
Ông Robert Prevost, người được các Hồng y Công giáo toàn cầu chọn làm lãnh đạo Giáo hội với 1,4 tỷ tín hữu, đã trở thành Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ và là một nhân vật tương đối ít được biết đến trên trường quốc tế.
Ông năm nay 69 tuổi, sinh ra tại Chicago, nhưng phần lớn sự nghiệp linh mục của ông được dành cho công việc truyền giáo tại Peru. Ông Prevost chỉ mới được phong Hồng y vào năm 2023 và hiếm khi xuất hiện trước truyền thông.
Ông lấy tông hiệu là Leo XIV, kế vị Giáo hoàng Francis, người đã dẫn dắt Giáo hội từ năm 2013.
Bước ra ban công trong tiếng reo hò của hàng vạn tín hữu hôm 8/5, Giáo hoàng Leo XIV cất những lời đầu tiên trên cương vị giáo hoàng: “Bình an cho anh chị em”. Bài phát biểu ngắn của ông gửi đi thông điệp mong muốn một Giáo hội gắn kết, xây dựng cầu nối, và đồng hành với những người đau khổ.
Linh mục Mark Francis, một người bạn lâu năm của ông Prevost từ những năm 1970, chia sẻ với Reuters rằng tân Giáo hoàng là người kiên định ủng hộ đường hướng cải cách và công lý xã hội của người tiền nhiệm.
“Ông ấy luôn thân thiện, ấm áp và là tiếng nói của sự tỉnh táo, thực tế, đặc biệt trong các nỗ lực của Giáo hội với người nghèo”, ông Francis nói. “Ông ấy có khiếu hài hước châm biếm, nhưng không phải người thích nổi bật”.
Ông Prevost từng là giám mục tại Chiclayo, tây bắc Peru từ 2015 đến 2023, và được cấp quốc tịch Peru năm 2015, trở thành người mang hai quốc tịch.
Năm 2015, Giáo hoàng Francis mời ông về Vatican giữ vai trò lãnh đạo văn phòng chuyên trách việc chỉ định các giám mục trên toàn thế giới, một vị trí có ảnh hưởng sâu rộng đến việc định hình đội ngũ lãnh đạo Giáo hội toàn cầu.
Jesus Leon Angeles, điều phối viên một nhóm Công giáo ở Chiclayo, người đã quen biết ông Prevost từ năm 2018, nhận xét ông là người “rất giản dị” và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Ông Prevost được ghi nhận là người quan tâm đặc biệt tới người di cư Venezuela tại Peru – nhóm người lên đến hơn 1,5 triệu người chạy trốn khủng hoảng kinh tế ở quê nhà.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Vatican năm 2023, ông nhấn mạnh: “Chúng ta thường lo lắng về việc dạy giáo lý…nhưng có nguy cơ quên mất rằng nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là giảng dạy về ý nghĩa của việc biết đến Chúa trời”.
Ông cũng nói trong một cuộc họp báo tại Vatican năm 2023 rằng: “Công việc của chúng ta là mở rộng căn lều và cho mọi người biết rằng họ được chào đón trong Giáo hội”.

"Người biết lắng nghe"
Sinh năm 1955, ông Prevost là thành viên của Dòng Thánh Augustinô – một dòng tu toàn cầu với khoảng 2.500 linh mục và tu sĩ hoạt động tại 50 quốc gia, nổi bật với đời sống cộng đoàn và tinh thần bình đẳng giữa các thành viên.
Ông tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Villanova (Philadelphia), lấy bằng thạc sĩ thần học tại Học viện Thần học Công giáo ở Chicago, và bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinas ở Rome.
Ông Prevost lần đầu đến Peru làm giáo sĩ truyền giáo năm 1985, trở lại Mỹ năm 1999 để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong dòng tu, sau đó chuyển đến Rome để giữ chức Tổng quyền Dòng Augustinô trong hai nhiệm kỳ 6 năm. Ông từng đi thăm nhiều cộng đoàn Augustinô trên khắp thế giới, và thông thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Bồ Đào Nha.
Khi trở lại Rome vào năm 2023, ông Prevost hầu như không tham gia vào các sự kiện xã giao Vatican, thường được các chức sắc tổ chức tại thành phố.
Leon Angeles mô tả ông là người có năng lực lãnh đạo nhưng luôn biết lắng nghe: “Ngài có phẩm hạnh là biết hỏi ý kiến – kể cả của người đơn giản, khiêm nhường nhất. Ngài biết lắng nghe tất cả”.

Hồng y người Mỹ Robert Prevost được bầu, lấy danh hiệu Giáo hoàng Leo XIV

Khói đen bốc lên từ Nhà nguyện Sistine, Vatican chưa có tân Giáo hoàng

Hồng y khắp thế giới họp kín tại Vatican, bắt đầu mật nghị bầu Giáo hoàng mới
Theo Reuters, CNN