EU xem xét kết thúc bảo vệ tạm thời cho người tị nạn Ukraine: Hơn 4 triệu người chịu rủi ro

Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc rút lại chương trình bảo vệ tạm thời cho 4,3 triệu người tị nạn Ukraine. Quyết định có thể được bàn thảo vào tháng 6 tới trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng với các nước thành viên.
Nhiều người dân đến từ Ukraine đang xuống tàu tại nhà ga xe lửa ở Ba Lan. Ảnh: Getty.

Liên minh châu Âu (EU) đã tiếp nhận khoảng 4,3 triệu người Ukraine theo chương trình bảo vệ tạm thời dành cho người phải di dời do chiến tranh. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên EU hiện đang chuẩn bị xem xét lại tư cách pháp lý của những người tị nạn Ukraine sinh sống trong khối, theo một nguồn tin ngoại giao được Euractiv trích dẫn hôm 26/5. Các cuộc thảo luận về khả năng kết thúc Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời (TPD) có thể bắt đầu ngay từ tháng 6.

Brussels đã kích hoạt TPD không lâu sau khi xung đột Ukraine leo thang vào đầu năm 2022. Chỉ thị này được thiết lập từ năm 2001, cung cấp hàng loạt quyền lợi cho người tị nạn như giấy phép cư trú, nhà ở, quyền làm việc, giáo dục, chăm sóc y tế, hỗ trợ tài chính và dịch vụ xã hội. Ban đầu chương trình dự kiến kết thúc vào tháng 3/2025, nhưng gần đây đã được gia hạn thêm một năm, đến tháng 3/2026.

Theo một nhà ngoại giao giấu tên, các cuộc thảo luận về "chiến lược rút lui" đang ngày càng gia tăng phía sau hậu trường, trong bối cảnh “bối cảnh địa chính trị đang thay đổi”. Vấn đề này dự kiến sẽ là trọng tâm tại Hội nghị Hội đồng Tư pháp và Nội vụ EU diễn ra vào ngày 12–13/6 tới.

Mặc dù hầu hết các quốc gia thành viên hiện vẫn ủng hộ tiếp tục chương trình, Euractiv lưu ý rằng các chuyên gia pháp lý cảnh báo việc gia hạn liên tiếp có thể làm “méo mó” mục tiêu ban đầu của chỉ thị này.

“Chúng ta đã bước vào vùng nguy hiểm với lần gia hạn vừa rồi”, ông Martin Wagner – cố vấn chính sách cao cấp tại Trung tâm Quốc tế Phát triển Chính sách Di cư – nói với Euractiv. “Nếu hiểu chỉ thị một cách đơn giản, thì sau ba năm, nó phải kết thúc”.

Ông Wagner nhấn mạnh sự cần thiết của “một cuộc thảo luận thực sự về các lựa chọn thay thế và cách rút lui khỏi bảo vệ tạm thời theo cách nào đó”, vì chỉ thị này không được thiết kế để tồn tại lâu dài.

Một nhà ngoại giao giấu tên khác cảnh báo rằng EU đang đối mặt nguy cơ “quá tải hệ thống tị nạn quốc gia – điều mà TPD vốn được tạo ra để ngăn chặn”.

Theo ông Wagner, số lượng người thụ hưởng hiện nay là “gấp nhiều lần so với mức mà các quốc gia thường xử lý”, và gọi thực trạng hiện tại là “một gánh nặng vô cùng lớn”.

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh các quốc gia thành viên EU đang gặp nhiều thách thức trong việc quản lý dòng người tị nạn Ukraine. Theo dữ liệu từ Eurostat tính đến tháng 3/2025, đã có hơn 4,3 triệu người Ukraine được cấp quy chế bảo vệ tạm thời tại EU.

Dù Brussels vẫn giữ quan điểm rằng cần tiếp tục hỗ trợ, một số chính phủ đang xem xét lại mức độ viện trợ mà họ có thể duy trì. Đức, hiện đang tiếp nhận hơn 1,2 triệu người tị nạn Ukraine, đã bắt đầu cắt giảm các khoản trợ cấp xã hội vì lo ngại không thể duy trì lâu dài. Trong khi đó, Ba Lan phản đối việc tiếp nhận thêm người di cư theo đề xuất hiệp ước di cư mới của EU.

Trong khi châu Âu tiếp tục tranh luận về tương lai của hàng triệu người tị nạn Ukraine, có báo cáo cho thấy nhiều người Ukraine đã di cư sang Nga hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo một quan chức thực thi pháp luật được hãng tin TASS trích dẫn, tính đến năm 2023, đã có khoảng 5,5 triệu người di cư sang Nga.