Người nước ngoài ở Nhật Bản bị phân biệt đối xử trong bối cảnh COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày càng có thêm nhiều người nước ngoài đang sinh sống ở nhiều vùng của Nhật Bản báo cáo rằng họ là nạn nhân của nạn phân biệt và những lời lẽ đầy thù hằn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Người dân Nhật Bản đi dọc sảnh tại sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo (Ảnh: AFP)
Người dân Nhật Bản đi dọc sảnh tại sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo (Ảnh: AFP)

Một công dân Ấn Độ 22 tuổi đang theo học tại ĐH Ritsumeikan châu Á Thái Bình Dương ở Beppu, tỉnh Oita của nhật Bản, kể rằng vào khoảng giữa tháng 8 năm nay có 3 người đàn ông Nhật tiếp cận anh và hét vào mặt anh rằng “người nước ngoài tệ hại, corona”.

Từ ngày 8/8, trường đại học trên cũng báo cáo hàng chục trường hợp sinh viên trao đổi bị mắc COVID-19, nhưng nhưng sinh viên Ấn Độ vừa nêu – người không muốn được nêu tên – không nằm trong số đó. Khi cố phản ứng, sinh viên Ấn Độ còn bị 2 người đàn ông nói lại rằng: “Chúng tôi đang giãn cách xã hội. Biến đi”.

Hiện có khoảng 2.700 sinh viên trao đổi theo học tại ĐH Ritsumeikan, chiếm gần một nửa số sinh viên trường. Phần lớn các sinh viên nước ngoài này đã tạo dựng được quan hệ với cộng đồng địa phương thông qua nhận việc làm bán thời gian hoặc tham gia vào các hoạt động khác.

Nhưng kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, có vô số báo cáo về các cửa hiệu cắt tóc, nhà hàng ở Beppu treo biển không tiếp sinh viên nước ngoài. Để phản ứng trước sự việc trên, trường ĐH Ritsumeikan đã phát đi khoảng 1.500 thông báo gửi tới các chủ doanh nghiệp để nhắc nhở họ rằng “cuộc chiến này là chống lại virus, chứ không phải con người”.

Một số cơ sở kinh doanh ở khu Trung Quốc ở Yokohama, gần Tokyo, cho hay họ nhận được những bức thư có nội dung thù hận trong tháng 3, trong đó đổ lỗi cho người dân Trung Quốc đã gây ra đại dịch COVID-19 với những lời lẽ như “Hãy biến khỏi Nhật Bản”.

Theo một bản nghiên cứu công bố trên Tạp chí Fukuoka Now hồi tháng 5, với 400 người nước ngoài sinh sống ở tỉnh Fukuoka tham gia, chỉ ra rằng gần 20% những người trả lời nói rằng họ đã trải qua một dạng phân biệt có liên quan tới virus corona chủng mới.

Toshihiro Menju, Giám đốc điều hành Trung tâm Trao đổi Quốc tế Nhật Bản, cho hay ông tin rằng việc bảo đảm người dân địa phương và người nước ngoài có cơ hội giao lưu chính là giải pháp để xóa bỏ nạn phân biệt và định kiến. “Mối quan hệ được xây dựng trong cộng đồng, trên cơ sở thường nhật, sẽ giúp đỡ chúng ta trong những thời điểm khó khăn”; ông Menju nói.

Minokamo, một thành phố thuộc tỉnh Gifu, gần đây đã tăng cường chia sẻ thông tin trong cộng đồng người nước ngoài - nhiều trong số họ là công dân mang hai quốc tịch Brazil, Nhật Bản, chiếm khoảng 10% dân số.

Giới chức thành phố này, cùng với một vị cha xứ có kinh nghiệm phiên dịch, đã tổ chức nhiều chuyến thăm nhà thờ với sự tham gia của người nước ngoài để kêu gọi họ tham gia vào các biện pháp ngăn chặn đà lây lan của virus corona chủng mới.

“Chính quyền địa phương nên đối xử với người nước ngoài như với người dân Nhật, và giúp cho họ nắm rõ các hướng dẫn cùng chính sách của Chính phủ” – ông Menju nói.