Rất khó để đo đếm một cách trực quan, cụ thể, và rõ ràng về chất lượng của một nền giáo dục bởi nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và cả các loại “thước đo”, tức là các phương pháp và tiêu chí đánh giá. Chính vì thế mà những tranh cãi và băn khoăn, thậm chí sự lo ngại ngày càng tăng về chất lượng giáo dục nước nhà không phải không có lý do.
Làm sao để kết luận được về chất lượng giáo dục môn Văn ở THPT đang ở mức độ nào, học sinh Việt Nam “giỏi” hay “dốt” văn, ngoài việc căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp và những con điểm thi khác có tính chất tương tự?
Thử nhìn vào môn tiếng Anh. Phải thừa nhận rằng đa số học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp THPT đều không nói được tiếng Anh, mặc dù đã trải qua ít nhất 6 năm ròng rã học môn này.
Tôi dạy trường chuyên, mỗi khi bước vào một lớp chuyên Anh thường vẫn hay hỏi, “các em giao tiếp được bằng tiếng Anh không?”; đa số cúi mặt, nói “không”. Bạn sẽ cảm thấy rất khó tin khi mà ngay cả nhiều học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh cũng không thể giao tiếp tiếng Anh thành thạo. Đó là một điều phi lý cùng cực, không thể chấp nhận được. Nói cách khác, đó là một sự thất bại trong mục tiêu thực tế của môn học, nó tiêu phí tiền bạc, sức lực, thanh xuân, trí tuệ của con người một cách không thể biện hộ.
Làm sao có thể chấp nhận một lối học mà sau nhiều năm vất vả, bào mòn sức khỏe như thế nhưng lại không thể dùng được cái mình đã học? Vậy rốt cuộc là học để làm gì? Và tại sao lại học theo cái lối ấy?
Đến đây, có lẽ phải trở lại cái gốc của sự học như khuyến cáo của nhà khai sáng vĩ đại Nhật Bản Fukuzawa Yukichi – “kiến trúc sư trưởng” của nền văn minh xứ Mặt trời mọc. Đó là giáo dục "thực dụng". Ông viết:
“Học vấn là gì? Đó không phải là học chỉ cốt để hiểu câu khó, chữ khó; càng không phải là việc học chỉ để giải nghĩa văn cổ, đọc thơ, vịnh thơ. Học như vậy không có ích gì cho cuộc sống cả.” [1]
Và đi tới hướng dẫn:
“Trước hết phải học những môn thực dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: phải thuộc lòng bảng bốn mươi chữ cái Kana; học cách soạn thảo thư từ, ghi chép trương mục kế toán; sử dụng thành thạo bàn tính; nhớ cách cân, đong, đo, đếm; tiếp đến là phải học các môn như Địa lý để biết được phong thổ Nhật Bản và các nước trên địa cầu; Vật lý là môn học giúp ta phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua đó tìm ra tác dụng của nó; học Lịch sử vì đây là môn học giúp ta hiểu biết cặn kẽ mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó chúng ta có thể nghiên cứu quá khứ, hiện tại của quốc gia; học Kinh tế là môn giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của cả quốc gia; học môn Đạo đức giúp ta hiểu về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người” [2]. Nghĩa là học là để làm, để biết làm; mang lại ích lợi thực tế cho cuộc sống chứ không phải là sự hiểu biết tù mù, chung chung, ham cao chuộng trội mà vô ích cho sự sinh tồn và phát triển.
Tác phẩm Khuyến học của Fukuzawa Yukichi |
Cái học dứt khoát phải là cái để dùng và dùng được, không học cái vô ích. Nếu sau khi đã xác định được ý nghĩa "thực dụng" lẫn đối tượng của sự học từ câu trả lời cho hai câu hỏi "học để làm gì" và "học cái gì" mà vẫn không đạt được mục đích (ví dụ không nói được tiếng Anh) thì lại phải tiếp tục xem xét đến phương pháp. Phương pháp sai.
Các môn học trong nhà trường của ta cho đến nay về cơ bản nếu xét từ thực tế đang diễn ra thì mới chỉ để đáp ứng các kỳ thi, nói cách khác là học để thi. Học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp “tú tài” môn Văn thì một phần lớn là “không biết nói” và “không biết viết”, tức không tạo lập được 'ngôn bản' và 'văn bản'. Cái học như thế thì không thể giúp cho quốc gia phát triển được. Các môn học khác về cơ bản cũng chung một số phận như thế.
Dứt khoát phải trở lại/tìm đến với cái học thực dụng. Nước Nhật và các nền văn minh khác trên thế giới đã đi con đường này, chúng ta không thể mãi kiên định một lối cũ mà thời gian đã đủ dài để kiểm chứng một cách không nghi ngờ gì nữa rằng nó đã lầm lạc.
Học cái "thực dụng" (*) dễ hơn học cái cao siêu mơ hồ; và cũng vui hơn, hạnh phúc hơn. Một tinh thần giáo dục như thế phải được bắt đầu và kiên trì, thời gian không đợi ai cả. Bởi cũng nói như Fukuzawa Yukichi "Với lối học như hiện nay, chỉ tăng thêm sự lo lắng trong các bậc phụ huynh, nhà nông... những người hết lòng chăm lo việc học tập của con cái: 'Chúng nó cứ học theo kiểu này, chắc có ngày tán gia bại sản mất.' Điều đó đúng. Vì lối học này không thực tế, không thể áp dụng kết quả học tập vào thực tiễn cuộc sống." [3].
_______________________________
[1,2,3] Fukuzawa Yukichi, Khuyến học, Phạm Hữu Lợi dịch, Nxb Thế giới 2014.
(*) Chúng tôi (NV) xin phép dùng từ "thực dụng" để đánh động những bạn đọc 'mộng mơ', sau khi đã đắn đo khá lâu cái nét nghĩa hơi tiêu cực (pejorative) mà từ này thi thoảng vẫn gợi ra, đó là trọng vật chất, tiền tài hơi thái quá, có phần xem nhẹ những giá trị tinh thần thuần tuý !