Bà Masako Wakamiya có được chiếc máy tính đầu tiên ở tuổi 58 ngay trước khi nghỉ hưu. Bà không biết rằng đây chính là cột mốc đầu tiên trên con đường trở thành một nhà phát triển ứng dụng cho iPhone nổi tiếng thế giới ở tuổi 81.
Hiện bà Masako đã 84 tuổi. Bà tự gọi mình là nhà truyền giáo CNTT và khuyến khích những người cao niên khác sử dụng công nghệ để làm phong phú cuộc sống của họ. Bà viết sách và truyền bá thông điệp của mình trong các bài giảng ở Nhật Bản và nước ngoài. Tạp chí Nikkei đã có cuộc chuyện trò với bà Masako, lắng nghe câu chuyện của bà từ việc sở hữu chiếc PC đầu tiên cho đến buổi gặp gỡ với CEO Apple Tim Cook, để hiểu rằng chúng ta không bao giờ quá già để học một thứ gì mới.
“Hồi đó, rất ít gia đình có máy tính nên khi sở hữu chiếc PC đầu tiên tôi cảm thấy rất hứng thú. Tôi đã tự học cách sử dụng. Hồi đó mẹ tôi già yếu cần người chăm sóc thường xuyên. Vì thế tôi đã ở bên mẹ cả ngày không đi ra ngoài được. Chính chiếc PC là cầu nối giúp tôi đến với thế giới rộng lớn”, bà Masako tâm sự.
“Hai mươi năm trước, tôi trở thành người quảng cáo cho Câu lạc bộ Mellow, một trang web dành cho những người cao niên. Hiện giờ tôi đang là Phó Chủ tịch. Khi tôi gia nhập Câu lạc bộ, tôi đã nhận được một lời chào mừng: “Cuộc sống sẽ ngày càng trở nên thú vị hơn khi bạn bước qua tuổi 60. Những gì bạn đã tích lũy trong tâm trí đến khi đó sẽ nở hoa. Khi bạn qua tuổi 70, bạn sẽ có một cuộc sống đầy đủ hơn”.
Ban đầu, khi tôi viết các thông điệp lên trang web, có nhiều người bảo tôi là “bà không biết cách cư xử”, “bà không nên viết như vậy”, nhưng ở tuổi này thì bị chê bai cũng là điều quý giá. Tôi nói với mọi người rằng không có gì đến quá muộn trong cuộc sống”.
Ngay khi làm quen với PC, bà Masako đã sớm học cách sử dụng điện thoại thông minh mặc dù người cao tuổi có xu hướng né tránh công nghệ mới. Chẳng mấy chốc, bà đã nảy ra một ý tưởng: làm ra một trò chơi dựa trên lễ hội truyền thống Hinamatsuri (lễ hội búp bê) của Nhật Bản.
“Không có ứng dụng (app) nào mà người già thấy thú vị. Tôi quyết định làm một trò chơi trong đó người già có thể đánh bại những người trẻ tuổi. Tôi nghĩ rằng việc sắp xếp búp bê cho lễ hội Hinamatsuri là một ý tưởng hay.
Tôi đã lên kế hoạch và yêu cầu giám đốc của một công ty phát triển ứng dụng ở tỉnh Miyagi sản xuất trò chơi. Tôi quen với cậu ấy khi tham gia tình nguyện cứu trợ nạn nhân động đất tháng 3/2011. Cậu ấy nói: “hay là bác thử làm đi”. Tôi đã bắt tay vào việc viết trò chơi này với sự giúp đỡ của cậu ấy qua Skype.
Trò chơi có tên Hinadan đã hoàn thành ngay trước lễ hội Hinamatsuri vào năm 2017.
Tờ Asahi Shimbun đã đăng một bài viết về trò chơi này. CNN đã xem bài viết và gửi cho tôi một email bằng tiếng Anh với khoảng 20 câu hỏi. Họ muốn tôi trả lời trong vòng hai giờ. Tôi đã gửi thư trả lời bằng ứng dụng dịch thuật của Google. Sau đó, họ đã gửi cho tôi nhiều câu hỏi hơn và nói rằng họ sẽ xuất bản một bài viết vào tối hôm đó nếu tôi trả lời trong 20 phút. Họ đã đăng một bài báo trực tuyến. Có vẻ như câu chuyện của tôi đã được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ.
Một thời gian sau, có một người của công ty Apple Nhật Bản liên hệ với tôi. Khoảng 1 tháng sau, người này đề nghị: “Hãy cùng nhau đến Mỹ”. Lúc đầu tôi đã từ chối, nhưng người này nhấn mạnh rằng có một người thực sự muốn gặp tôi. “Ai vậy?”, tôi hỏi.
“Đó là CEO Tim Cook”
Tôi không muốn bất lịch sự, vì vậy tôi đã đi Mỹ”.
Bà Masako đã được mời tham dự Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu hàng năm của Apple. Du lịch không có gì mới với bà Masako. Bà đã từng đặt chân tới hơn 60 nước và chỉ đi một mình. Nhưng chắc chắn gặp gỡ giám đốc điều hành của một công ty công nghệ lớn nhất thế giới là điều bà chưa từng nghĩ đến. Bà đã gặp ông Tim Cook một ngày trước Hội nghị tổ chức ở San Jose, California.
“Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi sẽ chỉ gặp gỡ và chào hỏi xã giao, nhưng ông Cook nói rằng ông ấy muốn chuyện trò với tôi và xem qua chiếc iPhone của tôi. Tôi cảm thấy khá bối rối khi những người khác nhìn chúng tôi từ xa.
Tôi đã giải thích với ông Cook về trò chơi mà mình phát triển. Vì những người cao tuổi không giỏi trong việc vuốt nên tôi đã giúp họ bằng cách đưa vào các thao tác chạm.
Ông Tim Cook đã hỏi về kích thước phông chữ. Tôi nói rằng vì màn hình iPhone nhỏ nên nếu để phông chữ lớn sẽ phá đi sự cân bằng với bối cảnh trò chơi. Chúng tôi cũng trao đổi về việc đưa ứng dụng lên iPad khi nó có một tỷ lệ hoàn toàn khác. Cuộc chuyện trò của chúng tôi giống như trong một lớp học lập trình.
Vị Giám đốc điều hành Apple nói với tôi rằng ông ấy như được truyền cảm hứng, và khi chúng tôi chia tay, ông ấy đã làm tôi ngạc nhiên với một cái ôm.
Tại hội thảo ngày hôm sau, Tim Cook đã giới thiệu tôi là lập trình viên lớn tuổi nhất thế giới. Sau đó, một cậu bé 10 tuổi đến từ Úc đã lên sân khấu với tôi. Họ muốn làm nổi bật sự đa dạng trong lứa tuổi của các nhà phát triển ứng dụng. Các nhà lập trình có thể khác nhau về giới tính, về chủng tộc, nhưng tôi chắc chắn rằng một lập trình viên hơn 80 tuổi như tôi là một khám phá lớn (của Apple – PV)”.
Tim Cook phát biểu dưới bức ảnh của bà Masako Wakamiya tại Hội nghị các nhà phát triển ứng dụng iOS toàn cầu năm 2017
|
Khi mà con người đang dần kéo dài tuổi thọ của mình, bà Masako nhấn mạnh sự cần thiết của người cao tuổi trong việc tái nạp kiến thức. Tài chính và Công nghệ Thông tin đặc biệt quan trọng, bà nói.
“Vào tháng 6, tôi đã có một bài phát biểu quan trọng tại một hội nghị chuyên đề về người cao tuổi và tài chính ở Tokyo – một sự kiện liên quan đến cuộc họp Bộ trưởng tài chính G20. Thông điệp từ hội thảo là trang bị kiến thức về tài chính cho người cao tuổi có thể giúp giảm tỷ lệ người mắc chứng suy giảm trí nhớ”.
“Giao dịch cổ phiếu qua Internet có thể khó khăn với người già. Vì thế, tôi đã đề xuất thành lập một quỹ đầu tư của người cao tuổi. Mỗi người sẽ đóng góp 500 nghìn yen (4.600 USD) vào quỹ. Số tiền này sẽ được đầu tư cho một người trẻ tuổi muốn khởi nghiệp. Đầu tư có thể thất bại, nhưng nếu thất bại còn tốt hơn là trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo qua điện thoại.
Thu tiền từ 100 người sẽ mang lại tổng cộng 50 triệu yên. Người khởi nghiệp trẻ sẽ mời các nhà đầu tư (người cao tuổi – PV) đến thăm công ty của mình để họ tìm hiểu công việc kinh doanh. Điều này sẽ đưa các doanh nhân trẻ và các nhà đầu tư lớn tuổi đến gần nhau hơn.
Tôi nghĩ rằng người cao tuổi phải hòa nhập với thời đại, xã hội, khoa học và công nghệ thông tin. Người già không nên nói: “Chúng tôi không dùng điện thoại vì nó khó quá”. Chúng ta nên nói với các nhà phát triển ứng dụng những khó khăn khi chúng ta thao tác trên điện thoại – họ sẽ rất muốn nghe”.
Bà Masako có một chiếc loa thông minh trong nhà và bà tận dụng triệt để nó.
“Tôi nghĩ rằng loa thông minh hữu ích cho người già. Một khi hoàn tất các cài đặt ban đầu, người già có thể sử dụng chúng ngay cả khi nằm liệt giường.
Điều người cao tuổi cần là các tính năng hỗ trợ mọi người từ phía Trí thông minh nhân tạo (AI). Chẳng hạn như chức năng thông báo cho người dùng rằng hướng dẫn sơ tán đã được chính quyền ban hành do mưa lớn. Hoặc khi người già cảm thấy đau ở ngực, chức năng quay số 119 (số khẩn cấp ở Nhật Bản) sẽ hữu ích”.
Về giảng dạy công nghệ thông tin cho người cao tuổi, bà Masako nghĩ rằng nó sẽ mở ra một loạt kỹ năng mới. Nhưng bà cũng cảnh báo có thể có một số hiểu lầm về cách người cao tuổi sử dụng và nhận thức công nghệ.
“Hàng triệu người làm việc trong ngành xây dựng ở Nhật Bản, nhưng nhiều công nhân có thể sửa chữa mái nhà bị bão thổi bay đang già đi. Điều quan trọng là họ phải truyền lại bí quyết cho thế hệ trẻ, nhưng họ cũng có thể nâng cao khả năng của mình nếu họ tự học CNTT”.
Họ có thể nâng vật liệu lên mái nhà bằng máy bay không người lái hoặc nhìn thấy kết cấu bên trong tường bằng máy nội soi. Tôi may mắn được hưởng lợi từ công nghệ so với những người già đã qua đời mà không hề biết đến thế giới kỹ thuật số.
Số liệu thống kê cho thấy một nửa số người Nhật Bản ở độ tuổi 70 có điện thoại thông minh, nhưng họ thường để điện thoại trong túi ở nhà hoặc không sạc cho chúng. Những con số thống kê sẽ trở nên vô nghĩa vì người già đâu có dùng điện thoại.
Theo quan điểm của tôi, đối với người cao tuổi, ứng dụng hội thoại Line không phải là một công cụ hữu ích giống như phòng khách nơi các thành viên gia đình và bạn thân cảm thấy thoải mái. Thế giới Internet thân quen phải là Ginza hoặc Harajaku (ở Tokyo) nơi đám đông những người không quen biết nhau tụ họp. Tôi đang viết và sẽ sớm xuất bản một cuốn sách giải thích rõ điều này, cho dù nó sẽ làm một số chuyên gia khó chịu”, bà Masako nói.
Bà Masako cũng dạy “nghệ thuật Excel”, sử dụng phần mềm bảng tính để tạo ra các thiết kế. Bà nói rằng đây là một cách hấp dẫn để chỉ cho người cao tuổi những gì họ có thể làm với máy tính. Trong một chuyến đi đến Estonia, bà thấy nó hấp dẫn cả giới trẻ lẫn người già.
Trẻ em Estonia khoe những tác phẩm "nghệ thuật Excel" mà các em đã thực hiện với sự hướng dẫn của bà Masako Wakamiya, tháng 6/2019
|
“Ở Estonia, để gặp gỡ người dân địa phương, tôi đã tổ chức một lớp học cho phụ nữ lớn tuổi và trẻ em để họ dùng Excel để thiết kế quạt giấy uchiwa. Đến lúc chia tay, các em nhỏ cầm quạt giấy và vẫy chào “Tạm biệt bà” khiến tôi rơi nước mắt.
Năm ngoái, tôi được mời đến dự bữa tiệc vườn mùa thu của Hoàng gia Nhật Bản. Tôi mặc một chiếc váy dài và mang theo một túi xách, cả hai đều có hoa văn Excel. Chiếc túi lấp lánh với đèn LED. Hoàng hậu đã nói với tôi rằng: “Ôi cái túi của bà thật lấp lánh” còn Nhật Hoàng thì nói: “Bà hãy giữ gìn sức khỏe để tiếp tục tích cực như thế nhé”.
Nhiều năm trôi qua, Masako nói rằng bà vẫn giữ nguyên mục tiêu: “Tôi muốn sáng tạo”.
“Sáng tạo là khả năng thiên bẩm của con người – trí tuệ nhân tạo và loài vật không có được khả năng này. Một giáo viên tiểu học đã từng nói rằng: “Những người thành đạt ngày nay thuở bé lại là những học sinh cá biệt. Còn những học sinh giỏi thì lớn lên thường không để lại nhiều dấu ấn”.
Tôi đã bước sang tuổi 84, và tôi thấy mình thông minh hơn bao giờ hết”, bà Masako nói.