Những thủ tục kỳ dị phải kể đến như : muốn sinh con phải cung cấp đủ 20 loại giấy tờ; một em bé sơ sinh theo bố mẹ thay đổi chỗ ở cần có giấy chứng nhận không phạm tội; khi đi học phải theo hộ khẩu; một người đàn ông trưởng thành ghi tên mẹ mình ở mục người có thể liên lạc trong tình huống khẩn cấp được yêu cầu chứng minh “người mẹ đó là mẹ của mình”; mua xe phải bốc thăm biển với tỷ lệ thành công dưới 1%…
Muốn sinh con phải cung cấp đủ 20 loại giấy tờ
Ở Trung Quốc, những ai muốn được lên chức cha mẹ đều phải xin được Giấy phép sinh nở. Chỉ những cặp đôi nào có được giấy phép này thì mới được quyền sinh em bé. Kể từ khi Chính phủ Trung Quốc nới lỏng Chính sách một con, nhiều cặp đôi thậm chí còn gặp khó khăn hơn khi làm thủ tục xin phép được sinh bé thứ 2.
Về cơ bản, để có giấy phép cho em bé thứ 2, các cặp đôi cần nộp những giấy tờ sau: Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ vợ kèm theo chứng minh thư và giấy đăng ký hộ khẩu; giấy tờ chứng minh cặp vợ chồng này chỉ có duy nhất một đứa con và chưa hề có thêm em bé nào cả; giấy đăng ký cư trú của em bé đầu tiên; giấy phép cho phép sinh em bé đầu tiên và giấy khai sinh của em bé đó…
Tất cả cần có khoảng 20 loại giấy tờ để hoàn thành thủ tục xin cấp phép cho sinh em bé thứ hai.Nhiêu khê ở chỗ, những giấy tờ trên phải được chính đơn vị - nơi cặp vợ chồng này đang làm việc xác nhận. Trong trường hợp có sự thay đổi so với lần kết hôn đầu, chẳng hạn cặp đôi có thể thay đổi công việc hoặc đã từng ly hôn, thì các thủ tục trên thực sự rất khó khăn.
Bị “cột chặt”bởi hệ thống hộ khẩu
Một trong những quy định khiến người dân Trung Quốc bức xúc nhất là hệ thống hộ khẩu. Theo đó, cơ hội được hưởng nền giáo dục công, trợ cấp y tế và tiền lương hưu của một công dân được cột chặt với nơi sinh của bố mẹ người đó. Hệ thống này được hình thành vào năm 1950, nhằm hạn chế nhân khẩu nông thôn đổ vào thành phố. Cùng với quá trình cải cách mở cửa, hàng trăm triệu người dân nông thôn làm việc tại thành thị, nhưng hệ thống hộ khẩu được cho là khiến người ngoại tỉnh gặp nhiều trở ngại trong việc hưởng thụ phúc lợi xã hội.
Hệ thống hộ khẩu cũng khiến rất nhiều bậc phụ huynh ngoại tỉnh phải lựa chọn giữa việc chăm sóc con cái và cơ hội việc làm. Theo số liệu của Xinhua, Trung Quốc hiện có hơn 61 triệu trẻ em, chiếm 1/5 số trẻ em nước này, phải sống xa cha mẹ tại các miền nông thôn xa xôi.Li Ying, một người lao động 39 tuổi tại Bắc Kinh, gần đây phải xin giấy tạm trú cho cậu con trai 6 tuổi, để bé được phép vào học trường công lập.
Mặc dù, Li Ying cùng với cha mẹ mình chuyển lên sống tại thủ đô từ năm 1981, hộ khẩu gốc của cô vẫn ở một thị trấn ở quê. Li Ying phải chuẩn bị 14 loại giấy tờ khác nhau, bao gồm: hộ khẩu, giấy chứng nhận nơi cư trú, bằng cấp, hợp đồng lao động, chứng nhận kết hôn, chứng minh thư của chồng, chứng nhận chỉ sinh một con, cũng như sao kê tiền lương và chứng nhận của đơn vị công tác. Tuy nhiên, nếu như hồ sơ của Li Ying không được chấp nhận, cậu con trai 6 tuổi vẫn sẽ không có cơ hội đi học tại trường tiểu học công.
Cần 103 loại giấy tờđể tồn tại ở Trung Quốc
Một quan chức chính phủ Trung Quốc cho hay, thông thường một công dân Trung Hoa cần đến 103 loại giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ thủ tục trong suốt cuộc đời.Trong số vô vàn những loại thủ tục, giấy tờ mà người dân Trung Quốc phải kê khai, có những thứ nghe qua tưởng phi lý. Tại Trung Quốc, dở khóc dở mếu khi làm thủ tục để khai tử cho một người thân trong gia đình. Các bệnh viện, ban hỏa táng và ủy ban khu phố hiện vẫn lưu giữ hồ sơ trên giấy tờ và rất khó để giữ mọi thứ nguyên vẹn theo thời gian.
Nhiều trường hợp thậm chí không thể xác định được danh tính người đã khuất do hồ sơ theo dõi bị thất lạc. Anh Wang cho biết: “Khi ông nội mất, tôi đã không thể xin được giấy phép hỏa thiêu bởi vì ủy ban khu phố - nơi ông sống từ chối xác nhận khai tử cho ông do họ không còn giữ được bất kỳ thông tin nào của ông. Vì vậy, tôi cũng không thể tới đồn cảnh sát để hủy bỏ tên ông khỏi hộ khẩu của gia đình cũng như thừa hưởng tài sản mà ông để lại cho tôi”.
Một câu chuyện gần đây theo chia sẻ của trang Worldcrunch đã khắc họa thêm sự phi lý, nhũng nhiễu trong hệ thống hành chính Trung Quốc. Nhân vật chính là một cô gái trẻ đã vượt qua kỳ kiểm tra trình độ giáo viên, nhưng bị yêu cầu phải cung cấp chứng nhận không phạm tội trước khi được cấp giấy chứng nhận làm giáo viên. Vì cô chưa từng đi làm nên không biết đi đâu để xin được giấy chứng nhận không phạm pháp trên.
Sau đó, cô này đã tới ủy ban khu phố để xin trợ giúp thì được trả lời rằng “họ không thể giúp gì được nếu cô không có giấy chứng nhận từ phía cảnh sát”. Khốn khổ, khi tới cơ quan cảnh sát xin giấy xác nhận trên, phía cảnh sát lại yêu cầu cô “phải có xác nhận từ đơn vị giáo dục đó rằng họ thật sự cần cô cung cấp loại giấy tờ này”.
Từ lâu, hệ thống quan liêu Trung Quốc được người dân ví như một mê cung phức tạp, do các cơ quan hữu quan, con dấu đỏ và đội ngũ công chức hình thành nên. Để hoàn thành các thủ tục hành chính cần thiết, người dân phải gõ cửa hết cơ quan này đến cơ quan khác, thậm chí là đi khắp cả nước. “Đúng là đau đầu”, Li Ying tay đẩy tập giấy tờ trên đùi, bực mình nói. “Những thủ tục này không có lợi cho người dân Trung Quốc”.
Theo: An ninh Thủ đô