Tung tỉ đô, tỉ phú 30 tuổi gánh sứ mệnh cứu rỗi cả thị trường crypto

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn giao dịch FTX, được xem như vị cứu tinh của ngành công nghiệp tiền mã hoá trong bối cảnh 'mùa đông crypto' đẩy nhiều công ty đến bờ vực phá sản.

Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập FTX Trading Ltd (Nguồn: Jeenah Moon/Bloomberg)
Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập FTX Trading Ltd (Nguồn: Jeenah Moon/Bloomberg)

Tiền mã hóa đang trong giai đoạn ốm yếu. Và Sam Bankman-Fried đặt cược 1 tỉ USD để 'giải cứu' nó.

Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX Trading Ltd. (FTX) đã tự đặt mình như vị cứu tinh của ngành công nghiệp này – và các nhà đầu tư tiền mã hóa đang theo dõi sát sao từng động thái của ông sau nhiều tháng thị trường suy giảm.

Năm nay, ông đã ra tay cứu một hãng cho vay tiền số đang khó khăn và cố gắng bình ổn một công ty khác. Ông mua lại các sàn giao dịch tiền mã hóa ở Canada và Nhật Bản. Ông xuất hiện trên các đoạn quảng cáo của tạp chí, bên cạnh siêu mẫu Gisele Bundchen để giúp cho các nhà đầu tư chính thống giữ được sự hứng khởi với tiền mã hóa, bất chấp đà giảm.

Kiểu hối hả đó là điều thường thấy ở Bankman-Fried, tỉ phú 30 tuổi có mái tóc xoăn đặc trưng, chỉ ngủ vài giờ đồng hồ mỗi đêm và thường nghịch con quay (fidget spinner) trong các cuộc phỏng vấn.

Năm ngoái, khi một đợt kiểm tra pháp lý về tiền mã hóa khiến Bankman-Fried phải dời trụ sở của FTX từ Hong Kong tới Bahamas, hàng chục nhân viên của công ty đã chuyển tới quốc đảo này chỉ trong vòng 1 tháng.

Vị cứu tinh của ngành công nghiệp tiền mã hoá

Bankman-Fried nói rằng mục tiêu cuối cùng của ông là phổ biến tiền mã hóa. Ông muốn biến FTX thành một cái tên quen thuộc với mọi hộ gia đình và sử dụng công nghệ đằng sau bitcoin để đổi mới tài chính truyền thống, bao gồm cả thị trường cổ phiếu và các hình thức thanh toán tiêu dùng.

Ông còn rất nhiều việc phải làm. Hơn một thập kỷ sau khi bitcoin ra đời, nhiều người ủng hộ nó vẫn đang chật vật giải thích về giá trị của các loại tiền mã hóa trước công chúng. Bitcoin đã giảm gần 70% giá trị so với giai đoạn đỉnh cao tháng 11 năm ngoái và khiến 2 nghìn tỉ USD vốn hoá thị trường tiền mã hóa “bốc hơi”, gây thiệt hại cho hàng triệu nhà đầu tư.

Không phải tất cả những nước đi của Bankman-Fried đều mang lại kết quả. Một khoản đầu tư vào Nhật Bản đã khiến FTX gặp khó khăn. Và công ty giao dịch mà ông sở hữu ngoài FTX, Alameda Research, cũng chịu thua lỗ khi cố gắng vực dậy hãng cho vay tiền mã hóa đang gặp vấn đề, Voyager Digital Ltd. Alameda đã cho Voyager vay 75 triệu USD và tăng cổ phần của họ trong công ty này lên 9,5% - nhưng chỉ 2 tuần sau, Voyager đã phá sản.

“Chúng tôi muốn ngăn chặn sự đổ vỡ, nhưng đôi lúc vẫn chưa đủ”, Bankman-Fried nói.

Giống như nhiều sàn giao dịch tiền mã hóa khác, hoạt động kinh doanh cốt lõi của FTX là thực hiện các vụ mua và bán tiền mã hóa, và thu một khoản phí giao dịch.

Công ty này đã phát triển thành một thế lực trong ngành công nghiệp tiền mã hoá chỉ trong vòng 3 năm sau ngày thành lập.

Với 300 nhân viên, FTX hiện là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ 3 thế giới xét về khối lượng giao dịch, với 9,4 tỉ USD giá trị giao dịch mỗi ngày, theo dữ liệu của CoinGecko.

Công ty này có lợi nhuận ròng 388 triệu USD, trên tổng doanh thu 1,02 tỉ USD năm ngoái. Nó vẫn làm ăn có lợi nhuận trong năm 2022, ngay cả khi tiền mã hóa giảm giá. FTX được định giá 32 tỉ USD trong vòng gọi vốn hồi tháng 1 năm nay.

Hiện tại, khi bitcoin đang ở mức khoảng 21.000 USD – gần ngang với giá của nó vào cuối năm 2020 – Bankman-Fried cho rằng khoảng thời gian tồi tệ nhất đã qua đi.

“Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng theo như tôi biết, chúng tôi thấy rằng căn bệnh này hầu như đã bị quét khỏi hệ thống,” ông nói.

Lời kêu cứu của Giám đốc điều hành BlockFi Inc., một hãng cho vay tiền mã hóa, xuất hiện vào một buổi thứ Bảy trong tháng 6. Ông Bankman-Fried nhận được tin nhắn vào khoảng 23h00 sau khi chơi môn padel, giống tennis, cùng với đồng nghiệp. Ông nhảy lên chiếc Toyota Corolla của mình cùng với Ramnik Arora, một nhân sự cấp cao của FTX, và gọi điện lại.

BlockFi về cơ bản là một ngân hàng tiền mã hóa, tiếp nhận các khoản ký gửi và cho khách hàng vay để làm vốn giao dịch. Đổi lại, những người ký gửi sẽ nhận được lãi suất – thường là với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các ngân hàng truyền thống nhận tiền gửi bằng đồng USD.

BlockFi và nhiều hãng cho vay tiền mã hóa khác thực sự làm ăn phát đạt cho đến tháng 5, thời điểm mà sự sụp đổ nhanh chóng của 2 hãng tiền mã hóa khác gồm TerraUSD và Luna đã gây chấn động thị trường, và làm phá sản Three Arrows Capital Ltd., một trong ba hãng vay tiền mã hóa lớn nhất.

Nỗi sợ về một cuộc khủng hoảng như năm 2008 bắt đầu lan rộng. Vào ngày 12/6, một hãng cho vay tiền mã hóa nổi tiếng khác, Celsius Network LLC, ngừng cho khách hàng rút tiền. Các hãng khác, như BlockFi và Voyager, đều có nguy cơ bị khách hàng đồng loạt rút tiền.

Vụ việc này khiến trụ sở của FTX ở Bahamas nhận được hàng loạt cuộc điện thoại. Khoảng 15 công ty tiền mã hóa muốn mượn tiền của FTX chỉ trong khoảng thời gian 2 tuần trong tháng 6, trong đó có cả những “thợ mỏ” đang chạy thuật toán máy tính để đào bitcoin, và cả bản thân Celsius. Công ty này sau đó phá sản.

Sam Bankman-Fried đứng trước trụ sở của FTX tại Bahamas trong tháng trước (Ảnh: WSJ)

Sam Bankman-Fried đứng trước trụ sở của FTX tại Bahamas trong tháng trước (Ảnh: WSJ)

FTX kết luận rằng, Celsius đã không thể cứu vãn nổi, theo các nhân sự cấp cao của công ty này, nhưng thêm rằng BlockFi lại khỏe mạnh hơn. Sau một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo của BlockFi vào ngày 19/6, tức một ngày sau cú điện thoại được thực hiện lúc ông ngồi trên xe hơi, Bankman-Fries quyết định đi đến một thỏa thuận.

Mở rộng đế chế

Ném cho BlockFi một chiếc phao cứu sinh, Backman-Fried cũng tự tạo cho mình một cơ hội để mở rộng đế chế tiền mã hóa của bản thân.

Theo như thỏa thuận cuối cùng được công bố vào ngày 1/7, FTX cho BlockFi vay 400 triệu USD kèm với lựa chọn mua lại công ty này với giá 240 triệu USD. Mức giá này không khác gì đi ăn cướp bởi định giá của BlockFi vào tháng 7/2021 đã lên tới 4,75 tỉ USD, theo dữ liệu của PitchBook.

“Đây chắc chắn không phải kết quả mà chúng tôi mong muốn trong mùa Hè năm ngoái”, CEO của BlockFi, Zac Prince, nói tuy nhiên ông cho rằng thỏa thuận với FTX là một chiến thắng đối với công ty và khách hàng của họ.

Không giống như những đề nghị khác mà BlockFi nhận được – bao gồm cả việc buộc các khách hàng lẻ của BlockFi phải hy sinh một phần khoản tiền mã hóa của họ - thỏa thuận với FTX vẫn giữ nguyên khoản tiền ký gửi của khách hàng.

BlockFi nói rằng họ có hơn 650.000 tài khoản. Nếu FTX lựa chọn mua đứt BlockFi, họ sẽ mở rộng tới thị trường cho vay, thêm vào danh mục đầu tư của Bankman-Fried một phiên bản ngân hàng tiền mã hóa.

Ông Bankman-Fried nói rằng ông muốn biến FTX thành một dạng siêu thị tài chính, cung cấp mọi thứ, từ cho vay, giao dịch cổ phiếu cho tới thanh toán…

“Ý tưởng đằng sau điều đó là, “Bạn thực sự muốn làm gì với tiền của mình, với tư cách một người tiêu dùng điển hình? Điều gì thực sự có giá trị trong cuộc sống thường nhật của bạn?””, Bankman-Fried nói.

Bankman-Fried là một người ăn chay trường. Ông từng theo học ngành vật lý tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và từng làm việc tại hãng Jane Street Capital trong vòng 3 năm trước khi chuyển hướng sang tiền mã hóa.Ông sinh trưởng trong gia đình có cả cha và mẹ đều là giáo sư tại ĐH Luật Stanford.

Bloomberg mới đây ước tính tài sản của Bankman-Fried vào khoảng 11,9 tỉ USD, giảm so với 26 tỉ USD trong năm ngoái. Ông là một tín đồ của chủ nghĩa nhân đạo hiệu quả, một phong trào cho rằng con người ta nên tối ưu hóa tầm ảnh hưởng tích cực của họ đối với xã hội bằng cách kiếm nhiều tiền và cho đi số tiền đó. Bankman-Fried mong muốn chống đại dịch và ngăn chặn viễn cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) gây tổn hại cho nhân loại.

Một tấm biển quảng cáo của FTX tại Bahamas (Ảnh: WSJ)

Một tấm biển quảng cáo của FTX tại Bahamas (Ảnh: WSJ)

Những người gần gũi với Bankman-Fried tỏ ra ngạc nhiên khi ông trở thành một người có tầm ảnh hưởng. Ông xuất hiện thường xuyên ở Washington, điều trần trước Quốc hội Mỹ, thúc đẩy hoạt động của FTX và vận động hành lang cho ngành công nghiệp tiền mã hóa.

“Từ chỗ phát biểu trước những người hứng thú với tiền mã hóa, ông ta phải đối phó với các nhà lập pháp, nhà báo và công chúng”, Chris McCann, một đối tác tại Race Capital, nói. “Năm 2019, ông ta chưa có nhiều kỹ năng như vậy. Ông ta thường tỏ ra là người nhút nhát, hay ngụy biện và có phần lập dị".

Trụ sở làm việc đầu tiên của Bankman-Fried là một ngôi nhà cho thuê ở Berkeley, California, nơi mà ông thành lập Alameda Research vào năm 2017 – bàn ghế và máy tính được mua trên Amazon. Sau đó ông dời trụ sở của Alameda tới Hong Kong, nơi mà các quy định về tiền mã hóa không quá chặt như ở Mỹ.

Alameda tìm cách thu lợi nhuận từ thị trường bitcoin, khi mà các giao dịch lộn xộn sản sinh ra nhiều cơ hội – mua một đồng bitcoin ở một địa điểm, sau đó bán nó ở nơi khác với giá cao hơn. Một trong những chiến lược đầu tiên của công ty này là mua bitcoin ở Mỹ, sau đó bán ở Nhật Bản.

Bankman-Fried thành lập FTX vào năm 2019, đánh cược rằng đội ngũ của ông có thể xây dựng một sàn giao dịch tốt hơn so với các sàn trước đây. Năm ngoái, trong bối cảnh tiền mã hóa bị các cơ quan quản lý trên toàn cầu thắt chặt, Bankman-Fried quyết định chuyển trụ sở của FTX tới Bahamas, nơi mà chính phủ có cơ chế thân thiện với tiền mã hóa.

Ngày nay, FTX có trụ sở chính đặt tại một khu văn phòng được trang trí bởi hàng cây cọ và một bãi đậu xe đầy nắng. Bankman-Fried sống ngay tại khu căn hộ hạng sang liền kề. Mặc dù nổi tiếng là người sống giản dị - thường sống với bạn cùng phòng và ngủ trên túi nệm tại nơi làm việc – nhưng các ghi chép về bất động sản cho thấy một đơn vị của FTX đã chi 30 triệu USD để mua một căn penthouse ở đó.

Bankman-Fried cho hay ông ở cùng với 10 đồng nghiệp ở FTX tại căn hộ sang trọng này. “Dĩ nhiên việc tôi ở một mình ở đó là điều nực cười,” ông nói.

FTX đã bắt đầu mở rộng quy mô vào đầu năm nay khi mua lại sàn giao dịch tiền mã hóa Liquid của Nhật Bản, từng hứng chịu một vụ tấn công mạng gây tổn thất 97 triệu USD vào tháng 8/2021.

Ngay sau vụ tấn công mạng, Seth Melamed, sau là giám đốc điều hành của Liquid, đã bay tới Tokyo. Liquid lúc bấy giờ đối mặt tình trạng vỡ nợ, khách hàng giận dữ, và ông Melamed lo rằng cảnh sát Nhật sẽ bắt giữ ông ngay tại sân bay,

Ông viết tin nhắn cho Bankman-Fried trên ứng dụng Telegram rằng: “Rất hiểu về tình trạng bất ổn này, nhưng nếu FTX cân nhắc về việc đầu tư hoặc mua lại Liquid, điều đó sẽ cứu rỗi hoạt động kinh doanh của chúng ta và có lợi cho cộng đồng tiền mã hóa".

Chuyến bay đó không có Wi-Fi. Khi nó hạ cánh, Melamed thở phào nhẹ nhõm khi thấy không có cảnh sát đến bắt ông, và có tin nhắn trả lời từ Bankman-Fried: “Rất vui khi cân nhắc về điều đó!”

Vài ngày sau, FTX nhất trí cho Liquid vay 120 triệu USD, giữ cho sàn giao dịch này sống sót và bắt đầu cho giai đoạn mua lại nó. Nhưng thương vụ này không hoàn toàn suôn sẻ, FTX để mất hàng nghìn khách hàng Nhật Bản, bởi họ từ chối chuyển sang một đơn vị địa phương được quản lý bởi Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản.

Ông Melamed, giờ là giám đốc quản lý hoạt động của FTX tại Nhật Bản, nói: “Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi có thể phục hồi hoạt động của người dùng Nhật Bản tại FTX vào cuối năm nay, và vượt trội vào năm 2023".

Tháng 6 năm nay, FTX nhất trí mua lại sàn giao dịch tiền mã hóa Bitco Inc. của Canada. FTX cũng bắt đầu các dịch tài chính ở Australia, Dubai và EU.

Tham vọng của FTX còn vươn xa tới các thị trường truyền thống. Sau khi mua một công ty môi giới của Mỹ trong năm ngoái, mới đây nó cho phép khách hàng Mỹ giao dịch cổ phiếu trên ứng dụng cùng với bitcoin. Tháng 5 năm nay, Bankman-Fried chi 648 triệu USD tài sản riêng để mua 7,6% cổ phần của Robinhood Markets Inc., công ty cho ra đời ứng dụng giao dịch nổi tiếng này. Ông công bố thương vụ sau khi giá cổ phiếu của Robinhood giảm gần 80% so với lần đầu ra mắt, và giá cổ phiếu đã tăng nhẹ sau đó.

Bankman-Fried là người nắm giữ phần lớn cổ phần của cả FTX và Alameda, điều này đã làm dấy lên nhiều hoài nghi trong giới tiền mã hóa. Theo các thị trường truyền thống, như cổ phiếu mà giao dịch tương lai, các sàn giao dịch cần phải là các nền tảng trung lập, không được thiên vị một giao dịch viên so với phần còn lại.

Bankman-Fried khẳng định rằng Alameda không có đặc quyền trên FTX, mặc dù ban đầu nó chính là người tham gia chính trên FTX.

Năm ngoái, Bankman-Fried từ bỏ vị trí CEO của Alameda, nói rằng ông bỏ ra phần lớn thời gian với FTX. Công ty này tiếp tục đem lại lợi nhuận lớn cho ông. Một ví tiền mã hóa được kiểm soát bởi Alameda đã kiếm được hơn 550 triệu USD lợi nhuận từ giao dịch kể từ năm 2020, theo Nansen.

Theo Wall Street Journal