Celsius Network phá sản: Nhà đầu tư tìm cách lấy lại tiền trong tuyệt vọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hàng nghìn người sử dụng nền tảng của Celsius Network để đặt cược vào tiền mã hóa giờ tụ họp với nhau trên Telegram và Twitter nhằm đòi lại tài sản của mình.

Hãng cho vay tiền mã hóa Celsius Network LLC từng thu hút được số lượng lớn người dùng trong 5 năm qua, những người muốn kiếm tiền nhờ đánh cược vào bitcoin. Sau đợt tiền mã hóa sụt giá thê thảm, khiến cho công ty này đi đến chỗ phá sản, một số nhà đầu tư nghiệp dư đã đoàn kết với nhau vì một mục tiêu mới: đòi lại tiền.

Hàng nghìn khách hàng của Celsius đang tụ họp trên các ứng dụng mạng xã hội như Telegram và Reddit để khởi kiện tập thể, góp tiền để thuê luật sư… Một số người còn tìm hiểu luật phá sản của Mỹ, được dịch cho những người không nói tiếng Anh và cố gắng đưa ra kế hoạch tự giải cứu của mình.

Họ đối diện với 'nút thắt' ở Chương 11 liên quan tới các vòng đàm phán phá sản, khi mà những hàng nhỏ khó có thể có được tiếng nói trên một bàn họp được thống trị bởi các luật sư và cố vấn.

Celsius có khoảng thời gian ít nhất là 2 tháng nữa để đưa ra kế hoạch tái cấu trúc, từ đó định đoạt số phận tài sản của các nhà đầu tư đang gửi ở sàn giao dịch này.

Một số khách hàng đang yêu cầu Tòa Phá sản Mỹ - bên đang thụ lý vụ án tại Quận Nam New York – để cho họ tự thu hồi tài sản còn lại của Celsius.

Celsius, được thành lập bởi Alex Mashinsky vào năm 2017, đã trở thành hãng cho vay tiền mã hóa lớn nhất thế giới sau khi cam kết sẽ lật đổ ngân hàng truyền thống và tạo cơ hội để những người dân bình thường tiếp cận tiềm năng của tiền mã hóa. Celsius nhận tiền ký gửi của khách hàng và cho vay, trong khi đưa ra mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng truyền thống.

Ông Mashinsky cũng trở thành nhân vật nổi tiếng thường xuyên xuất hiện tại các hội thảo về tiền mã hóa, hay khoác lên mình chiếc áo phông có dòng chữ: “Ngân hàng không phải bạn của bạn.”

Cũng do mức lãi suất “trên trời” cùng việc phát đi các khoản vay được đảm bảo bởi rất ít tài sản, Celsius đã bị đẩy tới bờ vực phá sản khi thị trường tiền mã hóa sụt giảm thê thảm trong đầu năm nay. Celsius bắt đầu ngừng cho khách hàng rút tiền vào tháng 6 và đệ đơn phá sản vào tháng 7, nói rằng họ nợ khách hàng gần 4,7 tỉ USD giá trị tiền mã hóa. Thâm hụt giữa nợ phải trả và tài sản của công ty này lên tới 1,2 tỉ USD. Trong đơn phá sản, công ty này cho hay họ có 1,7 triệu khách hàng, trong đó có 300.000 khách có tài khoản trị giá trên 100 USD.

Alex Mashinsky, người sáng lập Celsius Network LLC (Ảnh: Bloomberg)

Alex Mashinsky, người sáng lập Celsius Network LLC (Ảnh: Bloomberg)

Khách hàng thường được xem là những chủ nợ không được đảm bảo trong các vụ kiện thuộc Chương 11 trong Luật Phá sản Mỹ, và không có quyền tài sản đảm bảo, bởi vậy khó có thể lấy lại được tiền của họ.

Đôi lúc họ chỉ nhận được phần còn lại rất ít ỏi sau khi các hóa đơn ưu tiên được giải quyết với các công ty luật, cố vấn tài chính, nhân viên…Trong vụ phá sản của Celsius, khách hàng cuối cùng có thể mất đến một nửa tài sản của họ, theo Simon Dixon, người sáng lập công ty tiền mã hóa BnkToTheFuture.

Chật vật lấy lại tiền từ Celsius

Khách hàng của Celsius hiện đang cố gắng hết sức có thể. Một trong số đó là David Little, kỹ sư dầu khí 35 tuổi đến từ Houston, người nói rằng tài khoản bitcoin chiếm tới một nửa tài sản của ông. Little lập ra một nhóm bao gồm những người như ông, tức những người có tài sản đang bị mắc kẹt ở Celsius mà không cho ra chút lãi suất nào. Có khoảng 58.000 khách hàng, nắm giữ số tài sản khoảng 180 triệu USD, trong các tài khoản của Celsius.

Chiến dịch của ông Little bắt đầu từ tháng 7, khi ông viết một bức thư gửi Thẩm phán nói rằng các khách hàng thuộc diện đang bị kiểm soát tài khoản nên được phép rút tiền của họ. Khi những khách hàng khác liên hệ với ông, ông đã thiết lập một nhóm trên Telegram. Ông gặp gỡ một người khác cũng có hành động tương tự trên Twitter và họ cùng đưa ra lời kêu gọi. “Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đang có một vụ kiện,” ông Little nói. Nhóm này giờ đã quy tụ được hơn 1.300 khách hàng.

Một số thành viên trong nhóm này quyết định thuê Togut Segal & Segal LLP, một công ty luật chuyên về các vụ phá sản, để tranh luận trước tòa rằng tiền của họ nên được trả về đầu tiên. 70 người góp tiền để khởi kiện có tổng tài sản 26 triệu USD trong các tài khoản ở Celsius, một luật sư của Togut tiết lộ.

Những khách hàng này cho rằng tiền bị kẹt ở Celsius là của họ bởi Celsius chỉ đơn giản là đang giữ chúng giúp họ. Celsius cũng yêu cầu tòa án cho phép trả lại một số - nhưng không phải tất cả - tài sản có trong các tài khoản đó. Trong khi đó, thẩm phán nêu quan ngại về việc trả lại tài sản ngay lập tức và sẽ tổ chức một phiên điều trần về vấn đề này vào ngày 7/10.

Những chủ sở hữu tài khoản bị kiểm soát này cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tệp khách hàng của Celsius. Rất nhiều người đã ký gửi tiền dưới dạng các tài khoản “thu nhập”, tức được hưởng lãi suất hàng năm lên tới 17%. Celsius nói rằng đơn phá sản của họ có nêu 600.000 tài khoản như vậy, với tổng giá trị lên tới 4,2 tỉ USD tính tại ngày 13/7.

Một trong số những chủ sở hữu tài khoản dạng này là Tiffany Fong, 28 tuổi, sống tại Las Vegas và là chủ một trang thương mại điện tử. Cô cho hay đã ký gửi 3,1 bitcoin và 11,5 ethereum tại Celsius vào năm 2021, thêm rằng tổng giá trị của chúng tính vào lúc đỉnh cao của thị trường tiền mã hóa là 270.000 USD.

Khi Celsius ngừng cho rút tiền vào tháng 6 năm nay, cô đã lập một kênh YouTube. Hiện tại, Fong cung cấp thông tin cập nhật về các phiên tòa xét xử và những diễn biến khác.

Curt Dell là một trong số những khách hàng của Celsius (Ảnh: WSJ)

Curt Dell là một trong số những khách hàng của Celsius (Ảnh: WSJ)

Curt Dell, một chủ tài khoản 40 tuổi làm công việc kinh doanh ở California, cũng dựa vào các bài đăng trên YouTube và các nhóm mà ông follow trên Twitter và Reddit để theo sát vụ kiện. Ông cho hay đã ký gửi 13 bitcoin, có giá 250.000 USD, cho Celsius và giờ hiểu rằng ông có thể không lấy lại được dù chỉ 50-60% số tiền đó.

Một số khách hàng cũng sử dụng Celsius để vay tiền. Họ cùng nhau tập hợp lại với sự hỗ trợ của Zaryn Dentzel, doanh nhân 39 tuổi người Mỹ đang sống tại Madrid.

Zaryn Dentzel, doanh nhân 39 tuổi người Mỹ đang sống tại Madrid (Ảnh: WSJ)

Zaryn Dentzel, doanh nhân 39 tuổi người Mỹ đang sống tại Madrid (Ảnh: WSJ)

Doanh nhân này đã mở nhiều hoạt động kinh doanh, từ phân phát đồ ăn cho tới tài chính, cho hay ông có hàng triệu USD giá trị tiền mã hóa trong tài khoản ở Celsius, và ông cũng vay từ công ty này với lãi suất 10%. Khoản vay mà Celsius cung cấp cho khách hàng của mình dao động từ 25%-70% giá trị tài sản thế chấp của họ, và lãi suất được neo với lượng tài sản thế chấp. Trong đơn phá sản, Celsius nói rằng họ có 23.000 người vay như vậy, với tổng giá trị khoản vay 411 triệu USD, tổng tài sản thế chấp dưới dạng tiền mã hóa là 765 triệu USD.

Sau khi Celsius đệ đơn phá sản theo Chương 11, ông Dentzel nói rằng ông “bỏ ra mỗi ngày để lùng sục trên Internet, tìm ra những khách hàng khác” đang có tình trạng giống như ông.

Dentzel cho hay ông đã gặp gỡ 2 người vay khác của Celsius trên Twitter và Telegram – một lính cứu hỏa ở New York và người còn lại là sĩ quan cảnh sát ở Marines – cùng với một nhóm khách hàng khác. Họ thành lập một nhóm Telegram có hơn 800 khách vay tiền ở Celsius, và ông Dentzel đã chi ra 100.000 USD đầu tiên để thuê luật sư David Adler đến từ McCarter & English, một công ty luật có tiếng trong các vụ phá sản. Ông nói rằng một số người khác cũng thiết lập quỹ pháp lý, và kế hoạch đặt ra là tất cả các thành viên trong nhóm cuối cùng cũng bỏ tiền để theo đuổi vụ kiện.

Ông Dentzel cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay có thể là: Celsius bán sổ sách cho vay cho một nền tảng tiền mã hóa mạnh hơn. Ông nói rằng nhóm của ông đã cố đứng ra làm trung gian thỏa thuận với 2 nền tảng tiền mã hóa tiềm năng khác.

Noel Dernesch, một nhà làm phim ở Berlin (Đức), cũng tham gia vào nhóm của ông Dentzel. Ông nói rằng ông có lượng tiền mã hóa trị giá hàng triệu USD trên nền tảng Celsius. “Tôi đang muốn thuê một luật sư, nhưng hầu hết các công ty luật đưa ra mức phí cực kỳ cao, bởi vậy mà nhóm của chúng tôi là lựa chọn tốt nhất.”

Theo Wall Street Journal