Ký ức về cố Thứ trưởng Lê Mai của phu nhân Lê Hoàng Mai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bà Lê Hoàng Mai, phu nhân của cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai lần đầu tiên xuất hiện trên VietTimes, sẽ cho độc giả hiểu về con người ông, qua con mắt của người vợ...
Bà Lê Hoàng Mai thắp hương cho chồng - cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai. Ảnh Huỳnh Phan.
Bà Lê Hoàng Mai thắp hương cho chồng - cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai. Ảnh Huỳnh Phan.

Nhân 25 năm ngày mất của Thứ trưởng Lê Mai, người góp công lớn trong việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, Viettimes may mắn có dịp nghe bà Lê Hoàng Mai kể về tình yêu và cuộc hôn nhân vất vả, nhưng hạnh phúc, của ông bà, cho đến khi ông Lê Mai mất đi ở tuổi khá trẻ (tuổi 56), tràn đầy năng lực.

Mùa hè năm 2018, người viết tình cờ gặp ông Đinh Quang Tiến, một cán bộ ngọai giao đã nghỉ hưu, và được nghe ông kể những kỷ niệm về Thứ trưởng Lê Mai, người thủ trưởng trực tiếp của ông (ông Lê Mai từng là Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao, nơi ông Tiến công tác).

Ông Tiến rất thân với gia đình ông Lê Mai, vẫn giữ mối quan hệ này kể cả sau khi ông Lê Mai mất.

Đại sứ Lê Mai và Phu nhân Đại sứ Lê Hoàng Mai trong thời gian ở Bangkok (cuối 1986 đến đầu 1990). Copyright Lê Hoàng Mai.

Đại sứ Lê Mai và Phu nhân Đại sứ Lê Hoàng Mai trong thời gian ở Bangkok (cuối 1986 đến đầu 1990). Copyright Lê Hoàng Mai.

Duyên gặp mặt

Bà Lê Hoàng Mai kể rằng bà chưa từng trả lời phỏng vấn báo chí về chồng bà. Đơn giản bởi vì bà có công việc riêng, và mối quan tâm riêng của bà, một giáo sư về nhãn khoa, và bà chỉ biết về sự nổi tiếng của ông Lê Mai, sau khi ông mất.

Bà kể trước đó có một nữ nhà văn - người đã viết những cuốn sách về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, hay nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - đến xin gặp bà để viết sách về cố Thứ trưởng Lê Mai. Nhưng bà suy nghĩ lại, có tham khảo ý kiến một số người, rằng có lẽ đây là người ngoại đạo, không phải nhà báo, cũng không hiểu rõ về ngành ngoại giao, và từ chối.

Bà biết, viết về Thứ trưởng Lê Mai không dễ, ông ấy không phải típ người cứ kể lể thành tích nọ thành tích kia là xong. Đó là một nhân cách rất đặc biệt!

Không hiểu tại sao, khi gặp người viết, bà nghĩ rằng bà tìm được người có thể yên tâm nghe câu chuyện của mình. Và cứ thế, bà say sưa kể câu chuyện đời bà, thỉnh thoảng, trong câu chuyện xúc cảm, bà không kìm được những giọt nước mắt.

Đó là mùa hè năm 2018. Nhưng người viết biết rằng chừng đó là còn thiếu rất nhiều khi viết về con người như Thứ trưởng Lê Mai, người “cầm trịch” trong đàm phán để bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Người viết đã liên hệ với nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại Quốc hội Hà Huy Thông, người sát cánh với cố Thứ trưởng Lê Mai trong những năm đàm phán bình thường hóa. Ông trả lời, chưa đến lúc.

Đến năm 2020, khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao, bà lại gọi điện cho người viết lên nhà bà. Bà đưa hết những kỷ vật về cố Thứ trưởng Lê Mai, kể cả những bài báo quốc tế viết về ông, nhân lễ tang, và những bức ảnh…

Đại sứ Lê Mai và phu nhân trong một cuộc gặp mặt ở sứ quán. Copyright Lê Hoàng Mai.

Đại sứ Lê Mai và phu nhân trong một cuộc gặp mặt ở sứ quán. Copyright Lê Hoàng Mai.

Câu chuyên của nhà khoa học là phu nhân đại sứ

Bà Lê Hoàng Mai thuộc lứa sinh viên những khóa đầu của Đại học Y Dược Hà Nội, nằm ở phố Lê Thánh Tôn, Hà Nội, và đã được phong hàm giáo sư từ giữa những năm ’90 của thế kỷ trước.

Ngoài công việc của bác sĩ nhãn khoa, bà còn phải lo hướng dẫn nghiên cứu sinh, rồi tham gia hội thảo. Hết giờ làm việc về nhà, bà lại lo chăm sóc cho hai con nhỏ.

Rồi có những lúc chồng bà, ông Lê Mai đi công tác nước ngoài về bị ốm, cũng một tay bà chăm sóc.

Bà là người có tính tự lập, tự mình muốn vượt qua mọi chuyện. Bà nói với chồng: “Anh lo công việc của anh, em lo công việc em. Anh không cần hỗ trợ cho em.”

Đến cuối năm 1986, ông Lê Mai được cử đi làm đại sứ Việt Nam tại Thái Lan thay ông Trần Quang Cơ. Lúc đó, bà Lê Hoàng Mai bị suy kiệt thể lực, vì vừa bảo vệ xong luận án Tiến sĩ. Bà cân nặng chỉ có 40kg.

Cha bà, ông Lê Đinh Sum, Tư lệnh phó Binh đoàn Trường Sơn (Tư lệnh trưởng là Tướng Đồng Sỹ Nguyên) mới bảo bà: “Thôi, con tranh thủ theo chồng đi sang Thái Lan, để nghỉ ngơi lấy sức, hai cháu để ba lo cho”.

Đại sứ Lê Mai và phu nhân Lê Hoàng Mai cùng anh chị em sứ quán. Copyright Lê Hoàng Mai.

Đại sứ Lê Mai và phu nhân Lê Hoàng Mai cùng anh chị em sứ quán. Copyright Lê Hoàng Mai.

Bà quyết định đi, nhưng trước khi theo ông Lê Mai, bà nói với chồng: “Em theo để một phần nghỉ ngơi, một phần để giúp anh, vì thấy ngày xưa anh đi nước ngoài ăn uống, sức khỏe không ai lo. Nhưng nếu anh thấy em làm trở ngại cho anh, em sẽ về nước ngay.”

Hồi đó, quan hệ Việt Nam với các nước Đông Nam Á, nhất là với Thái Lan, cực kỳ căng thẳng, do họ cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia. Tuy là sang với mục đích nghỉ ngơi lấy lại sức, nhưng thực ra, bà giúp chồng rất nhiều. Các hoạt động của Đại sứ rất cần sự tháp tòng của phu nhân.

Bà nhớ, cứ đi dự chiêu đãi xong, mà Đại sứ phải đi chiêu đãi khá nhiều, về đến sứ quán là Đại sứ Lê Mai lại viết tin báo cáo về nước, không cần thư ký làm thay. Vốn là nhà báo và biên tập viên tại Thông tấn xã Việt Nam, Đại sứ Lê Mai giải quyết mọi việc rất nhanh.

“Bấy giờ không có vi tính để giải quyết nhanh như bây giờ, anh Lê Mai toàn gõ máy chữ và rất điêu luyện, nhanh như chớp, xong là ‘tit tit tè tè’ đánh về”, bà Lê Hoàng Mai mỉm cười kể lại.

Bà kể rằng Đại sứ Lê Mai có biệt tài ngủ rất nhanh. Chỉ cần 5 phút, hoặc 10 phút, là đủ tỉnh táo lại.

“Anh chỉ nói cho anh ngủ như vậy, thế là sau 5, hoặc 10 phút, anh ấy tự tỉnh giấc. Nhiều khi mặc nguyên quần áo rồi ngủ”, bà kể.

Bà nói, hồi đó do không khí thù địch giữa hai nước như vậy, nên bà thay ông Lê Mai đi một số nơi, như các cơ sở kinh tế quanh Bangkok.

Bà đi xem các nhà máy, chứng kiến các dây chuyền công nghệ hoạt động thế nào. “Hồi đó ở Việt Nam nghèo quá, chưa có những thứ như thế”, bà Lê Hoàng Mai nói.

Tất cả những thứ như thế, bà theo dõi, báo cáo lại cho chồng, để ông tổng hợp tin, báo cáo về nhà. Hay chuyện các lớp học sinh phổ thông mặc đồng phục, như Việt Nam hiện bây giờ, nhưng hồi đó Việt Nam, nhất là miền Bắc, chưa hề có.

“Việc mặc đồng phục thể hiện một sự bình đẳng của học sinh trong nhà trường, khi giàu nghèo vào trường đều như nhau hết”, bà Lê Hoàng Mai kể lại những phát hiện mới ngày ấy.

Trong khi đó, Đại sứ Lê Mai tập trung sự quan tâm vào các đại sứ Lào và Campuchia, họ coi nhau như anh em, và cùng tìm cách đưa ba nước vượt qua sức ép cô lập trong ASEAN.

Bà kể, ông Lê Mai tận dụng tài nói tiếng Anh và năng khiếu nói chuyện của mình để kết thân với 5 cố vấn của Thủ tướng Thái Lan, cố gắng có những tin quan trọng để chuyển về nước. Ở giai đoạn 1987-1989 là thời kỳ rất quan trọng với Việt Nam, phải cố gắng thoát khỏi tình trạng cô lập trong Đông Nam Á.

Nhìn chồng vất vả, bà cũng thấy thương, nên giúp được ông Lê Mai việc gì là bà cố gắng giúp. Chính vì vậy, mục đích đi nghỉ để hồi phục sức khỏe của bà hình như không thực hiện được.

Nhưng may mắn, sức khỏe của bà được ổn định lại, theo thời gian. Có lẽ, việc vất vả, nhưng hai vợ chồng cùng làm, khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn, và vui hơn, bà nghĩ thế.

Hơn 3 năm thoắt trôi qua, Bộ Ngoại giao gọi ông Lê Mai về nước, ông lặng lẽ về.

“Bạn bè của anh Lê Mai ở Bangkok đông lắm, có lẽ chia tay cả tháng không hết. Nhưng chỉ một tuần, anh thu xếp hết, rồi chúng tôi về nước”, bà Lê Hoàng Mai thoáng mỉm cười nói.

Câu chuyện kể thêm của Kavi Chongkittavorn và Ginny Foote về thời gian ông Lê Mai làm Đại sứ ở Thái Lan

Kavi Chongkittavorn - phóng viên The Nation được Đại sứ Lê Mai giới thiệu sang Việt Nam gặp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cuối năm 1986. Ảnh Huỳnh Phan.

Kavi Chongkittavorn - phóng viên The Nation được Đại sứ Lê Mai giới thiệu sang Việt Nam gặp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cuối năm 1986. Ảnh Huỳnh Phan.

“Đại sứ Lê Mai ở Thái Lan rất thích những bài viết của tôi về tình hình ASEAN, ngay tại Việt Nam, nên vừa sang Bangkok, ông đã mời tôi đến Thành Phố Hồ Chí Minh, vào cuối năm 1986”, Kavi Chongkittavorn, phóng viên The Nation (Thái Lan) kể với người viết.

Kavi kể rằng Đại sứ Lê Mai đã nói với ông lúc đó: "Việc tôi mời ông, trong bối cảnh của Việt Nam bây giờ, là khá mạo hiểm, bởi ông không phải là đảng viên cộng sản, hay, ít ra, là người có tư tưởng mác xít. Nhưng tôi vẫn cứ mời ông, vì tôi muốn ông hiểu rõ hơn về Việt Nam."

“Ông ta nói đúng, bởi ở Thái Lan lúc đó, chỉ có những người có tư tưởng mác xít và được phía Việt Nam ủng hộ, mới được cung cấp tư liệu và viết bài về Việt Nam. Còn tôi là phóng viên trung lập, như số đông, nhưng lại được giao mảng Việt Nam nên vẫn phải viết”, Kavi nói.

Sau đó, Kavi biết rằng Việt Nam lúc đó chưa có “đổi mới”, việc làm của Đại sứ Lê Mai đúng là khá mạo hiểm.

“Chỉ những người như Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch (người được Đại sứ Lê Mai giới thiệu với Kavi), hay Thứ trưởng Trần Quang Cơ (người đại sứ tiền nhiệm Lê Mai và rất thân với Kavi), và Đại sứ Lê Mai mới dám làm những chuyện đó. Vì họ dám làm, Việt Nam mới bứt ra khỏi vòng kiềm tỏa của cấm vận, hầu như khắp thế giới”, Kavi chiêm nghiệm.

Kavi sau đó, nhận lời mời của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, hai năm sau đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội, và đưa tin về Việt Nam, nhất là những tin về việc rút quân ra khỏi Campuchia, và cải cách.

Nói chuyện với người viết trong một hội thảo cuối năm 2012, Kavi ôn lại kỷ niệm về người đã mời ông vào Việt Nam – cố Đại sứ Lê Mai.

“Đối với Đại sứ Lê Mai, ông nhìn thấy Thái Lan là đất nước vô cùng quan trọng đối với sự ổn định của Việt Nam và Campuchia, chính vì vậy ông làm mọi cách để Thái Lan hiểu rõ tình hình Việt Nam, trong đó có việc can đảm mời tôi vào Việt Nam cuối năm 1986.

Sự hiểu biết của tôi về Việt Nam đã được hình thành từ đó. Và tôi còn thích Đại sứ Lê Mai vì tiếng Anh của ông rất tốt, và ông hay nói về Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế”, Kavi kết luận.

Bà Virginia Foote, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC). Ảnh Huỳnh Phan.

Bà Virginia Foote, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC). Ảnh Huỳnh Phan.

Còn Virginia Foote, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC), tổ chức là cầu nối giúp Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, và giúp Việt Nam trong những lúc khó khăn khi đàm phán với Mỹ đối với Hiệp định Thương mại Song phương (BTA), đàm phán với Mỹ để hưởng qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cả Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (cuối cùng Mỹ tạm rút), đã nói với người viết vào dịp hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 bình thường hóa quan hệ:

“Khi sếp tôi, ông Bill Sullivan và tôi vào Việt Nam năm 1989, theo lời mời của bạn sếp tôi, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người Việt Nam đầu tiên tôi gặp chính là Đại sứ Lê Mai ở Bangkok. Một người hết sức thông minh, nhã nhặn, và chỉ bảo cho chúng tôi rất nhiều, trước khi vào Việt Nam.

Tôi không ngờ là sau đó, khi USVTC hoạt động ở Việt Nam, người ở Bộ Ngoại giao mà tôi làm việc nhiều nhất lại là Lê Mai, lúc này đã lên Thứ trưởng Ngoại giao.”

Bà nói rằng “ý tưởng của sếp Sullivan là quan hệ ngoại giao giữa hai nước khó có thể bình thường hoá một sớm một chiều, vì vậy sự ra đời của một tổ chức như USVTC có thể giúp người Mỹ tìm hiểu về kinh tế Việt Nam, về tiềm năng của thị trường Việt Nam để Tổng thống Mỹ có thể gỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam.”

“Nhưng rút cuộc trong 5 năm đầu tiên, công việc chủ yếu của USVTC lại liên quan đến vấn đề POW/MIA. Bởi đó là điều kiện tiên quyết cho việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, và tiến tới bình thường hoá quan hệ”, bà nói.

Và đó là lý do tại sao bà làm việc nhiều với Thứ trưởng Lê Mai, đưa ra những lời khuyên về thái độ của các tổ chức cựu chiến bình bên Mỹ, hay trao đổi ý kiến về những khó khăn từ phía Việt Nam.

“Đó là một người rất hiểu văn hóa Mỹ, cách góp ý cũng rất nhẹ nhàng, thấu đáo, nên sự tham vấn của chúng tôi thường rất nhanh”, Ginny Foote nói.

(Còn tiếp)

Và ba kỷ niệm của riêng người viết đã kể cho bà Lê Hoàng Mai về về cố Thứ trưởng Lê Mai:

Kỷ niệm đầu là hình ảnh Thứ trưởng Lê Mai dáng người nhỏ nhắn, nhưng đầu ngẩng cao, một tay đút túi quần, gương mặt thông minh, hơi nheo mắt, cùng đại diện phía Mỹ đi vào cuộc họp báo, sau khi đàm phán xong. Một hình ảnh rất đặc biệt về người đàm phán phía Việt Nam mà người viết không thế quên.

Kỷ niệm thứ hai là lần Thứ trưởng Lê Mai tới Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Bộ Ngoại giao, nơi người viết công tác lúc đó, nói chuyện với anh chị em, sau khi lãnh đạo hai nước Mỹ (Tổng thống Bill Clinton) và Việt Nam (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995.

Cán bộ và nhân viên Trung tâm Báo chí Nước ngoài rất cần thông tin ngoại giao đó, vì họ làm hướng dẫn viên báo chí cho các phóng viên nước ngoài, hoặc trực tiếp làm phóng viên cho các văn phòng đại diện của báo chí nước ngoài tại Hà Nội.

Kỷ niệm thứ ba, hoàn toàn riêng tư, là người viết nhìn thấy một lần cảnh Thứ trưởng Lê Mai và bà Lê Hoàng Mai, hai vợ chồng, tay trong tay, đi dạo trên đường Khúc Hạo sau giờ làm việc. (Bà Hoàng Lê Mai sau đó nói rằng thời gian đó hai vợ chồng bà đang ở Cao Bá Quát, trong căn nhà Bộ Ngoại giao phân, chật hẹp và thiếu tiện nghi.)