Nga “bóp nghẹt” Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cạn nguồn khí đốt

Trang Trending có bài viết Nga “bóp nghẹt” Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cạn nguồn khí đốt, là một đòn trả đũa nặng ký của Tổng thống Vladimir Putin.
Ông Erdogan trong lễ tang 2 phi công TNK bị Syria bắn rơi hồi tháng 6.2012
Ông Erdogan trong lễ tang 2 phi công TNK bị Syria bắn rơi hồi tháng 6.2012

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố với Reuters rằng Nga đã ngưng xây nhà máy điện hạt nhân cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thực tế thì Nga không thực sự ngưng, mà chỉ giảm tốc độ và đó là cách Nga “bóp nghẹt” Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cạn nguồn khí đốt.

Thỏa thuận giúp xây nhà máy điện hạt nhân bắt đầu năm 2013. Ankara hứa trả 20 tỉ USD và công ty điện hạt nhân Rosatom (Nga) sẽ xây 4 nhà máy điện hạt nhân 1.200 megawatt cho Thổ Nhĩ Kỳ. 

Nhà máy đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2019, nhưng sẽ không thể thành hiện thực, vì dự án này gặp nhiều vấn đề với các quy định quốc tế.

Nga từng giảm tốc độ trong thỏa thuận xây nhà máy điện hạt nhân cho Iran, khiến Iran kiện Nga ra tòa án quốc tế để đòi có nhà máy. Qua kinh nghiệm với Iran, Nga nhận ra ngưng toàn bộ dự án sẽ rất tốn kém, vì bị phạt tiền và mất nhiều quyền lợi. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu tìm nước khác để có nhà máy điện hạt nhân.

Nhưng vấn đề chính là Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Họ trông vào nhà máy điện hạt nhân và lẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ nên tiến hành đàm phán ngoại giao cửa sau để tái lập thỏa thuận với Nga.

Nhưng xem ra Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm thế, dù nước này lệ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga, với mức nhập khẩu vào khoảng 20 tỉ USD/năm. Nếu nguồn khí đốt này giảm chỉ một ngày, cuộc sống ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rối loạn, vì dòng khí đốt này dùng để chạy điện cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga sẽ bắt đầu ngưng cấp khí đốt, như đã tạm ngưng công trình tuyến ống dẫn khí dưới biển qua Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có tuyến ống này cùng nhà máy điện hạt nhân, họ sẽ độc lập hơn về năng lượng.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không thể có nguồn khí đốt thay thế, vì không chỉ xung đột với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ còn va chạm với các nguồn cung thay thế: họ về phe với tổ chức Anh em Hồi giáo nên Ai Cập sẽ không cung cấp khí đốt. 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích mạnh Ả rập Saudi nên cũng mất đầu mối. Israel có thể cấp nguồn khí tự nhiên mà Thổ Nhĩ Kỳ cần nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại công khai thù địch nước này.

Ngay sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Nga, ông Putin đã tuyên bố sẽ trả đũa. Dù nhiều người lo ông có thể trả đũa quân sự, nhưng cho đến nay ông chọn cách tăng sức ép vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, như cấm vận rau quả Thổ Nhĩ Kỳ nhập vào Nga, với lý do các nông sản này không đạt chất lượng vệ sinh thực phẩm.

Rau quả Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 20% tổng sản lượng tiêu thụ ở Nga, nên đó là một mất mát lớn cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 4 tỉ USD/năm), trong khi Nga sẽ dễ bù đắp lượng rau quả này bằng cách nhập thêm nông sản Iran, Israel.

Nga cũng ngưng cho công dân đi du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, 3,3 triệu lượt người Nga đến nước này, chiếm 10% tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nay thì người Nga sẽ tìm đến các điểm du lịch khác trong khi TNK không thể tìm được 3,3 triệu lượt du khách khác.

Rõ ràng là Nga trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin dư khả năng làm khó TNK. Cán cân thương mại rất rõ ràng: Nga mua hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 30 tỉ USD/năm, nhưng họ sẽ dễ tìm nguồn hàng hóa này ở những nước khác.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ trông cậy sự giúp đỡ của EU cùng sự chỉ trích đối với việc ông Putin can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ tính sai. Thế giới chỉ trích ông Putin và Nga, nhưng không có hành động cụ thể. Nga yểm trợ quân sự cho chế độ Tổng thống Syria Assad, lập căn cứ không quân và tăng sự hiện diện quân sự. Phương Tây cảnh báo Nga không đưa quân bộ binh đến Syria nhưng Nga vẫn làm và chỉ có vài lời phản đối.

Khi chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga, quốc tế lên tiếng, nhưng là kêu gọi bình tĩnh và giảm căng thẳng, chứ không lên án Nga.

Điều chắc chắn là dù Thổ Nhĩ Kỳ đang cố ép, nhưng chính Nga mới thực sự gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ. Không ai sẵn sàng nhảy vào giúp Thổ Nhĩ Kỳ, và cứ thế, Nga sẽ "bóp nghẹt" Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì thế, không lạ khi Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột quyết định tham gia liên minh quân sự 34 nước theo đạo Hồi chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS do Ả rập Saudi lập và dẫn đầu. Rõ ràng là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hiểu rõ nguy cơ bị Nga cắt nguồn khí đốt.  Ông vội làm ăn với các nguồn cung cấp khí lớn khác nhưng vấn đề là các nước này có sẵn lòng bán khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ hay không và ở mức giá nào?

Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị tốn rất nhiều tiền vì “lỡ” bắn rơi máy bay Nga.

Vĩnh Thụy - Theo Trending, Một thế giới