6 máy bay được thuê để chở thi thể chuyên gia, giảng viên về nước
Ban đầu, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công, truyền thông Ukraine đưa tin “một cơ sở giáo dục và một bệnh viện trong thành phố Poltava đã bị tên lửa Nga tấn công, khoảng 50 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương”.
Tuy nhiên, truyền thông Nga dẫn nguồn tin quân sự cho biết, đây thực chất là một căn cứ huấn luyện quân sự bí mật của Ukraine, tại đây có một số lượng lớn chuyên gia quân sự và giảng viên của NATO.
Vậy đây là cơ sở dân sự hay cơ sở quân sự? Đến tối 3/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong một đoạn video rằng quân đội Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng 2 tên lửa đạn đạo, phá hủy tòa nhà của Học viện Thông tin liên lạc quân sự. Ông ra lệnh điều tra toàn diện vụ việc và tuyên bố rằng Nga "chắc chắn sẽ phải gánh chịu trách nhiệm về vụ tấn công này".
Với một loạt tin tức được đưa ra tiếp theo, về cơ bản có thể khẳng định thông tin của phía Nga là chính xác và ảnh hưởng của hai quả tên lửa này lớn hơn nhiều so với những gì truyền thông đưa tin.
Được biết, ngoài Ukraine, quốc gia bị tổn thất nặng nhất trong vụ tấn công này là Thụy Điển. Tại trung tâm huấn luyện quân sự này, Thụy Điển đã đưa cả một đội ngũ tới huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng loại máy bay cảnh báo sớm Saab-340B AEW mà họ cung cấp, nhưng tất cả đều tử nạn.
Minh chứng cho giả thuyết này, có hai bằng chứng thuyết phục nhất là việc Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom, 40 tuổi, hôm 4/9 bất ngờ xin từ chức ngay sau vụ việc. Đồng thời, một số lượng lớn quan chức điều hành cấp cao của công ty vũ khí Thụy Điển Saab AB chịu trách nhiệm sản xuất hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không cũng bất ngờ tuyên bố từ chức.
Tiếp sau đó, các cơ quan truyền thông châu Âu đều tập trung đưa nhiều tin tức khác nhau liên quan đến Ukraine.
Kết quả, một số cơ quan truyền thông phát hiện ra rằng ngay sau cuộc tấn công của Nga, sáu chuyến bay thuê bao tới từ Mỹ, Đức, Ba Lan và Romania đã khẩn cấp cất cánh ở thành phố Poltava của Ukraine bay đến Berlin, Đức và các quốc gia NATO khác.
Theo họ tiết lộ, những thứ được vận chuyển trong những chiếc máy bay này không phải là người bị thương mà là một số lượng lớn bao tải chứa "thi thể và mảnh thi thể". 6 chiếc máy bay đã được thuê để vận chuyển những thứ này.
Cùng lúc đó, một bác sĩ quân y ở thành phố Poltava của Ukraine đã đăng bài trên mạng xã hội, tiết lộ: Số người thực sự đã thiệt mạng trong cuộc tấn công tên lửa của Nga hôm 3/9 không phải “khoảng 50” như công bố chính thức mà là “hơn 200”, và số người bị thương còn lớn hơn. Còn theo các phóng viên quân sự Ukraine, cuộc tấn công đã khiến “190 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương”.
Nếu những tin tức này được xác nhận, có thể nói hai tên lửa này của Nga đã trực tiếp tiêu diệt hết nhóm cố vấn quân sự NATO cử tới Ukraine. Một kết quả như vậy có lẽ là điều mà cả Nga và NATO đều không mong đợi.
Điều khiến Ukraine tổn thương hơn nữa là trong số 190 người này có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thông tin liên lạc và máy bay không người lái, trong đó nhiều người là giảng viên kỹ thuật được NATO cử đến hỗ trợ họ.
Nguyên nhân của sự kiện bi thảm
Về nguyên nhân khiến cuộc tấn công này gây thương vong nặng nề như vậy, Bộ Quốc phòng Ukraine đã phân tích như sau: Đầu tiên, ngày hôm đó trung tâm huấn luyện quân sự này đang tổ chức lễ tốt nghiệp cho các học viên và hầu như tất cả các giảng viên NATO đều có mặt.
Thứ hai, tốc độ của tên lửa Nga rất nhanh. Tên lửa đã rơi xuống gần như cùng lúc với tiếng còi phòng không vang lên. Hơn nữa, có một khoảng cách giữa các lần phóng hai tên lửa: Khi mọi người còn sống vừa ra khỏi boong-ke trú ẩn vì tưởng cuộc tập kích đã kết thúc, họ lại bị tấn công bằng một tên lửa nữa.
Quân đội Nga lần này sử dụng hệ thống tên lửa có tên Iskander-M. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn tiên tiến nổi tiếng với độ chính xác cao, khả năng phản ứng nhanh và phương thức tấn công đa dạng.
Theo thông tin công khai, Iskander-M có tầm bắn tối đa khoảng 500 km, có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và tấn công nhiều loại mục tiêu. Nó cũng có tính cơ động cao và có thể được triển khai và phóng trong thời gian ngắn, sau đó nhanh chóng di chuyển vị trí, tránh bị đối phương phản công.
Về việc khóa mục tiêu, tên lửa Iskander sử dụng phương pháp dẫn đường tổng hợp như dẫn đường quán tính, hiệu chỉnh định vị vệ tinh và dẫn đường khớp với hình ảnh thực ở giai đoạn cuối để đảm bảo phạm vi sai số được cho là cực kỳ thấp, chỉ trong vòng vài mét, và có thể tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu kiên cố và chiến thuật.
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, quân đội Nga đã nhiều lần sử dụng tên lửa Iskander tấn công các trung tâm chỉ huy, trung tâm liên lạc và căn cứ quân sự quan trọng của Ukraine nhằm làm suy yếu khả năng chỉ huy và kiểm soát của Ukraine.
Điều này khiến tên lửa không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của quân đội và tâm lý của người dân Ukraine. Nó còn được coi là lời cảnh báo của Nga trước sự mở rộng của NATO và là phương tiện cảnh báo, răn đe để ngăn chặn các nước phương Tây can dự sâu vào cuộc xung đột.
Tuy nhiên, tính năng mạnh mẽ của tên lửa Iskander không phải là toàn bộ nguyên nhân dẫn đến thành công của hành động quân sự này của Nga. Một nguyên nhân quan trọng khác là do chính giới chức Ukraine "để rò rỉ tin tức".
Trước đó ít hôm, các quan chức địa phương ở Ukraine đã công bố thông tin chi tiết về lễ tốt nghiệp của Học viện Thông tin liên lạc trên mạng xã hội, đồng thời nhấn mạnh rằng những người này sẽ được đưa ra chiến trường với tư cách là những nhân tài chuyên nghiệp.
Mặc dù đây có thể không phải là kênh duy nhất để quân đội Nga thu thập được thông tin tình báo về hoạt động này nhưng sự khoa trương của các quan chức đã góp phần gây ra tổn thất nặng nề cho quân đội Ukraine và đồng minh NATO.
Theo NetEasy, QQnews