Khoa học xã hội không thể thiếu trong thời đại 4.0

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và đương nhiên là cả ở Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng không ai đợi ai và các chuyên gia khoa học xã hội cũng phải vào cuộc. 
Trong thời đại 4.0, máy móc sẽ thay thế con người trong rất nhiều công đoạn của nền sản xuất. Ảnh: Hà Nội mới
Trong thời đại 4.0, máy móc sẽ thay thế con người trong rất nhiều công đoạn của nền sản xuất. Ảnh: Hà Nội mới

Thời đại 4.0 không thể thiếu khoa học xã hội

Ai cũng thấy, khoa học công nghệ là hướng tới các thành tựu mới, ứng dụng công nghệ mới. Còn khoa học xã hội là nghiên cứu về những thực tại khách quan. Đương nhiên, để các thành tựu khoa học công nghệ có thể đi vào cuộc sống thì những nghiên cứu về xã hội học cho nó là hết sức cần thiết.

Chính vì thế, PGS TS Phạm Bích San – nguyên Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, ở các nước phát triển thì trong chương trình đào tạo của các đại học khoa học công nghệ, người ta dạy cả các kiến thức xã hội từ rất nhiều năm trước. Đây là thực tế phải nhìn nhận lại ở Việt Nam và không thể tồn tại mãi tư duy, nếp nghĩ để phân định rạch ròi giữa khoa học công nghệ và khoa học xã hội.

Về thực tế của khoa học xã hội trong lòng những thành tựu khoa học công nghệ, một chuyên gia của tập đoàn Viettel cho biết, những chủ nhân của mạng xã hội Facebook đã phải đầu tư rất nhiều cho những nghiên cứu này. Và chính nhờ có những nghiên cứu về khoa học xã hội nên Facebook mới trở thành mạng xã hội toàn cầu với số lượng nhiều tỷ người sử dụng ở rất nhiều nước.

Bình luận thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam khẳng định là trong sự phát triển của chính khoa học công nghệ cũng không thể thiếu khoa học xã hội. Chính nhờ có khoa học xã hội, khoa học công nghệ có thể nâng tầm và tạo ra sự phổ biến của chính mình trong xã hội.

Và trên tư cách Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên cũng đã tuyên ngôn là để Internet hiệu quả thì những giá trị do Internet tạo ra phải gắn với cuộc sống, phải trả lời cho những đòi hỏi của cuộc sống. Như thế, các chuyên gia xã hội học chính là những người phân tích những mối quan hệ giữa con người với môi trường số để nhìn ra các nhu cầu giá trị hữu hiệu. Cho nên, sự vào cuộc của các nhà xã hội học trong thế giới số là vô cùng quan trọng.

Các chuyên gia khoa học xã hội Việt Nam đã làm gì trong thời đại 4.0?

Theo TS Trịnh Hoà Bình – nguyên Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam - chúng ta quen gọi xã hội số được tạo ra trên môi trường số là thế giới ảo. Tuy nhiên, cách gọi đó chỉ đúng một phần và trong một chừng mực nào đó thì đây vẫn là một thế giới thực. Những thông tin trên mạng xã hội có thể không thật, nhưng việc bắt chước những hành vi trong đó của các công dân mạng là việc làm thật.

Còn TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội - lại nêu quan điểm là trong CMCN 4.0 ở Việt Nam, sự vào cuộc của xã hội nếu nói là “chưa sẵn sàng” thì có lẽ là hơi quá “hào phóng” mà phải là - như nhiều người nói – vẫn còn đang ở giai đoạn 0.4.

Tại sao lại nói là 0.4 vì đa phần công việc của chúng ta vẫn làm thủ công. Cứ nhìn vào nền hành chính công của chúng ta thì thấy. Dường như có một nỗ lực âm thầm nào đó đang trì kéo sự thay đổi tiến bộ. Ứng dụng công nghệ hiện đại cũng có nghĩa là một số lớn cán bộ, công chức sẽ đối mặt với viễn cảnh mất việc. Giải quyết các chính sách xã hội và cả các hệ lụy xã hội liên quan đến số người này không hề là câu chuyện đơn giản.

Theo bà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có những phát biểu rất mạnh mẽ là sẽ phải triển khai mạng di động 5G để ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật của đất nước. Nghe những phát biểu đó, bản thân bà rất phấn khởi song cũng rất lo phát triển 5G nói riêng hay ứng dụng mạnh mẽ CMCN 4.0 thì sẽ lộ ra những khoảng trống quá lớn trong “hạ tầng” cơ sở về nhận thức, về tư duy quản lý, về cách làm việc và về chất lượng nguồn lao động của chúng ta bấy lâu nay. Hạ tầng đó hiện nay đang rất bề bộn, rất lộn xộn.

Qua những thực tế đó, có thể nói các chuyên gia xã hội học và những cơ quan nghiên cứu xã hội đang có rất nhiều việc phải làm cho yêu cầu của CMCN 4.0. Tuy nhiên, họ đã và sẽ phải làm gì cho những đòi hỏi đặt ra của thời đại mới này? Và một khi như ông Vũ Hoàng Liên đã chính thức tuyên ngôn về sự cần thiết phải vào cuộc của các chuyên gia xã hội học trong thế giới số thì câu trả lời của lãnh đạo Hội Xã hội học Việt Nam cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chính là điều mà công luận đang rất mong đợi.