GS TS Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam |
PV: Ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội?
GS TS. Nguyễn Hữu Minh: Thế giới khoa học của chúng ta được phân chia thành khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH). KHTN tập trung vào phân tích, lý giải các hiện tượng tự nhiên và sử dụng các phương pháp khoa học. Còn KHXH thì tập trung vào các quan hệ xã hội và nghiên cứu xã hội loài người.
Đương nhiên, về mặt phương pháp luận thì KHXH cũng sử dụng rất nhiều phương pháp, công cụ của KHTN để đảm bảo cung cấp những bằng chứng khách quan về xã hội loài người. Ngoài ra, KHXH còn sử dụng những phương pháp đặc trưng của mình để phê bình, diễn giải…
Trong bối cảnh của xã hội hiện nay, những phương pháp, công cụ của KHTN được áp dụng khá nhiều trong nghiên cứu KHXH. Và điều đó giúp ích rất nhiều để đảm bảo cho những kết quả nghiên cứu xã hội có độ tin cậy cao hơn.
PV: Khoa học công nghệ càng phát triển thì rất nhiều vấn đề xã hội chắc chắn sẽ nảy sinh. Theo ông, các chuyên gia KHXH đã và sẽ phải làm gì trong bối cảnh đó?
GS TS Nguyễn Hữu Minh: Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến xã hội rất lớn. Quá trình hội nhập quốc tế cùng với CMCN 4.0, những vấn đề về kết nối, số hóa, sự tác động tăng lên của máy móc, công nghệ, Internet… vào đời sống con người đã đặt ra rất nhiều yêu cầu mới.
Đương nhiên, sự biến chuyển của CMCN 4.0 sẽ đưa lại rất nhiều lợi ích cho con người. Nhưng đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức. Đặc biệt là khi công nghệ và máy móc, kỹ thuật… dần thay thế các hoạt động của con người sẽ đòi hỏi chính con người phải có sự thích ứng để có thể làm việc trong môi trường mới. Và thách thức cũng đặt ra là nhiều người sẽ bị mất việc. Vậy thì, tầng lớp lao động nào sẽ dễ thích ứng với CMCN 4.0? Điều này đòi hỏi các ngành KHXH mà đặc biệt là xã hội học phải nghiên cứu. Những chuyển biến về mặt xã hội, thể chế cũng như cấu trúc hạ tầng cũng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các cá nhân với xã hội nói chung. Chính vì thế, những nghiên cứu xã hội học nói riêng và KHXH nói chung là phải hướng vào những vấn đề đó.
Đời sống con người là rất phong phú và trong thời đại 4.0 sẽ có rất nhiều vấn đề mới và đòi hỏi phải có nghiên cứu KHXH để phân tích, lý giải chứ KHTN không đi vào đó. KHTN có thể đưa ra rất nhiều kết quả, thành tựu nhưng con người thích ứng như thế nào thì KHTN không nghiên cứu. Tuy nhiên, KHXH ở Việt Nam tập trung vào những thực tế này vẫn còn ít. Sở dĩ như vậy không phải là vì các nhà KHXH không nghĩ ra mà do còn nhiều hạn chế về nguồn lực, tri thức… để có thể triển khai những nghiên cứu mới.
Trong lĩnh vực xã hội học, chúng tôi cũng đã có những nghiên cứu về văn hoá tiêu dùng trong bối cảnh CMCN 4.0, tác động của việc học trực tuyến, tác động của kỹ thuật số đối với khám chữa bệnh, tác động của mạng xã hội với con người, gia đình… Đó là những chủ đề rất quan trọng của xã hội học. Hiện nay ở Việt Nam đã có khá nhiều nghiên cứu một cách rất trực tiếp về tác động của Internet và mạng xã hội với thanh niên, học sinh… Thế nhưng, những nghiên cứu lớn mang tính tổng thể về KHXH trong bối cảnh CMCN 4.0 thì vẫn còn ít.
Trong CMCN 4.0, phụ nữ và người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương nhất. Thực trạng hiện nay là phụ nữ có học vấn thấp hơn và làm những công việc đơn giản hơn. Nhóm người dân tộc thiểu số về cơ bản cũng có học vấn thấp hơn. Vì vậy, khả năng thích ứng của họ với kỹ thuật và công nghệ sẽ bị hạn chế hơn. Chúng tôi cũng đã có những ý tưởng nghiên cứu với các đối tượng này nhưng cũng chưa triển khai được bao nhiêu.
Và nói ở tầm vĩ mô thì con người phải tồn tại như thế nào, quan hệ với nhau như thế nào trong bối cảnh CMCN 4.0? Sự vận hành của xã hội và thể chế cũng phải đáp ứng cho những đòi hỏi của bối cảnh mới.
PV: Vậy ông nghĩ gì về giáo dục đại học mà trong đó chắc chắn phải đưa kiến thức KHXH vào các ngành KHTN và cập nhật kiến thức KHTN cho các ngành KHXH?
GS TS Nguyễn Hữu Minh: CMCN 4.0 đã dẫn đến việc phải thay đổi trong giáo dục nhất là giáo dục đại học. Đó là các kiến thức phải được tổng hợp. Ngay từ giáo dục phổ thông người ta đã đưa vào chương trình các kiến thức STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Hình thức giáo dục đó là để đảm bảo cho con người có thể thích ứng và ứng phó một cách nhanh nhất với những biến chuyển của xã hội cũng như của đời sống.
Thực ra, ở Việt Nam không phải là kiến thức KHXH không được dạy trong các trường KHTN. Trong hai năm đầu của bậc đại học một số môn khoa học xã hội đã được dạy ở tất cả các trường đại học. Tuy nhiên, theo tôi là chưa đủ và thực sự cập nhật. Vấn đề quan trọng để có hiệu quả chính là ý thức của con người. Có vẻ như ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng bảo lưu về truyền thống phân ngành trong học tập. Có nhiều người làm việc, học tập trong lĩnh vực KHTN không coi trọng đúng mức tri thức về KHXH. Trong khi đó cũng không ít người của KHXH cho rằng kiến thức về KHTN không liên quan đến lĩnh vực của mình và ngại vận dụng những thành tựu về phương pháp nghiên cứu của KHTN. Đó cũng là điểm khó trong sự phối hợp giữa KHXH và KHTN đang tồn tại mặc dù không ít chuyên gia KHXH trong đó có tôi là xuất thân từ KHTN.
Việc vận dụng các kiến thức KHTN để nghiên cứu KHXH là rất quan trọng để có thể đưa ra những bằng chứng xác thực. STEM chính là xu hướng để giúp kết hợp kiến thức liên ngành để đưa ra câu trả lời một cách thực tế và nhanh gọn cho những nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, xu hướng đó thể hiện như thế nào trong hệ thống giáo dục đại học thì hiện nay chưa rõ. Và có lẽ đây cũng là một chủ đề nghiên cứu của KHXH.
PV: Như ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet đã phát biểu với VietTimes: Sự vào cuộc của các nhà xã hội học trong thế giới số là vô cùng quan trọng. Vậy cá nhân ông và Hội Xã hội học Việt Nam sẽ đáp lại thiện chí này như thế nào?
GS TS Nguyễn Hữu Minh: Trong Hội chúng tôi có một số nhà xã hội học am hiểu nhiều về vấn đề chuyển đổi số và chúng tôi cũng thường trao đổi về việc xã hội học sẽ đóng góp như thế nào vào công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam. Về vấn đề này, tôi có mấy ý như sau:
- Chuyển đổi số là quá trình ĐÃ và ĐANG diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và trên thế giới. Chuyển đổi số là TẤT YẾU.
- Chuyển đổi số dựa trên công nghệ số nhưng công nghệ số CHỈ LÀ CÔNG CỤ, không phải là cái quyết định chuyển đổi số thành công hay không. Một quốc gia hay doanh nghiệp, tổ chức có chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào 3 điều theo thứ tự ưu tiên: (1) Thể chế, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế. (2) Nguồn nhân lực bao gồm cả chuyên gia về CNTT lẫn con người phải có kỹ năng số, cả người dân sử dụng dịch vụ lẫn doanh nghiệp, sản xuất và (3) Hạ tầng số mà trong đó DỮ LIỆU và KẾT NỐI là hai điểm then chốt của hạ tầng số, là “hạ tầng của hạ tầng”. Dữ liệu là cực kỳ quan trọng nhưng nếu không có sự kết nối dữ liệu thì chuyển đổi số rất khó thành công.
Trong cả 3 điều kiện nói trên đều hàm ý con người là quyết định mọi chuyện. Con người mà quan trọng là người lãnh đạo sẽ quyết định thể chế, đảm bảo thực thi kinh tế số và xã hội số. Chính con người cũng tạo ra và sử dụng dữ liệu, quyết định dữ liệu được kết nối như thế nào… Nghĩa là trong cả 3 điều kiện nêu trên đều có VẤN ĐỀ XÃ HỘI HỌC.
Chúng tôi cám ơn thiện chí của ông Vũ Hoàng Liên và rất hy vọng vào sự hợp tác liên ngành về KHXH trong tiến trình chuyển đổi số của đất nước. Chắc chắn sẽ có rất nhiều việc cần phải làm nhưng quan trọng nhất vẫn là sự kết nối về mặt xã hội giữa các chuyên gia của hai bên với nhau.
PV: Xin cám ơn ông!