Làm Bộ trưởng, cần chuyên môn giỏi hay chỉ cần quản lý giỏi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngay sau khi bà Đào Hồng Lan nhận “ghế” Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế vào ngày 15/7, lập tức đã có những ý kiến đa chiều trong dư luận suốt những ngày qua.

Thạc sĩ Kinh tế Đào Hồng Lan là người đứng đầu Bộ Y tế đầu tiên không có chuyên môn về lĩnh vực y tế.
Thạc sĩ Kinh tế Đào Hồng Lan là người đứng đầu Bộ Y tế đầu tiên không có chuyên môn về lĩnh vực y tế.

Một luồng ý kiến cho rằng người đứng đầu Bộ Y tế cần thiết phải xuất thân từ ngành y thì mới hiểu biết về chuyên môn để chỉ đạo đúng. Ngược lại là quan điểm cho rằng, Bộ trưởng là chính khách nên điều quan trọng nhất là khả năng quản lý.

VietTimes xin được trân trọng giới thiệu quan điểm của TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, TS. Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế và GS.TS. Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, về vấn đề này.

TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 14:

Việc đòi hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế phải có chuyên môn y khoa, hay cho rằng không cần chuyên môn, đều là cực đoan

- PV VietTimes: Dư luận đang tranh cãi gay gắt về việc Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế có cần phải xuất thân từ ngành y hay không, và bên nào cũng có lý của mình. Ông có quan điểm thế nào trước vấn đề này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng, việc đòi hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế phải có chuyên môn y khoa, hay cho rằng không cần chuyên môn, đều là cực đoan.

Bộ trưởng là chính khách, chứ không phải là người làm chuyên môn, nên vấn đề trọng yếu nhất là một mặt phải biết phát huy năng lực lãnh đạo của các lãnh đạo cấp dưới, để phân quyền, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; một mặt vẫn giúp cho các nhà chuyên môn khác thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát huy được bản lĩnh chuyên môn của họ. Đấy mới là vai trò của một bộ trưởng.

Vì thế tôi không cực đoan về một mặt nào cả. Chúng ta cần phải chờ xem, vì chưa có thử nghiệm nhiều ở lĩnh vực này.

Có một thực tế là, trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim TiếnBộ trưởng Nguyễn Thanh Long đều là giáo sư, nhưng hiệu quả lãnh đạo quản lý ngành y tế trong giai đoạn ấy cũng không có gì bứt phá, rồi ông Long thì bị xử lý. Rõ ràng không phải những người giỏi chuyên môn thì lãnh đạo giỏi.

Biết đâu, bà Lan làm Bộ trưởng và vì không giỏi chuyên môn, nên sẽ tìm cách lãnh đạo bằng một phương pháp khác và làm tốt thì sao! Cho nên, theo tôi để thời gian trả lời. Tôi cũng không dám chắc bà Lan sẽ làm tốt hơn bà Tiến, ông Long, nhưng tôi khẳng định bà Lan sẽ ý thức được trách nhiệm cũng như khó khăn của mình, ý thức được cơ hội và nhất là, chắc chắn rút được bài học kinh nghiệm từ những người tiền nhiệm để có thể thực hiện được công việc mà cấp trên giao cho. Nếu bà Lan thực sự cầu thị, tham vấn nhiều ý kiến thì bà Lan sẽ có cơ hội lãnh đạo tốt.

- Chưa “đời” Bộ trưởng Bộ Y tế nào nhận được sự quan tâm của dư luận như lần này. Ông nghĩ tại sao?

Ở nước ta có một vấn đề mà dư luận hay để ý là hầu hết các đồng chí ủy viên Trung ương thực hiện nhiệm vụ theo sự quyết định và sắp xếp cán bộ của cấp có thẩm quyền, nên người dân cũng có băn khoăn về việc ủy viên Trung ương thì làm việc gì cũng được. Ví như người không có nghiệp vụ thanh tra vẫn được giao làm lãnh đạo thanh tra, người không có nghiệp vụ y tế vẫn được giao nhiệm vụ lãnh đạo ngành y tế v.v…

Việc này diễn ra rất nhiều và người dân cũng mong muốn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có sự nhìn nhận thấu đáo hơn, để đảm bảo khi sắp xếp vào vị trí thích hợp sẽ phát huy được năng lực, sở trường, sở đoản của cán bộ, đồng thời không làm mất đi cơ hội của người khác, cũng như không biến các vấn đề về quản lý nhà nước, hoạt động của nhà nước, hoạt động chuyên môn, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến con người và vận mệnh đất nước trở thành lĩnh vực đưa ra để làm thí điểm, vì rủi ro về những lĩnh vực đó rất lớn.

Ông cho rằng thực tài của Bộ trưởng mới là quan trọng?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Thực lực, thực tài của những nhà tham mưu quan trọng hơn. Thực tài của bộ trưởng là biết sử dụng những người tham mưu giỏi và đừng bao giờ định kiến về năng lực chuyên môn, đồng thời, phải biết tạo điều kiện cho người tham mưu làm đúng chức trách, đừng làm thay và đừng bao đồng.

Các nhà tham mưu thì phải thực hiện đúng chức năng tham mưu, đừng có ngần ngại, đặc biệt là nếu đón ý bộ trưởng để làm thì vấn đề quản lý nhà nước sẽ thành sai bét, thụ động.

- Nhưng “tư lệnh ngành” thì phải ra mặt trận thực chiến, như các cuộc chống dịch chẳng hạn và khi không có chuyên môn thì Bộ trưởng sẽ xoay xở ra sao khi gặp tình huống phải xử lý, thưa ông?

Chưa chắc đưa Bộ trưởng ra mặt trận đã là hay. Bộ trưởng là chính khách, ra mặt trận chỉ là để động viên thôi, nắm thực tế để lãnh đạo, đưa ra hành động chứ họ không phải nhà chuyên môn, nên để họ quản lý quá nhiều về chuyên môn không hẳn là đúng.

Bộ trưởng mà không biết sử dụng tham mưu, bao đồng làm hết hay bắt những người tham mưu làm theo ý tưởng của mình là sai và những người tham mưu chỉ chờ Bộ trưởng giao việc cũng là sai. Mà mỗi Thứ trưởng phải là người một nửa làm chuyên môn, một nửa làm quản lý, là đỉnh cao của thực hành và lý luận, giúp cho Bộ trưởng trong công tác lãnh đạo để hoạch định chính sách. Còn Bộ trưởng là người quản lý chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, đồng thời, là người tham mưu cho Quốc hội, Thủ tướng và Chính phủ làm chính sách.

Các Thứ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về chuyên môn, tham mưu ra các chính sách chuyên môn. Dưới là các Vụ trưởng. Như vậy, Bộ trưởng có 2 tầng quan trọng để tham mưu cho mình. Các Vụ trưởng là những người rất quan trọng, là tham mưu trưởng của từng lĩnh vực được giao. Bộ trưởng là tổng chỉ huy mặt trận thì phải biết sử dụng các sĩ quan, để họ thông báo tình hình, đề ra được quyết sách để bộ trưởng lựa chọn, quyết định.

- Ông nghĩ thế nào về công tác tổ chức cán bộ của ta?

Dư luận cho rằng, công tác cán bộ của ta còn có những vấn đề bất cập. Tôi và đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cùng nhiều đại biểu khác đã nhiều lần nói như vậy. Chúng tôi khẳng định và có trách nhiệm nói điều này. Bởi vì chúng tôi đi gặp cử tri ở nhiều nơi trong cả nước và kể cả các đồng chí lãnh đạo cao cấp đã nghỉ hưu, người ta gặp chúng tôi đều nói những băn khoăn về công tác cán bộ của chúng ta có vấn đề trong một số nhiệm kỳ chứ không phải bây giờ. Điều đó đã chứng tỏ ở một loạt các quan chức, từ Bộ chính trị trở xuống, đã bị kỷ luật, vướng vòng lao lý, kể cả những sĩ quan công an và quân đội đã được đào tạo và rèn luyện tốt, nhưng hôm trước còn thề thốt, hôm sau đã phạm tội rồi, mặc dù Trung ương có nhiều quy định chấn chỉnh làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật, thoái hóa, biến chất, xa rời lý tưởng, thiếu trách nhiệm đối với Nhân dân và đất nước. Từ đó xa rời nhiệm vụ, không giữ được nhiệt tình cách mạng và lời hứa khi nhậm chức.

- Từ thực tế đang diễn ra và những gì ông đã trải nghiệm, ông có kiến nghị gì?

Theo tôi, cần chấn chỉnh và hoàn thiện hơn về thể chế đối với công tác cán bộ. Đây là điểm mẫu chốt nhất mà ngày xưa Bác Hồ cũng đã quan tâm rất nhiều. Nhưng hiện nay chúng ta làm vấn đề này vẫn còn hình thức. Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt của chúng ta có vẻ rất bài bản, nhưng thực chất người dân đánh giá không cao, còn sơ hở, vẫn bị lợi dụng.

Vấn đề thứ hai là thiếu sự lấy ý kiến của người dân, của các cơ quan đoàn thể một cách thực chất vào công tác cán bộ. Đảng nắm toàn quyền về công tác cán bộ không có nghĩa là không tham vấn những vấn đề xung quanh chúng ta để quyết định.

Xin cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:

Rất cần sự sẻ chia thấu hiểu và hiến kế cùng Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế

Chưa bao giờ kể từ khi lập nước, việc bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế không có bằng cấp y khoa lại gây bão, thậm chí gây siêu bão trong dư luận xã hội như mấy ngày vừa qua.

Việc Bộ trưởng không có bằng cấp chuyên môn trong lĩnh vực mình quản lý là chuyện rất phổ biến, rất bình thường ở các nước phương Tây – các nước vận hành theo chế độ đa nguyên, có nền hành chính công và quản trị xã hội phát triển. Bộ trưởng là chính khách, Thứ trưởng hoặc Tổng thư ký Bộ là các nhà kỹ trị chuyên môn thực thụ, được đào tạo bài bản. Khi Đảng cầm quyền thất bại trong bầu cử, Đảng khác lên thay thì đương nhiên vị Bộ trưởng này sẽ bị mất ghế nhưng hệ thống đó vẫn vận hành trơn tru, ngành đó vẫn phát triển ổn định.

Nhưng câu hỏi đặt ra là mô hình quản trị nhà nước tiên tiến đó liệu có vận hành hiệu quả trong thể chế chính trị nhất nguyên ở nước ta hay không lại là vấn đề rất lớn cần phải suy nghĩ.

Bởi vì khi Bộ trưởng chỉ là chính khách thuần tuý, không có chuyên môn y tế nên phải dựa cả vào sự tham mưu của các Thứ trưởng, của các lãnh đạo cấp Vụ khác trong Bộ nhưng những người này lại chỉ là người giúp việc cho Bộ trưởng – người chịu trách nhiệm đứng đầu cả nước về toàn bộ lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Mà đã là “Tư lệnh ngành y tế” thì phải xung trận khi nước sôi lửa bỏng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Khi ra trận thì chỗ này yêu cầu xử lý vấn đề cấp bách về dịch bệnh mới nổi, chỗ kia đòi hỏi phải xử lý ngay tại chỗ về chùm ca bệnh mới tử vong đang gây chấn động dư luận xã hội liên quan đến y đức, đến chất lượng điều trị v.v. thì Tư lệnh ngành y tế có thể tự mình đưa ra quyết sách ngay tại thực địa được không, kể cả khi các nhà chuyên môn đã đưa ra các giải pháp nhưng lại trái ngược nhau?

Trong tình hình hiện nay, ngành y tế đang phải đối mặt với những thách thức nổi cộm, bức xúc được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm cần phải giải quyết ngay như làm thế nào để vực dậy tinh thần của đội ngũ nhân viên y tế đã xuống tới mức thấp nhất hiện nay; làm thế nào để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị người bệnh; làm thế nào để giải bài toán các bác sĩ, nhân viên y tế có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn đang làm việc trong khu vực y tế công xin nghỉ việc hàng loạt; làm thế nào để động viên các công chức hăng say làm việc trở lại, vận hành các đơn vị trong Bộ Y tế, Sở Y tế hoạt động hiệu quả; làm thế nào để ổn định tổ chức các đơn vị sự nghiệp đang hoạt động rệu rã khi người đứng đầu bị bắt do vi phạm pháp luật… Nếu những vấn đề bức xúc trên chưa giải quyết được trong vài tháng đầu thì có thể chấp nhận được nhưng đến tháng thứ 7 chẳng hạn mà mọi việc vẫn như cũ, thậm chí tệ hơn thì dư luận xã hội có còn chấp nhận, tha thứ cho người đứng đầu ngành y tế hay không?

Nói như vậy để thấy Đảng, Nhà nước, ngành y tế và xã hội đang thật sự kỳ vọng và đánh giá cao sự xuất hiện của tân Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế vì:

Thứ nhất, người ta đánh giá cao việc nhận nhiệm vụ Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế lúc này là thật sự dũng cảm khi giữa đống hoang tàn đổ nát chưa ai biết tìm thấy đâu là đường đi mang tính đột phá để ổn định và phát triển ngành y tế.

Thứ hai, người ta cũng hy vọng với một bộ trưởng đến từ ngoài ngành y tế thì khi nhìn vào, sẽ không tư duy theo lối mòn nên có thể khách quan nhìn ra được những khiếm khuyết, hạn chế của ngành y tế để có định hướng giải quyết đúng và trúng.

Thứ ba, khi về Bộ Y tế phụ trách, với kinh nghiệm quản lý ở nhiều chức vụ khác nhau, lại không có dây mơ, rễ má “nợ nần gì ai” nên sẽ đủ dũng cảm, bản lĩnh để giải quyết công tác cán bộ, giải quyết các góc khuất lâu nay mà ngành y tế biết nhưng chưa giải quyết được.

Thứ tư, nhiều người vẫn tin tưởng vào sự lựa chọn nhân sự của Đảng, Chính phủ và kỳ vọng, tân Quyền Bộ trưởng cũng sẽ đáp lại lòng tin đó.

Nói hết như vậy để thấy, dù thế nào đi chăng nữa, ngành y tế vẫn rất cần được ổn định, được phát triển bền vững, lấy lại niềm tin để phục vụ cho sức khoẻ của nhân dân ngày một tốt hơn. Rất cần sự đồng cam cộng khổ, sẻ chia thấu hiểu và hiến kế để cùng Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế và toàn ngành y tế tìm ra hướng đi vững chắc cho sự phát triển của ngành y tế.

GS.TS. Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam:

Bộ trưởng chỉ cần giỏi quản lý, không nhất thiết phải làm chuyên môn

Việc tân Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế không có chuyên môn về ngành y đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên với kinh nghiệm của tôi trong gần 20 năm làm công tác quản lý ở ngành y tế, trong khi xuất phát điểm của tôi không hề có bằng y tế, cũng không học trường y và đã có những thành công nhất định, tôi thấy rằng Đảng ta đã thay đổi nhận thức và quan điểm khi đưa người đứng đầu Bộ Y tế không phải là bác sĩ.

Theo tôi, người đứng đầu ngành y tế, cũng như thứ trưởng Bộ Y tế, giám đốc bệnh viện không nhất thiết phải là bác sĩ. Bài học nhãn tiền vừa rồi của Bộ trưởng Bộ Y tế, nhiều thứ trưởng, cũng như giám đốc các bệnh viện cho thấy rằng, nếu như chúng ta tôn trọng những người đã được đào tạo bài bản, có năng lực, trình độ rất cao về lĩnh vực y khoa, để họ cứ làm chuyên môn thì chắc họ không sa lưới pháp luật.

Vì công tác tổ chức cán bộ của chúng ta yếu nên cho rằng những người làm quản lý này nhất thiết phải có bằng bác sĩ mới làm được. Tôi cho rằng điều đó là 50% đúng và 50% sai. Đúng nếu do con người làm chuyên môn mà có kinh nghiệm và chịu khó lăn lộn, chịu khó học hỏi về quản trị cơ quan, quản trị doanh nghiệp thì họ vẫn có thể làm tốt công tác lãnh đạo. Còn nếu họ đơn phương chỉ làm chuyên môn mà đưa người ta làm quản lý là dễ bị vi phạm pháp luật và khi đó chúng ta sẽ mất đi một bác sĩ giỏi mà chỉ được lại là một nhà quản lý tồi.

Vì ngành Y nhiệm vụ chính là khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân nhưng nền tảng lại là công tác quản lý hiệu quả cho việc khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, nên người đứng đầu không nhất thiết phải là bác sĩ.

Vì thế, tôi cho rằng Bộ trưởng chỉ cần giỏi quản lý, chứ không nhất thiết phải có chuyên môn. Với bà Đào Hồng Lan, phụ trách ngành y là một lĩnh vực mới, cần chịu khó lắng nghe, nghiên cứu, có tâm, biết quy tụ nhân tài những người có chuyên môn sâu, có tâm và có tài giúp việc cho ngành.

Ví như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng lãnh đạo toàn diện, cứ đòi hỏi họ có nhiều bằng cấp thì lấy ở đâu ra? Quan trọng là trình độ quản lý lãnh đạo của người ta có hiệu quả.

Đảng và Chính phủ đã đặt niềm tin, gửi gắm vào bà Đào Hồng Lan thì tôi tin là bà Lan sẽ thành công. Còn hiện nay, ai chưa hiểu rõ thì tiếp tục tìm hiểu và chờ đợi quá trình điều hành của bà Lan. Trước mắt xin hãy ủng hộ và chung tay với ngành y tế để làm tốt công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, quản lý được khối tài sản lớn về vật chất và trí tuệ - y đức mà nhà nước giao cho bà Lan, để Bộ Y tế xứng đáng là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về cơ chế chính sách thuận lợi cho y tế, kinh tế phát triển.

Làm Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, có kinh nghiệm sâu dày trong đầu tư và quản lý các bệnh viện nhưng đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Đệ vốn là dân "ngoại đạo" với ngành y.

Theo đó, ông Đệ có hơn 20 năm công tác trong ngành công an. Đến năm 1992, ông nghỉ hưu và làm doanh nghiệp. Từ đó, ông đã kinh qua nhiều ngành nghề, trong đó, chú trọng việc tìm hiểu về chính sách pháp luật giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Đặc biệt, gần 20 năm qua, ông Nguyễn Văn Đệ đã được cộng đồng y tế tư nhân bầu là Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam và hiện, đây là một Hội có tiếng nói quan trọng trong việc đóng góp vào xây dựng cơ chế chính sách về y tế.

Ông Đệ là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị của hai bệnh viện lớn với 1.200 giường là Bệnh viện Hợp Lực ở TP Thanh Hóa và ở Nghi Sơn, với doanh thu khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm. 10 năm trước, Bệnh viện Hợp Lực chỉ có 500 giường nay đã có 1.200 giường với 1.500 cán bộ y tế, bình quân thu nhập 10 triệu/tháng/người.

Theo Tạp chí Thi đua Khen thưởng của Ban Thi đua khen thưởng TW, ông Nguyễn Văn Đệ đã được Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (WRU) phong giáo sư vào tháng 11/2021. Cũng theo Tạp chí này, kỷ lục gia có thể không được học hành, đào tạo từ trường lớp mà được học từ những bài học trong cuộc sống, từ sự trải nghiệm của cá nhân có khi mất gần cả cuộc đời mới thực hiện được một tác phẩm, một sự kiện, một công trình mang giá trị nội dung kỷ lục.