Nguy cơ HIV rình rập trẻ thơ
Trò chuyện với VietTimes, anh Danh Tùng - Trưởng một nhóm CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng) ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - cho biết số nhiễm HIV là MSM chiếm khá cao với đủ thành phần: Nhân viên phục vụ quán ăn, kinh doanh, cán bộ, bác sĩ, đặc biệt, có cả những em nhỏ mới 14-15 tuổi.
Nguyên nhân nhiễm HIV của các em nhỏ hầu hết là do bị những người đàn ông lớn tuổi dụ dỗ, cho tiền, hay đổi điện thoại, hoặc mua quần áo mới cho, vậy là các em “bước vào đời”. Còn quá nhỏ nên các em không biết cách bảo vệ mình, vì thế, đã bị lây nhiễm HIV từ bạn tình. Nguy cơ HIV ở vùng đất ven biển này luôn rình rập những người trẻ, kể cả các bé trai.
“Chợ tình” Kiên Giang và App Hẹn hò là nơi những người MSM kết nối, tìm nhau. Qua ứng dụng Hẹn hò, cậu bé NMK (thành phố Rạch Giá) mới 14 tuổi, đã quen một người đàn ông lớn tuổi. Người này cho em tiền và rủ làm “chuyện người lớn”, thế là K đã làm theo. Khi biết bạn tình bị nhiễm HIV, em tìm mua test trên mạng để thử. Kết quả là phát hiện mình bị nhiễm.
Hoang mang, lo sợ, K tìm đến nhóm CBO ở Rạch Giá để được hỗ trợ. Nhưng NMK chưa đủ 15 tuổi, nên không thể được tự xét nghiệm khẳng định, mà phải có sự đồng ý của phụ huynh và khi có kết quả sẽ thông báo về gia đình.
Không tin con trai mình mới hơn 10 tuổi đã có quan hệ tình dục để có thể nhiễm HIV, càng không bao giờ nghĩ đến việc con có quan hệ đồng giới, nên mẹ K. không đồng ý cho con xét nghiệm. Nhóm CBO gửi test nhanh cho K và một lần nữa kết quả khẳng định em nhiễm HIV.
“Đáng tiếc là sau đó, nhóm mất liên lạc của K. nên không biết em ra sao nữa. Nếu không được điều trị ARV, rất có thể K sẽ tiếp tục làm lây nhiễm cho nhiều người khác” - Danh Tùng bày tỏ.
Danh Hữu Nhân - Trưởng một nhóm CBO khác cũng ở Rạch Giá - cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nhóm của anh đã phát hiện được 20 ca HIV, trong đó, 2 người dưới 18 tuổi, còn lại từ 18- 25 tuổi.
Tất cả đều lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn. Có người tình cờ phát hiện nhiễm HIV do thấy bạn tình sử dụng những viên thuốc màu trắng nên nghi ngờ và tự đi xét nghiệm.
Hoảng sợ, bế tắc là cảm giác chung của những người khi biết mình nhiễm HIV. Không một ai dám nói với gia đình. Có bạn lo lắng đến gầy sút chỉ còn hơn 30kg. Rồi tìm kiếm thông tin trên mạng và may mắn, biết đến các nhóm CBO để được hỗ trợ.
Rõ ràng CBO đang là vòng tay rất quan trọng để hỗ trợ những người bắt đầu biết mình nhiễm HIV.
Mỗi năm thêm 400 người nhiễm HIV
Với thế mạnh là tỉnh ven biển thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, phát triển về du lịch và một số ngành công nghiệp, Kiên Giang có đông người các nơi đổ về làm ăn, sinh sống, cũng kéo theo dịch HIV gia tăng.
Theo bác sĩ Võ Thị Lợt - Phó Giám đốc CDC tỉnh Kiên Giang - địa phương đứng thứ 4 các tỉnh ĐBSCL và thứ 16 cả nước về số người nhiễm HIV. Hàng năm, vẫn phát hiện thêm khoảng 400 ca mới (riêng năm 2022 phát hiện 469 ca). Tỉnh đang quản lý 4.068 người nhiễm HIV, trong đó, 3.161 người nhiễm đang điều trị thuốc kháng vi rút HIV, có 74 là trẻ em dưới 15 tuổi.
Thống kê cho thấy số người bị nhiễm HIV do lây qua đường tình dục là 81,7% (năm 2022 là 97,9%). Trong đó, độ tuổi 25-49 chiếm tới 72,3%; giới nam 66,3%. Từ 2017 đến nay, số nhiễm HIV là nam giới tăng lên 85,7%.
“Trong những năm gần đây, nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm MSM, với tỷ lệ nhiễm HIV từ 11,3% lên 14,7%. 99,3% (143/144) xã/phường ở Kiên Giang đã có ca nhiễm HIV. Tỉ lệ mắc cao tập trung chủ yếu ở một số huyện điểm nóng như Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Hải , nhất là Phú Quốc - nơi được đánh giá là khá phức tạp về nguy cơ HIV do hầu hết người nhiễm MSM từ nơi khác đến” - BS. Lợt chia sẻ.
Giải pháp chặn dịch HIV?
Nhằm ngăn chặn dịch HIV bùng phát, Kiên Giang đã có nhiều giải pháp tích cực. Với thực tế là hầu hết người nhiễm HIV đều nghèo, nên việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho họ có vai trò rất quan trọng trong điều trị ARV. Con số 98% bệnh nhân HIV có thẻ BHYT cho phép Kiên Giang duy trì việc điều trị ARV hiệu quả.
CDC Kiên Giang rất coi trọng điều trị thuốc ARV trong ngày (điều trị ARV ngay khi người bệnh có kết quả khẳng định mắc HIV) nên đã triển khai tại tất cả cơ sở điều trị ARV.
Bác sĩ Giang Văn Tiên - Khoa Phòng, chống HIV/AIDS của CDC tỉnh Kiên Giang - cho biết: Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam (dự án EPIC) đã giúp Kiên Giang triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh, tăng cường tìm ca bệnh HIV.
Kết quả giám sát cho thấy, nhóm MSM chiếm hơn 50% trong số ca nhiễm HIV mới, đặc biệt là số nhiễm ngày càng trẻ hóa, tăng ở nhóm 16-25 tuổi. Riêng tại các địa phương triển khai dự án EPIC là Rạch Giá, Châu Thành và Phú Quốc, số ca nhiễm HIV là MSM chiếm 59% các ca nhiễm mới.
Theo bác sĩ Võ Thị Lợt, việc tiếp cận những người thuộc nhóm MSM rất khó. Nhất là Phú Quốc - nơi được đánh giá là khá phức tạp về nguy cơ HIV do hầu hết người nhiễm trong nhóm MSM là từ nơi khác đến. Vì thế, CDC Kiên Giang đã sử dụng các đồng đẳng viên làm “cánh tay nối dài” để tiếp cận họ, chia sẻ kiến thức bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm HIV. Hiện tỉnh đã có lực lượng truyền thông viên đồng đẳng/tiếp cận cộng đồng các nhóm gồm 69 người, trong đó, có 7 người nhiễm HIV tham gia.
Hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được triển khai tại 10 phòng khám là cơ sở điều trị Methadone và các cơ sở điều trị thuốc ARV. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh điều trị PrEP cho 170 bệnh nhân mới trong tổng số 338 người đang điều trị. Việc điều trị ARV được triển khai tại 9 huyện, thành phố và 2 bệnh viện tuyến tỉnh.
Bác sĩ Giang Văn Tiên cho biết thêm: Hiệu quả điều trị ARV rất tốt. Nhiều người nhiễm HIV dùng ARV đúng phác đồ nên tải lượng vi rút giảm thấp, đã lấy vợ sinh 3-4 con mà vợ, con không lây nhiễm. Có bệnh nhân sợ lây sang con nên muốn sang Singapore để lọc tinh trùng, nhưng bác sĩ CDC Kiên Giang giải thích, nên bệnh nhân không cần lọc tinh trùng mà vẫn sinh con không lây nhiễm.
Còn nhiều thách thức
Công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Kiên Giang vẫn đầy thách thức. Theo bác sĩ Võ Thị Lợt, số lũy tích HIV tiếp tục tăng cao, mỗi năm có >400 trường hợp nhiễm mới với trên 3.500 bệnh nhân HIV cần được chăm sóc, điều trị liên tục, suốt đời. Các hành vi nguy cơ còn ở mức cao và diễn biến phức tạp. Tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm >90%, đặc biệt là nhóm MSM tăng cao.
Trong khi đó, việc tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV gặp khó khăn do nguồn lực hạn chế. Đặc biệt, việc xét nghiệm tải lượng vi rút HIV tại các cơ sở y tế không có nên CDC Kiên Giang phải liên hệ với Bệnh viện Nhiệt đới để xét nghiệm tải lượng vi rút HIV, CD4 cho người nhiễm đang điều trị ARV.
Một khó khăn nữa là năm 2023 đã đang ở nửa cuối, nhưng vẫn chưa có văn bản quy định định mức chi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, khiến nhiều hoạt động bị gián đoạn, hoặc duy trì ở mức tối thiểu.
Đặc biệt, nhiều nhóm CBO nêu vướng mắc trong việc trẻ 15 tuổi mới được tự xét nghiệm HIV, trong khi nhiều trẻ 14 tuổi đã mắc HIV và không được gia đình cho đi xét nghiệm, nên không được điều trị ARV, Ths. Cao Kim Thoa - Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) cho rằng, cần kiến nghị giảm độ tuổi của trẻ tự đi xét nghiệm HIV xuống 12-13 tuổi trong bối cảnh hiện nay, nhiều trẻ dậy thì sớm, nhu cầu quan hệ tình dục sớm.