Dạy học online, phụ huynh trăn trở và hiến kế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau một thời gian triển khai dạy học theo hình thức online trong điều kiện dịch bệnh, bên cạnh sự cố gắng và nỗ lực, thì vẫn còn bộc lộ những bất cập về thời lượng, dung lượng, phương pháp...
Phụ huynh trợ giúp con khi học trực tuyến - Ảnh: Hanoimoi.com.vn
Phụ huynh trợ giúp con khi học trực tuyến - Ảnh: Hanoimoi.com.vn

LTS: Tác giả Nguyễn Duy Xuân sau một thời gian đồng hành cùng các cháu của mình trong học online đã gửi đến VietTimes những trăn trở và đề xuất trước những điểm còn bất cập của hình thức dạy học này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Một phụ huynh ở Hà Nội có con học lớp 3 và lớp 10 đã chua chát “tổng kết” sau 1 tháng học online của các cháu: “Với nhà mọi người thì không biết thế nào, chứ nhà tôi thì việc học online không chỉ thất bại toàn tập, mà còn nguy hại toàn tập”.[1]

Và vị phụ huynh đó đã cho “1 chiếc iPhone 11 bay vào tường tan tành", đồng thời cảnh báo cô con gái: "chiếc laptop Apple có thể cũng tiễn nốt ra bãi rác bất cứ lúc nào, nếu con cứ cắm mặt suốt vào lap!”

Tôi thì chưa đến nỗi cho “iPhone bay vào tường” nhưng cũng rút ra được những kết luận của mình qua việc học online cùng cháu. Các cháu tôi về nghỉ hè, đang kẹt lại ở quê vì cô vít.

Tính đến nay, hai cháu nội tôi, một cháu lớp 1, một cháu lớp 4 học online đã được hơn 2 tháng. Trường các cháu tổ chức học online từ đầu tháng 8.

Vất vả nhất có lẽ là đối với cháu mới vào lớp 1. Rất may là tháng nghỉ hè trước đó, ông bà đã thay nhau làm “gia sư” dạy cho cháu học đọc, học viết trước một số âm, vần nên khi vào học chính thức, cu cậu cũng đỡ “đứng hình” phần nào. Tuy nhiên, bài dạy của các cô giáo lại không bắt đầu từ “a bờ cờ” nên nhiều lúc cháu không đọc, không viết được chữ ghi âm và vần mới. Thế là ông bà lại thay nhau làm “trợ giảng”. Rất may, chúng tôi đều là những cựu nhà giáo, nắm vững nghiệp vụ, có thời gian rảnh nên việc “trợ giảng” cho cháu không thành vấn đề.

Qua quan sát và gián tiếp tham gia học online cùng cháu, có thể thấy nhiều vấn đề nảy sinh từ mô hình học tập này.

Trước hết phải khẳng định, mặc dù thầy cô, học sinh và phụ huynh đã hết sức cố gắng, chất lượng dạy học trực tuyến vẫn không thể nào bằng dạy học trực tiếp. Các cháu tiếp thu khó khăn hơn do hạn chế của hình thức tổ chức dạy học. Thầy cô không thể thực hiện tốt các phương pháp dạy học như cầm tay chỉ việc, rèn luyện theo mẫu hay trực tiếp uốn nắn khiếm khuyết cho các cháu từ tư thế ngồi, cách cầm bút, cách phát âm, viết chữ, v.v.

Để bù lấp chỗ trống đó, phụ huynh và học sinh lại phải làm lại từ đầu sau giờ học online. Áp lực học hành càng đè nặng lên vai các cháu và cả với phụ huynh.

Tuy nhiên, không phải môn học nào phụ huynh cũng có thể làm “thầy giáo” thứ hai được. Các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội, Đạo đức phụ huynh có thể không gặp mấy khó khăn khi phụ đạo thêm cho các cháu. Nhưng các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, đặc biệt là Tiếng Anh thì không phải phụ huynh nào cũng làm “tròn vai” trợ giảng của mình. Vấn đề đặt ra ở đây là các cháu lớp 1 học Tiếng Việt còn khó khăn, thì làm sao có thể tiếp thu nổi môn Tiếng Anh qua hình thức online? Sau 2 tháng học trên lớp trực tuyến, qua quan sát tôi thấy, rất nhiều cháu không nắm được từ, không thể phát âm chính xác từ đã học, nếu lâu dần rất dễ dẫn đến thói quen phát âm sai lệch – một điều tối kỵ đối với việc học ngoại ngữ.

Thời gian biểu học online của các cháu cũng quá căng thẳng. Một ngày các cháu học khoảng 6,5 tiếng đồng hồ kể cả thời gian nghỉ giải lao. Buổi sáng từ 8 giờ đến 10 giờ 15. Buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 15. Học đủ 8 môn (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm).

Với lịch học tập căng thẳng như thế, mặc dù các cháu đã rất cố gắng nhưng áp lực tâm lý vẫn lộ rõ. Kiến thức tiếp thu khó khăn, các kỹ năng cần đạt theo yêu cầu của môn học vì thế cũng khó có thể hình thành được một cách trọn vẹn.

Từ thực tế trên có thể rút ra mấy đề xuất về dạy học online nói chung và dạy học online đối với lớp 1 nói riêng như sau:

Trước hết phải xác định, đối với bậc tiểu học, dạy học online chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 căng thẳng, không cho phép dạy học tập trung. Bởi thế, nội dung, chương trình dạy học nên hết sức nhẹ nhàng, chỉ dạy học những môn cơ bản như Tiếng Việt, Toán và những môn có khả năng tạo hứng thú cho học sinh như Âm nhạc, Tự nhiên và xã hội. Thời gian học chỉ nên 1 buổi trong ngày với thời lượng không quá 3 giờ đồng hồ. Thời gian biểu như thế phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đảm bảo để học sinh không phải tiếp xúc quá nhiều với máy tính hay điện thoại, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thị giác, làm giảm hứng thú học tập của các cháu.

Giáo án của thầy cô giáo phải phù hợp với môi trường dạy học online, gây hứng thú học tập và tạo được sự tương tác tốt đối với mọi học sinh trong lớp.

Phụ huynh cần đồng hành cùng con cái trong suốt thời gian học trực tuyến để vừa giám sát việc học của con em mình, vừa sẵn sàng trợ giúp lúc cần thiết, đặc biệt là đảm bảo sao cho máy móc, phương tiện học tập vận hành suôn sẻ, tuyệt đối an toàn cháy nổ[2]. Và, không nên quá kỳ vọng vào kết quả học online, nhằm giảm bớt áp lực học hành cho con trẻ.

Nguồn tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/ong-bo-ha-noi-dap-nat-iphone-cho-con-dung-hoc-online-780575.html

[2] https://tienphong.vn/choc-vao-nguon-dien-khi-dang-chuan-bi-hoc-truc-tuyen-mot-hoc-sinh-o-ha-noi-tu-vong-post1374719.tpo