Mỹ, Nga, Trung Quốc “tỷ thí” ở Biển Đông, Syria

Chiến trường đẫm máu tại Syria và những rạn san hô, bãi đá ngầm ở Biển Đông. Cả hai điểm nóng này đều đang chứng kiến sự chuyển dịch quan trọng trong các mối quan hệ giữa các cường quốc kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ

Tại Syria, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, Nga triển khai lực lượng viễn chinh bên ngoài lãnh thổ nhằm thể hiện sức mạnh và vị thế mới của Moscow trên vũ đài thế giới. Trên Biển Đông, Mỹ đã sớm gửi tín hiệu rằng nước này không công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hàng loạt các đảo đá và bãi ngầm bằng cách thi hành quyền tự do hàng hải trong phạm vi vùng biển 12 hải lí xung quanh các đảo nhân tạo xây dựng trái phép của Trung Quốc.

Trong 25 năm qua, Mỹ đã hoàn toàn thống trị nền chính trị giữa các cường quốc. Nhưng Mỹ ngày càng sống trong một thế giới bị tranh chấp. Cuộc chơi mới với Nga và Trung Quốc đang diễn ra ở Syria và Biển Đông báo hiệu một cuộc đấu khốc liệt ở phía trước.

Như xưa nay trong lịch sử, cuộc đấu đó được tiến hành một phần trên phương diện sức mạnh cứng. Vladimir Putin đã can thiệp vào Syria để dập tắt chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và củng cố vị thế của chính ông ở trong nước. Tuy nhiên, ông còn có ý thể hiện rằng, không giống Mỹ, Nga có thể là một người đáng tin cậy trong việc thúc đẩy mọi thứ diễn ra ở Trung Đông và có thể có thêm bạn bè bằng cách, chẳng hạn đưa ra cho Iraq một sự lựa chọn thay thế Mỹ. Để không ai còn dám phát biểu như Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain rằng Nga chỉ là “một trạm xăng dưới vỏ bọc một quốc gia”, ông Putin muốn chứng minh rằng Nga sở hữu sự quyết tâm, cũng như những binh lính thiện chiến và các tên lửa hành trình.

Cuộc chiến này còn là về tính chính đáng. Ông Putin muốn làm mất uy tín của Mỹ trong việc quản lý trật tự thế giới. Mỹ lập luận rằng, sự bất mãn của người dân Syria và việc lạm dụng các quyền con người khiến Tổng thống Bashar al-Assad không đủ tư cách nắm quyền. Ông Putin không muốn để phương Tây can thiệp vào các quốc gia có chủ quyền, bao gồm chính nước Nga.

Quyền lực và tính chính đáng cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong vấn đề Biển Đông, tuyến giao thương hàng hải huyết mạch của thế giới. Các đảo, rạn san hô và bãi đá ở Biển Đông là đối tượng của những yêu sách chủ quyền chồng chéo. Trung Quốc đang áp đặt các đòi hỏi ngang ngược của mình bằng cách bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo và xây dựng các đường băng dành cho các đơn vị đồn trú.

Đây một phần là sự khẳng định sức mạnh hải quân ngày một tăng nhanh: Trung Quốc đang tạo ra các đảo vì nước này có thể làm việc đó. Việc chiếm các đảo này nằm trong chiến lược thống trị các vùng biển xa của Trung Quốc. Hai mươi năm trước, các tàu chiến của Mỹ di chuyển đến khu vực này mà không bị trừng phạt. Ngày nay, chiến hạm Mỹ sẽ đối mặt với một vùng biển thù địch tiềm tàng. Tuy nhiên, một nguyên tắc cũng đang bị đe dọa. Mỹ không để ý tới ai sở hữu các đảo, nhưng Washington khẳng định rằng Trung Quốc phải thiết lập các yêu sách chủ quyền của mình thông qua thương lượng hoặc trọng tài quốc tế. Trung Quốc lại cho rằng trong khu vực của mình, nước này giờ sẽ tự thiết lập các luật chơi, trong các cuộc tranh chấp đảo cũng như những vấn đề khác nữa.

Rõ ràng, vị thế ưu việt của Mỹ đang bị thách thức. Sau khi Liên Xô sụp đổ, uy quyền toàn cầu tuyệt đối của Mỹ đôi khi bắt đầu có vẻ trở thành chuyện bình thường. Trên thực tế, vị thế của Mỹ đạt tới đỉnh cao như vậy chỉ bởi vì Nga đang quay cuồng và Trung Quốc vẫn chỉ mới thoát ra khỏi sự hỗn loạn và những tàn phá vốn đã làm nước này suy yếu trong thế kỷ 20. Thậm chí hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất có khả năng triển khai sức mạnh trên khắp toàn cầu.

Tuy nhiên, có lý do để lo ngại. Sự tái khẳng định quyền lực của Nga báo hiệu rắc rối. Điều này đã dẫn tới việc Nga sáp nhập Crimea và xâm nhập miền Đông Ukraine, cả hai có vẻ trái với những điều Putin nói ông đang duy trì ở Syria. Tổng thống Mỹ Barack Obama được an ủi phần nào nhờ nền kinh tế yếu kém của Nga và việc giới tinh hoa nước Nga di cư ra ngoài. Tuy nhiên, một cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đang sa sút có thể gây ra nhiều hiểm họa.

Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ quan trọng hơn – và thậm chí khó quản lý hơn. Vì hòa bình và thịnh vượng, hai nước phải có khả năng làm việc cùng nhau. Thế nhưng, các mối quan hệ của họ lại không tránh khỏi việc bị cản trở bởi sự cạnh tranh và ngờ vực. Bởi mỗi giao dịch có nguy cơ trở thành một phép thử xem ai sẽ là người nắm quyền quyết định, sự đối kháng luôn hiện diện.

Chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn chưa được điều chỉnh để thích ứng với thế giới cạnh tranh này. Trong ba đời tổng thống vừa qua, chính sách chủ yếu tập trung vào việc xuất khẩu các giá trị Mỹ; mặc dù đối với các quốc gia ở chiều nhận thì đôi khi điều đó chẳng khác nào một sự áp đặt. Ý tưởng ở đây là các quốc gia sẽ chắc chắn bị cuốn hút hướng về dân chủ, thị trường và nhân quyền. Những người lạc quan nghĩ rằng ngay cả Trung Quốc cũng đang hướng về phía đó.

Quan điểm đó đã phải trả giá, trước tiên là ở Iraq và Afghanistan và hiện nay là ở Trung Đông nói chung. Tự do đã không mang lại sự ổn định. Dân chủ đã không bén rễ. Ông Obama dường như đã kết luận rằng Mỹ nên rút quân. Ở Lybia, ông đã lãnh đạo từ phía sau. Tại Syria, ông đã chần chừ. Kết quả là Mỹ nhường lại thế chủ động ở khu vực Trung Đông cho Nga lần đầu tiên kể từ những năm 1970.

Mỹ vẫn còn những nguồn lực mà các cường quốc khác còn thiếu. Trên hết là mạng lưới các đồng minh của nước này, bao gồm NATO. Dù ông Obama đôi khi hành xử như thể các liên minh chỉ mang tính tạm thời, nhưng chúng cần những nền tảng vững chắc. Sức mạnh quân sự của Mỹ là không có quốc gia nào sánh bằng nhưng nó vẫn bị cản trở bởi nền chính trị lợi ích và những khoản cắt giảm ngân sách tự động do quốc hội yêu cầu. Những vấn đề này bắt nguồn từ hạn chế lớn nhất đối với khả năng lãnh đạo của Mỹ: Đó chính là nền chính trị “rối loạn chức năng” ở Washington. Đó không chỉ là một sự quảng bá nghèo nàn cho dân chủ mà còn cản trở lợi ích của Mỹ.

Theo The Economist