Mỹ điều khu trục hạm áp sát đảo Trung Quốc chiếm giữ ở Biển Đông

VietTimes -- Khu trục hạm của hải quân Mỹ hôm nay đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, ABC News cho biết.
Hai khu trục hạm USS Curtis Wilbur và USS Lassen của hải quân Mỹ đã thách thức tham vọng phi lý của Trung Quốc
Hai khu trục hạm USS Curtis Wilbur và USS Lassen của hải quân Mỹ đã thách thức tham vọng phi lý của Trung Quốc

Theo ABC News, Lầu Năm Góc cho hay động thái của tàu chiến USS Curtis Wilbur (DDG 54) nhằm thách thức những hạn chế về quyền và tự do hàng hải của Mỹ cũng như các nước khác trên Biển Đông.

"Tôi có thể xác nhận rằng Bộ Quốc phòng đã tiến hành một hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông hôm 30/1 cụ thể là trong khu vực lân cận đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa", phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông Mark Wright tuyên bố. 

Ông Wright cho biết, không có tàu nào của hải quân Trung Quốc xung quanh khu vực này khi USS Curtis Wilbur đi qua. Hải quân Mỹ cũng không thông báo trước về động thái trên."Điều này phù hợp với hoạt động thông thường của chúng tôi và luật pháp quốc tế", ông Wright khẳng định.

Đảo Tri Tôn là một cồn cát có diện tích lớn thứ ba ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1974.  

Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Wright khẳng định Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc "bảo vệ các quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận này đối với tất cả các nước và tất cả những tuyên bố chủ quyền hàng hải phải phù hợp với luật pháp quốc tế".

Hồi tháng 10/2015, khu trục hạm USS Lassen của Mỹ cũng đi vào phạm vi 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái này đã thách thức mạnh mẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và khiến Bắc Kinh tức giận.

Trung Quốc đã thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên quần đảo Hoàng Sa từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Trung Quốc liên tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm trường học, sân bay, bến cảng, trạm xăng ở Hoàng Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

Mỹ cũng vừa lên tiếng phản đối lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cố tình tới thăm đảo Ba Bình tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gây căng thẳng khu vực.