Làm gì để các luận văn ở trình độ sau đại học thực sự thiết thực với đất nước?

VietTimes – Thời gian gần đây, qua phản ánh của báo chí và dư luận, có khá nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành có nội dung không thiết thực mà vẫn được các hội đồng nghiệm thu “cho qua”. 
Các luận văn nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn khá thiếu hơi thở cuộc sống

Với sự hiện diện của CNTT và Internet trong mọi lĩnh vực thì lẽ ra chính giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học phải là lực lượng đi đầu trong việc thúc đẩy Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Khác với các thế hệ đi trước, các chuyên gia giáo dục Đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam ngày nay đa số đều sử dụng máy tính và Internet trong sinh hoạt của mình. Đương nhiên, với những người chịu khó học hỏi, sẽ không khó gì để tìm ra đề tài mới thực sự thiết thực trên đại dương thông tin mà Internet có thể cung cấp cho họ qua các công cụ tìm kiếm như Google.

Tuy nhiên, mọi thông tin có thể tìm kiếm trên mạng sẽ vẫn là thiếu với những định hướng nghiên cứu chuyên sâu. Khi đó, các nghiên cứu sinh sẽ phải chủ động tìm kiếm thông tin, tư liệu từ các nguồn khác, tốt nhất là từ những người đã đầu tư, nghiên cứu các lĩnh vực đó. Tin rằng, với trình độ đi trước Việt Nam, không thiếu gì các đồng nghiệp ở nước ngoài có thể giúp đỡ được họ. Và với vốn ngoại ngữ ở khung trình độ bắt buộc của Nhà nước, chắc chắn các nghiên cứu sinh sẽ không mấy khó khăn để làm việc với các bậc thầy cùng đồng nghiệp ở nước ngoài.

Tuy vậy, vẫn có những trường hợp đề tài mà nghiên cứu sinh theo đuổi là hoàn toàn mới và không dễ gì tìm được các bậc thầy và đồng nghiệp. Khi đó, bản lĩnh và quyết tâm của họ sẽ có ý nghĩa quyết định.

Đương nhiên, cũng phải đề cập đến các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước về CMCN 4.0. Năm 2019, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 52/NQ-TW về vấn đề này và có ghi rõ: “Nhà nước ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; có trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Văn kiện này cũng đề cập: “Rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực CNTT. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.”

Quán triệt Nghị quyết nói trên, tháng 4/2020 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về CMCN 4.0. Và trong đó có đề cập: “Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản ở các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu kết hợp phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Tiếp tục thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ dựa trên nền tảng số, Internet và không gian mạng.”

Hai văn kiện nói trên đã mở ra hành lang pháp lý để các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực có thể chủ động cho những nghiên cứu của mình trong thời đại CMCN 4.0.

Cái khó nhất vẫn là định hướng cho các vấn đề cần nghiên cứu

Qua thực tế mà báo chí và dư luận phản ánh thời gian qua thì tình trạng chung của các nghiên cứu sinh là hướng đề tài mà họ lựa chọn không có gì “sắc nét” và về cơ bản là sa đà vào những thứ đã có, nếu không nói thực chất là “sao chép” hoặc không có gì đặc biệt cả.

Cũng khó có thể trách cứ các nghiên cứu sinh vì có lẽ nhiều người trong số họ học lên thạc sĩ, tiến sĩ chỉ là để có học hàm, học vị để thuận lợi cho công việc sau đó. Vì thế, cách làm nhanh nhất và thuận tiện nhất là lựa chọn các đề tài đã có hay là những đề tài ít mang tính tranh cãi.

Nhân đây, cũng cần nói thêm về yếu tố thông tin khoa học. Theo một lãnh đạo của Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong bất cứ thời đại nào, thông tin khoa học cũng là rất cần thiết. Với mỗi người, đặc biệt là những người làm công tác khoa học hay lãnh đạo/quản lý, cần thường xuyên cập nhật thông tin. Họ cần có thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác trước khi ra quyết định để giải quyết một vấn đề nào đó, hoặc trong việc xây dựng các chiến lược, chương trình hay đề án phát triển của tổ chức mình.

Tiếc thay, cũng theo chuyên gia này thì Việt Nam đến nay dường như vẫn chưa có thị trường thông tin khoa học. Và ngay với các viện nghiên cứu chiến lược cùng các viện khoa học chuyên ngành cũng chưa thực sự “đặt hàng” ai để cung cấp thông tin khoa học theo yêu cầu riêng của mình.

Theo những điều tra không chính thức từ các tạp chí khoa học chuyên ngành, một thực trạng đáng buồn là chỉ có không tới 20% giảng viên đại học và chuyên viên các viện nghiên cứu là độc giả thường xuyên của họ. Bởi thế, có không ít người mù tịt về những kiến thức mới mặc dù nó đã được đăng tải chính thức.

Nên chăng, đã đến lúc cần có những quy định bắt buộc về việc phải cập nhật thông tin khoa học từ các tạp chí khoa học chuyên ngành thay vì chỉ có quy định bắt buộc các nghiên cứu sinh phải có bài đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước?