Muốn kiểm soát dịch HIV/AIDS phải can thiệp vào nhóm đồng tính nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm đồng tính nam đang ngày một gia tăng. Vì thế, muốn kiểm soát dịch HIV/AIDS, phải có biện pháp can thiệp vào nhóm người này một cách có hiệu quả.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Ảnh: Minh Thuý)
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Ảnh: Minh Thuý)

Thông tin trên được PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế – đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức vào sáng nay (17/11).

Nhiều người đồng tính nam nhiễm HIV

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết: Tỷ lệ nhiễm HIV đang gia tăng ở nhóm người đồng tính nam (MSM) trong khi các nhóm nguy cơ khác như nghiện chích ma tuý, bán dâm,… giảm. Nếu như cách đây 5-7 năm, Việt Nam chỉ phát hiện 4% người đồng tính nam dương tính với HIV thì đến nay con số này đã tăng tới 12%, có nơi lên tới 15%. Không chỉ vậy, số ca dương tính với HIV mới trong 1 năm cũng tăng nhanh. Đây là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đối với nhóm người đồng tính nam.

Để kiểm soát được dịch HIV/AIDS thì nhóm người đồng tính nam phải được can thiệp bằng việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Prep) - có thể giảm từ 95-98% nguy cơ lây nhiễm HIV từ người khác. Thực tế, trong những trường hợp nhiễm HIV mới, số người đồng tính nhiễm HIV chiếm từ 40-50%.

Theo ông Long, Để kiểm soát được dịch HIV/AIDS thì nhóm người đồng tính nam phải được can thiệp bằng việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Prep) (Ảnh: Minh Thuý)

Theo ông Long, Để kiểm soát được dịch HIV/AIDS thì nhóm người đồng tính nam phải được can thiệp bằng việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Prep) (Ảnh: Minh Thuý)

Nhằm chấm dứt dịch AIDS, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến dịch Quốc gia chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Để đạt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS thì HIV/AIDS sẽ không còn là mối quan ngại của cá nhân, cộng đồng và toàn thể xã hội. Lúc đó, HIV/AIDS trở thành một bệnh bình thường và số người nhiễm HIV giảm xuống dưới 1.000 người/năm.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mỗi năm nước ta vẫn phát hiện khoảng 10.000 người nhiễm HIV. Vì thế, mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 vẫn còn khá xa.

Mới đây, Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua với số phiếu kỷ lục 100% đại biểu đồng ý. Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp/100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Tình hình dịch HIV/AIDS chưa ổn định

Theo TS. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS- tình hình dịch HIV/AIDS vẫn chưa ổn định vì mỗi năm vẫn có 10.000 người nhiễm HIV, số người đồng tính nam, nghiện chích, nghiện ma tuý tổng hợp nhiễm HIV vẫn liên tục gia tăng. Mặc dù số người nhiễm HIV mới không ngừng gia tăng nhưng nguồn kinh phí, viện trợ lại bị cắt giảm, kéo theo đó là nhân lực chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS giảm nghiêm trọng, chế độ đãi ngộ cho cán bộ gặp khó khăn; nhân viên cộng đồng bị cắt giảm do thiếu kinh phí.

Bên cạnh đó, người nhiễm HIV vẫn điều trị thuốc ARV (kháng virus HIV) muộn. Việc xét nghiệm tải lượng virus HIV chưa phù hợp với số bệnh nhân tăng lên, độ bao phủ xét nghiệm giảm. Không chỉ vậy, việc tiếp cận với người nhiễm HIV thuộc quần thể ẩn như người đồng tính nam, người chuyển giới để giúp họ điều trị thuốc ARV còn nhiều thách thức; nguồn nhân lực là nhân viên y tế tiếp cận với thuốc ARV mới trong quá trình chuyển giao sử dụng dịch vụ từ BHYT vẫn gặp khó khăn; nhiều thuốc ARV chưa có số đăng ký lưu hành.

TS. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Ảnh: Minh Thuý)

TS. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Ảnh: Minh Thuý)

Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục mở rộng người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV sớm, điều trị ARV trong ngày; mở rộng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS (thuốc ARV, xét nghiệm tải lượng HIV từ nguồn BHYT); tối ưu hoá phác đồ điều trị thuốc ARV theo khuyến cáo của WHO. Đặc biệt là thực hiện các can thiệp đặc thù nhằm tăng số người nhiễm HIV là người đồng tính nam, người chuyển giới được tiếp cận điều trị với thuốc ARV sớm.

Hiện, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang từng bước kiện toàn hệ thống điều trị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV. Từ năm 2011 đến nay, số cơ sở điều trị thuốc ARV đã tăng lên nhanh chóng từ 298 cơ sở lên 446 cơ sở. Thống kê cho thấy, cả nước đã có 270 cơ sở điều trị thuốc ARV qua BHYT; có 3 cơ sở y tế tư nhân điều trị thuốc ARV, trong đó có 1 cơ sở cung cấp nguồn thuốc ARV từ BHYT.