Để cùng nhìn nhận lại những nỗ lực của ngành y giữa muôn trùng khó khăn, để sẻ chia và ủng hộ các thầy thuốc có thêm động lực vượt qua mọi thách thức, VietTimes đã có cuộc trò chuyện cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Thưa Thứ trưởng! Năm 2022 khép lại với nhiều biến động của ngành y, nhưng cũng ghi nhận những thành công, nỗ lực không mệt mỏi của toàn bộ hệ thống trên nhiều lĩnh vực: Phòng, chống dịch, khám, chữa bệnh, quản lý dược… Ông có thể chia sẻ những dấu ấn nổi bật trong năm qua của ngành y tế với bạn đọc?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, ngành Y tế đã nỗ lực hết sức trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế còn hạn chế và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao, đạt 11,1 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân, 92,03% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Một trong những kết quả đáng kể của Bộ Y tế là đã tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế và đã được phê duyệt nhiều chính sách quan trọng trong phát triển ngành y: Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/9/2022 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025…
Dịch Covid-19 được kiểm soát, cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 cao nhất thế giới. Đặc biệt, số tử vong do COVID-19 đã giảm mạnh từ tháng 4/2022 đến nay, hiện chỉ còn ghi nhận rải rác số ca tử vong. Các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến được kiểm soát, chủ động khoanh vùng xử lý, không để lây ra cộng đồng.
Bộ Y tế đã xây dựng các đề án, dự án đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Sau 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, hiện hoạt động khám, chữa bệnh nhanh chóng phục hồi. Toàn ngành tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý môi trường y tế, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm cả mạnh.
Ngay khi dịch tạm ổn, Bộ Y tế đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở với việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế cũng phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi, hoặc làm rõ các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm đấu thầu; đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn, duy trì giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế.
Bạn đọc của VietTimes muốn được biết về những khó khăn mà ngành y tế đang đối mặt và cần được chú trọng tháo gỡ trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Hệ thống văn bản pháp luật mặc dù được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hoá, tự chủ, quản trị bệnh viện công. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế.
Việc phân bổ nhân lực y tế chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu ở tuyến y tế cơ sở. Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế công lập tăng. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Còn tồn đọng hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế.
Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Cơ chế, chính sách khuyến khích y tế tư nhân chưa đủ mạnh. Một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số mắc tăng. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở một số vùng, nhóm dân tộc còn thấp.
Phía trước luôn là niềm tin, niềm hy vọng vì đó là tương lai của y tế Việt Nam, của từng thầy thuốc đang hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thứ trưởng có thể cho biết kế hoạch và mục tiêu chính trong năm 2023 của ngành y tế?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Ngành y tế sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Bộ Y tế cũng nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trình Chính phủ điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên 100% theo Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19. Nghiên cứu hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản, xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số y tế, kết nối thành công hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip và đã có 11.726 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện, đạt 92%.
Ngành sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức các đơn vị thuộc phạm vi Bộ Y tế quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch là một mục tiêu quan trọng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, nâng cao sức khoẻ người dân. Triển khai các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở tất cả các tuyến.
Chúng tôi quan tâm việc quản lý sức khỏe toàn dân, trong đó, coi trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em vv... Duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát tốc độ tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, sự hài lòng của người dân, bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ sở y tế.
Tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế sẽ được tập trung giải quyết dứt điểm với việc đẩy mạnh cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc.
Một vấn đề đặc biệt quan tâm mà Bộ Y tế luôn quan tâm chỉ đạo và sẽ được tiếp tục thúc đẩy là triển khai chương trình chuyển đổi số y tế trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ; tiếp tục rà soát, thực hiện giá dịch vụ y tế và giá vắc xin theo lộ trình tính đúng, tính đủ; nghiên cứu hoàn thiện phương thức chi trả dịch vụ y tế; thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Xin cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ!
Thanh Hằng (thực hiện)
Trình bày: Đào Văn Lâm