Thanh Hóa: "Tứ Sơn" tản mạn chuyện Bài 3: Lam Sơn như cây củi khô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Gần 50 năm về trước, một nhà máy sản xuất đường công nghệ và thiết bị của Pháp được xây dựng, lắp đặt giữa chừng rồi "đắp chiếu". Người dân xứ Thanh đã "tái sinh" nhà máy trở thành điểm sáng của ngành mía đường.
 Nhà máy đường Lam Sơn sau khi hoàn chỉnh lắp đặt thiết bị (Pháp làm dang dở) đã đi vào sản xuất
Nhà máy đường Lam Sơn sau khi hoàn chỉnh lắp đặt thiết bị (Pháp làm dang dở) đã đi vào sản xuất

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đang công tác tại Tỉnh đoàn Thanh Hóa có chuyến làm việc tại huyện đoàn Thọ Xuân, anh Trịnh Đức Hiền, Bí thư Huyện đoàn cử anh Luân cán bộ đưa tôi đi làm việc tại Đoàn thanh niên Nông trường Sao Vàng, gần Công ty mía đường Lam Sơn (LASUCO) bây giờ.

Nông trường Sao Vàng trồng nhiều loại cây, nhưng mía là nhiều nhất và chủ yếu làm ra mật (kéo mật). Chỉ vào những cây mía quắt qeo thiếu "dinh dưỡng" anh Luân nói với tôi: "Anh nhìn cây mía như "cây củi khô" thì lấy đâu ra nhiều mật. Chiều, tôi dẫn anh qua xem "đống củi khô" - Nhà máy đường Lam Sơn!"

Có lẽ câu ca Lam Sơn như "đống củi khô" mới đúng! Nhưng "đống củi khô" có sau "cây củi khô" nên dân vùng này "thuận mồm" từ lâu nên cứ "xướng lên" Lam Sơn như cây củi khô...!

Chiều muộn tôi và anh Luân ghé qua khu vực xây dựng nhà máy đường, cả đống thiết bị và những thứ vật liệu nằm im lìm cùng với cỏ cây khu vực Lam Sơn!

Kéo mật thủ công ngày xưa ở Thanh Hóa

Kéo mật thủ công ngày xưa ở Thanh Hóa

Vâng! Nếu như bây giờ chắc chắn Nhà máy đường Lam Sơn được Pháp hỗ trợ về công nghệ và thiết bị, xây dựng từ hồi xa xưa ấy sẽ được gọi "dự án đầu tư". Nhà máy đường Lam Sơn là "công trình trọng điểm quốc gia" thuộc Bộ Công nghiệp Thực phẩm, và Bộ này thành lập ngay "Ban kiến thiết Nhà máy đường Lam Sơn" cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp xây dựng. Lắp đặt máy móc, thiết bị được trên dưới 50% thì đột ngột dừng lại và các chuyên gia Pháp rút về nước, nhà máy "đắp chiếu" từ đó.

Ngay lập tức, Bộ Công nghiệp Thực phẩm phối hợp với các bộ, ngành, các trường đại học, có cả sự chi viện của Bộ Quốc phòng, mà cụ thể là Học viện kỹ thuật quân sự, thành lập "đội chuyên gia nội" nghiên cứu chế tạo máy móc, thiết bị lắp đặt hoàn chỉnh Nhà máy đường Lam Sơn, rồi đi vào hoạt động.

Mật mía Thanh Hóa

Mật mía Thanh Hóa

Từ năm 1981 đến năm 1986, mặc dù Nhà máy đường Lam Sơn đi vào sản xuất nhưng nguyên liệu mía "phập phù", người dân trong vùng không thiết tha với cây mía. Mặt khác, giai đoạn này khởi đầu cho thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế quản lý bao cấp sang thời kỳ đổi mới, nên còn rất lúng túng và gặp nhiều trắc trở.

Chính trong lúc khó khăn nhất, Thanh Hóa đã quyết định điều động ông Lê Văn Tam, Phó Giám đốc Ty Nông nghiệp Thanh Hóa, về làm Giám đốc Nhà máy đường Lam Sơn.

Vốn là kỹ sư kinh tế nông nghiệp, lại nhiều năm làm việc trong ngành nông nghiệp tỉnh nhà, nên ông Lê Văn Tam am tường về đồng đất quê hương. Hơn 10 năm (1988-1999) cùng với tập thể lãnh đạo lãnh đạo Nhà máy lăn lộn với công việc, ông nhận được sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ động viên của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, nhất là bà con trồng mía trong vùng. Với thời gian chưa dài, chỉ hơn 10 năm, Nhà máy đường Lam Sơn cùng với bà con nông dân đã tạo dựng một vùng nguyên liệu mía hơn 15.000 ha ở 4 nông trường quốc doanh, 212 xã của 11 huyện trung du, miền núi Thanh Hóa.

Từ chỗ cây mía như "cây củi khô" năng suất chỉ được khoảng vài chục tấn/ha đã nâng lên 70-80 tấn/ha với hàm lượng đượng khá cao, góp phần tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo sự gắn kết giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông dân và công nhân nông nghiệp. Bước đầu triển khai và thực hiện có hiệu quả phương án phát triển mía đường, khai thác và làm sống dậy một vùng đất trống đồi núi trọc trung du miền núi, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ sản xuất tự cấp, tự túc chuyển sang sản xuất hàng hóa nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Nhà máy đường Lam Sơn Thanh Hóa

Nhà máy đường Lam Sơn Thanh Hóa

Từ năm 1992 đến nay, Công ty mía đường Lam Sơn (LASUCO) đã đầu tư trên 1.000 tỉ đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Công suất 2 nhà máy đường (1 và 2) đạt 7.000 tấn mía/ngày, làm ra hơn 100.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng cả nước, sản phẩm ngày càng đa dạng, chất lượng không ngừng được nâng cao. Từ chỗ Công ty chỉ có 1 sản phẩm là đường thô, đến nay, đã có thêm các loại sản phẩm chính như đường RS, đường RE (tiêu chuẩn EU), đường vàng tinh khiết, cồn xuất khẩu...cùng nhiều sản phẩm khác.

Anh hùng Lao động Lê Văn Tam (bên phải) đang giới thiệu giống mía năng suất cao với các đại biểu tham quan vùng nguyên liệu

Anh hùng Lao động Lê Văn Tam (bên phải) đang giới thiệu giống mía năng suất cao với các đại biểu tham quan vùng nguyên liệu

Không ngoa ngôn chút nào khi nói về ngành công nghiệp mía đường cả nước (giai đoạn này) là nói đến Nhà máy đường Lam Sơn Thanh Hóa. Mía đường Lam Sơn trở thành điểm sáng của cả nước và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1999) Sau đó 1 năm (năm 2000) cá nhân Giám đốc Lê Văn Tam cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Gần 35 năm gắn bó với LASUCO, đến nay Anh hùng Lê Văn Tam đã ngoài 85 tuổi vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh và hoạt bát. Ông đang cùng cán bộ công nhân Công ty và bà con vùng trồng mía "thay máu" vùng nguyên liệu, nỗ lực triển khai nhiều dự án mới, đặc biệt chiến dịch "làm mới cây mía, hạt đường" cũng như tiếp tục đầu tư phát triển hơn nữa "Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn" để có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch...

Cà chua được trồng tại Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn

Cà chua được trồng tại Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn

Từ vùng trung du đồi núi cây mía như "cây củi khô", Nhà máy đường như "đống củi khô", đến nay vùng đất Lam Sơn - Sao Vàng đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện... Lam Sơn - Sao Vàng đã trở thành thị trấn và đang dần hiện hữu là Khu đô thị Lam Sơn - Sao Vàng trong tương lai không xa...

Bài 4: Nghi Sơn - cá lẹp khi mô mới giàu?