Thanh Hóa: "Tứ Sơn" tản mạn chuyện Bài 1: Sầm Sơn như cái bánh đa!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Tứ Sơn"  bao gồm: Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn và Nghi Sơn (Thanh Hóa) giờ đã trở thành các trung tâm động lực phát triển kinh tế. Nhưng, mấy ai biết được "ngày xưa" ấy, biết bao câu chuyện về một thời gian khó...
 Bác Hồ kéo lưới cùng ngư dân Sầm Sơn tháng 7.1960
Bác Hồ kéo lưới cùng ngư dân Sầm Sơn tháng 7.1960

Tôi muốn trở lại những địa danh này (Tứ Sơn) trong loạt bài viết của mình. Vì, hôm nay, khi mà những vùng đất ấy "chính danh" trong bản đồ phát triển kinh tế, thậm chí rất nổi tiếng trở thành khu kinh tế trọng điểm của quốc gia, thì vất vả, khốn khó, gian nan đã qua... xin đừng lãng quên! Tôi tin còn khá nhiều người vẫn còn nhớ đến những câu ca nói về (Tứ Sơn) mà khi xướng lên vẫn có sức lay động lòng người, nhớ nhớ, thương thương, bùi ngùi, xúc động! Và rồi, đi cùng năm tháng ấy, những câu ca ấy trở thành những câu chuyện "tiếu lâm" mang hồn cốt "tục mà thanh" góp thêm tiếng cười của những ngày tháng khó khăn vất vả:

Sầm Sơn như cái bánh đa

Bỉm Sơn như cái bàn là Liên Xô

Lam Sơn như cây củi khô

Nghi Sơn - cá lẹp khi mô mới giàu?

Xin bắt đầu từ cái "bánh đa" – thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh bây giờ.

Mặc dù Sầm Sơn được người Pháp tìm đến nghiên cứu, trong tổng thể khảo sát, đánh giá về các bãi biển tốt nhất Việt Nam. Và họ đã đã đi đến kết luận: bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) được xếp ở vị trí thứ nhất với những tiêu chí, đẹp, bãi cát mịn, sạch, bãi tắm thoai thoải kéo dài ra phía biển, sóng biển phù hợp cho người tắm. Đặc biệt nồng độ muối (độ mặn) rất phù hợp cho sức khỏe con người. Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn phú cho nơi đây nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng mà mỗi thắng cảnh, di tích, danh lam đều lung linh sắc màu huyền thoại. Chính những ưu thế trên mà Sầm Sơn đã được người Pháp xây nhiều Villa, biệt thự trên núi Trường Lệ để nghỉ dưỡng. Ngay đến Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng xây riêng cho mình một "Hoàng Cung" ở nơi đây để nghỉ ngơi và làm việc... Nhưng tiếc thay do chiến tranh nên tất cả Villa, biệt thự, "Hoàng Cung" đều bị tàn phá chỉ còn lại dấu tích.

Trong những năm tháng chống giặc ngoại xâm, Bác Hồ và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã đến Sầm Sơn.

" Bánh đa"- Sầm Sơn ngày xưa

" Bánh đa"- Sầm Sơn ngày xưa

Mặc dù bước đầu được người Pháp chú ý xây dựng một số nơi nghỉ dưỡng, nhưng Sầm Sơn chỉ là một chấm nhỏ, thậm chí rất nhỏ trên bản đồ dải đất hình chữ S, là một làng chài không hơn không kém của huyện Quảng Xương. Người dân nơi đây lam lũ sớm hôm, từ đời này qua đời khác họ gắn với biển khơi để mưu sinh. Biển cả cho họ con tôm, con cá để nuôi sống gia đình. Vì thế học hành, chữ nghĩa nơi đây không mấy ai quan tâm. Trong tâm thức người dân: chữ nghĩa văn chương không bằng xương con cá lẹp!

Ngoài sản vật mà biển cả mang lại, cư dân Sầm Sơn cũng có những thứ đặc sản mà ai từng được thưởng thức sẽ khó quên. Bánh đa (bánh tráng) là một trong những sản vật đó do chính con người nơi đây làm ra. Bánh đa Sầm Sơn rất ngon và trở nên nổi tiếng bởi bánh giòn tan, thơm ngậy, đậm đà chất tinh túy của bột gạo, vừng vàng, vừng đen hòa quyện với "chất" mặn mòi của biển cả. Những năm tháng khó khăn, ngay đến sắn, khoai, ngô cũng có thể được xay, nghiền nhỏ thành bột để làm bánh đa. Và thứ bánh đa ấy dù làm bằng tinh bột của loại củ, quả nào cũng trở nên nổi tiếng.

Hòn trống mái Sầm Sơn

Hòn trống mái Sầm Sơn

Sẽ chưa trọn vẹn nếu một lần về Sầm Sơn chưa được thưởng thức bánh đa kẹp cá trích. Những năm tám mươi của thế kỷ trước mỗi lần đến Sầm Sơn làm việc, thi thoảng được bạn bè cho ăn cá trích với khoai luộc, tuy chỉ khoai "trùn"! Thời khó khăn, củ khoai chỉ to hơn con giun đất, tiếng Thanh Hóa gọi là con "trùn đất" cũng ngon đến vô cùng! Nếu thượng khách được dân bản địa đãi cá trích vừa kéo dưới biển lên tươi xanh, đang giãy "đành đạch" đem về hấp hoặc đồ lên, kẹp với bánh đa chấm với nước mắm cốt Sầm Sơn, ăn vào thì ngon thôi rồi. Ngon đến độ về đến nhà vẫn còn phảng phất hương vị mặn mòi của đại dương chen vị đậm đà ngon "nhưng nhức" của bánh đa cá trích!

Bãi biển Sầm Sơn ngày xưa

Bãi biển Sầm Sơn ngày xưa

Lại nữa, thời 2 miền Nam - Bắc còn chia cắt, Thanh Hóa là xứ sở của cây dừa, giống như xứ sở dừa Bến Tre của cả nước bây giờ! Dân Thanh Hóa cũng từng đãi khách, người thân bằng nước dừa ngon ngọt. Nhưng, ngoài nước dừa giải khát, xơ dừa, vỏ dừa phơi khô làm củi đun nấu, cùi dừa được người dân nơi đây chế biến ăn cùng với bánh đa. Bánh đa nhiều nơi ở Thanh Hóa làm, đều rất ngon, nhưng khi kết hợp ăn cùi dừa với bánh đa Sầm Sơn thì hương vị nó khang khác và ngon không chê được vào đâu! Ngon đến độ, có cặp vợ chồng, bà vợ một lần được bạn đãi cùi dừa ăn với bánh đa Sầm Sơn, thấy quá khoái khẩu. Thời bao cấp quá nghèo, thi thoảng mới kiếm đươc mấy đồng bạc, kiểu chi bà cũng lén chồng đi mua bánh đa và cùi dừa để ăn.

Thế rồi "đi đêm có hôm gặp ma" một lần bà "thì thụt" trốn chồng đi ăn, không may, chồng bà phát hiện ra lôi về nhà đánh cho một trận. Bài học nhớ đời bị chồng đánh, nhưng "miếng ngon nhớ lâu" bà vợ vẫn thi thoảng "đánh lén" bánh đa cùi dừa. Và câu chuyện của vợ chồng bà, thành câu ca truyền kiếp: "chồng đánh không chừa, cùi dừa bánh đa"

Từ một làng chài quanh năm ra khơi vào lộng đánh bắt cá tôm với nhiều món ẩm thực nổi tiếng, trong đó có bánh đa cá trích. Bánh đa thì bé, bé như làng chài Sầm Sơn nhưng vô cùng nổi tiếng đồng nghĩa với việc mặc dù diện tích bé nhỏ, nhỏ như cái bánh đa, nhưng Sầm Sơn chứa đựng trong lòng nó tiềm năng to lớn chưa được khai thác. Sầm Sơn như cái "bánh đa" chính là như vậy. Cái "bánh đa" - Sầm Sơn trải qua năm tháng, từ làng chài lên thị trấn, rồi thị trấn lên thị xã và "tiến thẳng" lên thành phố, trở thành trung tâm du lịch của quốc gia.

Phối cảnh Quảng trường biển Sầm Sơn dự kiến sẽ được vận hành vào mùa hè năm nay (2022)

Phối cảnh Quảng trường biển Sầm Sơn dự kiến sẽ được vận hành vào mùa hè năm nay (2022)

Những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi là Chánh văn phòng tỉnh đoàn Thanh Hóa (1983-1985) trong một lần Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Vũ Mão cùng Bí thư Thường trực TƯ Đoàn Nguyễn Tiên Phong làm việc. Kết thúc chương trình làm việc với tỉnh đoàn, tôi nhận nhiệm vụ đưa hai thủ trưởng xuống Sầm Sơn thăm Nhà Văn hóa thiếu nhi (nay là Trung tâm hoạt động và bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi Thanh Hóa) cách mép biển chừng ba bốn trăm mét. Lúc ấy Nhà Văn hóa thiếu nhi Sầm Sơn (khu đất rất đẹp) chỉ có mấy dãy nhà cấp 4 tuềnh toàng và mấy gian hội trường. Đứng quây quần trên sân nhà văn hóa thiếu nhi, có mặt Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Vũ Mão, Bí thư Thường trực TƯ Đoàn Nguyễn Tiên Phong nói với cán bộ tỉnh đoàn và thị đoàn Sầm Sơn: các bạn nhanh chóng tìm mọi cách tiến nhanh ra sát biển đi...

FLC Sầm Sơn

FLC Sầm Sơn

Kính thưa vong linh hai cụ Vũ Mão và Nguyễn Tiên Phong, tầm nhìn của các cụ quả là đi trước thời đại. Sau hơn 30 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng đã cùng người dân và các doanh nghiệp tiến ra sát biển với cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại cùng với nhiều công trình tầm cỡ đã và đang hiện hữu. Đặc biệt những ngày này cả Sầm Sơn như một "đại công trường" xây dựng quần thể nghỉ dưỡng và Quảng trường biển Sầm Sơn mà Sun Group đầu tư với số tiền khổng lồ (25.000 tỉ đồng). Riêng Quảng trường biển có thể vận hành vào mùa hè năm nay.

Sầm Sơn như cái "bánh đa" giờ đã đang trở thành "người khổng lồ" đứng trước biển cả. Và câu ca xưa giờ có thêm dị bản:

Sầm Sơn là của quốc gia

Bàn là, là của ông bà ngoại cho!

Bài 2: Bỉm Sơn như cái bàn là Liên Xô!