Ba nhà khoa học nữ xuất sắc được vinh danh tại Giải thưởng L’Oréal – UNESCO 2022 là ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuối tuần này, tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học sẽ được trao cho 3 nhà khoa học nữ có các công trình nghiên cứu vì sức khỏe và lợi ích cộng đồng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và GS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHv&CN Việt Nam trao Giải thưởng L’Oreál – UNESCO "Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học" cho 3 nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2019
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và GS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHv&CN Việt Nam trao Giải thưởng L’Oreál – UNESCO "Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học" cho 3 nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2019

Ba người phụ nữ được Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2022 của L’Oréal – UNESCO đều là những nhà khoa học có những dấu ấn đáng tự hào trên con đường nghiên cứu và sáng tạo. Họ sẽ tiếp tục viên trở thành ứng được xét duyệt đề cử cho Giải thưởng tài năng quốc tế L’Oreal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023.

Nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực hóa – dược

Người đầu tiên xin được nhắc đến là PGS.TS. Lê Minh Hà - Trưởng Phòng Hóa dược Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

PGS. TS Lê Minh Hà là nhà khoa học nữ nổi tiếng trong lĩnh vực hóa – dược với việc ứng dụng khoa học để chiết xuất các hoạt chất quý từ nguồn dược liệu thiên nhiên. Từ đó, sản xuất ra những dược phẩm để điều trị trị bệnh hiệu quả, an toàn.

Chị đã có hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực này. Nổi bật là công trình nghiên cứu quy trình chiết tách và tinh chế hợp chất KG1 từ cây địa liền, mở ra hướng đi mới trong việc hỗ trợ điều trị bệnh lý xương khớp vốn là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

Sau thành công đó, PGS.TS Lê Minh Hà tiếp tục nghiên cứu, chiết tách thành công hoạt chất rotundin từ củ bình vôi tươi để tạo ra các loại dược phẩm hỗ trợ điều trị bệnh.

Đặc biệt, chị tiếp tục thành công với quy trình chiết xuất chế phẩm TECAN chiết xuất từ thân rễ rẻ quạt và sâm đại hành, sáng chế ra hợp chất (3S)-dihydroeleutherinol-8-O-β-D-glucopyranoside làm cơ sở để phát triển sản phẩm thuốc ho thảo dược. Tháng 6/2019, sản phẩm được giới thiệu tại “Triển lãm Quốc tế phụ nữ sáng chế lần thứ 12” diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc và giành giải Vàng. Công trình này cũng đã được Bộ KH&CN cấp Bằng sáng chế độc quyền.

PGS.TS. Lê Minh Hà - Trưởng Phòng Hóa dược Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

PGS.TS. Lê Minh Hà - Trưởng Phòng Hóa dược Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Gần đây, chị nghiên cứu khai thác các hoạt chất từ nguồn thảo dược tự nhiên trong hỗ trợ đau nhức xương khớp từ các bài thuốc của dân tộc vùng núi phía Bắc Việt Nam rất hiệu quả, an toàn và ít tác dụng phụ. Trong đó, có bài thuốc tắm lá nổi tiếng của người Dao đỏ tại xã Tả Phìn, huyện Sapa. Hiện tại, bài thuốc tắm nói trên đang được khẳng định qua trải nghiệm thực tế của dân địa phương và khách du lịch đến Sapa.

Nghiên cứu của PGS.TS. Lê Minh Hà hướng đến việc bổ sung các bằng chứng khoa học hiện đại cho bài thuốc này để góp phần bảo tồn lưu giữ các bài thuốc cổ của người dân tộc Dao đỏ; giúp người dân bản địa biết lưu giữ, phát triển nhân rộng các cây thuốc quý, phục vụ cho sức khỏe cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Chính điều này giúp chị "lọt mắt xanh" của Giải thưởng L’Oréal – UNESCO.

Sáng kiến trong chẩn đoán bệnh Alzheimer tại Việt Nam

TS. Hà Thị Thanh Hương (sinh năm 1989) - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã được vinh danh với đề án nghiên cứu kỹ thuật phát hiện sớm bệnh Alzheimer qua sử dụng dấu ấn sinh học có trong huyết tương là protein p-tau 217.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 50 triệu người mắc bệnh sa sút trí tuệ, trong đó có Việt Nam. Do căn bệnh Alzheimer (viết tắt là AD) là một dạng bệnh suy thoái thần kinh có diễn tiến liên tục, không thể đảo ngược, bệnh khởi phát từ sự chết của tế bào thần kinh tích tụ qua nhiều năm.

Khi mang bệnh Alzheimer, bệnh nhân AD có thể đối mặt với những suy giảm trầm trọng ở khả năng hoạt động xã hội, nghề nghiệp và khả năng tự chăm sóc bản thân. Kèm theo đó là chi phí điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân Alzheimer về lâu dài gây nên một áp lực kinh tế vô cùng lớn cho bản thân gia đình người bệnh cũng như các nền kinh tế trong đó có tỷ lệ người mắc bệnh Alzheimer cao.

TS. Hà Thị Thanh Hương (sinh năm 1989) - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

TS. Hà Thị Thanh Hương (sinh năm 1989) - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Trước tình trạng này, các quốc gia đều thấy rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học của việc điều trị và can thiệp sớm bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh Alzheimer. Các phương pháp chẩn đoán hiện tại hầu hết chỉ dựa vào đánh giá nhận thức và sự thay đổi của cấu trúc não.

Do đó, các phương pháp này chỉ có thể phát hiện giai đoạn muộn của bệnh, khi các triệu chứng lâm sàng đã biểu hiện và tổn thương não không còn phục hồi được, vì hầu hết các liệu pháp điều trị hiện nay chỉ nhắm vào giai đoạn muộn và đã được chứng minh là không đem lại hiệu quả.

Đề án của TS. Thanh Hương tập trung vào việc sử dụng những dấu ấn sinh học có trong huyết tương đầy triển vọng được dùng cho chẩn đoán Alzheimer là protein tau được phosphoryl hoá (p-tau). P-tau là một thành phần quan trọng kích hoạt sự hình thành của đám rối tơ thần kinh nội bào, vốn là một cơ chế bệnh sinh quan trọng của bệnh Alzheimer.

Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào hướng tới việc phát triển một xét nghiệm kết hợp hóa chất miễn dịch và hạt nano để chẩn đoán sớm AD sử dụng mẫu huyết tương.

Vì thế, nghiên cứu của TS. Hà Thị Thanh Hương nhắm đến việc áp dụng một xét nghiệm siêu nhạy đã được xác minh là hoạt động hiệu quả với p-tau 181, một dấu ấn sinh học AD có nồng độ thấp trong máu là nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng.

Bằng cách áp dụng các nguyên tắc điện hóa, phương pháp này rất tiềm năng trong việc mang lại độ chính xác cao với giới hạn phát hiện và định lượng tối thiểu, đảm bảo phát hiện được sự thay đổi nồng độ p-Tau trong mẫu máu dù là nhỏ nhất để phân biệt bệnh nhân AD với nhóm chứng.

Nhóm nghiên cứu của TS. Hương cũng đã kết nối với các bệnh viện hàng đầu về sa sút trí tuệ tại Việt Nam như Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện 30-4, cũng như các nhóm nghiên cứu chẩn đoán phân tử từ Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện hợp tác trong tương lai cùng triển khai hướng nghiên cứu rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn tại Việt Nam.

Trước đó, TS. Hà Thị Thanh Hương là một trong 15 nhà nghiên cứu trẻ trên toàn thế giới được trao tặng giải thưởng Early Career Award năm 2020 của Tổ chức Nghiên cứu Não Quốc tế (International Brain Research Organization) có trụ sở tại Pháp.

Tạo dựng lại tên tuổi một đặc sản cung đình Huế

Một nhà khoa học nữ khác cũng được trao Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2022 là PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi (sinh năm 1980)- Phó Trưởng Khoa Nông học Đại học Nông - Lâm Huế.

Chè là loài cây mang lại giá trị cho sức khỏe quý giá cho con người. Tuy nhiên, ở khu vực miền Trung, việc nghiên cứu phát triển cây chè phục vụ phát triển kinh tế xã hội còn rất hạn chế.

PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi (sinh năm 1980)- Phó Trưởng Khoa Nông học Đại học Nông - Lâm Huế

PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi (sinh năm 1980)- Phó Trưởng Khoa Nông học Đại học Nông - Lâm Huế

Nhìn thấy thế mạnh của giống chè Truồi - một đặc sản trong cung đình Huế - PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, nhằm góp phần khẳng định tên tuổi của một đặc sản của cố đô Huế. Chị áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử trong việc đánh giá đa dạng nguồn gen, thông qua đó tạo lập nguồn kiến thức quý giá về đặc điểm các giống chè đang được trồng tại khu vực miền Trung, đặc biệt là nhận diện chè Truồi.

Đề án của PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá đa dạng di truyền các loài chè, định danh cấp độ các loài để có thể đảm bảo chất lượng của các loại chè, từ đó có thể bảo tồn các nguồn vật liệu quý và đặc hữu, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của cô đô Huế.

Vị ngon của chè được tạo nên bởi giống chè Truồi bản địa kết hợp với tiểu khí hậu đặc trưng ở triền núi Ấn Lĩnh, nguồn nước thiên nhiên và chất đất phù sa được bồi đắp hàng năm từ sông Hưng Bình thuộc làng Nam Phổ Cần, mang lại cho người dùng cảm giác khó quên khi được thưởng thức hương thơm nồng tự nhiên, vị chát ngọt và dịu nhẹ của loại chè này.