Sự sụp đổ của Three Arrows Capital đã gây tổn hại cho ngành công nghiệp tiền mã hoá như thế...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từng là 'ngôi sao' của ngành công nghiệp tiền mã hoá, sự sụp đổ của Three Arrows Capital đã và đang để lại những dư chấn kéo dài, ảnh hưởng tới niềm tin vào tương lai của ngành công nghiệp này.

Một bản sao của 'Chú ngỗng vàng' - tác phẩm danh tiếng của Dimitri Cherniak, nghệ sĩ người Canada nổi danh với các tác phẩm ảo như NFT - được treo ngay ngắn trong một văn phòng nằm ở trung tâm tài chính sầm uất bậc nhất ở Singapore. Nó có thể được trông thấy qua các cánh cửa trong suốt dẫn tới các văn phòng của Three Arrows Capital (3AC).

Quỹ đầu tư tiền mã hoá (crypto) có trụ sở tại Singapore này đã mua tác phẩm NFT kể trên vào năm 2021, với mức giá 1.800 Ethereum, tương đương 6 triệu USD vào thời điểm bấy giờ. Điều đó cho thấy khao khát tham gia vào các dự án về blockchain của 3AC.

Sự vội vã đó đã dẫn 3AC tới sự sụp đổ.

Ngay trong ngày làm việc nhưng văn phòng của công ty này lại đóng cửa. Hàng loạt bức thư được bỏ lại ở ngay cửa ra vào, đề tên của nhiều công ty luật gửi cho các nhà sáng lập Zhu Au và Kyle Davies.

Trụ sở của Three Arrows Capital ở Singapore (Ảnh: Bloomberg)

Trụ sở của Three Arrows Capital ở Singapore (Ảnh: Bloomberg)

“Đã khá lâu rồi chúng tôi không thấy bất kỳ ai", nhân viên của một công ty cùng tầng với 3AC nói. “Tôi nghĩ rằng họ đã biến mất kể từ khi thông tin về công ty xuất hiện,” một người khác nói.

Thông tin mà người phụ nữ này nhắc tới là về những vấn đề rắc rối của 3AC khi ngành công nghiệp tiền mã hoá trải qua 'mùa đông crypto' khắc nghiệt, với giá của các đồng token kỹ thuật số sụt giảm thê thảm.

Trong tháng 5, TerraUSD, còn gọi là UST, có giá trị thị trường gần 19 tỉ USD ở thời kỳ đỉnh cao, và Luna, giá giảm tới mức khiến chúng gần như trở thành vô giá trị.

Hai đồng token này, được ví như “stablecoin,” đáng lẽ ra phải giữ được giá ở mức 1 USD, nhưng lại mất giá, khiến cho nhiều đồng tiền mã hóa khác sụt giá theo vào gây ra một cuộc khủng hoảng cho 3AC. Công ty này được cho là có khoản đầu tư ban đầu trị giá 200 triệu USD để mua token Luna – giờ có tên là Luna Classic.

Sự mất giá ngang bằng với đồng USD được xem là một cột mốc đánh dấu làn sóng bán tháo các đồng tiền mã hóa. Giá của các đồng tiền mã hóa nổi tiếng như Bitcoin và Ethereum đạt đỉnh vào tháng 11/2021, trong lúc các nhà đầu tư bắt đầu dịch chuyển khỏi những tài sản rủi ro do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.

Kết quả là, các đồng tiền mã hóa thậm chí còn mất giá nhiều hơn so với các tài sản rủi ro khác. Bitcoin, có thời điểm, giảm giá hơn 70% so với đồng USD tính từ thời điểm đạt đỉnh của nó, trong khi Ethereum mất giá tới 80%.

Điều này trái ngược với cổ phiếu và các đồng tiền của châu Á, cũng trải qua những giai đoạn dễ đổ vỡ. Chỉ số MSCI AC Asia ex-Japan – một thước đo cổ phiếu được theo dõi nhiều nhất bên ngoài Nhật Bản – giảm 24% so với giai đoạn đỉnh cao do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Các đồng tiền trong khu vực như baht (Thái Lan) và peso (Philippines) giảm dưới 20% so với đồng USD.

Nhiều nhà đầu tư lãnh đủ vì đợt sụt giá tiền mã hóa này. Nhưng sự sụp đổ của 3AC đã chứng minh rằng đợt sụt giá có thể mở rộng ra toàn ngành công nghiệp này, gây tổn hại cho uy tín của lớp tài sản này.

3AC đệ đơn phá sản, và tiến trình thanh khoản của nó đã diễn ra nhanh chóng trong khi các chủ nợ đổ xô đi rút hết tài sản mà họ từng trao cho quỹ bảo hộ của Singapore.

Tiền mã hóa giảm giá nhiều hơn các tài sản ở châu Á (Ảnh: Refinitiv)

Tiền mã hóa giảm giá nhiều hơn các tài sản ở châu Á (Ảnh: Refinitiv)

Sự sụp đổ của 3AC

Nikkei Asia đã cố gắng liên hệ với 3AC nhiều lần nhưng đều thất bại, cũng giống như bao người khác từng đặt niềm tin vào Zhu và Davies - 2 cựu nhân viên của Credit Suisse.

Davies nói trong một đoạn video đăng tải trên YouTube cách đây nhiều năm rằng ông và Zhu thành lập công ty 3AC vào tháng 5/2012, và chuyển dịch công ty này từ nơi khai sinh ở San Francisco sang Singapore.

Cặp đôi này là những tín đồ trung thành của tiền mã hóa, luôn vận động những người có chung chí hướng đặt cược vào tiền mã hóa và tương lai của ngành công nghiệp đang trỗi dậy này. Ảnh nền trên tài khoản Twitter của Zhu mang dòng chữ “chỉ có đi lên,” đặt ngay bên trên tên của công ty “Three Arrows Capital".

Tuy nhiên, sự lạc quan đó dường như đã bị cuốn trôi bởi những sự điều chỉnh lớn về thị trường về giá của tiền mã hóa trong năm nay, điều khiến cho 3AC gặp rắc rồi, và khách hàng của họ lao đao.

“Họ đã bị xóa sổ,” một quản lý quỹ giấu tên, người đã gửi lượng tài sản trị giá 5 triệu USD tại 3AC, nói với Nikkei, thêm rằng ông không hy vọng sẽ lấy lại được khoản đầu tư của mình.

Nhà đầu tư sinh sống tại Singapore này cũng chỉ trích sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình của ban lãnh đạo 3AC, nói rằng ông có kế hoạch dàn xếp vụ việc tại tòa án nếu có thể, mà không cần dùng tới hành động pháp lý.

“Đáng lẽ ra họ có thể xử lý tình huống tốt hơn nhiều, nếu như so sánh với cách mà các quỹ bảo hộ khác xử lý cuộc khủng hoảng tương tự,” người này nói.

Zhu từng viết trên Twitter vào ngày 12/7: “Đáng buồn thay, niềm tin của chúng tôi vào sự hợp tác với bên thanh lý phá sản lại kết thúc bằng sự lừa dối,” trong lúc ông phản ứng bằng cách đăng tải các bức ảnh chụp email mà luật sư của ông gửi cho công ty tư vấn Teneo – bên cáo buộc rằng các nhà sáng lập của 3AC không chịu hợp tác trong quá trình thanh khoản.

Hành động tự vệ của Zhu gần như không có tác dụng gì trong việc cứu rỗi hình ảnh doanh nhân tiền mã hóa của mình, khi mà mọi sự chú ý đều tập trung vào lối sống xa hoa của ông khi sở hữu những ngôi nhà trị giá cả triệu USD ở Singapore và một du thuyền hạng sang.

Trong lúc Teneo và Zhu đang bất đồng, hiện chưa rõ các chủ nợ sẽ thu về được bao nhiêu sau quá trình thanh khoản. Ở Mỹ, Teneo đã tiếp quản tài sản của 3AC, trong khi ở Singapore, họ cũng đang tìm cách để làm như vậy.

Vào trung tuần tháng 7, công ty này đã được tòa án cấp cao của Singapore cấp phép quản lý tài sản và bất động sản của 3AC. “Bên thanh khoản không xin lệnh đóng băng tài sản đối với tài sản cá nhân của những người sáng lập 3AC, như một phần trong quy trình này,” Teneo nói trong một văn bản làm rõ quy trình.

Họ nhấn mạnh rằng 3AC đã nhận được thông báo vỡ nợ và thư yêu cầu từ hơn 30 chủ nợ, bao gồm cả hãng cho vay tiền mã hóa Voyager Digital của Mỹ, đã đệ đơn phá sản. Các chủ nợ khác còn có Celsius Network, cũng đã phá sản, và quỹ quản lý tài sản số Genesis Asia Pacific đăng ký hoạt động tại Singapore.

Những dư âm còn lại

Tại phiên xét xử tổ chức ngày 28/7 tại Mỹ, Teneo nói rằng các bên thanh khoản đại diện cho một số ngân hàng và sàn giao dịch để làm rõ hoạt động kinh doanh và tài sản của 3AC – điều cho thấy sự mập mờ về tài sản mà công ty này nắm giữ cũng như những hoạt động kinh doanh mà họ tham gia.

Thị trường bitcoin "bay hơi" 900 tỉ USD trong vòng 7 tháng (Ảnh: Nasdaq)

Thị trường bitcoin "bay hơi" 900 tỉ USD trong vòng 7 tháng (Ảnh: Nasdaq)

Ngoài sức ép từ bên thanh khoản, 3AC cũng chịu sức ép từ ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính của Singapore.

Cơ quan Tiền tệ Singapore (ngân hàng trung ương) đã nói rằng 3AC “cung cấp thông tin sai lệch,” tuyên bố thêm rằng 3AC đã vượt qua ngưỡng 250 triệu đôla Singapore mà một công ty quản lý quỹ được cho phép nắm giữ. Cơ quan này cũng nói rằng họ đang đánh giá xem liệu có thêm hành vi vi phạm pháp luật nào khác mà công ty này mắc phải hay không.

Tài sản của 3AC – hiện đang chịu sự quản lý – từng có thời điểm lên tới 10 tỉ USD, nhưng giảm xuống còn 4 tỉ USD trong những tháng gần đây, theo dữ liệu của Financial Times. Theo văn bản Tài sản đang Quản lý (AUM) mà Davies đưa ra ngày 13/5, công ty này có giá trị tài sản ròng chỉ 2,39 tỉ USD.

Sau sự sụp đổ của 3AC, Singapore dự kiến sẽ áp dụng hướng tiếp cận cứng rắn hơn đối với các công ty tiền mã hóa trong những tháng tới đây, trong đó ngân hàng trung ương của họ đang soạn thảo một số kế hoạch để kiểm soát thêm nhiều hoạt động trong lĩnh vực này.

“Có một cam kết rộng lớn về trách nhiệm đối với những bên tham gia thị trường trong đấu trường tài chính phức tạp này,” Giáo sư Lawrence Loh, giám đốc Trung tâm Quản trị và Bền vững tại ĐH Kinh doanh Quốc gia Singapore, cho hay.

“Trong thế giới tiền mã hóa, thật không công bằng khi nhiều cá nhân hưởng lợi từ đà tăng, nhưng phần còn lại của hệ sinh thái sẽ phải chịu thua lỗ,” ông Loh nói. “Đây thực sự là một điều phi lý về đạo đức mà chúng ta cần phải giải quyết bằng những hành động trừng phạt pháp lý,” ông nói.

Thêm vào cơn bĩ cực do giá tiền mã hóa suy giảm, tiến trình thanh khoản của 3AC lại càng khiến những người từng đổ xô đầu tư tiền mã hóa phải tháo chạy khỏi nó.

Nạn nhân mới nhất trong khu vực chính là sàn giao dịch tiền mã hóa Bitkub Online của Thái Lan. SCBX, ngân hàng lớn thứ tư của Thái Lan xét về quy mô tài sản, từng có ý định mua 51% cổ phần của sàn giao dịch này. Thỏa thuận bị hủy vào ngày 25/8, càng khiến người ta nghi ngại về tương lai của lớp tài sản này.

Trong lúc chính quyền cam kết thắt chặt quản lý và các chủ nợ cố gắng thu hồi lại được bất cứ thứ gì mà họ có thể, bản sao của “Chú ngỗng vàng” vẫn treo trên tường văn phòng của 3AC, trong khi số phận của công ty này chưa rõ ràng.

“Tác phẩm đó đã bán được một năm, tính đến ngày hôm nay. Giờ nó là một phần của quy trình thanh khoản,” Cherniak viết trên Twitter ngày 28/8. “Cuộc sống thật kỳ lạ"./.

Theo Nikkei Asia