Tản mạn Sài Gòn: Sài Gòn Tiếp Thị - đâu có dễ quên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhà báo khác thường in sách những bài viết nổi tiếng của mình. Riêng Duy Thông nên in những câu hỏi mà không chính khách nào trả lời được, có khi in thành mấy tập sách ấy...
Duy Thông - nguyên TKTS Báo Sài Gòn Tiếp Thị
Duy Thông - nguyên TKTS Báo Sài Gòn Tiếp Thị

Sáng 8.12.2008, Tổng Biên tập Sài Gòn Tiếp Thị Đặng Tâm Chánh đến tòa soạn sớm. Ông đọc qua bản in Báo SGTT số ra Thứ Hai, rồi nói với một thư ký tòa soạn: “Anh cho đăng ngay bài tường thuật về Hội thảo Việt Nam học (lần thứ 3) lên online. Trời, bài viết hay như thế này mà các ông sửa thành cái gì thế này?”

Người thư ký tòa soạn đó đợi cho Tâm Chánh nguôi giận một chút, mới từ tốn nói: “Dạ tôi biên tập đó. Tôi bỏ đoạn viết về ông giáo sư Nhật, vì tôi nghĩ BBC tiếng Việt thể nào cũng viết về chuyện đó.”

… Trong hội thảo đó, GS Yoshiharu Tsuboï đã có bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, và kết luận rằng Hồ Chí Minh là người lãnh đạo chính trị Đông Á duy nhất học được tinh thần nền Cộng hòa. Chữ “Tự do” trong “Độc lập , Tự do, Hạnh phúc”, theo vị giáo sư Nhật, được Hồ Chí Minh học từ tư tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của Cách mạng Pháp, còn từ “Hạnh phúc” ông mượn trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ.

Chính trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2.9.1945, Hồ Chí Minh đã viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc...”

… TBT Tâm Chánh suy nghĩ một hồi, rồi nói, giọng hơi chán chường: “Có lẽ, ông biết rõ hơn tôi về điều đó”.

Đó là những điều nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức nói với người viết, người theo kế hoạch sẽ thực hiện hai trang “Góc nhìn” hôm đó. Chúng tôi đã chờ đợi sẽ lại “chiến thắng “Tuổi Trẻ”, y như trước đó một tháng rưỡi ở Thanh Hóa trong Hội thảo về Nhà Nguyễn.

GS Tsuboi trình bày tham luận tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 3 (12.2008). Ảnh Internet.

Ba lần hoãn chuyến bay trong cuộc làm hòa…

Nhưng TBT Tâm Chánh không phải luyến tiếc vì điều đó. Thanh Niên là tờ báo Việt Nam duy nhất đăng về tham luận của GS Tsuboi. Chính cộng tác viên Báo Thanh Niên là TS Lịch sử Đảng Ngô Vương Anh đã xin tham luận của GS Tsuboi để Thanh Niên trích đăng một phần. Tuổi Trẻ, sau sự ra đi của TBT Vũ Kim Hạnh, họ không dám dây dưa với vấn đề đó.

SGTT, vì TKTS đó đã cắt đi 800 chữ trong bài tường thuật 2000 chữ của người viết, nên đành phải đưa vào bài phỏng vấn TS Nguyễn Nhã về chuyện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa đầu năm 1974 của Lam Điền (phóng viên Báo Tuổi Trẻ). Cũng như câu chuyện Tập san Văn – Sử - Địa số 29 – Đặc khảo về Hoàng Sa, do Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đặt các nhà nghiên cứu Việt Kiều nổi tiếng về Hoàng Sa – Trường Sa viết bài.

Nhưng người viết lại khá luyến tiếc. Đây là cơ hội cho người viết được thể hiện mình trên trang “Góc nhìn”, vốn chỉ dành riêng cho “Tứ đại Góc nhìn” – Huy Đức, Mạnh Quân, Mỹ Lệ... Vì chuyện đó, và thêm một chuyện nữa, người viết với người TKTS đó không nói chuyện với nhau trong chương trình “Giao ban tòa soạn” suốt mấy tháng.

Người TKTS đó là Nguyễn Duy Thông, đến SGTT từ Tuổi Trẻ, cũng như chị Vũ Kim Hạnh, Tâm Chánh, Huy Đức, Đỗ Trung Quân, và một số người khác. SGTT đã gọi nhóm đó là “Tuổi Trẻ lưu vong”. Và, tất nhiên, Duy Thông biết rất rõ “phốt” đó của Tuổi Trẻ, và hết sức tránh lặp lại.

Đến khoảng tháng 3, năm 2009, Duy Thông ra Hà Nội vì một số việc, người viết cũng chẳng quan tâm là những việc gì. Nhưng người viết lại muốn giảng hòa với Duy Thông, vì Tâm Chánh đã nói rất rõ là mọi mối bất hòa cần phải được giải quyết nhanh chóng, và mọi người phải coi sự vững mạnh của tờ báo SGTT là số 1.

Người viết, qua điện thoại, hẹn Duy Thông ra quán bia Hải Xồm ở Tăng Bạt Hổ, nơi người viết thường ngồi với Xuân Thi. Người viết và Xuân Thi có khi chỉ có tiền uống bia hơi, còn mồi đành mua hai cái bánh mì đến chấm đỡ tương ớt của quán. Lần đó, Xuân Thi cũng đi, tiện thể nói gỡ cho người viết, nếu tình hình đi quá mức cần thiết.

Chúng tôi ngồi gần như yên lặng khoảng chừng 15 phút, chỉ cụng ly với nhau. Nghe giọng Duy Thông hơi nặng, người viết đoán ra anh ấy là dân miền Trung.

Người viết hỏi: “Anh Duy Thông người tỉnh nào?”

Duy Thông trả lời: “Tôi dân Quảng Ngãi.”

Người viết thốt lên: “Trời, quê ngoại tôi đó. Mẹ tôi họ Lâm, là người gốc Minh Hương.”

Thế là Duy Thông bắt chuyện ngay. Hóa ra, Duy Thông gọi vợ cậu Lâm Tô Thăng (anh ruột mẹ người viết) là cô ruột. Tuy về dòng máu chẳng có họ hàng gì, nhưng chúng tôi lại có nhiều người quen từ họ hàng hai bên. Từ đó trở đi, Duy Thông gọi tôi là “anh” và xưng “em”.

Cuộc nhậu kéo dài từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Duy Thông phải 3 lần hoãn vé máy bay, đến 6 giờ anh lên taxi lên Nội Bài trong tình trạng lảo đảo. Hôm sau, trong “Giao ban tòa soạn”, thấy có mặt Duy Thông, Xuân Thi và người viết mới yên tâm.

Quán bia Hải Xồm ở Tăng Bạt Hổ, nơi tôi và Duy Thông giải hòa. Ảnh Internet.

Quán bia Hải Xồm ở Tăng Bạt Hổ, nơi tôi và Duy Thông giải hòa. Ảnh Internet.

Người thư ký tòa soạn kỹ tính

Ở SGTT có mấy thư ký tòa soạn. Duy Thông được phân công phụ trách thời sự và phóng sự - ký sự. Cũng nhờ Duy Thông mà người viết chuyển sang viết mục này khá nhiều, bắt đầu từ bộ ba bài viết về số phận những người vợ của những người Nhật “Việt Nam mới”, và những đứa con của họ.

Có thể nói không ngoa rằng Duy Thông là người đã dẫn dắt người viết vào mục này, và bây giờ là lúc người viết thấy mục này hợp với mình nhất, một phóng viên đã về hưu, không còn sức chạy thời sự được nữa.

Duy Thông khá kỹ càng trong việc biên tập, và chọn tít của bài viết. Được cái người viết cũng khá cẩn thận trong văn phong nên việc phối hợp giữa người viết và Duy Thông khá ổn.

Nhưng trong mục thời sự, có vẻ sự thận trọng của anh nhiều khi hơi thừa. Ví dụ, có lần tòa soạn SGTT giao cho người viết tìm hiểu về tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong việc mở thêm các lãnh sự quán.

Người viết đã lần mò tìm bạn bè làm trong Bộ Ngoại giao, và cuối cùng tìm ra Nguyễn Vũ Tú (Đại sứ Hàn Quốc đã nghỉ hưu), hình như lúc đó làm Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM. Tú nói rõ hết cho người viết về việc Việt Nam được mở lãnh sự quán ở bang nào, Mỹ được mở lãnh sự quán ở thành phố nào.

Người viết gửi bài viết, tất nhiên không nói tên Nguyễn Vũ Tú, chỉ nói là một quan chức ngoại giao giấu tên, và nghĩ rằng chắc chỉ có SGTT có những thông tin này.

Hôm sau, báo SGTT xuất bản. Người viết đọc, và thấy bài của mình bị cắt 2/3, trở thành một cái tin. Hỏi Duy Thông, anh nói rằng thấy Tuổi Trẻ, hay Thanh Niên, chưa có đề cập tới chuyện đó, nghĩ rằng đó vẫn là chuyện mật, nên hơi ngại. Người viết chán quá, nghĩ rằng phải chi Tổng TKTS Trần Công Khanh duyệt, cả bài trọn vẹn sẽ được đăng.

Tuy vậy, ngoài những chuyện khúc mắc kể trên, tình bạn của người viết với Duy Thông ngày càng khăng khít. Duy Thông cứ hay trêu người viết về việc họ Hoàng của ba người viết (con cháu của Tổng đốc Hoàng Diệu, người tuẫn tiết khi không bảo vệ được Thành Hà Nội) và họ Lâm của mẹ người viết (con cháu của đại thần Lâm Duy Hiệp, người cùng Phan Thanh Giản ký hòa ước giao các tỉnh Miền Nam cho Pháp) lại thông gia với nhau.

Nhớ hồi người viết rời SGTT để chuyển sang Vietnamnet, người viết rất ngạc nhiên khi Duy Thông bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để gặp người viết.

Hai anh em ngồi nói chuyện với nhau bên bàn rượu. Người viết nói hết lý do mình quyết định ra đi, trong đó có nguyên nhân là TBT Tâm Chánh có vẻ bất hợp tác với người viết, sau khi người viết không vào được cuộc hội nghị kín giữa Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang và một số quan chức và chuyên gia nông nghiệp về chương trình nông thôn mới. Chỉ có một số lãnh đạo báo, và vài nhà báo gạo cội, được vào thôi.

Duy Thông gọi điện ngay cho Tâm Chánh trước mặt người viết, và bảo rằng “bây giờ chỉ có anh là giữ Hoàng Ngọc ở lại được thôi”. Tâm Chánh, với cái kiểu rất ngang của dân miền Tây, đã trả lời rằng “tôi không biết là tôi có cần anh Hoàng Ngọc hay không”.

Thế là người viết quyết định dứt khoát sang Vietnamnet. Còn Duy Thông về Khách sạn La Thành nghỉ.

Khoảng một tuần sau, người viết đi dự một cuộc hội thảo ở Sofitel Plaza, với tư cách phóng viên Tuanvietnam (một ban của Vietnamnet), và gặp cô Phan Thị Việt Anh làm cho Đất Việt ở đó. Hỏi ra mới biết cô đã sang SGTT, làm đúng vị trí của người viết đã làm là phóng viên đối ngoại.

Hóa ra, Duy Thông khi ra Hà Nội mang hai nhiệm vụ: nếu thuyết phục được người viết ở lại thì OK, nếu không, tìm ngay người thay thế.

Phóng viên - hotgirl Phan Thị Việt Anh vẫn không chịu lấy chồng, như trêu ngươi những người đàn ông, nhất là đàn ông từng làm tại SGTT?! Ảnh do nhân vật cung cấp.

Phóng viên - hotgirl Phan Thị Việt Anh vẫn không chịu lấy chồng, như trêu ngươi những người đàn ông, nhất là đàn ông từng làm tại SGTT?! Ảnh do nhân vật cung cấp.

Mà Duy Thông rất có khả năng tìm phóng viên giỏi, chí ít là giỏi về tiềm năng. Cô Việt Anh, sau một thời gian ngắn làm ở SGTT, đã trở thành người thay thế vị trí của người viết rất ổn. Rồi sau này, khi SGTT chuyển về Thời báo Kinh tế Sài Gòn, và thay thế toàn bộ nhân sự, cô sang VNExpess và trở thành một phóng viên khá xuất sắc.

Chỉ có một điều, cô chẳng chịu lấy chồng, trong khi ngày càng xinh đẹp. Cứ như trêu ngươi những người đàn ông, nhất là đàn ông đã từng làm ở SGTT?!

Người viết nhớ rằng, cuối năm 2010, Vietnamnet có tổ chức cho toàn bộ nhân viên tòa soạn đi nghỉ ở Nha Trang, người viết mới về nên ngại đăng ký. Tự nhiên, vào buổi tối khi Vietnamnet bay vào Nha Trang, người viết đã nhận được điện thoại từ Duy Thông. Anh nói rằng người viết ở đâu để anh đến chơi.

Người viết nói: “Gớm thật, đã biết Vietnamnet ở trong đó rồi. Nhưng anh không đi, vào chơi với mấy em Tuanvietnam đi.” (Tuanvietnam về biên chế chính thức chỉ có người viết là nam, còn nhà thơ – nhà báo – họa sĩ Nguyễn Quang Thiều, hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người chỉ viết cho Tuanvietnam, lại là nhà báo đặc biệt của Vietnamnet, chỉ dưới quyền Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn).

Duy Thông cười ha hả: “Tôi là thư ký tòa soạn của SGTT, chứ không phải tay "săn gái", anh nhé!” Thực ra, Duy Thông tới chơi nhà ông anh con bà cô, người viết cũng gọi là anh con ông cậu, ở Nha Trang, tưởng người viết đi nghỉ ở đó nên định tới thăm và nhậu vài chai vodka Hà Nội thôi.

Sau này, rời SGTT, anh sang làm cho Người Đô thị cùng với chị Nguyễn Thế Thanh, và Tâm Chánh (trong giai đoạn đầu). Duy Thông có đặt người viết hai bài viết về Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, khi ông nhậm thêm chức Phó Thủ tướng, và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, lúc đó sang thăm Việt Nam.

Khi Duy Thông nhận thêm làm thư ký tòa soạn tờ báo mạng Một Thế giới, anh đã nhận đăng cho người viết bài về “Nguyễn Cao Kỳ - người muốn hòa giải”, mà người viết một mạch trong ba tiếng ngay khi được tin ông mất ở Malaysia, nhưng vì một số lý do mà Tuanvietnam không đăng.

Khi về cộng tác cho VietTimes năm ngoái, người viết cũng trao đổi với Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung Lê Thọ Bình với ý định mời anh về đó, làm ở văn phòng Sài Gòn, bởi vì anh làm TKTS cho Người Đô thị chỉ bận vào cuối tháng. Trước đó, anh từng làm TKTS cho hai tờ báo, báo tháng Người Đô thị, và báo mạng hàng ngày Một Thế giới.

Nguyễn Duy Thông - nguyên TKTS Báo SGTT, và nay là TKTS Báo Người Đô thi. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nguyễn Duy Thông - nguyên TKTS Báo SGTT, và nay là TKTS Báo Người Đô thi. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Người chuyên đặt những câu hỏi không trả lời được

Điều người viết băn khoăn nhất là Duy Thông là người luôn đặt những câu hỏi khó cho người được phỏng vấn. Chính khách Tây thường thích những câu hỏi này, còn chính khách Việt, trừ những người như cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, cố Thứ trưởng Lê Mai, hay nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, thường không ưa.

Người viết từng nói đùa với Duy Thông: “Nhà báo khác thường in sách về những bài viết nổi tiếng của mình, riêng Duy Thông nên in những câu hỏi mà không chính khách nào trả lời được. Có khi in được thành mấy tập ấy!”

Duy Thông có kể cho người viết về vụ Người Đô thị đăng bài viết về ông Đoàn Ngọc Hải, lúc đó vẫn làm Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP HCM. Trong đó, ông Hải nói thẳng với một người lái xe ô tô vi phạm luật giao thông, lại còn cãi lại, rằng: "Sống ở quận 1 phải biết luật, chấp hành luật, còn không về rừng U Minh mà sống".

Câu nói đó làm nhiều người xuất thân, hay đang sống ở Rừng U Minh, bức xúc. Ngay ông chánh văn phòng UBND TP HCM cũng thừa nhận là ông Hải nói đúng, nhưng không khéo, dễ gây bất bình trong dư luận.

Trước khi đăng bài, Duy Thông gọi điện cho ông Hải, đọc rõ từng chữ trong bài viết, hỏi ông Hải xem có sửa gì không. Ông Hải, theo Duy Thông nói, rất tự tin trả lời “không”.

Đến hôm sau, khi bài báo được xuất bản, chắc có nhiều ý kiến phản đối, và, nhất là có ý kiến từ “bên trên”, ông Hải gọi điện cho Duy Thông, giọng nghẹn ngào hỏi có rút được bài không. “Rút thế nào mà rút, báo Người Đô thị là báo in mà, hôm qua tôi đã hỏi kỹ ông rồi”, Duy Thông lạnh lùng đáp.

(Có lẽ, chuyện ông Đoàn Ngọc Hải, sau khi về hưu sớm, đã chuyển sang làm từ thiện, bằng chính sức của mình, với các bà con khó khăn, chắc chắn có sự tác động của bài báo Người Đô thị. Nhất là đoạn nói về dân U Minh.)

Một hôm, người viết tình cờ nói chuyện với Phạm Quang Vinh (tên thường gọi là "Phừng"), Giám đốc Công ty Luật “Pham & Partners”, về báo chí. Anh cũng là người đã từng viết một mục trên báo Sài Gòn Giải phóng.

Nhà báo - hotgirl Tô Lan Hương. Ảnh Internet.

Nhà báo - hotgirl Tô Lan Hương. Ảnh Internet.

"Phừng" nói: “Trong làng báo hiện nay, có cô Tô Lan Hương, hình như viết tự do , người phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng, gần đây có bài phỏng vấn Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về hưu Nguyễn Chí Vịnh - khá nổi, là hotgirl báo chí đấy. Nhưng có những bài, như bài phỏng vấn TS Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn, chưa đạt, bởi font kiến thức của cô ấy chưa đủ.”

Tự nhiên, người viết nghĩ đến Duy Thông. Anh mà đặt câu hỏi cho Tô Lan Hương đi phỏng vấn thì quá tuyệt. Hai người sẽ là một cặp đôi hoàn hảo, hay nói như người xưa là “song kiếm hợp bích”.

Người viết định nói cho Duy Thông điều này, nhưng lại ngại một điều: Người viết đã lỡ hẹn với Duy Thông một lần. Lần lỡ hẹn đó đã xóa hết những gì mà người viết đã làm cho Duy Thông từ trước đến nay, với tư cách một phóng viên, và với tư cách một người bạn.

Chả là dịp cuối tháng 7 năm ngoái (2020), khi Việt Nam và Mỹ dự định tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Duy Thông đặt người viết một bài cho Người Đô thị.

Người viết lúc đó đang bận bịu dựng lại bài phỏng vấn ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Equest, về thời gian ông làm Tùy viên Báo chí tại Sứ quán Việt Nam tại Mỹ, nên cũng nhận lời, nghĩ mình làm được. Đến cận ngày, đọc kỹ lại các yêu cầu của Duy Thông, mới tá hỏa ra là khó quá.

Người viết thường viết dựa trên những điều mình tự phỏng vấn, hay tự tìm hiểu, chứ hoàn toàn không copy từ các bài báo người khác, như một số phóng viên vẫn làm. Vì vậy, người viết không thể trả lời những câu hỏi của Duy Thông. Người viết báo cho Duy Thông là "đầu hàng", mặc dù biết rằng điều đó làm khó cho Duy Thông và Người Đô thị.

Nhưng biết làm sao?

Khi người viết vào Sài Gòn vào đầu tháng 8/2020, nhắn Duy Thông đi nhậu để xin lỗi, Duy Thông không trả lời. Dịp gần Tết vào Sài Gòn dự đám tang bà cô, người viết lại nhắn cho Duy Thông. Vẫn là sự im lặng.

Biết làm sao đây, Duy Thông ơi, người viết rất biết lỗi của mình, và sẵn sàng chuộc lỗi. Nhưng làm sao bây giờ? Hy vọng bài viết này sẽ giúp Duy Thông nghĩ lại?!

Ôi, "sợ quá đi thôi"...

(Lời bài hát "Khổ vì yêu nàng" của ca sĩ Nguyễn Hưng.)

Nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Đoàn Ngọc Hải. Ảnh "Người Đô thị".

Nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Đoàn Ngọc Hải. Ảnh "Người Đô thị".