|
Chọn lối đi riêng (Ảnh: Getty) |
Tôi bước chân vào nghề giáo năm 2012, đến 2013 thì nhận lớp đầu tiên, một lớp chuyên văn. Chuyên văn thì rất “đặc thù”, cả về độ “thông minh”, sự năng động, nhạy bén, thức thời… Song các em thường thua sút về độ “sang chảnh” trong nhìn nhận của xã hội.
Có một thực tế bây giờ là học sinh thường chọn trường trước khi chọn nghề, chọn dựa trên “tâm lý đám đông”, nhưng trớ trêu thay “trường VIP”, trường thời thượng thì khó đậu, còn trường thường thường bậc trung thì không muốn. Thế là tôi luôn nhận được những câu hỏi, những thắc mắc, những yêu cầu “tư vấn” đủ loại. Và tôi hay dùng cái câu rất "trendy" của các em:
“Mình thích thì mình làm thôi!”
Câu trả lời làm nhiều học sinh hụt hẫng, nhưng rất nhanh, các em tỏ ra thoải mái, được giải tỏa và vui vẻ, hào hứng. Các em mạnh dạn chia sẻ về sở thích của mình, có em muốn trở thành một nhà kinh doanh, có bạn muốn làm du lịch, nhiều em thích nghề làm đẹp, có em thích nấu ăn... Thôi thì đủ cả.
“Các em thích gì thì cứ làm.” Nhưng, nào là “bố mẹ không cho, nào là kém sang, nào là thu nhập, nào là tương lai”… Có đủ những nỗi lo lắng. Tôi bèn tính cho các em nghe: hãy nhìn vào thầy cô giáo của các em, lương mới ra trường chỉ hơn 3 triệu/tháng (2,34 nhân 1,450 triệu), sau 10 năm ròng rã lương lên được khoảng 5 triệu. Bây giờ nếu các em có năng khiếu, yêu thích việc làm tóc và bỏ ra chỉ cần 2 năm vừa học vừa làm, trở thành một “pro”, mỗi ngày các em cắt cho 10 cái đầu với giá rẻ nhất là 50 nghìn thôi đã bỏ túi 500 nghìn, trừ chi phí mỗi tháng còn khoảng 10 triệu. Chỉ tính riêng về khía cạnh kinh tế thôi, theo đuổi đam mê mang lại nhiều tiền hơn một cách rõ rệt. Những tiệm make up lớn, tay nghề cao có thể thu nhập mỗi tháng hàng trăm triệu đồng, đó là thực tế. “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi các em”. Và quan trọng là các em luôn được làm điều mình thích chứ không phải điều người khác muốn. Đó cũng chính là tạo ra giá trị.
Một xu thế như vậy, nhất là trong một môi trường “chất lượng cao” là trường chuyên với mục tiêu thành tích đã trở thành nỗi ám ảnh, và danh tiếng trở thành “thương hiệu” sống còn thì tất nhiên là nó thành “lạc lõng”. Nhưng tôi vẫn kiên định, “mình thích thì mình làm thôi”.
Đến năm lớp 11, lớp tôi có ít nhất 3 em đã “bỏ học”, rồi khi mà các bạn đang bò ra luyện thi thì các em ấy có người đã trở thành người mẫu, có bạn làm diễn viên, làm nghệ sĩ múa, có bạn đã lên VTV dạy thể dục thẩm mỹ. Một số em khác thì chuyển về trường làng nhằm giảm bớt gánh nặng thành tích để được tập trung nhiều hơn vào đam mê của mình.
Mặc dù là dân văn, con gái, nhưng khi còn học đại học có em đã làm giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, tự kiếm được tiền đi học đã đành, còn mua sắm được xe đẹp và tự chủ.
Tôi luôn nói với các em, lên được đại học rồi thì hãy đi làm thêm. Không phải tôi khuyến khích việc ấy vì tính tích cực tự thân của nó, mà vì tôi hiểu đại học ở Việt Nam: nặng về lý thuyết mà ít thực hành, hàn lâm mà thiếu thực tế… Tôi thường đứng chủ khảo trong tuyển dụng giáo viên văn hàng năm cho trường, và phát hiện ra rằng nhiều sinh viên sư phạm ra trường không biết dạy học, thậm chí viết một bài luận không xong! Đó là một lỗ hổng quá lớn, có thể làm đắm cả một con tàu !
Tôi khuyến khích học sinh của mình đi làm thêm bởi đại học không dạy cho họ kỹ năng sinh tồn và cả sự trưởng thành về ý chí lẫn mục đích sống. Vì thế, trường đời là cần thiết trong bối cảnh này. Tôi ước rằng điều ấy sẽ không cần phải diễn ra; nhưng trong tình trạng hiện nay, đó chỉ là ước muốn.
Hai hôm trước, một học sinh cũ của tôi vốn học chuyên văn và hiện đang là sinh viên đồng thời là chủ một công ty, nhắn tin trò chuyện. Bạn ấy nhắc, “Thầy từng viết tặng em một câu mà em nhớ mãi “văn chương là cuộc sống,” giờ em đang thực hành nó trong chính cuộc sống của em đây.” Bạn ấy muốn đưa văn chương, tức cái đẹp và tinh thần nhân văn vào trong triết lý kinh doanh của mình.
Tôi tin rằng không có một khuôn mẫu nào dành cho tất cả mọi người trên trái đất này. Tôi cũng tin rằng con người vốn khác nhau, tôi lại càng tin rằng chỉ có “tự biết mình” và theo đuổi đam mê người ta mới hạnh phúc và làm ra giá trị. Ở đây, không chỉ ngành giáo dục mà cả phụ huynh nữa, cần phải thay đổi tư duy, đừng bắt con em mình phải thực hiện những giấc mơ mà mình không làm được trong quá khứ!
Giáo dục phải là con đường thênh thang dẫn đến những chân trời xa rộng, nó không nên là hành lang, lại càng không nên là “một hành lang hẹp và tối” như cách nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Việc định lại giá trị, khuyến khích và khai mở những chân trời, đó chính là sứ mệnh của giáo dục.
Định hướng cho học viên một cái nghề để kiếm sống thì không quá khó, nhưng giúp họ hiểu được bản thân, động viên họ dũng cảm theo đuổi những công việc mà họ đam mê dài lâu lại là việc khó và cần thiết hơn nhiều. Bởi phải làm những việc mà mình đam mê con người ta mới có nhiều niềm vui, hạnh phúc, mới làm ra được nhiều của cải vật chất, tinh thần cho bản thân và cho xã hội.
Vậy theo đuổi những việc mình thích, phải chăng chính là thứ phương châm cao nhất mà hoạt động định hướng nghề nghiệp trong nhà trường cần giúp xác lập nơi mỗi học viên?