Trong làng báo chí, ít nhất có hai người mà tôi được biết, nói rằng chính cố Thứ trưởng Lê Mai là người đã giúp họ bước đầu trở thành những nhà báo lớn.
Người thứ nhất là Lê Thọ Bình, hiện là Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí điện tử VietTimes. Hồi đó, là đầu những năm ’90 của thế kỷ trước, và Lê Thọ Bình (lúc đó ông vẫn dùng tên thật là Lê Đức Sảo là bình luận viên quốc tế, đặc trách quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ của báo Quân đội Nhân dân).
Ông được phân công gặp Thứ trưởng Lê Mai, người phụ trách về đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Ngoài việc phỏng vấn được Thứ trưởng Lê Mai, Lê Thọ Bình đã được Thứ trưởng Lê Mai chỉ đạo bộ phận chức năng của Bộ Ngoại giao cung cấp những bài viết của báo chí Mỹ thời bấy giờ có liên quan đến quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề tù nhân và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), phân tích cách đưa tin của họ, và chỉ ra trong cách đưa tin của họ, cái gì đúng, cái gì chưa đúng.
Điều đó giúp cho người phóng viên trẻ của Báo Quân đội Nhân dân, vốn trở thành phóng viên đối ngoại từ một thầy giáo tiếng Anh của Trường Ngoại ngữ Quân sự (Bộ Quốc phòng), hiểu biết và sắc sảo hơn, rồi sau này trở thành một trong những phóng viên hàng đầu về đối ngoại ở Việt Nam. Chính Lê Thọ Bình đã đặt những câu hỏi khá sắc sảo trong buổi họp báo của Thứ trưởng Lê Mai, sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp lời Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Lê Thọ Bình lúc đó đã hỏi Thứ trưởng Lê Mai rằng "công việc đầu tiên ông sẽ làm là gì, nếu được bổ nhiệm làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ", khiến Thứ trưởng Lê Mai cũng một thoáng ngập ngừng, và trả lời rằng “chưa có quyết định đó, nếu có, tôi sẽ bắt tay vào làm và thông báo lại cho đồng chí sau”.
Phó Giáo sư Nhãn Khoa Lê Hoàng Mai, góa phụ của Thứ trưởng Lê Mai, đã nói với người viết rằng Lê Thọ Bình là phóng viên Việt Nam hiểu biết nhất và có những bài hay nhất về ông Lê Mai.
Nhà báo Lê Thọ Bình, thời còn làm ở Báo Quân đội Nhân dân, người được cố Thứ trưởng Lê Mai bồi dưỡng trở thành phóng viên đối ngoại xuất sắc. Copyright Lê Thọ Bình. |
Người thứ hai tôi biết là nhà báo - nhà quay phim Nguyễn Văn Vinh, người làm cho Đài truyền hình Việt Nam từ những ngày đầu, trước khi chuyển sang làm cho Reuters Thomson từ gần giữa những năm ’90 của thế kỷ trước, và hiện làm đồng Giám đốc của Hãng Sản xuất Chương trình Truyền hình Asia Vision Co.
Nhà báo Nguyễn Văn Vinh ôn lại hồi ức về cố Thứ trưởng Lê Mai với VietTimes - Ảnh Huỳnh Phan. |
VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Vinh:
Phóng viên Huỳnh Phan: Xin ông cho biết, ông đã làm việc trực tiếp với cố Thứ trưởng Lê Mai từ khi nào?
-Nhà báo Nguyễn Văn Vinh: Khi còn làm ở Đài Truyền hình Việt Nam, tôi được phân công theo dõi hai mảng về chính trị ngoại giao và thời sự quốc tế. Tôi may mắn có dịp tiếp xúc và làm việc với nhiều người ở Bộ Ngoại giao.
Sau cuộc chiến tranh biên giới tàn bạo do Trung Quốc tiến hành đầu năm 1979, phía Việt Nam đã tiến hành đàm phán, giải quyết những vấn đề sau chiến tranh với phía Trung Quốc. Vòng 1 đã được tiến hành ở số nhà 58 Nguyễn Du, bây giờ là trụ sở của Ủy ban Biên giới Quốc gia, từ tháng 4 đến hết tháng 5/1979.
Ông Lê Mai đã giúp ông trở thành nhà báo?
-Tôi gặp anh Lê Mai lần đầu là năm 1979, khi được cử tham gia trong nhóm báo chí của Đoàn Đàm phán Chính phủ Việt Nam với Trung Quốc ở vòng 2, tại Bắc Kinh.
Anh Lê Mai, Vụ phó Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao, là người phụ trách nhóm báo chí đó.
Trước đó, tôi đã biết anh Lê Mai ở những lần đi quay phim các dịp tiếp khách quốc tế, nhưng chưa bao giờ có cơ hội tiếp cận và nói chuyện. Tôi còn biết trước đó anh Lê Mai đã tham gia đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (gọi tắt là CP72), và làm việc trực tiếp dưới quyền Bộ trưởng Ngoại giao Công hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình.
Tháng 6/1979, chúng tôi đi chuyên cơ sang Bắc Kinh. Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam ở Trung Quốc là đoàn công tác đặc biệt.
Tôi 29 tuổi, còn rất trẻ. Đấy cũng là lần đầu tiên mà tôi có một chuyến công tác xa nhà lâu nhất, gần 4 tháng rưỡi.
Tôi rất cảm phục anh Lê Mai ngay từ đầu, khi chúng tôi sang Bắc Kinh. Bởi vì, chúng tôi sống ở trong sứ quán, nhưng mà gần như là biệt lập với bên ngoài.
Lúc đó, anh Lê Mai đã tiếp lửa cho chúng tôi. Với tính hài hước, anh kể rất nhiều chuyện vui. Tôi nghĩ đó là cách anh ấy dạy chúng tôi cách thức làm việc, cách tư duy ngay từ đầu.
Chẳng hạn, anh Lê Mai nói rằng “hôm nay chúng ta sẽ đi ra ngoài ăn vịt quay Bắc Kinh, và gặp các bạn Cuba”. Anh em rất vui vì không phải sống biệt lập trong sứ quán.
Cố Thứ trưởng Lê Mai, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên và nhà báo Nguyễn Văn Vinh tại vòng đàm phán vòng 2 bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Copyright Nguyễn Văn Vinh. |
Tôi biết ngay mục đích của anh Lê Mai là một bữa ăn của bốn anh em cùng với các phóng viên Cuba. Qua trò chuyện khi ăn, chúng tôi hiểu tình hình Trung Quốc lúc đó thế nào.
Nhưng điều quan trọng hơn là họ đối xử với báo chí thế nào, giới báo chí nước ngoài ở Bắc Kinh như thế nào, xu hướng của họ ra sao, thái độ đối với cuộc chiến tranh biên giới thế nào, và họ nghĩ gì khi đoàn đàm phán Việt Nam xuất hiện ở đây.
Anh có thể chia sẻ nhiệm vụ của nhóm báo chí khi đó là gì?
-Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó là tổ chức các cuộc họp báo hàng tuần, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của anh Lê Mai, sau mỗi lần đàm phán, thông báo cho báo chí biết là hôm nay vòng đàm phán thứ bao nhiêu, gồm những vấn đề gì, kết quả ra sao, phía mình đều công bố hết.
Đoàn Việt Nam đã thu hút được sự chú ý lớn, bởi vì thế giới lúc ấy cũng chưa hiểu tại sao Trung Quốc lại đánh Việt Nam. Trung Quốc mang danh một nước xã hội chủ nghĩa, và mang danh đã giúp Việt Nam đánh Mỹ, bây giờ lại sang đánh Việt Nam, và thế giới chưa hiểu.
Chính sự có mặt của đoàn đàm phán Việt Nam ở Bắc Kinh đã làm cho họ hiểu. Và, vì vậy, nhiệm vụ của nhóm báo chí càng quan trọng.
Đối với anh Lê Mai, điều quan trọng trong nhóm báo chí là anh giao việc và phát huy được sự chủ động của mỗi người.
Ví dụ, người viết bài, anh Bích đương nhiên phải đọc báo tiếng Trung Quốc. Còn tôi, không biết tiếng Trung Quốc, nhiệm vụ chính là xem truyền hình, bởi truyền hình có hình ảnh, cũng dễ hiểu, để quen dần với cách đưa tin, nhất là của BBC TV.
Anh Lê Mai là người luôn có sự phân tích, tổng hợp và đánh giá. Qua anh Lê Mai, tôi đã bắt đầu học tư duy của một nhà báo.
Rất tiếc, anh Lê Mai chỉ làm với chúng tôi được hơn 2 tháng, đến cuối tháng 8, anh ấy phải về nước để đi họp Liên Hợp quốc. Nhưng 2 tháng đó đã làm thay đổi nghề nghiệp của tôi từ người quay phim sang người làm báo.
Đoàn đám phán bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc thăm Vạn Lý Trường Thành. Copyright Nguyễn Văn Vinh. |
Chuyến đi châu Phi, Lê Mai bộc lộ khả năng hiểu biết
Đến tháng 10/1980, chúng tôi lại đi châu Phi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và anh Lê Mai lại phụ trách báo chí. Chúng tôi đi 2 tháng rưỡi.
Đấy cũng là một chuyến đi có tính lịch sử, bởi vì chúng ta mở đường vào châu Phi, để thêm những người ủng hộ mình, kèm theo sự hợp tác, trong khi chúng ta phải đối đầu với Trung Quốc, và kèm theo sự cấm vận của Mỹ và phương Tây.
Trong chuyến đi đó, có 3 người, chúng tôi gọi là 3 ông Hoàng: Hoàng Đình Cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế, Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và Hoàng Xuân Tùy, Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Chúng ta ký kết một số hiệp định, cử chuyên gia y tế và giáo dục sang một số nước, chuyên gia nông nghiệp sang làm việc bên đó. Đại diện bên nông nghiệp không phải là ông Hoàng, mà một quan chức Văn phòng Chính phủ.
Cố Thứ trưởng Lê Mai và nhà báo Nguyễn Văn Vinh tại Algeria 10/1980 trong chuyến thăm châu Phi của Tướng Giáp. Copyright Nguyễn Văn Vinh. |
Vai trò của ông Lê Mai trong chuyến đi là gì, thưa anh?
-Trở lại câu chuyện của anh Lê Mai, vai trò của anh ấy rất sát sao. Đến mỗi nước, anh ấy đều nói với nhóm báo chí đặc điểm nổi bật của từng nước, đặc trưng truyền hình ở đó là gì.
Vì thời làm ở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam anh ấy đi nhiều nước lắm, để thông tin về cuộc chiến đấu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cho bạn bè quốc tế biết. Cho nên hầu như cái gì, ở từng nước, anh ấy đều biết.
Thứ trưởng Lê Mai với bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ
Sau đó đến thời kỳ đàm phán bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ ông mới quay lại đưa tin về Thứ trưởng Lê Mai?
-Đúng vậy, vì anh Lê Mai có thời kỳ đi làm Đại sứ ở Thái Lan.
Đương nhiên, các cuộc đàm phán và các chuyến đi thăm phục vụ cho việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ diễn ra rất nhiều. Đầu tiên, có cả Thứ trưởng Trần Quang Cơ, và Thứ trưởng Lê Mai. Sau này, vai trò của Thứ trưởng Lê Mai nhiều hơn, ông xuất hiện nhiều hơn.
Tôi bây giờ vẫn có những hình ảnh Thứ trưởng Lê Mai chủ trì các cuộc họp báo, hay thông tin về các vòng đàm phán, các cuộc gặp với quan chức phía Mỹ. Và ấn tượng rất mạnh là những chuyến đi của Đại tướng về hưu John Vessey. Ông ấy được cử sang để bắt đầu nêu lại những vấn đề tồn tại giữa Việt Nam và Mỹ cần giải quyết để tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Sự khởi đầu này rất quan trọng, và nhận được sự quan tâm cực kỳ lớn của báo chí nước ngoài. Biết bao nhiêu đoàn cứ từ Bangkok, hay từ Mỹ bay sang. Và họ giống như một đoàn quân thiện chiến, gây áp đảo với báo chí trong nước, gây ấn tượng rất mạnh với chúng tôi.
Vậy ông có thể kể cách Thứ trưởng Lê Mai trả lời báo chí quốc tế như thế nào, nhất là cách ông trả lời những câu hỏi khó của họ?
-Thực ra, tôi nhận thấy anh Lê Mai không có suy nghĩ là câu nào khó, câu nào không khó, vì anh ấy rất chủ động. Sau Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người cán bộ ngoại giao trẻ có phong thái chủ động chính là anh Lê Mai.
Anh không bao giờ né tránh. Đối với những câu mà tôi cho là khó khi phóng viên bám theo anh để hỏi, anh lại chủ động đứng lại để trả lời.
Trước đấy, có rất nhiều vấn đề, mà quan trọng nhất là giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích (MIA), chính anh Lê Mai là người chủ động đề xuất với cả Bộ Quốc phòng, đương nhiên cao hơn nữa là Bộ Chính trị, để họ hiểu nhu cầu thông tin đối với vấn đề MIA quan trọng như thế nào đối với nước Mỹ. Tôi dùng "nước Mỹ" ở đây là cả chính quyền lẫn người dân.
Đại tướng về hưu John Vessey và cố Thứ trưởng Lê Mai bắt tay trước vòng đàm phán bình thường hóa. Copyright Nguyễn Văn Vinh. |
Điều rất quan trọng là có người đề xuất. Chứ nếu mà cuộc gặp xong mà cứ phẳng lặng như thế, chẳng ai cần nói là cuộc gặp đó đưa đến cái gì, khúc mắc ở chỗ nào, giải quyết ra làm sao, câu chuyện sẽ khác đi, không có tiến triển được.
Anh Lê Mai đã làm chuyện đó. Và chính giải quyết được việc này là viên gạch đầu tiên giúp xây nên con đường bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước.
Người ta nói một trong những phong cách của ông Lê Mai là trả lời khá thẳng, không vòng vo. Ông có nghĩ như vậy không?
-Tôi khẳng định là như vậy. Ví dụ, hồi rộ lên vụ Tài liệu Nga (có người bên Nga đã nói rằng Việt Nam đã chuyển một số tù binh Mỹ sang Liên Xô nhờ thẩm vấn giúp), nhóm báo chí phương Tây quây lấy anh Lê Mai, sau cuộc gặp giữa hai bên Việt Nam và Mỹ tại Nhà khách Chính phủ để hỏi rõ.
Họ hỏi thế này: “Ông có thể cho chúng tôi xem một số chương của “Tài liệu Nga” có được không?”
Anh Lê Mai cười lớn, bảo rằng “tài liệu đó là xuyên tạc, không có thật, làm sao tôi có thể có mà cho các ông xem được.”
Tức là có một sự “gài bẫy”, và anh Lê Mai rất tỉnh, thoát luôn.
Là người quay phim, tôi nhận thấy anh Lê Mai, trước hết muốn làm giảm căng thẳng của phóng viên đi bằng cách cười, để mọi người thấy đây không phải sự đối chất. Đây là cái tài của người trả lời, như của anh Lê Mai, sau đó anh trả lời rất nhẹ nhàng, và người hỏi cũng có câu trả lời để có tin mà viết bài.
Ông có quay phim đám tang ông Lê Mai không? Ông thấy thế nào?
-Đám tang anh Lê Mai cũng dung dị thôi. Tôi bị sốc khi nghe tin anh mất. Anh Lê Mai là người được nhiều người nhớ tới, bởi anh là con người rất dễ gần.
Gần như cánh phóng viên chúng tôi ấy, khi nào nhìn thấy anh ấy mà không vội, anh ấy nói đủ thứ chuyện. Anh toàn dùng từ “các cậu”, giống như ông Nguyễn Cơ Thạch. Nói “các cậu” rất là gần gũi, không có sự xa cách.
Xin cám ơn ông!