Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ: Nhật Bản đã chọn phe?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giới quan sát ở Trung Quốc cho rằng định hướng chiến lược của Nhật Bản đã thay đổi và những tiếng nói ủng hộ Bắc Kinh ở nước này cũng bị dập tắt.
Theo giới quan sát, quan hệ Trung-Nhật đang ở ngã ba đường (Ảnh: Shutterstock)
Theo giới quan sát, quan hệ Trung-Nhật đang ở ngã ba đường (Ảnh: Shutterstock)

Hai “gã khổng lồ” của châu Á – Trung Quốc và Nhật Bản – là hai nước láng giềng không hòa thuận. Mặc dù họ đã gạt sang một bên sự thù hận trong lịch sử và sự bất hoà trong những ngày đầu đại dịch COVID-19 – Nhật Bản gửi khẩu trang cho Trung Quốc mang theo một đoạn thơ nói rằng họ “cùng chia sẻ ngọn gió và ánh trăng trên cùng một bầu trời” – nhưng rồi căng thẳng lại gia tăng.

Bắc Kinh đang bất hòa với phương Tây, mà Nhật Bản – đồng minh của Mỹ – bị đẩy vào vị trí đi trên dây giữa một bên là Trung Quốc và bên còn lại là Mỹ. Nhưng trong những tuần gần đây, một số quan chức cấp cao của Nhật Bản đã phá vỡ quan điểm trung lập vốn có của họ khi lên tiếng ủng hộ Đài Loan, điều khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

Các nhà quan sát ở Trung Quốc lập tức đặt nghi vấn: Có phải Nhật Bản đã chính thức chọn phe?

“Định hướng chiến lược của Nhật đã thay đổi kể từ khi (Tổng thống Mỹ Joe) Biden nhậm chức” – Hu Jiping, phó chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, nói tại một hội thảo tổ chức tại Bắc Kinh – “Để làm thỏa mãn nước Mỹ, Nhật Bản đã thổi phồng cuộc xung đột trên biển Hoa Đông và nhấn nhiều hơn vào sự khác biệt với Trung Quóc xét về an ninh và các giá trị dân chủ”.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản thường được mô tả là “nóng về kinh tế, lạnh về chính trị”, phản ánh một thực tế rằng quan hệ kinh tế năng động giữa hai nước không thể giúp quan hệ chính trị thêm gần gũi hơn. Theo ông Hu, những động thái chống lại Bắc Kinh mới đây của Nhật Bản cho thấy Tokyo sẵn sàng hy sinh quan hệ kinh tế để đổi lấy hợp tác an ninh với Mỹ.

“Quan hệ Trung-Nhật dường như đang ở ngã ba đường” – Hu nói – “Đây là một diễn biến đáng lo ngại”.

Hai nước vốn đã có quan hệ căng thẳng do tranh chấp một nhóm đảo không người ở trên biển Hoa Đông mà phía Trung Quốc họi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Càng căng thẳng hơn khi vào tháng 1/2021, Trung Quốc đưa ra Luật Hải cảnh mới cho phép lực lượng hải cảnh nước họ nổ súng vào các tàu nước ngoài, khiến Nhật Bản hết sức lo lắng.

Thêm nữa, Bắc Kinh tăng sức ép đối với Đài Loan, trong đó thường xuyên cử chiến đấu cơ đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này. Gần đây, giới chức Tokyo ngày càng công khai ủng hộ Đài Loan hơn.

Cuối tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama đã đặt câu hỏi về quan điểm truyền thống của các nước như Nhật Bản và Mỹ khi tuân theo chính sách “Một Trung Quốc” – công nhận Bắc Kinh thay vì Đài Bắc – nói rằng các nước dân chủ “cần phải bảo vệ Đài Loan như một quốc gia dân chủ”.

Trong tháng này, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso nói rằng đất nước ông phải cùng với Mỹ bảo vệ Đài Loan trong trường họp hòn đảo này bị tấn công, và rằng Nhật nên coi xung đột ở Eo biển Đài Loan như một mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh của họ.

Bắc Kinh luôn coi Đài Loan như một phần lãnh thổ của họ và cần phải được tái thống nhất, dù có phải sử dụng vũ lực.

Đài Loan giờ đã trở thành “điểm nóng”. Trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tháng 4, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu an ninh của Đài Loan như một ưu tiên của khối đồng minh, kêu gọi “hòa bình và sự ổn định”. Nhật cũng nêu nhiều quan ngại về Eo biển Đài Loan trong Sách trắng quốc phòng mà họ công bố mới đây.

“Bình ổn tình hình xung quanh Đài Loan là việc quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế. Bởi vậy, chúng ta cần phải chú ý sát sao tình hình với cảm giác khủng hoảng hơn bao giờ hết” – Sách trắng quốc phòng Nhật Bản nêu rõ.

“Cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan đang nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc, và khoảng cách này dường như lớn lên theo từng năm. Cần phải chú ý tới những xu hướng như việc Trung Quốc và Đài Loan tăng cường sức mạnh quân sự, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và việc Đài Loan tự phát triển các trang thiết bị quân sự chính của họ”.

Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Yasuhide Nakayama cho rằng các nước dân chủ "cần phải bảo vệ Đài Loan như một quốc gia dân chủ" (Ảnh: Reuters)

Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Yasuhide Nakayama cho rằng các nước dân chủ "cần phải bảo vệ Đài Loan như một quốc gia dân chủ" (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Nhật Bản lại khẳng định rằng chính sách của họ với Đài Loan không hề thay đổi.

Một quan chức quốc phòng nước này nói rằng, không giống như Mỹ và các đồng minh phương Tây, Nhật Bản sẽ không công nhận Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh, mà chỉ quan ngại về việc phát triển sức mạnh quân sự của họ. “Chúng tôi đã phân tích rất kỹ lưỡng về khả năng của Trung Quốc trong Sách trắng quốc phòng, đặc biệt là về tên lửa đạn đạo, sức mạnh hạt nhân của họ và tình hình ở Biển Đông, biển Hoa Đông”, vị quan chức cho hay.

Bắc Kinh đã tỏ ra kiềm chế trong phản ứng của họ trước những phát ngôn mà Tokyo đưa ra mới đây, trong đó cáo buộc Nhật Bản là “nước chư hầu” của Mỹ, nhưng tránh sử dụng những luận điệu mang tư tưởng dân tộc như từng thấy vào năm 2012 – thời điểm mà các cuộc biểu tình bùng phát ở Trung Quốc và người tiêu dùng tẩy chay các nhãn hàng Nhật do tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Phần lớn sự chỉ trích từ phái Trung Quốc chỉ nhằm vào quyết định của Nhật xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

“Phía Trung Quốc đã triệu tập các nhà ngoại giao của chúng tôi ngay lập tức sau khi chúng tôi tuyên bố quyết định (xả thải ở Fukushima). Nhưng lạ lùng thay, họ không làm như vậy sau khi cái tên Đài Loan được nhắc tới trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật” – một quan chức Nhật Bản giấu tên nói với SCMP.

Theo một bài viết của Financial Times, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự chung để chuẩn bị cho viễn cảnh xung đột với Bắc Kinh do vấn đề Đài Loan.

Tranh chấp tại Senkaku/Điếu Ngư được xem là nguồn cơn căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Tranh chấp tại Senkaku/Điếu Ngư được xem là nguồn cơn căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Nhật Bản cũng đang tăng cường sức mạnh quân sự và quan hệ ngoại giao với các thế lực tầm trung khác như Anh và Đức. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi hồi đầu tháng này nói rằng các cuộc tập trận chung sẽ được tổ chức với tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh lần đầu tiên tại Sừng châu Phi. Ông Kishi nói rằng cuộc tập trận sẽ tập trung vào chống cướp biển, nhưng một quan chức quốc phòng khác lại nói rằng nó cũng nhằm gây sức ép với Bắc Kinh.

Trong lúc mối quan hệ giữa hai nước láng giềng càng trở nên căng thẳng hơn, các nhà quan sát đã chỉ ra nguyên nhân là Nhật Bản đang thiếu những người đưa ra quyết định có tư tưởng thân Bắc Kinh. Họ nói rằng ông Toshihiro Nikai – Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, được xem là một trong những tiếng nói ủng hộ Trung Quốc – đã bị bịt miệng giữa làn sóng chống Trung Quốc đang lên.

“Nhật Bản vốn nổi tiếng là kín tiếng và hay nói mập mờ, bởi vậy việc họ thể hiện rõ ràng các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương là điều cực kỳ hiếm thấy” – Liu Jiangyong, chuyên gia về các vấn đề Nhật Bản đến từ ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói.

“Không phải trùng hợp khi mà hết lần này tới lần khác, giới chính trị gia Nhật Bản thảo luận về vấn đề Đài Loan” – ông Liu nói – “Luôn luôn có một nhóm các chính trị gia Nhật – bao gồm ông Kishi và Nakayama – duy trì quan hệ gần gũi với các thế lực ủng hộ độc lập ở Đài Loan. Giờ đây, những người này đang ở các vị trí cao, nắm giữ quyền quyết định các chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nhật Bản, trong khi những người ủng hộ Trung Quốc không thể lên tiếng”.