Quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho Reuters biết hai bên đã thảo luận về việc tuần tra chung trên biển trong năm 2016. Những cuộc tuần tra chung Mỹ-Ấn Độ có thể được thực hiện trên Ấn Độ Dương và cả Biển Đông, theo quan chức quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, quan chức này không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô những đợt tuần tra chung.
Ấn Độ và Mỹ không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng hai bên ủng hộ việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Ấn Độ vào tháng 1.2015, ông Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhất trí về “việc xác định những lĩnh vực cụ thể để mở rộng hợp tác hàng hải song phương”.
Vào tháng 12.2015, vấn đề tuần tra chung được nêu lên khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đến thăm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở bang Hawaii, một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho Reuters biết.
Trước đó, Philippines từng đề xuất tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông và một nhà ngoại giao Mỹ tiết lộ cuộc tuần tra chung Mỹ-Philippines có thể diễn trong thời gian tới.
Ấn Độ và Mỹ tăng cường hợp tác quân sự trong những năm gần đây, từng tiến hành tập chung với hải quân Nhật Bản trên Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Hải quân Ấn Độ chưa từng tuần tra chung với bất kỳ quốc gia nào, Reuters dẫn lời một người phát ngôn Hải quân Ấn Độ cho hay.
Một chỉ huy quân đội Ấn Độ giấu tên cho hay nơi có số lượng tàu hải quân Ấn Độ đến thăm nhiều nhất ở Biển Đông là Việt Nam.
Hiện Trung Quốc chưa có phản ứng gì trước thông tin trên. Trước đó, Trung Quốc ngày 1.2 cáo buộc Mỹ mượn cớ tự do hàng hải để giành quyền bá chủ Biển Đông, sau vụ tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng hôm 30.1.
Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, với những đường băng trên đảo nhân tạo mà theo Mỹ là nhằm phục vụ quân đội Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ Mỹ, Việt Nam và một số quốc gia khác.
Theo Thanh niên