Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết khi nhận nhiệm vụ bà rất bất ngờ. Đến khi nhận được văn bản chính thức, bà cũng chỉ mới được thông báo trước đó 2 ngày. Bà vừa mừng vừa lo khi được tin tưởng giao một lĩnh vực quan trọng trong trụ cột chính sách an sinh xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, bà cho biết sẽ luôn nỗ lực duy trì sự đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, tâm huyết của các thế hệ y bác sĩ, huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia của ngành để tổ chức thực hiện các giải pháp, trước mắt là khắc phục những khó khăn mà hiện nay đã xác định và sau đó là sự phát triển lâu dài của ngành để làm tốt hơn công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo cho sự phát triển của đội ngũ cán bộ y tế.
Với vai trò quan trọng và sứ mệnh của ngành y, đặc biệt là sự mong đợi, tin tưởng, chờ đợi của nhân dân, sự tâm huyết của bao thế hệ y bác sĩ, thậm chí, đã có những người hy sinh xương máu, bà tin tưởng rằng sau cơn mưa trời lại sáng, ngành y tế sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trong quá trình phát triển của đất nước.
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho rằng, trong bối cảnh ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến công tác phòng chống dịch, công tác cán bộ, công tác khám, chữa bệnh, là lúc ngành y tế cần có sự động viên, chia sẻ lớn nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ, ban, ngành và nhân dân, để vượt qua khó khăn, thách thức.
- PV: Trong bối cảnh ngành y tế đang trong cuộc khủng hoảng về nhiều mặt hiện nay, việc bà nhận nhiệm vụ đứng đầu ngành y tế được coi là sự dũng cảm. Bà có thể chia sẻ cảm xúc của mình lúc này?
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Thực sự, rất nhiều người nói với tôi như vậy, khi tôi không phải là người làm ngành y mà nhận nhiệm vụ về làm Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tuy nhiên, tôi là một đảng viên, nên phải nghiêm túc chấp hành sự phân công của Đảng và Nhà nước và sẽ cố gắng nỗ lực để tiếp cận công việc và cùng với tập thể Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Y tế triển khai công việc của ngành trong thời gian tới.
Khi Bộ trưởng không đúng chuyên môn
- 14 đời Bộ trưởng Bộ Y tế đều là người có chuyên môn từ ngành y, thậm chí, không có Bộ trưởng nào chuyên ngành dược, duy nhất bà không có chuyên môn y tế. Điều này có khiến bà thấy tâm tư?
Tôi chỉ tâm tư là trước đây sao không học ngành y để bây giờ tự tin bước vào nhận nhiệm vụ mới và để vào cuộc một cách nhanh nhất. Vừa có chuyên môn, vừa có trình độ quản lý là điều tốt nhất.
Không phải những người làm chuyên môn lại làm không tốt công tác quản lý. Nhưng trong bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể thì mọi sự quyết định, đặc biệt là công tác nhân sự của một ngành rất quan trọng, đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn thảo trên nhiều phương diện.
Theo tôi, dù là người chuyên môn hay người quản lý thì đều phải đoàn kết, tập hợp trí tuệ vì mục tiêu chung để triển khai nhiệm vụ của ngành.
- Sau dịch COVID-19, sau những vụ việc vừa trải qua, ngành y tế đang thật sự bộn bề. Bà sẽ xác định công việc đầu tiên ngay sau khi đảm nhận cương vị mới là gì, thưa bà?
Nhiệm vụ mà Thủ tướng giao hôm nay rất nhiều, cá nhân tôi nghĩ cần phải làm đồng thời 7-8 nhiệm vụ được giao, bởi sức khỏe của nhân dân là vốn quý và không thể chậm trễ dù chỉ một giây.
Vấn đề quan trọng nhất là phân công để từng đơn vị trong Bộ Y tế với trách nhiệm và vai trò của mình sẽ làm tốt nhiệm vụ trong từng lĩnh vực phòng chống dịch, tiêm chủng, khám chữa bệnh… Sự phát triển của từng lĩnh vực sẽ là tiền đề cho sự phát triển của cả ngành y tế.
- Hiện đang là thời điểm rất khó khăn của ngành y tế, khi vừa trải qua đại dịch COVID-19 với những hậu quả nặng nề, rồi thiếu thuốc, trang thiết bị và nhân lực. Bà sẽ ưu tiên giải quyết công việc gì, thưa bà?
Trước mắt, chúng tôi phải làm tốt vai trò của mình, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để cùng tháo gỡ những vướng mắc. Những vấn đề khó quá thì phải báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng.
Chúng tôi sẽ lựa chọn những vấn đề then chốt để tập trung tháo gỡ và rà soát lại các định hướng phát triển lâu dài của ngành, trong đó có các vấn đề về luật pháp, cơ chế chính sách, đội ngũ cán bộ để ngành y và hệ thống y tế có bước phục hồi trong thời gian tới, nhằm có một hệ thống y tế vững chắc, phát triển toàn diện để chăm sóc tốt hơn cho sức khoẻ của nhân dân.
Các nhân viên y tế luôn nỗ lực trong mọi hoàn cảnh để chăm sóc, điều trị bệnh nhân |
- Thời gian qua, nhiều nhân viên y tế đã rời khỏi bệnh viện công và ít nhiều đã tác động đến tâm tư chung của toàn ngành và cả chất lượng khám, điều trị. Bà có kế hoạch gì để bảo đảm tốt nhất công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân?
Tôi nghĩ rằng vấn đề chuyển dịch giữa khu vực công và khu vực tư không riêng ngành y phải đối mặt. Nhưng với áp lực của những năm chống dịch vừa qua thì sức ép, vất vả, khó khăn của công việc cũng khiến nhân viên y tế nghỉ việc, hoặc ra y tế tư nhân.
Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi sẽ rà soát lại và phân tích tình hình, thực trạng của sự chuyển dịch này ra sao; mặt tích cực và mặt hạn chế? Trên cơ sở đó đánh giá lại những điểm yếu của cơ chế, chính sách, từ đó có kế hoạch cùng các bộ, ban ngành báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ trong thời gian tới.
- Xin trân trọng cảm ơn Quyền Bộ trưởng!