Tỷ lệ nhiễm HIV giảm đáng kể
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam là vào năm 1990. Trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS được đặc biệt quan tâm, hệ thống văn bản pháp quy và các hướng dẫn chuyên môn được ban hành đầy đủ, kịp thời. Cụ thể, các hình thức xét nghiệm HIV được mở rộng và đa dạng hóa; mở rộng, đổi mới các hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, gồm cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV; mở rộng và nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình dịch,…
Cùng với đó, mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS các tuyến được kiện toàn theo hướng lồng ghép, phân cấp, tăng cường hiệu quả hoạt động. Cơ chế tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS đổi mới theo hướng bền vững, gồm BHYT tham gia chi trả điều trị HIV/AIDS, tăng chi ngân sách địa phương cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS…
Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã đạt mục tiêu “3 giảm” trong nhiều năm liên tục gồm: giảm số người nhiễm HIV mới phát hiện, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Trong giai đoạn 2005-2010, mỗi năm cả nước phát hiện trung bình khoảng 30.000 trường hợp nhiễm HIV và ghi nhận khoảng 10.000 trường hợp tử vong thì hiện nay mỗi năm chỉ còn phát hiện được khoảng 10.000 người nhiễm HIV và khoảng 2.000 người tử vong do HIV/AIDS. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ước khoảng 0,23% năm 2020, vượt mục tiêu dưới 0.3% của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS.
Về Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét, trong 20 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ hơn 170 triệu USD cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Mục tiêu dưới 1.000 người nhiễm HIV/năm vẫn còn xa
Mặc dù có những thành công to lớn nhưng Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.
Thực tế, dịch HIV/AIDS đã giảm nhiều nhưng chưa ổn định, mỗi năm vẫn có 10.000 người dương tính với HIV được phát hiện mới, còn xa so với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là dưới 1.000 người nhiễm HIV/năm. Số lũy tích người nhiễm HIV ngày càng tăng với trên 200.000 người nhiễm HIV cần được điều trị, chăm sóc thường xuyên, liên tục, suốt đời.
Không chỉ vậy, hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV đang ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM (đồng tính nam) gia tăng nhanh (từ 5-7% lên 12-15%). Dịch HIV/AIDS có nguy cơ bùng phát trở lại nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Bác sĩ tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV. (Ảnh: Cục phòng, chống HIV/AIDS)
|
Bên cạnh đó, tổ chức mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS đang có nhiều biến động, đặc biệt khi các địa phương triển khai sáp nhập Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS vào Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tuyến tỉnh. Nhân lực cho phòng, chống HIV/AIDS ngày càng suy giảm, cả về số lượng và chất lượng. Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều vướng mắc do thay đổi lãnh đạo Trung tâm. Kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS bị ảnh hưởng.
Một khó khăn nữa cần phải kể đến đó là k bịinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước (ngân sách nhà nước, BHYT) chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Việc chuyển điều trị sang BHYT vẫn còn nhiều khó khăn; ngân sách các địa phương phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS còn thấp.
Để đạt được mục tiêu “Cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS” vào năm 2030 và mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 (95% người nhiễm HIV trong cộng đồng được phát hiện; 95% người nhiễm HIV đã được phát hiện được điều trị ARV; 95% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế), Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn; mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV như: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone, Buprenorphine, PrEP; đổi mới công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV; mở rộng độ bao phủ và đảm bảo chất lượng dịch vụ điều trị HIV/AIDS; theo dõi, đánh giá và giám sát dịch HIV/AIDS...
Từ đó, củng cố tổ chức, đảm bảo nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại các tuyến từ trung ương đến địa phương. Khi sáp nhập các Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS vào CDC tuyến tỉnh, cần đảm bảo đội ngũ cán bộ chuyên môn tiếp tục làm về phòng, chống HIV/AIDS.
Để giải bài toán thiếu hụt kinh phí, các địa phương phải đảm bảo tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho phòng, chống HIV/AIDS, đặt biệt là các hoạt động can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV; mở rộng điều trị HIV/AIDS do BHYT chi trả; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế.
Thời gian tới, khi viện trợ cắt giảm, nguồn ngân sách nhà nước hạn chế thì kinh phí chi cho địa phương để phòng, chống HIV/AIDS vô cùng quan trọng. Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND 63 tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương xây dựng kế hoạch tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 và đề án đảm bảo tài chính để chấm dứt dịch bệnh AIDS sử dụng nguồn kinh phí của địa phương, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS không bị gián đoạn.