Khi người ta trẻ

TS Hà Thanh Vân
TS Hà Thanh Vân

Viện Hàn Lâm KHXH VN

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khi chúng ta cô đơn, chúng ta buồn nản, chúng ta tuyệt vọng, chúng ta hãy tìm đến với những người có thể chia sẻ với chúng ta, động viên, an ủi chúng ta, trước hết đó là cha mẹ. 

Tuổi teen và “Khi người ta trẻ”

“Khi người ta trẻ” là tên một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Phan Thị Vàng Anh sáng tác cách đây chắc đã 30 năm. Trong truyện ấy, Phan Thị Vàng Anh kể về một cô sinh viên có tính tình rất mâu thuẫn với cuộc sống đầy những điều bỏ dở nửa chừng. Cô ấy yêu một chàng trai, lâm vào một mối tình tay ba và đã tự tử vì tình.
Tôi nhớ nhất những câu đầu và những câu cuối của truyện ngắn ấy. Những câu đầu kể về hình ảnh người mẹ già cứ gần đến ngày giỗ con là như biến thành một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn. Còn những câu cuối kể rằng ngày cô gái tự tử, anh chàng người yêu mải đi tắm biển ở Quy Nhơn và ngày đưa tang cô, anh ta không về, vẫn mải vui đi tắm biển.

Chính truyện ngắn này tôi đã gửi cho không ít người đang rơi vào trạng thái bế tắc, muốn tự tử và họ tâm sự ý muốn này với tôi. Tôi chỉ muốn nói rằng khi bản thân con người ta bế tắc, tự tử, thì điều đau đớn, day dứt nhất là những điều họ để lại cho người thân, bạn bè.

Tôi đã có chính trải nghiệm đau đớn này lúc tôi mới 17 tuổi và đang học lớp 12, khi một người bạn trai thân thiết với tôi tự tử vì những bế tắc trong cuộc sống. Trước khi bạn ấy tự tử khoảng một tiếng đồng hồ, bạn ấy đến nhà tôi nhưng rất tiếc lúc ấy tôi không có ở nhà. Nỗi ân hận vì mình không có ở nhà, không kịp lắng nghe những câu tâm sự của bạn ấy, may ra thì bạn ấy sẽ đổi ý, nhưng đã quá muộn và nỗi ân hận ấy theo tôi đến tận bây giờ.
Luôn luôn những người ở lại sẽ tự dày vò bản thân là sao không kịp nhận biết, sao không kịp chia sẻ, sao không chịu gần gũi nhau thêm chút nữa, biết đâu người ấy sẽ không tự tử. Đặc biệt những người thân trong gia đình sẽ gánh một nỗi đau trong suốt cả cuộc đời còn lại của họ, nhất là các bậc cha mẹ.

Còn gì đau đớn hơn khi lá vàng trên cây chưa rụng mà lá xanh đã xa lìa cành. Nếu thật sự có tình thương với gia đình, bạn bè, người thân, thì xin những ai có ý định tự tử, hãy nhớ đến họ trước khi tự kết liễu cuộc đời mình.

Sở dĩ tôi nhắc đến việc này vì tôi nghĩ rằng tuổi teen có thể có những hành động rất tiêu cực, dễ dẫn đến việc hủy hoại bản thân mình. Khi ấy cha mẹ phải có những quan tâm, chia sẻ về mặt tâm lý để con mình kịp dừng chân trước vực thẳm.

TS Hà Thanh Vân trong những chuyến công tác đến Hà Nội

TS Hà Thanh Vân trong những chuyến công tác đến Hà Nội

Trong khi đi dạy, tôi cũng gặp một trường hợp tương tự khi biết tin một em nữ sinh viên của tôi tự tử, để lại nhiều đau xót cho gia đình, thầy cô, bạn bè. Khi ấy tôi đã choáng váng không tin và đau lòng đến trào nước mắt, nhất là khi đọc những dòng chữ tuyệt mệnh của em. Em có kết bạn trên Facebook tôi. Em xinh xắn, hiền lành, ngoan ngoãn. Thỉnh thoảng em nhắn tôi hỏi bài vở hay xin phép nghỉ học khi bận. Em là một cô bé rất ngoan, rất lễ phép và chu đáo. Vậy mà em đã không vượt qua được những khó khăn, trắc trở của bản thân mình.

Khi tôi đến viếng em, tôi chứng kiến cảnh người cha như hóa điên, kêu gào tuyệt vọng và nói những câu vô nghĩa, tự trách mình, rồi sau đó lại khóc đến cạn nước mắt đến mức gào khan thành tiếng.

Gần đây tôi lại đọc được tin tức một cô bé 12 tuổi ở Hà Nội tự tử và chỉ để lại một dòng chữ tuyệt mệnh: “Tạm biệt, tôi đi nhé.” Chắc chắn là dòng chữ ấy không để lại cho cha mẹ của cô bé. Dòng chữ ấy là viết trong nỗi bế tắc tận cùng khi mà không có ai bên cạnh để chia sẻ. Cô bé mất đi rồi, chỉ còn để lại sự ân hận, nuối tiếc của cha mẹ, người thân.
Khi một cô bé 12 tuổi xưng là tôi, ẩn sau đó là điều gì? Là sự hoang mang, u uẩn khi đối diện với cuộc đời, mà nhiều khi sự hoang mang ấy bắt đầu từ những điều rất nhỏ nhặt, chỉ cần người lớn có chút thời gian ngồi lại với cô bé, bình tâm nói chuyện nhẹ nhàng để giải tỏa tâm lý cho độ tuổi teen, tuổi nổi loạn.

Đừng bao giờ to tiếng với con, đừng bao giờ ra những mệnh lệnh theo kiểu áp đặt và nhớ một điều rằng hãy dành nhiều thời gian cho con mình trong điều kiện tốt nhất có thể.

Cách đây ba năm, báo chí đăng ồn ào về tấm thảm kịch một em học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến ở TP.HCM tự tử. Lúc đọc chi tiết em học sinh này quay lại nhìn bạn cười rồi nhảy xuống, tôi đã ứa nước mắt...

Mới đây thôi, chúng ta thấy có nam sinh viên từ Bình Định vào Sài Gòn đeo ba lô chứa 10 kg đá nhảy xuống sông tự tử. Gần đây nhất là một nam sinh lớp 10 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam nhảy từ tầng 28 xuống vào lúc 3 giờ 22 phút sáng vì áp lực học hành và sức ép của gia đình trong tiếng thét gào bất lực của cha mẹ, để lại một lá thư tuyệt mệnh… Tôi lại một lần nữa trào nước mắt.

Nhiều năm đi dạy, tôi đã chứng kiến quá nhiều những cha mẹ kỳ vọng như thế và những bi kịch như thế của con cái.

Với những người thân thương ở lại, người mất đi có thể là nỗi đau, nhưng cũng có khi sự tự tử ấy rơi vào thinh không. Tôi đã từng chứng kiến những chuyện thật ngoài đời, bế tắc vì tình, cô gái tự tử, chẳng bao lâu chàng trai đã vui duyên mới với một cô gái khác. Có cô vợ bế cả con tự tử với ý định để lại cho người chồng nỗi ân hận suốt đời, nhưng cũng chỉ vài năm sau, anh ta đã có một gia đình mới. Khi ấy cái chết của người ta trở nên vô nghĩa, chỉ làm thiệt mạng chính bản thân mình, như một viên đá ném xuống mặt hồ, có thể xao động nhưng rồi mặt hồ nhanh chóng bình lặng.

Vậy nên đừng bao giờ đánh mất sinh mạng bởi những kẻ mau chóng quên lãng mình như vậy, không đáng chút nào cả. Nhưng đây là câu chuyện của những người lớn. Còn thực tế, khi mà nuôi một cô bé, cậu bé đến khi gần trưởng thành, cô bé, cậu bé ấy lại xa rời cha mẹ mãi mãi, thì bất cứ bậc cha mẹ nào cũng đau đớn và không nguôi ngoai cho dù năm tháng đã qua đi.

Vậy khi chúng ta còn trẻ, chúng ta phải tự yêu quý bản thân mình. Sinh mạng của chúng ta là quý giá và không ai có quyền tước đoạt, kể cả chính chúng ta. Cuộc đời của chúng ta còn rất dài, đường đi của chúng ta còn ở phía trước và chúng ta còn cả một cuộc đời để sống, để làm việc, để yêu thương. Một ai đó không yêu thương mình thì chúng ta còn có tình yêu thương của những người khác. Mọi trắc trở, khó khăn trong học tập, công việc đều có thể được giải quyết nếu mình chọn được những giải pháp thích hợp.

Trong truyện ngắn “Khi người ta trẻ” của Phan Thị Vàng Anh viết, khi chúng ta còn trẻ, chúng ta điên đến mức nào và chúng ta cần bạn bè an ủi biết bao nhiêu. Đúng vậy, khi chúng ta cô đơn, chúng ta buồn nản, chúng ta tuyệt vọng, chúng ta hãy tìm đến với những người có thể chia sẻ với chúng ta, động viên, an ủi chúng ta, trước hết đó là cha mẹ. Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài cho đến khi lòng mình tạm ổn, tim mình bớt đau. Khi có ý nghĩ tự tử trong đầu, hãy nghĩ đến những người bị tai nạn, những người mắc bệnh hiểm nghèo, những người có hoàn cảnh khổ sở hơn mình. Họ là những người thiệt thòi, bất hạnh, đau yếu nhưng tại sao họ vẫn chiến đấu hàng giờ, hàng ngày cho sự sống của mình. Vậy tại sao chúng ta, những người mạnh khỏe, có học thức, có gia đình, chúng ta lại tự tước đi cuộc sống của mình? Cứ nghĩ xem: Ai bất hạnh hơn ai? Các bạn hãy nghĩ để từ đó đừng bao giờ làm những điều dại dột.