn hóa của người M'Nông-Lào ở Buôn Ðôn.”
Sau 3 năm tiếp nhận và chuẩn bị, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã làm lễ giới thiệu bộ đồ nghề săn voi của gia tộc Ama Kông tại Hà Nội |
Tháng 7/2018, đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu bên Lào bị vỡ. Thảm họa này đã cuốn trôi cả 6 ngôi làng, hàng vạn người mất nhà, hàng trăm người mất tích. Tòa soạn phân công tôi thu xếp đi gấp sang Lào thực hiện các loạt bài cho báo. Tôi rủ 3 người bạn nữa cùng đi, ngay sáng hôm sau lên đường, chở đầy 2 xe hàng từ thiện.
Đoàn công tác 4 người chúng tôi sang Lào cứu trợ vụ vỡ đập Sanamxay |
Nước Lào là quê cũ xa xưa của Khăm Phết Lào. Thời ông nội anh lập nghiệp ở Buôn Đôn thì đã hòa thêm cả dòng máu Ê Đê lẫn M’Nông. Có lẽ nhờ đó mà anh đặc biệt có năng khiếu về ngôn ngữ, có thể phiên dịch khá thông thạo cả chục thứ tiếng vùng Đông Nam Á. Đi cùng đoàn về xứ sở của tổ tiên, chứng kiến dân chúng khốn khổ vì đại nạn, Khăm Phết Lào xúc động lắm, vét sạch túi cho hết, từ tiền Việt, kíp Lào đến đô Mỹ. Sau hơn 1 tuần trở về, tôi có cả loạt tin bài phóng sự, còn cả đoàn túi ai cũng sạch nhẵn.
Khăm Phết tự nhận "Thua bố đa tình" vì anh chỉ có 1 vợ thôi |
Mấy năm xã hội giãn cách chống đại dịch Covid-19, Khăm Phết tranh thủ trồng lại được nhiều vạt cây thuốc rộng lớn, phần trong vườn rẫy của gia đình, phần rải giống cho cây mọc khắp rừng sâu. Anh dùng 180 triệu đồng từ tiền bán bớt một mảnh rẫy, cùng mấy phong bì các sếp lớn tặng, xây nhà tặng gia đình ông Y Điêu Byă và bà H’Khôn Êban nghèo khó, vợ chồng đều ốm đau bệnh tật, ở buôn Ea Rông xã Krông Na huyện Buôn Đôn. Ngày 16/8/2022, anh mời già làng đến chứng kiến.
Khăm Phết hướng dẫn đôi vợ chồng Y Điêu-H'Khôn cách trang trí nhà cửa |
Tự nhận “Thời trẻ ăn chơi, về già chỉ thích sống trong rừng núi”, lâu nay ít người gọi điện thoại mà Khăm Phết Lào nghe máy. Anh muốn dành phần lớn thời gian còn lại của mình để “trả nghĩa cho rừng”, bằng cách di thực, trồng lại các loài cây thuốc quý mà nhờ nó, rừng đã cho gia đình anh nguồn sinh kế no đủ, có điều kiện giúp nhiều người, vui với cuộc đời “doanh nhân hổng giống ai”.
Hoàng Thiên Nga