Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Nga công bố, quân đội Nga đã phóng ít nhất 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M vào trung tâm huấn luyện 179 ở Poltava, gây ra “con số thương vong không xác định đối với các chuyên gia liên lạc, chiến tranh điện tử và máy bay không người lái nước ngoài”.
Truyền thông Nga trực tiếp chỉ ra rằng những người được gọi là "chuyên gia nước ngoài" là thành viên của Nhóm cố vấn quân sự NATO cử tới để hỗ trợ Ukraine. Xét theo đặc điểm nhiệm vụ, họ đều là những người tinh nhuệ của lực lượng NATO hoặc quân đội của các quốc gia thành viên. Có thể nói, cuộc tấn công này của quân đội Nga đã gây ra “tổn thất bi thảm” cho NATO.
Sau đó, phía Ukraine cũng xác nhận tên lửa của Nga đã bắn trúng cổng vào của Học viện Thông tin quân sự ở Poltava, khiến mấy tầng lầu sụp đổ tại chỗ, hơn 50 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Cuộc tấn công này cũng có thể được coi là vụ tập kích nghiêm trọng nhất của Nga vào Ukraine kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ tháng 2/2022.
NATO ngậm "trái đắng"
Về vụ việc này, các thông tin từ Nga và Ukraine về vụ tấn công chỉ ở mức giới hạn. Tuy nhiên, cách đây ít ngày, truyền thông Hy Lạp lại đưa ra thông tin khác, cho rằng sự việc không đơn giản như vậy.
Trang web truyền thông Hy Lạp Pentapostagma ngày 5/9 tiết lộ, vụ Nga tấn công trung tâm huấn luyện quân sự Ukraine không hề đơn giản. Đây là nơi chủ yếu huấn luyện, cung cấp các các sĩ quan thông tin liên lạc, tác chiến điện tử và điều khiển máy bay không người lái cho Ukraine đang ở tiền tuyến hoặc sắp ra mặt trận. Mục đích của việc huấn luyện là giúp các nhân viên chuyên ngành của quân đội Ukraine thành thạo những kỹ năng có giá trị nhất trong chiến tranh.
Nhưng khi trung tâm huấn luyện quân sự mang bí số 179 này bị tấn công, tại đó không chỉ có các sĩ quan Ukraine mà còn có nhiều “lính đánh thuê” và huấn luyện viên quân sự do các nước NATO cử đến. Vì vậy, nhiều người bị thiệt mạng trong cuộc tấn công của Nga là huấn luyện viên của NATO và “lính đánh thuê” nước ngoài.
Sau đó, cơ quan truyền thông Hy Lạp Pentapostagma cũng đưa ra bản đồ tín hiệu hàng không, cho thấy sau vụ tấn công ở Ukraine, chiều 4/9, các máy bay chuyên cơ của các nước NATO liên tục cất cánh từ Poltava. Mặc dù các hàng hóa vận chuyển cụ thể chưa được xác nhận chính thức nhưng giới truyền thông cho rằng những chiếc chuyên cơ này được sử dụng để vận chuyển các huấn luyện viên NATO bị thương hoặc thiệt mạng trong vụ tấn công.
Ngoài ra, các nguồn tin nội bộ Kiev cho biết, thời điểm Nga tấn công khá kỳ lạ, bởi cuộc tập kích được phát động khi có đông đảo người đang tập trung tại căn cứ. Vì vậy, rất có thể có người trong cuộc đã cung cấp thông tin tình báo cho phía Nga. Đây cũng là một sai sót tình báo hiếm gặp của phía Ukraine kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.
Hiện tại, con số thương vong trong cuộc tấn công này vẫn đang được liên tục cập nhật, thậm chí đã vượt quá 1.000 người và ngày càng liên quan đến nhiều quốc gia, trong đó có Thụy Điển và Ba Lan. Đây chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào Ukraine. Bản thân Ukraine có nguồn nhân lực tương đối khan hiếm trong lĩnh vực thông tin liên lạc và radar, và giờ đây việc lấp đầy những chỗ trống nhân sự ở những vị trí chủ chốt này càng trở nên khó khăn hơn.
Hầu hết những người nước ngoài bị thương vong đều là huấn luyện viên NATO đang thực hiện nhiệm vụ tại trung tâm huấn luyện Poltava. Điều kỳ lạ là từ sau vụ tấn công ngày 3/9 cho đến nay, giới chức NATO gần như im lặng, không ai đưa ra tuyên bố hay bình luận gì về vụ việc này; vẫn chưa có quốc gia NATO nào đứng ra “nhận” người của mình. Chỉ có phía Mỹ vô tình để lộ một số tin tức.
Hãng tin Fox News của Mỹ vào ngày 4/9 đưa ra một thông báo, nói rằng Trung tá quân đội Mỹ Joshua Kamara, 41 tuổi, đã “đột ngột qua đời ở Ba Lan” không rõ nguyên nhân. Ngay lập tức, người phát ngôn của bộ chỉ huy đơn vị này tuyên bố rằng tình hình binh sĩ bị chết là rất phổ biến và hiện không có bằng chứng nào cho thấy là do mưu sát. Sau đó, cả cảnh sát Ba Lan và Lục quân Mỹ đều nói sẽ tiến hành điều tra thêm. Cần lưu ý Ba Lan là thành viên NATO, điểm trung chuyển đầu tiên của các giảng viên bị thương được đưa khỏi Poltava.
Ukraine đã tiến hành điều tra vụ tấn công và bắt đầu quy trách nhiệm cho người dân. Nguồn tin ở Kiev nói với truyền thông Mỹ rằng thời điểm Nga tấn công quá trùng hợp. Cuộc không kích tình cờ được phát động khi gần như toàn bộ thành viên của Trung tâm huấn luyện 179 tập trung tại căn cứ, khiến phía Ukraine nghi ngờ có kẻ nội gián đã phản bội báo cho Nga biết.
Về phía NATO, quan chức cấp cao nhất từ chức đã xuất hiện. Theo tin của Reuters ngày 5/9, Thụy Điển, quốc gia mới gia nhập NATO được 6 tháng, đã thông báo Ngoại trưởng Tobias Billstrom sẽ từ chức vào tuần tới. Được biết, 37 chuyên gia về hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát của Thụy Điển đã tử thương trong cuộc không kích này. Nhưng các quan chức Thụy Điển từ chối xác nhận liệu việc từ chức của ông Billstrom có liên quan đến cuộc tập kích của Nga hay không.
Vụ tấn công có tác động ra sao?
Hiện tại, cục diện ở tiền tuyến của Ukraine không mấy sáng sủa. Mũi chủ công của quân đội Ukraine hiện ở khu vực Kursk. Ban đầu họ hy vọng sẽ phân tán hỏa lực của quân đội Nga ở khu vực phía đông Ukraine thông qua cuộc tấn công vào Kursk. Tuy nhiên, có tin cho rằng quân đội Nga bất ngờ quay lại và phong tỏa Pokrovsk ở tỉnh Donetsk. Tới đây chỉ cần kiểm soát được khu vực này, họ có thể cắt đứt đường tiếp tế của quân đội Ukraine, và điều này có nghĩa là cuộc xung đột này sẽ bước vào giai đoạn cuối cùng.
Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo cấp cao của Ukraine đã bắt đầu một làn sóng “thay máu”. Gần đây, nhiều quan chức cấp cao ở Ukraine đã đồng loạt từ chức, số lượng thành viên mới trong nội các thậm chí đã chiếm quá một nửa.
Nhìn từ góc độ quân sự và chính trị nói chung, khi tình hình chiến tranh đang ở giai đoạn then chốt, nhân sự cấp cao thường không dễ dàng thay đổi. Bởi việc thay đổi đội ngũ lãnh đạo cốt lõi thường dẫn đến những thay đổi về chính sách và định hướng chiến lược nên những thay đổi như vậy có thể có tác động bất lợi đến tình hình chung. Đặc biệt về mặt chỉ huy quân sự, sự phức tạp của hệ thống đòi hỏi các quan chức mới phải cần có nhiều thời gian để điều chỉnh, thích ứng. Quá trình này khó tránh khỏi gây ra sự hỗn loạn trong chuỗi chỉ huy, từ đó làm giảm hiệu quả tác chiến và gây ra các vấn đề, rắc rối không đáng có.
Về vấn đề này, ông Zelensky giải thích rằng nội bộ chính phủ cần có “sức sống mới”, việc thay máu có thể tăng cường sức mạnh của Ukraine một cách hiệu quả trên các lĩnh vực.
Nhưng trên thực tế, ông Zelensky hiểu rất rõ rằng cách duy nhất lúc này là phải có được sự tăng viện từ NATO.
Vì vậy, có thể thấy từ việc sắp xếp tân ngoại trưởng là do ông muốn thay thế ông Kuleba bằng một người xử lý tốt hơn quan hệ với các nước NATO, nhằm giúp Ukraine tăng cường “tấn công ngoại giao” các nước NATO để họ cung cấp nhiều hơn viện trợ và tiền bạc, hoặc thậm chí kéo NATO vào cuộc cùng nhau chống Nga.
Trong khoảng thời gian tới đây, ông Zelensky sẽ đưa theo các thành viên mới trong chính phủ bắt đầu đợt đi thăm mới tới các quốc gia thành viên NATO. Điểm dừng chân đầu tiên được tiết lộ là ở Đức, và chuyến thăm Mỹ đã sớm được lập kế hoạch. Chuyến thăm này cũng được thế giới bên ngoài đánh giá là “cuộc chiến đấu cuối cùng” của ông Zelensky.
Không rõ liệu NATO, vốn rất tức giận nhưng không dám lên tiếng về vụ tấn công Poltava của Nga, rốt cục có tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine hay không, còn phải chờ xem.
Các chuyên gia quân sự NATO trở thành mục tiêu được ưu tiên của tên lửa Nga
Ngoại trưởng Nga: "Tối hậu thư" của ông Zelensky là vấn đề gây nhức nhối
Thông tin bất ngờ về thiệt hại của NATO trong vụ Nga tấn công tên lửa vào Poltava
Theo QQnews, Kan.China, Topwar