"Riêng với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò" (*). Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai năm học mới 2021-2022.
Như vậy Bộ trưởng đã nhận ra “triệt tiêu sự sáng tạo” là một căn bệnh nặng trong việc dạy học ngữ văn ở nhà trường phổ thông hiện nay. Nhưng bốc bài thuốc “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” liệu có ổn? Tiếc là Bộ trưởng không giải thích rõ “mẫu” trong “văn mẫu, bài mẫu” là gì. Theo nghĩa thông thường “mẫu” là mẫu mực, chuẩn, “cái theo đó có thể tạo ra hàng loạt những cái khác”, “cái có thể cho người ta hiểu biết về hàng loạt những cái khác cùng một kiểu” (**). Chắc Bộ Trưởng không dùng nghĩa phổ biến ấy, nhưng cách nói như trên có dẫn đến hiểu lầm, từ cực đoan này chạy sang cực đoan khác, chữa ngọn không chữa gốc hay không? Xin nêu một số ý kiến sau đây:
1- Học theo mẫu là cách học phổ biến nhất, môn Ngữ văn không ngoại lệ.
Vì yêu cầu duy trì cuộc sống, con người phải học nhiều thứ, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Vậy nên, không thể tràn lan, mà phải chọn cái gì tiêu biểu để học. Ví như bốn bài trên, thì phải chọn học những cách “ăn, nói, gói, mở” nào là mẫu mực nhất. Mỗi bài học dù có bắt đầu từ lý thuyết hay không thì cũng phải thông qua kiểu mẫu có sẵn. Đơn cử như khi còn nhỏ “học nói”, chỉ có cách học theo người gần nhất là mẹ. Mắt nhìn miệng mẹ, tai nghe tiếng của mẹ, bắt chước âm thanh, cách dùng từ ngữ, cách đặt câu,…bập bẹ mãi rồi mới nói được. Cứ thế, đến năm tuổi, đứa bé dù chẳng qua trường lớp nào, vẫn có thể diễn đạt những nội dung thiết yếu. Khi đến trường thì học thầy cô, bạn bè,… ra đời thì học theo đồng nghiệp, người nổi tiếng,…để nâng cao kỹ năng nói, kết hợp với luyện nghe, đọc, viết. Như vậy phương pháp “học theo bài mẫu”, luôn được loài người ưu tiên sử dụng.
Từ yêu cầu mới nhất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần thẳng tay dẹp bỏ nạn văn mẫu!
Minh Tuấn
Về chuyện sáng tác văn chương cũng vậy. Nếu không được nghe những câu lục bát ca dao, có thể qua lời ru của mẹ của bà, để những vần chân vần lưng, những câu 6 câu 8, những nhịp 2/2/2 êm ái,…ngấm vào máu, thử hỏi ông Nguyên Du có viết được Truyện Kiều? Không có mẫu thơ Đường nhập từ bên Tàu, liệu có thơ đường luật Việt Nam? Và không có những kiểu mẫu văn chương phương Tây, thì những năm đầu thế kỷ XX, Việt Nam có xuất hiện một nền văn học hiện đại rực rỡ chưa từng có hay không?.
Trong nhà trường cũng vậy. Cô giáo có giảng lý thuyết văn miêu tả nhiều đến đâu, nào là quan sát, chọn chi tiết, thứ tự miêu tả,…và học sinh dù có thuộc làu những định nghĩa, cũng không thể hình dung ra bài văn miêu tả thế nào, nếu không trực tiếp khảo sát một văn bản mẫu. Thầy giáo có giảng và bắt học sinh đọc vanh vách những khái niệm về các biện pháp tu từ, về các phép liên kết văn, …thì chúng cũng không thể nắm bắt và viết câu văn đoạn văn, bài văn như thế nào, nếu không được trực tiếp với các mẫu mực về tu từ, về liên kết.
Từ lâu ta đã phê phán cách dạy ở các cấp phổ thông bắt đầu từ lý thuyết. Cho nên để học sinh có thể nắm khái niệm, các thầy thường cho học sinh khảo sát mẫu trước. Muốn dạy khái niệm văn bản thơ, thì cho đọc những bài thơ làm mẫu, mới tiến tới hướng dẫn học sinh nhận ra đặc trưng thơ. Muốn dạy làm văn chứng minh, thì các thầy hay chọn đọc “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của cụ Hồ, một văn bản mẫu mực về văn chứng minh, rồi hướng dẫn cho học sinh phát hiện đặc trưng văn chứng minh, để mà bắt chước để làm các bài văn chứng minh khác…
Như vậy, nếu trong nhà trường “chấm dứt học theo văn mẫu” thì có khác gì loại bỏ việc dạy học ngữ văn?
2- Học ngữ văn theo mẫu hoàn toàn phù hợp với quy luật nhận thức
Có lẽ ai cũng nhớ câu nói nổi tiếng của Lê-nin: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan.” Như vậy, quá trình nhận thức của con người, thông thường theo thứ tự ba cấp. 1-Cảm giác, tri giác, biểu tượng. 2- Khái niệm, phán đoán, suy luận. 3- Kiểm định qua thực tiễn, khẳng định kết quả nhận thức. Trong đó, ở cấp độ 1- nhận thức cảm tính, hoạt động quan sát, khảo sát mẫu có sẵn vô cùng quan trọng, không thể bỏ qua.
Môn ngữ văn là một môn học, ở đây học sinh sẽ nhận được kiến thức, kỹ năng, thái độ khoa học đối với văn học và ngôn ngữ, thông qua hoạt động tư duy, hoạt động nhận thức. Bởi vậy, các môn học trong nhà trường, tất nhiên, bao gồm cả môn văn, đều chịu sự chi phối của quy luận đã nêu. Lấy ví dụ: Để học sinh đạt được mức độ tư duy trừu tượng (Cấp độ 2), nắm khái niệm, biết phán đoán, biết suy luận về các thể loại văn học như thơ, truyện, nghị luận,…thì bắt buộc, trước đó học sinh phải được khảo sát, được đọc trực tiếp các văn bản mẫu về thơ, truyện, nghị luận, một cách trực quan sinh động. Cũng có nghĩa học theo văn mẫu là chuyện tất yếu. Hay ví dụ khác: Để dạy học sinh cách làm văn nghị luận, học sinh được yêu cầu nắm vững các khái niệm: vấn đề, luận điểm, luận cứ, luận chứng, quy nạp, diễn dịch, tam đoạn luận, tổng phân hợp, v.v. Nhưng muốn đạt cấp độ nhận thức lý tính như vậy, thầy trước hết phải cho học sinh quan sát, khảo sát một cách trực quan những văn bản nghị luận có thể giúp người học hiểu được hàng loạt văn bản nghị luận cùng loại. Những văn bản đó nhất định phải gọi là “văn mẫu, bài mẫu”. Hay khi chấm bài tập làm văn, sau khi đã chỉ ra cái sai của của từng trò, thầy thường chọn đọc một bài điểm cao nhất của lớp, hoặc nếu không có thì lấy của bạn lớp khác, khóa khác để học sinh nghe và học tập. Trường hợp học sinh không biết mở bài, hay kết luận, thầy không thể chỉ thao thao về cách mở trực tiếp, gián tiếp, cách kết bài khép lại, hoặc mở ra,… mà phải đưa ra các đoạn văn (sưu tầm hay từ thầy soạn) mẫu mực dẫn chứng cho học sinh tham khảo. Đó chính là cách dạy và học theo văn mẫu. Như vậy, cách dùng văn mẫu để dạy - học là cần thiết là hợp quy luật.
Nhà trường nhất định phải là nơi lưu trữ đầy đủ nhất các loại mẫu tốt đẹp, văn minh, hiện đại. Môi trường cảnh quan, cơ sở vật chất và đặc biệt là hình ảnh người thầy và phương tiện học tập. Trong môn văn phải có văn mẫu. Những câu: “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, “Cha nào con nấy”, “Vua sáng, tôi hiền”, “Thầy nào trò nấy” như là các “định lý” nhấn mạnh sự tác động mạnh mẽ kết quả đào tạo con người của các loại mẫu. Riêng môn ngữ văn, nếu học sinh không được học những văn bản mẫu của nhân loại, của thầy, của bạn hiện tại, thì lấy gì mà noi theo mà sáng tạo? Một điều rất dở là với môn ngữ văn, chưa thấy một trường phổ thông nào lưu giữ các bài văn mẫu của học sinh trường mình. Sẽ xúc động biết bao nhiêu nếu cựu học sinh quay lại trường thấy bài làm của mình ba bốn chục năm trước! Giá trị giáo dục sẽ hiệu quả biết mấy nếu học sinh hiện tại được đọc các bài văn của các anh chị thậm chí của cha ông mình thời xa xưa!
Bộ trưởng đã đề ra giải pháp “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” để khắc phục vấn nạn “triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò” trong việc dạy và học môn ngữ văn. Nhưng vấn nạn ấy không thể đổ lỗi cho “văn mẫu”. Văn mẫu nếu đúng là mẫu mực, được thời gian kiểm chứng, bao giờ cũng có sức sống lâu bền, có những khả năng tiềm tàng tác động đến con người. Học trò mà thuộc lòng những văn bản mẫu đó để dùng cả đời thì tốt biết mấy. Thầy cô dạy văn, cũng như sách giáo khoa cũng chỉ có lỗi nếu chọn những văn bản không có giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục, và coi là mẫu để bắt học sinh học
3- Không phải văn mẫu, mà cái có lỗi là những “bài thi văn được làm sẵn”.
Cái mà Bộ trưởng gọi là “văn mẫu” thực ra là những đáp án được soạn sẵn, bài thi văn được làm sẵn chủ yếu để đối phó với các kỳ thi. Tai hại nằm ở những bài, những văn bản kiểu này. Hoạt động của giáo viên dạy văn chỉ bó hẹp trong việc dạy những bài văn làm sẵn. Học sinh chẳng phải động não, việc học chỉ còn ở hoạt động thuộc lòng những đáp án có sẵn ấy. Nhưng vấn đề là tại sao với cách dạy học nhàn nhã ấy, thầy và trò vẫn đủ sức ứng phó với đề thi của Bộ? Đây mới là chỗ triệt tiêu sáng tạo.
Không thể nói để xảy ra tình trạng “triệt tiêu sáng tạo” trong việc dạy học văn mà không có lỗi của thầy cô đứng lớp, của bản thân học sinh, của những người viết cái gọi là “văn mẫu” để kiếm tiền. Nhưng lỗi của họ chỉ là hệ lụy từ chỉ đạo của Bộ chủ quản. Nhiều giáo viên chắc chắn bất đắc dĩ phải chọn cách dạy này vì nó phù hợp với định hướng của Bộ để học sinh thi đỗ. Học sinh đa số sẽ chọn cách học mà có thể dễ dàng lọt kỳ thi do Bộ tổ chức. Bài làm sẵn, nếu vẫn có người mua, thì chẳng bao giờ hết người viết. Câu hỏi cần đặt ra là quy chế, quy định nào đã tạo ra cách dạy học "thực dụng", phản khoa học, khiến cho học sinh không cần sáng tạo chỉ cần thuộc những bài thi văn làm sẵn cũng đủ vốn liếng vượt cấp, lấy bằng tốt nghiệp, thậm chí đỗ vào đại học với điểm cao?
Điều này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhận thức lại một cách khoa học, và phải có cách xử lý dứt khoát bài bản, chứ không chỉ đơn giản kê thuốc bằng một tuyên bố hành chính chung chung: “chấm dứt học văn mẫu, bài mẫu”.
--
* https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/
* Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội – Trung tâm từ điển học, H. 1994, tr.603